Ngày 25.7.2022, tại Đông Hà – Quảng Trị, sự kiện “Quảng Trị – Khát vọng hòa bình” được tổ chức với nhiều tham luận của các đại biểu trong và ngoài nước.
Bên cạnh các cơ quan tổ chức là Viện Tư liệu phim Việt Nam, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ Quảng Trị, còn có sự phối hợp của Quỹ Châu Âu mang tên đạo diễn điện ảnh Joris Ivens, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam, Trung tâm hành động chống bom mìn ở Quảng Trị, Renew Project.
Tại hội thảo, đạo diễn phim tài liệu Xuân Phượng đã tham luận với bài hồi ức về những ngày tháng làm phim ở tuyến lửa Vĩnh Linh cùng kỷ niệm với những người từng ở bên kia chiến tuyến, nay có cùng khát vọng hòa bình cho nhân loại.
Người Đô Thị xin giới thiệu bài viết này của đạo diễn Xuân Phượng.
Đạo diễn Xuân Phượng gặp lại dũng sĩ 9 tuổi Phạm Công Đức, Gio Linh 19.6.2022. Ảnh: Đức Thắng
Trưa ngày 19.6.2022, chú Thắng lái xe, dừng lại trước cổng nhà số 1 đường Dốc Miếu, thị xã Gio Linh, Quảng Trị và bấm chuông. Một người từ trong nhà bước ra, đúng Phạm Công Đức rồi. Muốn tạo bất ngờ, lúc ấy tôi mới từ từ ra khỏi xe. Đức sững lại vài giây rồi hai cô cháu tôi ôm chầm lấy nhau, như bao lần được gặp lại.
Giữa Đức và tôi có những cuộc gặp gỡ khó quên.
Trên năm mươi năm trước, năm 1967, tôi là thành viên trong đoàn quay phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân của đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens. Tối hôm ấy, dưới địa đạo mịt mùng, leo lét một ngọn đèn dầu, anh Hoàng, người hướng dẫn cho đoàn, giới thiệu: “Sáng mai chúng ta sẽ gặp một em bé mới chín tuổi đã thông minh gan dạ lọt vào sân bay Ái Tử và đã đo được kích thước của sân bay để báo cho bộ đội ta. Em được phong Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Tờ mờ sáng hôm sau. Đang lò dò từng bước từ trong lòng đất âm u, tôi hơi lảo đảo, ngây ngất và hoa mắt vì ánh nắng sớm Vĩnh Linh. Tiếng cười nói lao xao dưới một lùm tre rậm rạp lẫn với tiếng gầm rít điên dại của máy bay trinh sát Mỹ đang xé nát bầu trời làm tôi tỉnh táo lại.
Trên nóc một chiếc xe quân sự, một em bé mặc quần áo màu đen xám vấy bùn, chiếc mũ bộ đội sùm sụp che quá trán, đang cười nói rôm rả với mấy chú xung quanh. Một khẩu AK ôm sát người.
Phạm Công Đức năm 9 tuổi, Vĩnh Linh 1967 (ảnh cắt từ phim của Joris Ivens)
Cuộc phỏng vấn bé Đức bắt đầu.
Đức kể mình đã cùng mấy đứa bạn chơi trò đánh khăng, chiếc khăng dài đo đúng một mét. Vừa hò hét, vừa chạy nhảy, các cháu đo được hai chiều của sân bay và tối đã báo lại với các chú bộ đội. Quân Mỹ không hề nghi ngờ lũ nhóc nghịch ngợm trong làng, bộ đội ta có thêm tài liệu để pháo kích chính xác vào vị trí địch.
Ông Joris Ivens gật gật đầu, ra hiệu cho tôi cứ tiếp tục hỏi.
– Tại sao cháu giúp các chú bộ đội?
– Tại các chú đánh lại bọn Mỹ đang thả bom giết bà con của cháu.
– Cháu có sợ Mỹ không?
– Không sợ, cháu không sợ vì các chú bộ đội đã bắn rơi máy bay của chúng.
– Thế cháu có sợ ma không?
– Ma thì cháu… (ngập ngừng)… ma thì… cháu sợ.
Cứ thế cuộc trò chuyện của cô cháu tôi tiếp diễn dưới cái nắng gay gắt oi nồng. Đức mệt rồi, mồ hôi rịn trán, rồi em ngáp. Tiếng máy quay vẫn rè rè chạy. Em bé chín tuổi không trả lời nữa, ngáp thêm vài cái, nước mắt chảy ràn rụa, rồi em quay xuống tháo lắp thành thạo khẩu AK từ sáng đến giờ vẫn nằm trong lòng.
Trường đoạn này, đạo diễn chủ ý đưa hết lên phim.
Khi chiếu phim này tại một trường đại học Mỹ, có người đứng lên chất vấn Joris Ivens: “Ông nghĩ gì khi thích thú để hình ảnh một em bé mới lên 9 tuổi sử dụng thành thạo một vũ khí giết người?”.
Joris Ivens: “Tôi không hề thích thú, ông tin tôi đi. Nhưng nếu trong một buổi ăn tối bình thường trong gia đình, bỗng một tên hay nhiều tên cùng xông vào, lần lượt bắn chết từng người, rồi sau lại dội bom tàn phá ngôi nhà của họ, thì lúc đó cháu bé chín tuổi kia có quyền cầm súng để báo thù hay không?”.
Tháng 6 năm 2006, nhà đạo diễn lừng danh đã qua đời đúng 17 năm. Trong căn hộ số nhà 61 đường Saint Pères tại Paris, bà Marceline Loridan-Ivens tâm sự: “Joris và tôi luôn mong ước được người dân Vĩnh Linh xem bộ phim về cha ông anh hùng của mình, cũng như mong muốn được biết số phận của những nhân vật trong phim sau chiến tranh”.
Bàn kế hoạch đi Vĩnh Linh – Joris Ivens và Xuân Phượng. Ảnh: TLNV
Tháng 6 năm 2007, chúng tôi lên đường vào Vĩnh Linh, làm bộ phim Vĩnh Linh 40 năm sau. Phim này do chính con trai tôi, Nguyễn Phước, làm đạo diễn. Đồng thời, đem phim của ông bà Joris Ivens thực hiện năm 1967 đến Quảng Trị. Sau những đêm chiếu phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân trên những chiếc sân gạch rộng rãi, mát mẻ của các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Mốc… bà con được nhìn thấy những gương mặt của cha ông mình và của chính mình đối mặt dũng cảm với bom đạn và chết chóc của gần nửa thế kỷ trước. Chúng tôi được bà con mời về nhà, hãnh diện khoe ngôi nhà trên mặt đất, khoe vườn tiêu từ nay tự do đón ánh nắng mặt trời.
Riêng em bé chín tuổi Phạm Công Đức thì không có một tin tức nào.
Không sợ cái nóng gay gắt như đổ lửa, đúng là chang chang cồn cát, chúng tôi đi lùng sục khắp Vĩnh Linh và vài xã ở Quảng Bình. Không có kết quả. Bom đạn đã không từ một ai chăng?
Đêm cuối cùng của đoàn làm phim tại Quảng Trị. Tôi buồn bã tâm sự với Phan Khiêm, người quay phim của tỉnh đã giúp chúng tôi trong suốt chuyến đi này: “Ân hận là không thể tìm ra Phạm Công Đức, chú bé 9 tuổi thông minh gan dạ… Nếu còn sống thì năm nay Đức đã 49 tuổi rồi”.
Khiêm nói: “Thầy giáo toán của cháu cũng tên là Đức. Thầy cũng vào tuổi trên 40…”. Linh tính nghề nghiệp, tôi hỏi Khiêm dồn dập: “Cháu có gọi điện cho thầy giáo Đức giúp cô được không?”.
Khiêm bấm máy gọi luôn. Một giọng Quảng Trị nằng nặng vang lên: “Có việc chi rứa?”.
“Thưa thầy, có cô Xuân Phượng, người đã quay phim ở Vĩnh Linh năm 1967, muốn hỏi thăm thầy…”.
Đường dây điện thoại bị cắt đột ngột. Khoảng hai mươi phút sau, một bóng người hấp tấp chạy vào sảnh. Đây rồi, cháu Đức của tôi đây rồi. Bốn mươi năm không có nhiều thay đổi, vẫn những chiếc răng khểnh ấy, vẫn nét mặt hiền hậu ấy, vẫn nụ cười ấy… Đức trân trân nhìn tôi, lắp bắp: “Trời ơi, o Phượng, o Phượng!”. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy dài.
Sáng hôm sau, Đức đưa tôi về thăm ngôi – nhà – trên – mặt – đất của cháu. Vợ Đức và bốn con tươi cười dẫn tôi vào phòng khách. Bên cạnh một bồn hoa tóc tiên là một vườn tiêu trĩu hạt.
Gặp lại sau 40 năm – đạo diễn Xuân Phượng và gia đình Phạm Công Đức năm 2007. Ảnh: TLNV
Trước khi tôi ra về, vợ chồng Đức trao một gói tiêu đen Vĩnh Linh, nhờ tôi chuyển lại cho bà Marceline Loridan-Ivens.
Cuối năm 2008, tôi sang Paris. Marceline lấy một nắm tiêu đen cho vào một túi nhỏ và cùng tôi ra viếng mộ Joris Ivens tại nghĩa địa Père Lachaise. Ngôi mộ hàng chục năm nay luôn luôn được ấm áp với những ngọn nến tri ân của học trò và bạn bè của ông trên thế giới. Marceline đặt gói tiêu nhỏ trên tấm đá hoa cương màu xanh sẫm, chắp tay thì thầm: “Cảm ơn cuộc đời. Joris hãy nhận món quà từ vườn tiêu Vĩnh Linh của bé Đức”. Tôi thắp một nén hương trầm mang từ Quảng Trị sang và cúi đầu tưởng niệm người thầy điện ảnh của mình. Trời chiều trong nghĩa trang thật yên tĩnh. Trong ánh sáng mờ mờ của những ngọn nến, khói hương nhẹ nhàng lan tỏa, vươn vào mái tóc đã chớm bạc của tôi.
Cô cháu tôi vẫn gặp nhau, khi thì ở Dốc Miếu, khi thì ở Sài Gòn, khi thì chớp nhoáng trong các cuộc hội thảo về đất Vĩnh Linh anh hùng.
Cho đến sáng ngày 19 tháng 6 năm 2022. Vườn tiêu năm nào đã thu nhỏ lại. Một ngôi nhà ba tầng đang xây dở dang. Đức tươi cười: “Đang xây thêm cho thằng Út”.
Trên bàn la liệt những bì thơ học sinh của Đức ở trong và ngoài nước chúc mừng thầy Đức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chào Đức trở về Huế.
Ngôi nhà số 1 đường Dốc Miếu nằm yên bình giữa những bồn hoa đang lao xao theo gió.
*
Sau khi về hưu, tôi là chủ phòng tranh Lotus tại TP.HCM.
Năm 2012, tôi tổ chức một cuộc triển lãm tranh Việt Nam tại Venice (Ý). Trong suốt mười ngày, một khách đến xem tranh làm tôi chú ý. Cửa vừa mở, một người đàn ông to cao, tóc bạc trắng, đã có mặt. Ông chăm chú ngắm nhìn trên 40 bức ký họa chiến tranh vẽ tại chỗ ở Vĩnh Linh, Quảng Bình của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Những bức ký họa sáng tác trong tiếng bom rơi đạn nổ, giấy vẽ thì đủ các cỡ các loại, có bức đã cháy xém các góc.
Rồi vị khách ấy bước sang mảng tường đối diện đang treo tranh của các họa sĩ trẻ, vẽ phong cảnh và các sinh hoạt đời thường trong thời bình. Đủ thể loại: ký họa thời bình, tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh xé giấy… màu sắc rực rỡ, khung lồng nghiêm chỉnh.
Mấy ngày liền, người khách im lặng xem tranh từ sáng đến trưa, rồi lẳng lặng chào tôi và rời phòng triển lãm.
Ngày bế mạc. Vẫn ông khách ấy hấp tấp bước vào, theo sau là một người đàn bà có đôi mắt màu xám tuyệt đẹp. Ông vội đến, cầm tay tôi, lắc mạnh, rồi lẩm bẩm: “Xin loi, xin loi” rồi nói tiếp một tràng dài bằng tiếng Anh. Tôi gọi Dũng, người phiên dịch tiếng Anh đến.
“Tôi ở Texas, là một kỹ sư chuyên xây dựng sân bay. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tôi đã ký hợp đồng với bên quân đội Mỹ để xây dựng sân bay tại căn cứ không quân Chu Lai. Hoàn thành công việc, tôi trở về Texas. Sau đó, báo chí Mỹ liên tục đăng tin về các tội ác kinh hoàng mà căn cứ Chu Lai đã gây ra. Lần đầu tiên quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam cũng là ở Chu Lai. Cứ mỗi lần đọc tin về Việt Nam là tôi cảm thấy như mình có đôi bàn tay đẫm máu người dân Việt Nam vô tội. Tôi đã trở thành một kẻ giết người. Tôi không thể ngủ được nữa…”.
Nói đến đấy, ông gục đầu xuống bàn, mái tóc bạc và đôi vai rung rung. Bà vợ đến gần, đặt tay vỗ vỗ vai chồng. Bà kể tiếp: “Chồng tôi phải đi điều trị trong nhiều năm nhưng mỗi đêm cũng chỉ thiếp đi độ hai ba tiếng. Chuyến đi Venice này cũng nằm trong chương trình trị bệnh. Không ngờ lại được có dịp xem tranh Việt Nam”.
Người kỹ sư Mỹ ngẩng đầu: “Từ rất lâu, tôi nung nấu ý định sang thăm lại Việt Nam. Nhưng lại sợ sự hằn thù chưa dứt, nhất là sợ phải tận mắt mình thấy những bất hạnh, thống khổ của người dân Việt vô tội do chiến tranh gây ra. Cho đến hôm nay, sau gần mười ngày được xem những tranh Việt Nam cả trong thời chiến và trong thời bình, tôi bỗng bừng tỉnh mà thấy rằng chiến tranh Việt Nam đã đi qua, hận thù không còn dai dẳng. Các bạn đã mở rộng lòng đón tương lai của đất nước mình. Những bức tranh trong triển lãm này đã là liều thuốc làm dịu nỗi dằn vặt, thống khổ của lòng tôi. Tận đáy lòng, tôi muốn nhờ bà chuyển một lời “Xin loi” đến người dân Việt Nam, nhất là người dân Chu Lai.
Xin hứa với bà là sang năm, địa chỉ du lịch của chúng tôi sẽ là Việt Nam, sẽ là Chu Lai”.
*
Tối ngày 20.6.2022, tôi nhận một tin nhắn trên facebook của cháu Phạm Công Đức:
“… Lại một đêm mất ngủ, như đêm lần đầu gặp lại O! Cháu lại nghĩ về đời mình… và tự chấp nhận.
Chiến tranh đã qua rồi. Những đau thương mất mát do chiến tranh cũng đã được chôn sâu tận đáy lòng với sức chịu đựng của con người.
Gặp lại O là hạnh phúc, là mảnh băng kỳ diệu gắn lành vết thương trong lòng cháu cả đời rỉ máu…
Cháu hạnh phúc thưa với O rằng cháu Đức của O đã là một nhà giáo bình thường như bao nhà giáo khác. Cháu đã hoàn thành bổn phận của mình và rất hạnh phúc, đặt niềm tin của mình vào thế hệ trẻ, học trò của cháu vào đời…”.
Phạm Công Đức và người kỹ sư Mỹ xây dựng sân bay Chu Lai hoàn toàn khác nhau, xa nhau về địa lý, về hoàn cảnh sinh sống, về cách chịu đựng sự thống khổ tinh thần lẫn vật chất. Nhưng đều chung nhau ở một điểm là những nạn nhân của chiến tranh khốc liệt. Muốn làm lại cuộc đời, họ phải tìm cho bằng được một cách giải thoát duy nhất cho những vết thương “rỉ máu”: một sự nỗ lực phi thường của bản thân dựa vào khát vọng một nền hòa bình dài lâu.
Theo tôi, đó cũng là điều làm chúng ta thêm sát cánh bên nhau trong cuộc gặp gỡ này.
Xuân Phượng
Nguồn báo điện tử Người đô thị
https://nguoidothi.net.vn/no-luc-cho-nen-hoa-binh-dai-lau-hai-cau-chuyen-tu-chien-tuyen-35937.html