Ninh Bình: ‘Lạ lùng’ quy trình tổ chức đấu thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô

16:56 | 04/11/2021

Nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu, không hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trên cả nước vào các gói thầu của tỉnh Ninh Bình trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngày 31/8/2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 682/UBND-VP4 về việc tăng cường tổ chức đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, cách làm thầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô lại khiến các nhà thầu gặp khó.


Theo phản ánh, ngày 12/10/2021 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô (bên mời thầu) có đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mời thầu Gói thầu số 01: Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng trường Mầm non xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình bằng hình thức dự thầu “không qua mạng”, phát hành hồ sơ từ ngày 12/10/2021 đến 8h00 ngày 02/11/2021. Tuy nhiên khi nhà thầu đến nộp hồ sơ dự thầu thì không được nhận vì lý do Covid-19 (?!).

Theo đó, Gói thầu số 01: Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng trường Mầm non xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) có dự toán được phê duyệt là 26,5 tỷ đồng do UBND huyện Yên Mô làm Chủ đầu tư, gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách huyện và các nguồn thu hợp pháp khác.

Văn bản số 682/UBND-VP4 của UBND tỉnh Ninh Bình
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô có đang phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình?

Nhiều nhà thầu phản ánh đến báo chí, ngày 01/11/2021 các nhà thầu đến nộp hồ sơ dự thầu tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô thì bị ông Dương Quang Thành Hưng – Cán bộ Ban Quản lý dự án cản trở không cho vào nộp hồ sơ dự thầu với lý do: “Đang dịch Covid-19 phải cách ly 14 ngày theo Công văn của tỉnh”.

Trước phản ứng của nhà thầu, ông Hưng nói để ông điện thoại xin ý kiến cấp trên (Chủ tịch UBND huyện Yên Mô – PV) nhưng không được. Nhà thầu có đề xuất ông Hưng cho xin số điện thoại của ông Chủ tịch tỉnh để trao đổi trực tiếp với người có thẩm quyền, nhưng ông Hưng không cho và ông nói: “Có cho thì các ông cũng không bao giờ gọi được”.

Không đồng ý với câu trả lời của cán bộ Ban Quản lý dự án, các nhà thầu đã chất vấn ông Hưng: “Đang dịch bệnh tại sao không tổ chức đấu thầu qua mạng mà phải đấu thầu trực tiếp?”. Thì ông Hưng trả lời: “Không biết, đi mà hỏi người duyệt kế hoạch đấu thầu”.

Trước thái độ không hợp tác của bên mời thầu, nhà thầu đã liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình để xin số điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm phản ánh tình trạng vi phạm Luật Đấu thầu, không tiếp nhận hồ sơ dự thầu cho nhà thầu đến nộp. Sau khi phản ánh tới UBND tỉnh các nhà thầu mới nộp được hồ sơ dự thầu với nhiều thủ tục ràng buộc không có trong quy định (!?).

Được biết, ngày 31/8/2021 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 682/UBND-VP4 về việc tăng cường tổ chức đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong tình hình dịch Covid-19 do Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Sơn ký. Văn bản nêu rõ “Hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp vì thế việc tổ chức đấu thầu truyền thống (không qua mạng) làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu ở địa phương khác đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng để tạo thuận lợi cho các nhà thầu tham dự và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”.

Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 682/UBND-VP4 nhằm ngăn chặn việc một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án lợi dụng dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn trong việc đi lại cho các nhà thầu khi muốn tham gia. Việc áp dụng đấu thầu truyền thống trên địa bản Ninh Bình hiện nay vẫn thường xuyên xảy ra nhất là huyện Yên Mô, huyện Nho Quan và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Bình.

Vừa qua, báo chí đã phản ánh về việc huyện Yên Mô được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2020, toàn huyện có 16 xã đã về đích Nông thôn mới nhưng hầu hết các xã này đang cõng trên mình cả đống nợ, có xã nợ về đích nông thôn mới tới hàng trăm tỷ đồng. Đầu tư ồ ạt, đầu tư lãng phí thậm chí có công trình đầu tư xong lại bỏ hoang là một thực tế tại nơi đây. Việc mức đầu tư lớn tới vài chục tỷ đồng cho một trường mầm non cấp xã như Khánh Thịnh trong khi nguồn vốn chưa rõ ràng thì cách làm này có thực sự bền vững cho Yên Mô hay không?

Được biết, tổng số vốn mà UBND huyện Yên Mô đã phê duyệt đầu tư đến thời điểm hiện tại là 3.522.854 triệu đồng, trong đó cấp xã là 1.047.917 triệu đồng và cấp huyện là 2.474.937 triệu đồng, các gói thầu đã được thực hiện từ đầu năm 2021 đến nay tại Yên Mô là 99 công trình với giá trị xấp xỉ 700 tỷ đồng. Việc có nguồn vốn để trả nợ cho các công trình đã được triển khai thì Yên Mô chỉ trông chờ vào nguồn đấu giá đất, đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Sơn- Bí thư Huyện ủy huyện Yên Mô với cơ quan truyền thông.

Nhóm PV

Cùng chuyên mục

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA