Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết: Tình hình kinh tế – xã hội tháng đầu tiên của năm 2022 ghi nhận nhiều điểm khởi sắc, tích cực.
Ngay trong tháng 1/2022: Kinh tế Việt Nam khởi sắc
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu tiên của năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 1 đã tăng mạnh về cả số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký đạt hơn 192.300 tỷ đồng, tăng 15,9% về số doanh nghiệp và tăng 22,6% số vốn đăng ký.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu tiên của năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 ước đạt 470.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 34,59 tỷ USD, cao hơn 75 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 1/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê nhận xét: Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn về lương thực, năng lượng được giữ vững, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng chính sách.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận xét: Tình hình kinh tế – xã hội tháng đầu tiên của năm 2022 ghi nhận nhiều thông tin đáng mừng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Theo ông Phương, đại dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc và có thể thấp hơn năm 2021; rủi ro bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
“Sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất – đây là vấn đề Việt Nam chúng ta cần hết sức lưu tâm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Bên cạnh đó, trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp và người dân giảm sút.
Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường,…
“Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2022”, ông Phương cho biết.
Không thể chủ quan
Năm 2022, rất nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam có rất nhiều dư địa tăng trưởng, thậm chí bứt phá rất nhanh. Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo ông Phương, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó để phát huy được hiệu quả của các động lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Để làm được điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm cần triển khai.
Một là, tiếp tục vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung thực hiện 02 Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Hai là, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, các quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Xúc tiến, thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc.
Bốn là, duy trì, tạo điều kiện thích ứng và phục hồi, phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ. Có giải pháp hỗ trợ khu vực dịch vụ phù hợp với từng bước mở cửa và phục hồi nền kinh tế.
Năm là, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, làm cơ sở và dư địa cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Trải qua năm 2021 nhiều khó khăn và thách thức, năm 2022 nền kinh tế nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển.
“Dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới; các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho cả giai đoạn được thông qua và đẩy mạnh triển khai; sự phát triển của các xu thế, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mới; khả năng phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, tiềm năng của các FTA… được xem là các động lực của nền kinh tế trong năm 2022”, ông Phương nói.
Việt Vũ
Nguồn Báo điện tử Công Luận