Những tên quân phiệt nào chủ trương xóa bỏ nền văn hóa nước ta?

16:46 | 26/07/2021

1.Thời Hùng Vương nước Văn Lang có chữ viết hay không ?

Thực ra, điều này đã được khẳng định từ mấy chục năm trước. Các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta như các ông Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh và một số người khác đã quan tâm nghiên cứu về vấn đề hết sức hóc búa này. Tôi chỉ là người nhắc lại một số chi tiết có tính chất tổng hợp, để minh chứng cho quan điểm của mình mà thôi. Trước các nhà nghiên cứu uyên thâm, như Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh… đã có các ông Phạm Thận Duật, Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký và đặc biệt là các nhà nghiên cứu người Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp…mỗi người đều đã có những kiến giải khoa học riêng về nguồn gốc chữ viết của người Việt cổ, xuất hiện ở khoảng thế kỷ IV trước công nguyên. Đặc biệt hơn nữa là một số nhà khoa học ở Trung Quốc, như Tử Lục Lưu, Hứa Thân, Trịnh Tiếu…cũng đã vui vẻ thừa nhận điều này…

Một nhân vật đặc biệt mà không thể không nói đến, đó chính là ông Đỗ Văn Xuyền (sinh năm 1937), nguyên Hiệu trưởng trường phổ thông cấp II (THCS bây giờ) đầu tiên ở Việt Trì. Một hôm thầy Xuyền dẫn học trò đi thực tế, các em học sinh đã đào bới, tìm kiếm được khá nhiều cổ vật bằng đồng còn vương vãi trong lòng đất cổ vốn là kinh đô nước Văn Lang thời các vua Hùng. Lưỡi cày, giáo mác, mũi qua, rìu búa, mũi tên v.v… Những cổ vật này còn tìm thấy ở Thanh Hóa và một số nơi khác ở Bắc bộ. Trên lưỡi cày, trên vũ khí đúc bằng đồng của người Việt cổ, đều thấy những thứ hình vẽ tượng hình, ví như cái nồi đang bốc khói, chứ không phải là hoa văn đối xứng.  Các nhà khoa học Đông Tây đều cho rằng đấy chính là chữ viết của người Việt cổ ở thời Hùng Vương.

 Thầy giáo Đỗ Văn Xuyền chính là người đã có tới nửa thế kỷ nghiên cứu, giải mã chữ Việt cổ. Ông có thể đọc, viết thành thạo và có thể nói được tiếng Việt cổ. Chính ông đã đọc rất nhiều tài liệu, phát hiện được một đoạn văn của nhà truyền giáo Bồ Đào Nha Alexandre  de Rods, viết khi ông này mới La tinh hóa tiếng Việt cổ, rất khó đọc. Hơn ba trăm năm hình thành chữ Quốc ngữ như ngày nay, là cả một quá trình cải tiến từng bước. Ông thầy truyền giáo người Bồ còn kể rằng ông đọc được thứ chữ tượng hình mà người thanh niên nào đó hướng dẫn cho ông. Chỉ trong mươi ngày là ông đã có thể tiếp thu được. Tôi ngờ rằng, chữ Quốc ngữ có nguồn gốc La tinh ngày nay chúng ta đang dùng, có thể là do nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã cải tiến từ chữ Việt cổ, chứ không phải là từ chữ Nôm hay chữ Hán. Chữ Nôm là thứ chữ mà cha ông ta cải tiến từ chữ Hán, phát âm tiếng Việt. Tự dạng của chữ Khoa Đẩu có nhiều điểm tương đồng với chữ Quốc ngữ lúc đầu…

Mở rộng nghiên cứu chữ viết của người Thái Đen, thấy có nhiều điểm tương đồng với chữ Khoa Đẩu. Ngờ rằng, chữ viết của người Thái Lan ngày nay, cũng là kết quả của những cuộc thiên di của người Việt cổ sang các vùng xung quanh Nam Á. Có thuyết của người Thái Lan cho rằng, người Thái Lan ngày nay có tổ tiên là người Việt cổ. Trong một bài viết của nhà thơ Hữu Thỉnh khi ông sang Thái Lan giao lưu văn hóa, một nhà văn người Thái Lan đã hé lộ “bí mật” này! Nước ta có thời kỳ biên giới sang đến giáp Miến Điện. Vua Lê Thánh Tông cũng đã có lần đem quân chinh phạt lực lượng nổi dậy quấy phá ở miền Tây xa xôi này…Giao thoa, tiếp thu, tiếp biến ngôn ngữ và văn hóa nhân loại, có lẽ cũng không mấy khó hiểu, khi mà những biến động lịch sử không ngừng không nghỉ. Có một người Trung Quốc từng làm vua Thái Lan. Chủ trương “xâm lược mềm” của người Tàu, biến Thái Lan thành đất của họ, hay chịu ảnh hưởng sâu sắc về chính trị, văn hóa, kinh tế…đã và đang được diễn ra. Anh em ông Thaksin Shinawatra  từng thay nhau làm Thủ tướng Thái Lan hơn chục năm về trước, chính là người gốc Hoa đấy! Trung Quốc cũng có người từng làm vua Chiêm Thành. Ông Lý Thừa Vãn là người gốc Việt từng làm Tổng thống Hàn Quốc. Người Việt từng thiên di đi khắp nơi, ở In đô, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan v.v…Văn hóa dân tộc chính là vũ khí để họ tồn tại lâu dài, mặc dù họ có quốc tịch ở đâu đó!

 Như vậy, theo các nhà nghiên cứu về chữ Việt cổ, cho rằng, khi Triệu Vũ Đế lãnh đạo nước Nam Việt, tồn tại hơn trăm năm, thì văn hóa của người Việt cũng sẽ truyền lưu, truyền dẫn theo sông Nguyên, sông Dương Tử mà lên nước Sở. Vũ khí, trống đồng của người Việt hiện tìm thấy ở nước Sở, ở bán đảo Hải Nam, ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc ngày nay, cũng là điều hiển nhiên vậy. Ngay cả Kinh Dịch của người Việt đã thấy trên trống đồng Văn Lang, người Tàu cũng ăn cắp, rồi nâng cao, nhận xằng là của họ. Ngay cả ở đời Trần, bức tranh TRÚC LÂM ĐẠI SĨ XUẤT SƠN ĐỒ, cũng bị họ cướp về, viết thêm mấy dòng lạc khoản, rồi nhận xằng là của người Tàu vẽ. Tuy nhiên, chính người Tàu cũng đã phải thừa nhận, đó là tranh của người Việt vẽ cảnh vua Trần Anh Tông lên núi Bảo Đài ở An Sinh, rước vua cha là Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đại Sĩ) về kinh thành Thăng Long dự đại lễ…

 Có thể khẳng định rằng, ở thời các vua Hùng, nước Văn Lang có nền văn minh ngang ngửa với văn mình của Trung Quốc. Thậm chí, có một số mặt, văn minh của người Việt cổ còn cao hơn của người Tàu. Ấy thế mà ngày nay, do không có hiểu biết về cha ông mình, nên nhiều người tự ti, tự hạ thấp mình một cách rất đáng thương. Và còn đáng trách nữa!…

Tôi biết nhà văn Hà Văn Thùy, quê Thái Bình hiện sống ở Sài Gòn. Ông cũng đã có nhiều tâm huyết nghiên cứu về văn hóa Việt. Một số tác phẩm của ông đã được công bố. Tuy nhiên, cũng có một số người bảo rằng ông Thùy vớ vẩn, tào lao, toàn nói những chuyện đẩu đâu. Rồi thì chê bai, dè bỉu, xem thường nhà văn Hà Văn Thùy như một lão điên rồ. Tôi cho rằng nên đọc ông Thùy. Và cũng nên đọc nhiều nữa các công trình nghiên cứu của các bậc tiền bối, để biết mình là ai, biết cha ông mình là ai! Nhiều nhà khoa học trước đây còn bị cho là điên rồ, tà giáo, bị đưa lên dàn lửa đấy thôi. Ôi chà!

2.Chữ việt cổ, nền văn hóa của người việt cổ bị tiêu diệt ở khúc đoạn nào?

Người Bách Việt tập trung ở phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh, còn gọi là Lĩnh Nam, Lĩnh Biểu, hay Lĩnh Ngoại (Ngoài Ngũ Lĩnh). Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thống nhất các tộc Việt (Bách Việt), lập ra nước Nam Việt. Đương nhiên, mỗi tộc Việt đều có bản sắc văn hóa riêng. Có thể còn có cả chữ viết riêng của mình nữa. Ngay như Trung Quốc ngày nay, không phải tiếng nói của họ giống nhau đâu. Văn tự dùng chung, nhưng người dân vùng này cũng không hiểu được tiếng nói của vùng khác. Ở nước ta, ngoài tiếng phổ thông dùng chung, mỗi tộc ít người đều có chữ viết và tiếng nói riêng của họ.

 Nước Văn Lang có chữ viết riêng, văn hóa, văn hiến, phong tục tập quán riêng, độc lập với người Tàu. Nhà Triệu bị người Tàu thôn tính. Bọn quân phiệt Trung Quốc chủ trương Hán hóa, đồng hóa, triệt tiêu văn hóa của người Việt. Nhờ có ông Trời dựng lên chiến lũy hiểm trở ở vùng núi phía Bắc, lại nhờ có ý chí và trí tuệ đặc sắc của mình, nước Đại Việt ta mới có thể đương đầu với kẻ thù phương Bắc, lúc thắng, khi thua, nhưng vẫn tồn tại vững mạnh cho đến ngày nay. Và quan trọng là “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta” (Tố Hữu)…

 Mã Viện ở thời vua Hán Quang Vũ (5-TCN-57 SCN) đánh bại Hai Bà Trưng, ngoài 5 xe châu báu, 1 xe ý dĩ, ông ta còn cho lính cướp sạch sách vở của người Việt đem về Lạc Dương. Tuy nhiên, ngay ở thời Hai Bà Trưng, công chúa Phùng Vĩnh Hoa còn tìm được 74.988 bộ sách viết về các triều đại trước đó, như sách của triều đại Hùng Vương, Âu Lạc, Triệu Vũ Đế. Đến đời nhà Lý, công chúa Bình Dương (con vua Lý Thái Tông) và một số người khác cũng còn biết chữ Khoa Đẩu để chép lại một số văn bản thư tịch. Chỉ đến khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú quận Giao Chỉ, chữ Hán được đem truyền dạy ở nước ta. Các nước Triều Tiên, Nhật Bản… cũng cùng chung số phận phải dùng chữ Hán, nhưng đều phát âm không giống nhau. Chữ Khoa Đẩu của người Việt cổ thất truyền từ đó.

 Văn tự chữ Hán dùng chung. Các nước nhỏ phụ thuộc đành phải vậy. Nhưng phát âm thì khác nhau. Tôi giải mã thơ chữ Hán của các cụ ta, thấy có mấy bài thơ của cụ Đoàn Nguyễn Thục, của Lê Quý Đôn, của Nguyễn Tư Giản v.v… đều thể hiện chi tiết tiếng nói “bất đồng”, nghe họ nói líu la líu lo mà chả hiểu gì. Phải viết chữ Hán cho họ xem, rồi họ viết trả lời, gọi là bút đàm, mới hiểu được nhau. Ngay như thời Quang Trung, sứ đoàn nước ta gồm 159 người, cũng phải có 9 người làm phiên dịch.

 Các nhà nghiên cứu Đông Tây, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp đã tìm thấy hơn bốn chục đền miếu thờ các thầy cô giáo ở thời Hùng Vương đến Âu Lạc, rải rác khắp Bắc Bộ và trung du. Cũng đã tìm thấy 18 nhà giáo có tên cụ thể ở thời Hùng Vương. Đấy chẳng phải là minh chứng sát thực về nền giáo dục của nước Văn Lang xa xưa hay sao? Một dân tộc đã làm ra trống đồng vô cùng tinh xảo, đã có nền văn minh lúa nước độc đáo từ xa xưa, đã bị giặc Tàu dùng vũ lực tàn bạo tiêu diệt triệt để, chẳng phải là đau lòng lắm hay sao? Chẳng phải là đáng căm giận lắm hay sao?

 Tóm lại, ở thời đoạn thứ nhất, người Việt cổ mất văn tự, là do Hán Quang Vũ sai Mã Viện thi hành, cướp hết về Tàu. Họ đồng hóa nước ta, tiêu diệt nền văn hóa của chúng ta, biến nước ta thành quận huyện, thành người Tàu.

3.Cuộc xâm lăng của giặc Minh và chủ trương tiêu diệt triệt để nền văn hóa Đại Việt của Minh Thành Tổ.

Minh Thành Tổ (1354-1424) húy là Chu Đệ từng giết cháu ruột của mình để cướp ngôi. Chu Đệ lên ngôi vua nhà Minh, miếu hiệu là Minh Thành Tổ, chỉ lấy duy nhất niên hiệu Vĩnh Lạc. Ông ta được xem là vua tài lược và đồng thời là vua tàn bạo nhất của triều đại nhà Minh, kế tiếp triều đại Nguyên Mông. Đối với dân tộc Đại Việt ta, Chu Đệ là một tên vua tham tàn nhất. Giết người, cướp của, tàn sát nhân dân, đến quỷ thần cũng đều căm giận. Tội ác của giặc Minh, Nguyễn Trãi đã viết rất kỹ trong ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ. Đến như “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội / Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi / Lẽ nào trời đất dung tha / Ai bảo thần dân chịu được!”…Cái tội “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”…kể sao cho xiết. Đấy chính là tội ác diệt chủng, diệt nhân loại, ngày nay gọi là tội ác chống lại loài người, ghê tởm lắm. Ở thời hiện đại cách đây mấy mươi năm, hậu duệ Minh Thành Tổ còn mượn tay bọn “Khơ Me Đỏ” Pôn Pốt để tiêu diệt dân tộc Căm-pu-chia, cả người Việt sống khá đông ở đây, ở biên giới Tây Nam nước ta, như Kiên Giang, An Giang, còn tàn bạo hơn cả thời trung cổ.

 Tuy nhiên, tội ác lớn nhất, dã man nhất của Chu Đệ với dân tộc ta, chính là tội ác tàn sát nền văn hóa của nước Đại Việt ta.

 Năm 1407, Chu Đệ sai tướng Trương Phụ cầm đầu, đem quân viễn chinh vũ bão tràn sang xâm lược nước ta, mượn danh nghĩa  “phù Trần diệt Hồ”. Một số sĩ phu yêu nước công khai chống lại giặc Minh, không thành công thì lui về quê ẩn dật, như Vũ Mộng Nguyên và nhiều người khác. Một số sĩ phu kiên quyết không ra cộng tác với giặc Minh, lẩn trốn vào rừng sâu núi thẳm, hoặc giấu biệt tăm tích như Lý Tử Cấu, Trình Thanh và nhiều người khác. Có sĩ phu hăng hái tìm kiếm đồng chí, chống lại giặc Minh, nhưng bị chúng bắt giải về Trung Quốc, như cha con ông Lê Cảnh Tuân, quê làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương. Có sĩ phu đầu hàng, làm quan cho giặc Minh, như Bùi Bá Kỳ, Đặng Tất và một số người khác. Nguyễn Trãi cũng bị Trương Phụ bắt, định giết, nhưng may nhờ có Nho tướng Hoàng Phúc khuyên Trương Phụ không nên giết Nguyễn Trãi, nên ông thoát chết.

Chỉ trong một thời gian ngắn, giặc Minh đã đánh bại nhà Hồ. Cha con Hồ Quý Ly, vì “chính sự phiền hà”, để mất lòng dân, nên mau chóng bị chúng bắt giải về Trung Quốc. Minh Thành Tổ cho giết hết, chỉ trừ có Hồ Nguyên Trừng, con cả Hồ Quý Ly được tha vì có tài. Hồ Nguyên Trừng được làm quan cho nhà Minh, chế tạo súng đại bác cho nhà Minh. Tuy nhiên, sau đó, ông này cũng mất tiêu tăm tích. Có thanh niên tuấn tú như Nguyễn An, lúc đó 15 tuổi, bị thiến, nhà Minh cho làm quan. Chính thiên tài Nguyễn An là người thiết kế, đồng thời là Tổng công trình sư xây dựng cố cung Bắc Kinh. Sách Tàu chỉ chép sơ sài. Nhưng sách ở Đài Loan thì viết khá kỹ về hành trạng, công lao xây dựng cố cung Bắc Kinh của Nguyễn An. Có người còn đề nghị Trung Quốc lục địa dựng tượng đài Nguyễn An ở Bắc Kinh, ví như chúng ta đã dựng tượng đài Yersin, hay là tượng đài Pasteur ở Nha Trang và một số thành phố khác ở Việt Nam vậy. Sử ta cũng chỉ chép sơ sài. Lý do là vì không ai rõ về đoạn đời Nguyễn An khi ông sống ở Trung Quốc…

 Tuy ngồi ở Yên Kinh (Bắc Kinh) điều hành cuộc xâm lược Đại Việt, nhưng Chu Đệ không lúc nào quên kiểm tra việc thi hành mệnh lệnh (chỉ dụ) của ông ta, rằng phải triệt để tiêu diệt nền văn hóa nước Đại Việt. Khi được nghe báo cáo rằng có những toán quân không triệt để thi hành mệnh lệnh của hắn, nghĩa là không đốt sạch, phá sạch tất cả sách vở, bia đá trên đất nước ta, Chu Đệ liền gửi tiếp một tờ lệnh thứ hai, vào ngày 16 tháng 6 năm 1407, trong đó có lời ghi chú: “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng An Nam có tất thảy sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ như  loại “thượng đại nhân, khưu ất dĩ” và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh, một chữ, hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay, các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất cứ đâu, là phải đốt ngay, không được lưu lại”!

 Tuy nhiên, cảm thấy như thế chưa được yên lòng, Minh Thành Tổ Chu Đệ còn chỉ thị tiếp, sau gần 1 năm ra sức “tìm diệt” đốt phá khắp nơi. Công việc tiêu diệt nền văn hóa nước Đại Việt xem như đã hoàn tất. Ngày 24 tháng 6 năm 1407, Chu Đệ, tên trùm tội ác chiến tranh lại gửi tiếp ngay một mật chỉ, yêu cầu các tướng lĩnh của hắn phải lập tức thu hồi các chỉ dụ mà hắn đã gửi trước đây, rằng: “Nay An Nam đã bình định xong… trừ các loại chế dụ ra, còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự, thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng các sổ ghi chép mà Thành Quốc Công đã lĩnh hoặc các thứ (số sách) trù nghị mọi việc, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại (về Yên Kinh-VBL), không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại rơi vào tay bọn kia (tức người Đại Việt ta-VBL) thì rất bất tiện”!…

 Đấy! Bộ mặt thật vô cùng độc ác, tiểu nhân của Minh Thành Tổ Chu Đệ là vậy. Hắn muốn xóa sạch vết nhơ tội ác, sợ người Việt biết, sẽ chẳng hay ho tốt đẹp gì. Nhưng thật không may cho hắn. Những lời nói chó lợn của Hắn, cũng đã được khai quật, để ngày nay người Việt phải tuyệt đối cảnh giác với bọn quân phiệt Tàu bản chất cố hữu là vô lương, hiểm ác và tàn độc…

 

 

Vũ Bình Lục

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh