Những nữ phát ngôn Bộ ngoại giao xinh đẹp tài năng

8:05 | 20/10/2021

Người phụ nữ Việt Nam không kém gì so với nam giới, họ không những đẹp mà còn rất tài năng, họ đảm nhiều cương vị trọng trách cao trong chính trị, ngoại giao và trong mọi lĩnh vực khác trong xã hội. Điển hình ở đây phải kể đến những người phát ngôn viên Bộ ngoại giao đầy quyền uy, xinh đẹp.

Bà Hồ Thể Lan cùng chồng là Phó Thủ tướng Vũ Khoan ( Ảnh: NLĐ)

Người phụ nữ đầu tiên là phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Việt Nam là bà Hồ Thể Lan. Bà Lan sinh năm 1938, quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà là con gái của Giáo sư Hồ Đắc Di và phu nhân của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Năm 1954, bà là một trong 100 học sinh đầu tiên được cử sang Liên Xô học tiếng Nga. Bà Lan nguyên là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí và là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1987 đến năm 1996. Bà là một trong những người phát ngôn Bộ Ngoại giao để lại nhiều ấn tượng nhất với đồng nghiệp cũng như  báo giới trong và ngoài nước.

Thế hệ làm báo đối ngoại những năm 1987-1996 đến giờ vẫn chưa thể nào quên được người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, tên tuổi và hình ảnh của bà đã tồn tại trong gần một thập kỷ với vai trò người đưa ra những tuyên bố chính thức về lập trường ngoại giao của đất nước đối với các vấn đề chính trị lớn. Bà Hồ Thể Lan xuất phát từ người được học tiếng Nga, từng giảng dạy ngoại ngữ này tại trường đại học và có 27 năm làm việc tại Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao. Do công việc thường xuyên phải tiếp xúc với cánh nhà báo nước ngoài, bà có những nhận xét sắc sảo nhưng giản dị và thực tế: “Với phóng viên nước ngoài, nhất là từ các nước phương Tây, tôi luôn tâm niệm rằng không thể đòi hỏi họ viết hệt như ta. Nếu bài viết của họ thuận cho ta dăm bảy phần đã quý lắm rồi. Nếu ta hiểu được, chân thành với họ thì đây chính là đội quân đặc dụng vì tiếng nói của họ được dư luận tiếp thu dễ dàng hơn”.

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Bà Phan Thúy Thanh.

Theo bà Lan, để có được nguồn thông tin phục vụ phát ngôn mọi lúc, mọi nơi là công việc nặng nề và khó nhọc. Bà suy nghĩ rằng “Phóng viên là những người thích tìm hiểu, nên buộc mình phải chạy theo. Càng tiếp xúc với họ, hiểu biết của mình càng được mở ra“. Bởi làm người phát ngôn, “nếu muốn nói được một thì phải biết gấp nhiều lần, muốn trả lời 1 thì mình phải biết 10”. “Muốn là người phát ngôn giỏi, trước hết phải là nhà ngoại giao giỏi, phải là người giỏi ngôn ngữ thật sự, nhất là ngôn ngữ bản địa (mà cách học khá hiệu quả là tranh thủ học trong quá trình tiếp xúc), bởi các phóng viên là những người rất năng động, trước những câu hỏi hóc búa, máy móc của họ mình cũng còn phải cân trí đấu não

Người nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nữa là bà Phan Thúy Thanh. Bà Thanh sinh năm 1952, quê quán huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bà là con gái ông Phan Duy Vẽ, nguyên cán bộ cao cấp ở Cục Chuyên gia (Phủ Thủ tướng cũ). Chồng là Trần Ngọc Thạch, nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại UAE. Bà Thúy Thanh tốt nghiệp Đại học Ngoại giao Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ ngoại giao ở Hunggari. Bà từng công tác ở Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, Tham tán Công sứ của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1997-2003. Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bà là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Luxembourg, đồng thời là Đại sứ Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu từ năm 1994-2007. Bà được phong tặng Huân chương Leopold  Đệ Nhị của Vương quốc Bỉ.

Quan điểm của bà về hoạt động Ngoại giao Báo chí: “Tôi nghĩ cần phải có một số cải tiến trong quy chế hoạt động dành cho phóng viên nước ngoài tại Việt Nam. Nếu chúng ta mạnh dạn cho họ tiếp cận với thực tế hơn thì chắc hẳn họ sẽ bớt bị phụ thuộc vào những thông tin sai lệch từ bên ngoài. Mặt khác, một số địa phương cũng cần cởi mở hơn trong việc tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài. Khác với tại các thành phố lớn, một số địa phương vẫn còn khá e dè, nghi ngại khi phát ngôn về các vấn đề của địa phương với các phóng viên. Mà thật ra điều này không có lợi cho chúng ta”. Từ năm 2011-2014, Bà còn làm nhiệm vụ là Phu Nhân của Đại sứ Việt Nam Trần Ngọc Thạch tại các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất (UAE). “Phu nhân Đại sứ” nghe tưởng chừng rất nhẹ nhàng nhưng đối với bà Thanh, đây là việc khó trong các vị trí mà bà đã đảm nhiệm trong suốt quãng đời làm công tác đối ngoại. Người Phu nhân Đại sứ phải làm sao hài hòa mọi mối quan hệ như đối nội cũng đối ngoại, đúng với cương vị của mình. Nếu quá mức sẽ làm hỏng việc của Đại sứ và của cả sứ quán, nếu quá ít, sẽ chẳng giúp đỡ được gì cho Đại sứ. Tháp tùng cùng chồng trong 3 năm ấy đã cho bà biết bao bài học hữu ích.

Bà Nguyễn Phương Nga tại Liên Hiệp Quốc (Ảnh: Baoquocte).

Là người chu đáo, sáng tạo, tỉ mỉ và tinh tế lại đã từng là Phu nhân Đại sứ, bà Thúy Thanh đã có những trải nghiệm thú vị và bổ ích ở cương vị này. Dù đã về hưu, nhưng bà vẫn thường được mời tới các lớp đào tạo cho phu nhân của các Đại sứ Việt Nam sắp bắt đầu nhiệm kỳ. Bà luôn để ý xem các bà vợ Đại sứ cần gì để chia sẻ kinh nghiệm với họ. Bà cho là đó là việc cần thiết Bà nói. Những đóng góp của bà Thúy Thanh không chỉ được nước nhà ta ghi nhận mà còn được Hoàng gia Bỉ trân trọng trao tặng phần thưởng cao quý là Huân chương Leopold Đệ nhị.

Một nữ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam là Bà Nguyễn Phương Nga. Bà Nga sinh ngày 27 tháng 8 năm 1963 tại Hà Nội, Nguyên quán của bà tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Cha mẹ của bà đều là những du học sinh tại Liên Xô. Tên của bà được đặt bởi Nguyễn (họ cha) Phương (tên mẹ) và Nga (nơi cha mẹ bà gặp nhau).  Mẹ của bà từng nhiều năm công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Điều này có ảnh hưởng khá lớn đến sự nghiệp ngoại giao của bà sau này. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, sau một thời gian học dự bị đại học, bà được cử đi du học ngành Báo chí quốc tế tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva  (Liên Xô) từ năm 1982. Sau khi tốt nghiệp năm 1987, bà về nước và được cử vào làm nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam.

 Bà có bằng Cử nhân ngành Quan hệ Quốc tế và Báo chí quốc tế, Thạc sĩ ngành Báo chí quốc tế, sử dụng thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga. Là một nhà Ngoại giao Việt Nam. Bà Thanh từng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau như: Chuyên viên của Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao; làm Tùy viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan; làm Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí; Tham tán của Đại sứ quán Việt Nam Vương quốc Bỉ, Luxembourg và phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hiệp châu Âu (EU); rồi Tham tán Công sứ; giữ chức Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí và là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thay ông Lê Dũng . Bà được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tháng 9 năm 2011. Đến tháng 11 năm 2014 Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong Hàm Đại sứ và làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Hiện Bà đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Người hiện đang là Phát ngôn của Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng.

Trong cuộc sống gia đình bà cho rằng, để cân đối được công việc và gia đình, theo bà rất cần phải sắp xếp công việc cho khoa học và lạc quan. Bà cũng chia sẻ, gia đình đã vì mình rất nhiều. Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng đã giúp bà rất nhiều. Khi đi công tác, ông xã là người đứng mũi chịu sào thay bà lo liệu công việc gia đình, giúp bà chăm lo những lúc ông ốm, con ốm, việc nhà mà những việc này lẽ ra bà là người phải lo. Bà nói: “Gia đình luôn luôn là chỗ dựa lớn. Đúng là công việc cũng có lúc căng thẳng, nhưng bà luôn nhận được sự động viên từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Đó chính là nguồn sức mạnh cho bà”.

 Người đang giữ cương vị Người phát ngôn viên hiện tại của Bộ Ngoại giao là Lê Thị Thu Hằng. Nữ phát ngôn viên thứ tư của Bộ Ngoại giao sau các bà Hồ Thể Lan, Phan Thúy Thanh và Nguyễn Phương Nga, không chỉ tài giỏi, xinh đẹp, bản lĩnh mà còn luôn có một tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bà Hằng sinh ngày 2 tháng 12 năm 1972 tại Hà Nội, quê quán ở quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng.  Năm 1994, bà tốt nghiệp cử nhân Anh văn, khoa phiên dịch tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội). Bà thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga. Bà còn có bằng cử nhân Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội. Bà lấy bằng thạc sĩ Ngoại giao và Truyền thông Quốc tế, Đại học West of England- Đại học Tây Anh (Vương quốc Anh).

 Từ năm 1996 (24 tuổi) bà vào ngành ngoại giao và bắt đầu công tác tại Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bà Thu Hằng đã trãi qua các công việc: bà làm Tùy viên, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga; làm Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí; Tham tán Công sứ, người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland; giữ chức Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hoá, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài;  rồi Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hoá, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài;  ngày 29 tháng 3 năm 2017, bà được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn, Bộ Ngoại giao từ ngày 1 tháng 4 năm 2017. Vào ngày 16 tháng 8 năm 2021, bà được trao quyết định bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí.

 Giới phóng viên đều rất ấn tượng vì nữ phát ngôn viên là người gần gũi báo chí với phong thái nhà ngoại giao chuyên nghiệp trong những lúc tiếp xúc với Báo chí. Đặc thù nghề đòi hỏi phải di chuyển liên tục trong và ngoài nước, tuy nhiên, bà đúc rút “tôi vẫn thích những chuyến công tác trong nước vì có nhiều cảnh quan rất đẹp”. Dù bận rộn với công việc, nhưng ở nữ phát ngôn luôn toát lên vẻ năng động, trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm và phong thái bản lĩnh, sắc sảo của người phát ngôn. Tại một buổi họp báo của Bộ Ngoại giao, trả lời phóng viên về việc một số tổ chức nhân quyền lên án phiên tòa cùng ngày xét xử sơ thẩm 6 bị cáo, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, bà Hằng khẳng định: “Về thông tin do một số tổ chức nhân quyền đưa ra, tôi bác bỏ những thông tin sai sự thực, thiếu khách quan. Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ”.

 

 

Xuân Vinh


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn