Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại nhưng ký ức còn lưu giữ mãi qua từng hiện vật, kỉ vật, hình ảnh, tư liệu. Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang có những người ngày ngày âm thầm, cần mẫn “gom nhặt từng mảnh quá khứ” để tái hiện, làm sống lại lịch sử và kể với công chúng đương đại những câu chuyện của tiền nhân…
Tình cờ gặp văn bia cổ nhất Việt Nam
Tốt nghiệp Đại học Văn hóa chuyên ngành Bảo tàng lại biết Hán Nôm nên anh Nguyễn Văn An, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh có nhiều thuận lợi trong quá trình tìm kiếm, thẩm định, sưu tầm hiện vật cổ và quý. Kỉ niệm sâu sắc, ấn tượng nhất là lần gặp được tấm bia đá cổ, xuất hiện từ thời Tùy Văn Đế, năm 601. Tấm bia do ông Nguyễn Văn Đức, người dân thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, Thuận Thành phát hiện vào năm 2004 khi đào đất làm gạch.
Anh An nhớ lại: “Năm 2012, tôi cùng 2 cán bộ của Bảo tàng tỉnh là chị Kiều Thị Thơm và chị Nguyễn Thị Biển về công tác tại xã Trí Quả. Tình cờ nghe cán bộ xã tiết lộ về tấm bia đá đặc biệt. Ngay lập tức, chúng tôi liên hệ để tiếp cận hiện vật. Thật may, văn bia được ông Đức bảo quản cẩn thận và kín đáo. Có vốn Hán Nôm cơ bản, tôi đọc được chữ “Đại Tùy” và bước đầu xác định tấm bia này có niên đại rất sớm. Suốt một tháng, chúng tôi đi lại ăn ở nhà ông Đức để vận động, thuyết phục ông trao tặng cho bảo tàng. Hiểu được ý nghĩa, giá trị của tấm bia, ông Đức tin tưởng và quyết định tặng lại tấm bia cổ cho Bảo tàng tỉnh mà không đòi hỏi gì về vật chất. Bảo tàng tặng ông một bức tranh đồng của làng Đại Bái khắc chữ An làm kỷ niệm”.
Ngay sau đó, một đoàn các nhà nghiên cứu gồm cố GS. Phan Huy Lê, PGS. TS Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Văn Sơn trực tiếp về quan sát nghiên cứu và xác minh công bố: Bản minh văn khắc trên tấm bia “Xá lợi tháp minh” tổng cộng có 133 chữ, được chia làm 13 dòng bao gồm 1 dòng tiêu đề, 10 dòng chính văn, 2 dòng chú thích, mỗi dòng cơ bản có 13 chữ. Văn bia giúp cho việc nghiên cứu tình hình chính trị, giao thông, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý, góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện dưới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận bia “Xá lợi tháp minh” là Bảo vật Quốc gia. Theo TS. Phạm Lê Huy, giảng viên tại Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì “có thể tạm thời xác nhận đây là văn bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam”.
Buồn vui chuyện sưu tầm
Thêm cơ duyên phát hiện và “gom nhặt” được một kỉ vật từ quá khứ là thêm nguồn động lực lớn cho những người làm công tác nghiên cứu sưu tầm. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tình nguyện liên hệ, tìm đến bảo tàng trao gửi, hiến tặng hiện vật. Đáng kể là năm 2014, Ban CHQS huyện Tiên Du sau khi phát hiện một Quán tẩy đá, niên đại Lê Trung Hưng, nặng khoảng 300kg ở khu vực đồi Lim, liên quan đến Quận công Nguyễn Đình Diễn, đã trao tặng cho bảo tàng tỉnh. Gần đây, nhiều cựu chiến binh từng một thời nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cống hiến tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng sẵn sàng hiến tặng những kỉ vật chiến tranh cho bảo tàng.
Ngoài niềm vui với những nghĩa cử cao đẹp thì không hiếm những lần cán bộ sưu tầm mang nặng cảm giác thất vọng, hụt hẫng. Kể lại một chuyện cũ từ năm 2013, anh An cứ tiếc mãi vì sau rất nhiều cố gắng mà vẫn không thể đưa được cây cầu đá cổ ở xã Lai Hạ, Lương Tài về phục vụ nghiên cứu. “Sau khi chính quyền địa phương đồng ý, chúng tôi đã tiến hành thám sát hiện vật. Kết quả ban đầu xác định, cây cầu đá có niên đại thời Nguyễn, gồm 3 nhịp, mỗi nhịp dài khoảng 1,5m rộng, khoảng 1m bắc qua một con ngòi nhỏ. Chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý liên quan nhưng đến hôm về đưa hiện vật đi thì người dân đổi ý giữ lại với lý do sợ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của làng xã. Bây giờ cây cầu vẫn nằm tại vị trí cũ và ngày càng chìm sâu dưới nước. Tiếc lắm mà chẳng thể làm gì!”- anh An bộc bạch.
Cũng như anh An, chị Nguyễn Thị Biển, cán bộ Phòng Nghiên cứu Sưu tầm có hơn 10 năm gắn bó với công việc “gom nhặt kí ức”. Chị không nhớ hết mình đã phát hiện và trực tiếp tham gia xác minh, sưu tầm được bao nhiêu hiện vật, kỷ vật, tư liệu… và trải nghiệm nhiều kỉ niệm vui buồn trong quá trình điền dã cơ sở, “ăn dầm ở dề” cùng dân để tiếp cận hiện vật.
Chị Biển tâm sự: “Khi có bất cứ thông tin liên quan về hiện vật quá khứ, chúng tôi bằng mọi cách tiếp cận dù phải trải qua không ít khó khăn, trở ngại với đủ cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Vậy nên cán bộ sưu tầm không chỉ cần vững chuyên môn nghiệp vụ mà phải có kĩ năng, nghệ thuật tuyên truyền, thuyết phục. Thực lòng, nếu không tạo được mối quan hệ sâu rộng, gắn bó với nhân dân và không có niềm đam mê, tâm huyết với nghề thì rất dễ nản vì không ít lần chúng tôi đã phải trở về tay trắng… Nói chung để tiếp cận, sưu tầm được những hiện vật quý cần hội đủ các yếu tố, kịp thời nhưng phải đúng thời điểm, và cả một chữ “duyên” nữa!”
Bước ra từ quá khứ, mỗi hiện vật kể câu chuyện riêng với giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của một cá nhân hoặc miền đất cụ thể. Vì thế, sau khi sưu tầm, người phụ trách còn phải làm “hộ chiếu” cho hiện vật, tạo cho nó một đời sống mới, giá trị mới. Việc lập hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết, trung thực trong lý lịch theo đúng quy định, từ đó, làm cơ sở căn cứ phục vụ công tác trưng bày, phát huy giá trị, giới thiệu hiện vật đến với công chúng một cách chân thực, sống động nhất. Chị Kiều Thị Thơm, Trưởng phòng Thuyết minh trưng bày, Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Thời gian trôi đi không trở lại nhưng kí ức mãi còn ở đó. Mỗi hiện vật, tư liệu giống cuốn nhật ký quý giá lưu dấu, thể hiện hồn cốt văn hóa của cha ông mà thế hệ nối tiếp phải trân trọng, gìn giữ. Nhờ nghiên cứu, “giải mã” thông điệp tiền nhân gửi qua mỗi hiện vật, chúng tôi như chạm vào vùng kí ức xa xưa, được trò chuyện và học hỏi nhiều bài học quý từ lịch sử”.
Như chú ong thợ cần mẫn, những cán bộ nghiên cứu, sưu tầm miệt mài gom nhặt kí ức, bền bỉ chắp nối, bắc những cây cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Họ góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử trong đời sống đương đại, vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Theo Báo Bắc Ninh