Với lòng say mê nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT), hai vợ chồng anh Quốc Trạng và chị Kim Khoa được nhiều người biết đến là những người đang âm thầm ‘gieo mầm’ cho những niềm đam nghệ thuật ĐCTT ở tỉnh Kiên Giang. Căn nhà gỗ của hai anh chị trong những năm qua luôn vang tiếng đờn lời ca từ những em nhỏ đến học ĐCTT.
Nghệ nhân Lê Quốc Trạng, năm 1956, đang sinh sống ở số A11 Lê Quang Định, khu phố Lê Anh Xuân, phường Vĩnh Quang TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nghệ nhân Quốc Trạng bắt đầu tìm đến với nghệ thuật ĐCTT từ khi còn nhỏ, số người mà anh chị đã truyền dạy trên 200 người với đủ lứa tuổi. Hiện nay, nghệ nhân Quốc trạng đang được đề nghị phong tặng nghệ nhân ưu tú.
Người phụ nữ cũng là nghệ sĩ vẫn đang âm thầm cùng với anh mang niềm đam mê để “gieo mầm” cho những em nhỏ đó là chị Nguyễn Thị Kim Khoa, sinh năm 1966 tại xã Biển Bạch Đông huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau. Ngay từ nhỏ chị đã được ba của mình dạy cho đờn ghita những bài bản nhỏ và tham gia vào nhóm học trò lễ hoạt động ở địa phương, dần dần những bài ca Oán, Nam đã thấm vào máu của chị và đam mê nghệ thuật ĐCTT ngay từ đó. Đến năm 1983, thấy chị có năng khiếu, biết đờn và ca, huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau đã mời chị về Nhà văn hóa huyện để phụ trách thông tin cổ động. Sau đó chị được đi học lớp Trung cấp sân khấu chuyên nghiệp, khoa cải lương.
Đến năm 1991 chị về công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang, được nghệ sĩ ưu tú Thiện Vũ hướng dẫn và cung cấp cho nhiều kiến thức về bộ môn nghệ thuật ĐCTT cho cả hai vợ chồng. Vốn xuất thân từ con nhà lòi ĐCTT, cộng thêm sự đam mê, chị đã luyện ngón đờn của mình ngày càng điêu luyện, tự đờn cho mình ca và thuộc được trên 60 bài lớn, nhỏ. Không chỉ đờn mà chị còn sáng tác được nhiều bài ca, chặp ca cảnh cải lương, tài tử ở trong giới mộ điệu rất hiếm có một giọng nữ vừa ca lại vừa đờn.
Năm 2014, Dự án sân khấu học đường do Bộ VHTTDL triển khai tại Kiên Giang, cả hai vợ chồng anh chị là người tham gia giảng dạy. Trong khi giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống thì anh chị vẫn âm thầm tập hợp những người mộ điệu nghệ thuật ĐCTT về nhà mình để truyền dạy. Đã có nhiều cặp vợ, chồng hoặc cả hai mẹ con cùng đến sinh hoạt và học ca tài tử tại nhà anh chị, vì thể mà ngôi nhà của anh chị luôn vang tiếng đời lời ca. Vợ chồng anh chị đã truyền dạy cho nhiều tài năng nhí được chăm bồi và phát triển như: bé Nguyễn Thị Cẩm Hoa, giải nhì tại cuộc thi đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh thành phố Rạch Giá tổ chức; bé Phạm Thúy Duy, đạt giải ba tại cuộc thi Hò, Xự, Xang, Xê, Cống của tỉnh Bạc Liêu… Thành tích của anh chị đạt nhiều qua các kỳ thi hội diễn, hôi thi khu vực và toàn quốc.
Nghệ sĩ Kim Khoa tâm sự: Nhiều em nhỏ đến tham gia học ngày từ buổi đầu đã thể hiện có nhiều năng khiếu về bộ môn nghệ thuật truyền thống ĐCTT. Nếu được chăm chút, đầu tư ngay từ nhỏ, các em sẽ còn phát triển và đam mê nhiều với bộ môn này, sẽ bớt đi nỗi lo không được lớp trẻ lưu truyền nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trong những năm qua, vợ chồng anh chị tích cực tham gia vào các hoạt động của Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020”, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đề án đã mang lại, cho phong trào ĐCTT của tỉnh một “cú hích” lớn cho phong trào ĐCTT của tỉnh nói chung. Tạo đà để phong trào ĐCTT khởi sắc hơn nữa trong những năm tiếp theo để góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ nhân Quốc Trạng có những chi sẻ: Những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật ĐCTT khi có nhu cầu học tập là vợ chồng tôi đều sẵn sàng hướng dẫn từ kiến thức cơ bản nhất mà không lấy học phí. Có phụ huynh dẫn con đi học đàn rồi mê lại đề nghị được học ca thế là cả hai mẹ con cùng tham gia học.
Với tình yêu say mê nghệ thuật ĐCTT của hai vợ chồng anh Quốc Trạng, Kim Khoa không chỉ góp phần trong việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật truyền thống mã trường tồn và sống mãi với thời gian.
Theo Văn hóa