Chúng ta thực sự đã không để ý đến thiên nhiên nữa. Ngay cả những người không phạm tội tàn phá thiên nhiên cũng đã lãng quên thiên nhiên. Chúng ta đã và đang bỏ qua cuốn sách khổng lồ nhất và kỳ diệu nhất : đó là thiên nhiên. Đó là cuốn sách mà chúng ta lẽ ra phải đọc ngày ngày với một niềm hứng khởi và thiêng liêng nhất. Có biết bao những bế tắc và những bất lực của chúng ta trong đời sống mà chúng ta không biết cách nào để trả lời và để đi qua.
Bức Người thổi sáo 3 của Nguyễn Quang Thiều.
Thiên nhiên với đời sống kỳ diệu và giản dị của cây cỏ, của sông suối, của côn trùng, của nuông thú, của mưa gió…đã mách cho chúng ta những lối đi như một sự giải phóng khỏi những bế tắc, những u buồn và những đau đớn mà chúng ta không hề để ý.
Mỗi khi mùa xuân đang bắt đầu đi những bước đầu tiên trên trái đất này thì tôi lại thường nhớ đến một điều vô cùng bé nhỏ như chẳng có liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta. Đó là những cây rau khúc bắt đầu nở trên cánh đồng của mùa đông khô cằn và câm lặng. Khi mỗi mùa rau khúc nở một màu trắng mơ hồ như sương đọng trên những cánh đồng thì trong tôi lại vang lên một câu hỏi. Câu hỏi năm nào cũng vang lên trong tôi và kéo dài mấy chục năm rồi. Một câu hỏi đơn giản đến mức hình như chẳng có ai một lần đặt câu hỏi đó trong cuộc đời mình: Làm thế nào mà những cây rau khúc bé bỏng thế kia lại có thể giữ được sự sống của chúng trong đất suốt một năm trời và đến một ngày lại thức dậy tràn đầy sự sống như thế ? Những hạt rau khúc có lẽ chỉ nhỏ như một hạt bụi. Chúng vùi sâu trong đất với mưa nắng, ngập lụt và bao biến động mà không bị giết chết. Ai cho những hạt rau khúc bé li ti kia sức mạnh phi thường đến như vậy ?
Thực ra, tất cả những gì có trên thế gian này đều được ban cho một sức mạnh vô tận và những quyền phép kỳ diệu. Nhưng con người đã đánh mất đi quá nhiều những gì họ có. Chúng ta đang là những kẻ ấu trĩ về những “sáng tạo” của mình. Chúng ta đang nghĩ rằng chúng ta đang làm cho con người kỳ diệu với nhiều sức mạnh mà tổ tiên chúng ta không hề có. Nhưng nếu chúng ta bỏ ra một ngày để nhìn lại những gì cơ bản nhất mà người xưa đã làm thì chúng ta sẽ nhận ra rằng: chính chúng ta là những kẻ đang làm cho loài người thoái hóa. Rất nhiều công trình của người xưa còn để lại trên mặt đất này mà bây giờ cho dù chúng ta mang mọi tiền của và mọi phương tiện cũng không thể làm lại được. Và thực tế, chúng ta còn không hiểu được người xưa đã dựng lên những công trình đó như thế nào. Nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng : những gì mà khoa học đang làm bây giờ chỉ là sự hồi phục một cách thưa thớt và yếu ớt những khả năng kỳ diệu của con người đã có.
Chúng ta không thể có khả năng dự báo động đất bằng những con chuột, chúng ta không thể xác định hướng bay bằng những con chấu chấu, chúng ta không thể có được một tổ chức xã hội chặt chẽ và nghiêm minh bằng những con mối…Thực ra chúng ta được ban cho tất cả những khả năng kỳ diệu như cái hạt rau khúc, như những con chuột, châu chấu và những con mối kia…Nhưng chúng ta đã tự hủy diệt tất cả những điều kỳ diệu ấy trong chính con người mình. Chúng ta bị vùi trong bóng tối và rác rưởi của những dục vọng thấp hèn, của những hận thù điên loạn, của những cuộc chiến tranh ngập máu…mà không có khả năng vượt qua. Thỉnh thoảng chúng ta lại đứng một cách tội nghiệp trước những điều kỳ diệu của thiên nhiên và tự hỏi : vì sao cái cây kia, con mối kia, bông hoa kia, con chim kia…lại có những khả năng huyền diệu như thế. Trong khi đó, chúng ta đang phải mang vác một thân xác nặng nề với bóng tối còn nặng nề hơn trong tâm hồn chúng ta.
Trong bóng tối của đêm cuối cùng một mùa đông khắc nghiệt, tất cả như không còn gì có khả năng hồi sinh. Một khu vườn hoang tàn và u tối với sỏi đá và rác rưởi. Chúng ta nằm trong bóng tối giá lạnh ấy đầy nỗi sợ hãi và đôi khi tuyệt vọng. Và vào lúc gần sáng, chúng ta cảm thấy một hơi thở rộng lớn và rực ấm tràn ngập ngôi nhà của chúng ta. Một bàn tay quyền phép của thời gian lướt qua và biến mùa đông u buồn và giá lạnh ngập tràn ánh sáng ấm áp. Chúng ta thức dậy, cho dù chúng ta đã chứng kiến gần hết cả đời mình nhưng chúng ta vẫn ngỡ ngàng reo lên trong lòng mình.
Trước mắt chúng ta, cả khu vườn hoang tàn ngập tràn hoa nở và hương thơm. Từ những tổ kén xấu xí và đen đúa mở ra những cánh bướm với vẻ đẹp rực rỡ và với những nhịp bay huyền diệu của đôi cánh. Quyền lực nào đã biến những tổ kén xấu xí và đen đúa với một sự bất động và đầy ngờ vực bên trong chúng mở ra những cánh bướm ấy. Con đường của những bông hoa đi từ bên trong bí ẩn của những cành cây khô trụi và vô cảm, của những cánh bướm từ những tổ kén, của những mầm cỏ và những bông hoa tinh khiết và tỏa hương từ một góc vườn hoang tàn như cái chết cũng chính là con đường của chúng ta đi qua đời sống đầy dục vọng, máu chảy và tuyệt vọng này.
Nhưng những hạt rau khúc im lìm trong đất đai giá lạnh và bão gió kia, những mần cây trong ruột gỗ khô cứng kia, những cánh bướm trong những tổ kén bất động và đầy bóng tối kia…không phải là sự bất động hay là sự chết. Tất cả chúng chuyển động một cách không ngưng nghỉ từ bên trong bản chất của chúng. Chúng đã lưu giữ trọn vẹn những điều kỳ diệu nhất đã được Tạo hóa ban cho. Chúng đã không đánh mất những điều kỳ diệu ấy và khi thời gian đi đến đúng đỉnh điểm thì tất cả những kỳ diệu kia bừng nở.
Tôi đã từng đến một số nước Châu Âu vào những ngày đầu xuân. Tuyết trắng và băng giá vẫn ngự trị trên mặt đất. Nhưng bỗng một sáng thức dậy, cả vườn cỏ đã bật lên xanh non và những bông hoa dại nhỏ bé đã xòe nở như ai đó đêm qua đã mang những bông hoa kia đến trồng trong vườn cỏ. Những bông hoa nhỏ bé với những cuống hoa mảnh dẻ đang run rẩy trong những làn gió nhẹ buổi sáng. Cho dù con người đã chứng kiến cảnh này từ khi họ được sinh ra nhưng họ vẫn không sao kìm được xúc động và bị quyến rũ ngay lập tức. Tại sao những những cây hoa nhỏ hơn cả cái đầu tăm lại có thể xuyên qua băng giá khắc nghiệt như vậy và vươn lên và xòe những cánh hoa rực rỡ một cách lộng lẫy và bình thản như vậy.
Vũ trụ chứa trong nó lớp lớp những bí ẩn kỳ diệu mà chúng ta không bao giờ biết hết. Và chúng ta cũng là một trong những bí ẩn kỳ diệu của vũ trụ này. Chỉ có điều, chúng ta đã và đang đánh mất đi những điều kỳ diệu ấy. Tệ hại hơn nữa là chúng ta không nhận biết được vũ trụ lớn lao vô tận này mà lại nghĩ chúng ta là những kẻ cải tạo lại thiên nhiên và ngốc nghếch nhưng hợm hĩnh tin rằng chúng ta mới là những kẻ làm ra ánh sáng cho thế gian và chúng ta là những kẻ thông minh nhất thế gian này. Chúng ta tự tin một cách mù quáng rằng những sản phẩm công nghệ chúng ta làm ra có thể thay thế những gì mà tạo hóa sinh ra trong vũ trụ. Những kẻ ngốc nghếch và tự phụ nghĩ rằng họ đang làm cho thế giới này mỗi ngày một văn minh hơn, tiến bộ hơn. Còn những người hiểu biết thì nhận ra rằng họ đang cố gắng trở về với những gì kỳ diệu nhất mà Tạo hóa đã ban cho loài người nhưng loài người đã đánh mất.
Phụ lục cho bức thư:
Bài thơ QUYỀN PHÉP CỦA THỜI GIAN
Mở ra bằng hơi lạnh của nước, trôi như một khối kim loại
Gió rít dài hai triền sông kích động những đám mây tháng Chạp
Những quả đồi xa, con đường cô độc, một xe ngựa hiện lên
Giấc mơ về mặt trời thức dậy trong mù sương
Người đánh xe, áo quần giá lạnh, chỉ còn hơi thở
làm ấm đôi môi. Và tiếng nguyền rủa thời tiết quẩn trong họng sâu
Ngước nhìn mây xám đang bọc kín trái đất
Và bên dưới, nghiến nặng những bánh xe, con đường vô tận
Những bao hạt giống chất trên thùng xe tỏa hơi ấm
Đôi lúc giấc ngủ ngắn như một cái chớp mắt
Lướt qua một cánh đồng rộn vang tiếng trâu bò
Hòa tiếng người cười nói trong mùa màng
Và giờ đây trong bóng tối của tháng Chạp đông cứng như một chiếc hàm thiếc
Tỏa rừng rực hơi nóng những bao hạt giống
trong tiếng nghiến kiên trì khủng khiếp của bánh xe
đi đến cánh đồng đang chờ quyền phép của tháng Giêng ban tặng
(rút từ tập CÂY ÁNH SÁNG, Nxb Hội Nhà văn 2010)
Nguyễn Quang Thiều