Theo quan niệm dân gian, khi cúng bái vào rằm tháng Giêng, không nên để bàn thờ bụi bẩn; dùng hoa, trái cây giả hay đốt nhiều vàng mã.
Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên. Vào ngày này, mọi nhà chuẩn bị làm lễ cúng tươm tất, chu đáo với mong muốn cầu năm mới bình an, may mắn.
Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết muộn bởi gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; người đau yếu, nhà có tang được ăn Tết bù.
Trong dịp này, người dân cũng lên chùa để lễ Phật, cầu bình an, gia tăng phúc thọ.
Để lễ cúng rằm tháng Giêng diễn ra trọn vẹn và như ý, nên tránh những điều kiêng kỵ sau.
1. Không để bàn thờ bụi bẩn
Trước khi cúng rằm tháng Giêng, các gia đình cần lau chùi, dọn dẹp bàn thờ gia tiên cho thơm tho, sạch sẽ. Nên thắp một nén nhang khấn xin thần linh, tổ tiên về việc lau dọn.
Tuyệt đối không xê dịch bát hương trong quá trình lau dọn bàn thờ. Các vật phẩm cúng được bày biện gọn gàng, đúng thứ tự, tránh đổ vỡ.
2. Không dùng hoa, quả giả
Hoa và trái cây dâng lễ cúng rằm tháng Giêng là điều không thể thiếu.
Các gia đình chú ý không dùng hoa, quả giả để dâng lên bàn thờ, đồng thời không dùng vật phẩm đã được sử dụng để cúng. Đây được coi là hành động bất kính, không thành tâm.
Bên cạnh đó, khi đặt tiền lên bàn thờ với hàm ý cầu xin tài lộc, cần lưu ý không sử dụng tiền giả hay không phải do mình làm ra.
3. Không dùng đồ chay giả mặn
Một số gia đình muốn tránh sát sinh nên dùng đổ giả chay để dâng lên cúng Phật và cúng gia tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, điều này không đúng vì giống như lừa dối bề trên. Bởi vậy, tốt nhất là dùng đồ thật.
Mâm lễ cúng Phật thường có hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Ngày nay, mâm cúng Phật còn có bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Mâm cỗ cúng gia tiên thường là lễ mặn, có 4 bát, 6 đĩa (hoặc nhiều hơn). 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.
4. Không cúng thủ lợn
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng thường có thịt lợn nhưng không được cúng thủ lợn hoặc nguyên con heo quay. Vật lễ này biểu hiện cho sự sát sinh đầu năm và có thể gây ảnh hưởng không tốt đến vận phúc của gia đình.
5. Không đốt nhiều vàng mã
Ý nghĩa của rằm tháng Giêng là dịp cầu bình an, may mắn, đủ đầy và thịnh vượng. Vàng mã chỉ cần lượng vừa phải, không nên theo trào lưu mua các vật dụng như máy bay, ôtô… vì không đúng với ý nghĩa thụ hưởng của người đã khuất. Ngoài ra, đốt quá nhiều vàng mã còn gây phí phạm, ô nhiễm môi trường.
Theo Zing