Một triển lãm nghệ thuật đặc biệt, kết hợp giữa điêu khắc và hội họa đã diễn ra vào chiều tối 21/5 tại Hà Nội.
Những khối đá ví như “biết nói” của điêu khắc gia Đào Châu Hải sẽ gặp gỡ những bức tranh siêu thực như một giấc mơ biết nói của họa sĩ Đinh Phong. Triển lãm chung hứa hẹn đem đến cho công chúng nhiều bất ngờ thú vị trong sự gặp gỡ của điêu khắc và hội họa.
Những hình thể “cựa quậy”
Đào Châu Hải được đánh giá là một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới. Ông tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật quốc gia Moskva – V.I. Surikov danh tiếng. Trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật, hoạt động điêu khắc của Đào Châu Hải đã đạt được những thành tựu rực rỡ ở nhiều chất liệu khác nhau.
Đào Châu Hải cũng trải qua nhiều khuynh hướng sáng tác, từ hiện thực và biểu hiện, cho tới xu hướng trừu tượng hình học rồi nghệ thuật ý niệm.
Trong bối cảnh nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam, ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại, truyền nhiều cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Đào Châu Hải cũng như nhóm nghệ sĩ trẻ mà ông dẫn dắt thoát hẳn ra khỏi ngôn ngữ tả thực, chất liệu đơn thuần, không gian tượng tròn và hình thể con người đơn thuần.
Những điều đó, có thể chưa hoàn toàn ly khai nhưng không còn chi phối. Tức là điêu khắc với quan niệm truyền thống – dù là truyền thống cổ điển phương Tây hay truyền thống Á Đông cũng hết khả năng về ngôn ngữ so với nhu cầu và quan niệm về điêu khắc đương đại.
Bởi vậy, giới nghệ thuật đánh giá điêu khắc đương đại Việt Nam đi sau một nhịp so với hội họa. Tuy nhiên, nó lại tiến đến bản chất nghệ thuật gần hơn, và không bị (hay không được) thương mại hóa.
Đào Châu Hải đóng góp tích cực cho công việc này, và luôn dẫn đầu bởi sáng tác bất ngờ, chẳng hạn như bức tượng – cái nhà – đường hầm sóng ở Đồ Sơn. Rồi những tác phẩm “Đe sắt lớn”, những bức tượng “Tứ pháp” chất liệu tổng hợp.
Trong triển lãm lần này, Đào Châu Hải sẽ giới thiệu một số tác phẩm nằm trong series điêu khắc đá mới nhất của ông. Những tác phẩm này là sự nghiên cứu về hình thể và không gian mang phong cách trừu tượng hình học đặc trưng, rất phù hợp với chất liệu đá có kích thước trung bình (từ 1,5m trở xuống).
Một trong những thể nghiệm kỹ thuật đáng chú ý lần này của Đào Châu Hải là việc sử dụng máy đục ở các mức độ khác nhau đối với từng tác phẩm cụ thể. Đôi khi ông giữ lại sự dang dở của khối đá, ngẫu nhiên các mũi khoan. Các phần gia công sau cùng quyết định bởi chất liệu của loại đá khác nhau như: Sa thạch vàng, granite đen, trắng, xám…
Sáng tác để giải phóng năng lượng
Với họa sĩ Đinh Phong, đây là triển lãm lần 3 của ông. Hai lần trước là các triển lãm cá nhân“Người bay và giấc mơ siêu thực”(Hà Nội – 11/2020) và“Giấc mơ siêu thực” (TPHCM – 4/2021).
Ở triển lãm này, Đinh Phong bày những bức tranh acrylic khổ lớn và những tác phẩm điêu khắc. Đó là các chuỗi liên hợp phức cảm chồng chéo bằng chất liệu gốm, kim loại đồng được tạo ra với mục đích đạt được sự thống nhất giữa thế giới nội tâm và ngôn ngữ chất liệu.
Ông dùng nghệ thuật như một phương tiện bộc lộ mình trước thế giới. Ngay cả khi đó là sự hoang mang, hỗn loạn với những câu hỏi siêu hình không thể giải đáp về sự sống và nghệ thuật.
Nghệ sĩ Đinh Phong không được đào tạo mỹ thuật bài bản, song theo nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân thì Đinh Phong có tâm thức hành nghề dứt khoát chuyên nghiệp, không có giai đoạn quá độ như số đông tự học.
“Với tâm thức duy lý siêu hình, Đinh Phong bập ngay vào thể loại thời thượng, cổ điển là trừu tượng. Dường như đã nằm lòng những nguyên lý về form (hình dạng) của thể loại này nên không có vấp váp tạo hình nào trên mặt tranh.
Bố cục hai chiều, không gian ba chiều, liên kết đường nét, chuyển biến của khối và nhịp điệu tạo hình rất chững chạc, chỉn chu, có cân nhắc kỹ lưỡng”, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét.
Tranh Đinh Phong gây được chú ý trong công luận ngay từ khi ra mắt lần đầu tiên với công chúng Thủ đô. Gần 70 tác phẩm tranh vẽ, tượng đồng và gốm phủ men được sáng tác trong 6 tháng.
Đinh Phong vốn là một doanh nhân, nhưng tâm trí ông chưa bao giờ ngừng yêu nghệ thuật: “Tôi đã luôn mơ. Xa rời hiện thực chắc chắn ai cũng có những giấc mơ riêng.
Mỗi tác phẩm là những mảnh ghép mơ hồ đã được lượm lặt trong tâm trí. Cầm bút vẽ dường như tôi được giải phóng năng lượng sáng tạo đã tích lũy, đè nén trong mấy chục năm qua”.
Họa sĩ Đinh Phong bén duyên và say mê hội họa khi mới 19 tuổi. Bản thân ông bị thu hút bởi những tác phẩm trường phái lập thể của Pablo Picassovà siêu thực của Salvador Dali.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – nhận định: “Những tác phẩm của Đinh Phong đã xác lập ý tưởng “người bay” trong không gian siêu thực dường như không có điểm dừng. Đó là một không gian mở mà người xem chạm tới đâu cũng có thể hình thành nên một câu chuyện riêng biệt”.
Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, có bức tranh gợi một hố khảo cổ vương vãi các hiện vật mỹ thuật ánh lên trong bóng chiều tà. Có bức như giàn hoa, đàn chim, đàn bướm trong vườn. Có bức đơn giản như trò chơi xé giấy màu tung lên một vùng ánh sáng.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-khoi-da-biet-noi-ben-nhung-buc-tranh-biet-cuoi-ly4Q8fu7R.html