Xã Di Trạch nằm trên vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, trong đó lễ hội truyền thống có những nét đặc sắc riêng, đó là biểu diễn văn nghệ trước cửa đình. Những hoạt động này đã được các nhà nhiếp ảnh người Pháp ghi lại hồi đầu thế kỷ XX.
Xã Di Trạch – xưa gọi là làng Di Ái hay còn gọi là kẻ Ải – là một làng cổ ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Theo lịch sử, khi mới thành lập, Di Ái có hai xóm là Xóm Ải và Xóm Dền, sau mở rộng làng có thêm xóm Đa, xóm Dậu và xóm Vực.
Thời Nguyễn năm 1831, làng có tên là Di Trạch, thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm 1886 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; đến năm 1918 thuộc huyện Đan Phượng tỉnh Hà Đông. Sau nhiều lần tách hợp từ năm 2008, xã Di Trạch lại trở về với Thủ đô Hà Nội.
Lễ hội làng Di Trạch tổ chức vào ngày mùng 10 đến 12/2 Âm lịch. Lễ hội tưởng nhớ vua Lý Bí (Lý Nam Đế), người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương lập lên nước Vạn Xuân năm 544. Do vậy, đến nay người dân Di Trạch vẫn kiêng từ “bí” – tất cả những loại cây, quả thuộc họ bầu bí đều được gọi là “bầu”.
Lễ hội làng Di Trạch được tổ chức tại đình làng thuộc địa phận thôn Dền và Ải. Trước đây lễ hội có các phần như lễ nhà thánh, lễ rước kiệu quanh làng, múa hát cửa đình và chia lộc thánh. Trong những năm gần đây, lễ hội lớn có rước kiệu thánh chỉ được tổ chức 5 năm một lần, vào những năm chẵn 5, 10.
Dưới đây là những hình ảnh lễ hội làng Di Trạch những năm 1920-1929, nguồn ảnh lưu trữ tại Viện Viễn đông bác cổ Pháp.
Theo Công luận