Những hình ảnh lễ hội Quán Giá cách đây một thế kỷ hiện còn lưu giữ được, cho thấy có khá nhiều nét tương đồng giữa lễ hội ở làng Giá Lụa xưa và lễ hội ngày nay.
Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội xưa là làng Cổ Sở và có tên nôm là làng Giá Lụa. Xưa kia Cổ Sở đã được lưu danh sử sách với người tướng tài Lý Phục Man, người có công giúp vua Lý Nam Đế lập nên nhà nước Vạn Xuân độc lập.
Theo Thần Tích tại Quán Giá, Thái úy Lý Phục Man nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, có tài thuần trị được voi. Là một trung thần có nhiều công lao, nên khi mất, ông được nhân dân nhiều nơi tôn thờ làm Thành hoàng làng.
Ngôi đình Quán Giá, thường gọi là Quán Giá ở xã Yên Sở là nơi thờ vợ chồng Thái úy Lý Phục Man. Hiện tại, trong đình Giá còn 5 tấm bia soạn vào thế kỷ XVII, XVIII, đầu thế kỷ XIX, viết về việc trùng tu lại đền, ca ngợi sự nghiệp của Lý Phục Man. Quán Giá được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1991.
Lễ hội Quán Giá vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng, được dân gian ca ngợi là “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy…” hoặc “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/Trở về hội Giá, trở ra hội Thầy”.
Có lẽ chính vì sự nổi tiếng này nên lễ hội Quán Giá hồi đầu thế kỷ XX đã thu hút những nhà nhiếp ảnh người Pháp khi họ đến Việt Nam. Đặc biệt, những bức ảnh lễ hội Quán Giá cách đây một thế kỷ do các nhà nhiếp ảnh người Pháp và một số trí thức quê ở làng ảnh Lai Xá (cũng ở huyện Hoài Đức) chụp, hiện còn lưu giữ được cho thấy có khá nhiều nét tương đồng giữa lễ hội xưa và lễ hội nay.
Tư liệu ảnh trong bài được khai thác từ Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, thư viện số Gallica thuộc Thư viện Quốc gia Pháp và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đồng thời có sử dụng một số ảnh mới chụp ở những góc máy tương tự của tác giả Nguyễn Quân.
Theo Công luận