Giữa những dòng tin với gam màu xám trên các kênh thông tin hàng ngày, tôi dừng lại ở những dòng chữ ấm áp tình người: một cụ ông ở Kon Tum, năm nay đã 90 tuổi, bán lạc làm từ thiện. Ông là Lưu Bình, ở P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum.
Suốt 20 năm qua, đều đặn mỗi ngày, sáng từ 7g đến trưa, tối từ 6g đến khuya, ông Bình đều ra khỏi nhà với những bịch lạc được chia nhỏ. Mỗi buổi ông bán được hơn 500 nghìn đồng. Trong thời gian bán lạc dạo, gặp nhiều mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh hơn mình, ông đều giúp đỡ.
Và nhân duyên làm từ thiện của ông Bình đã được báo ghi nhận: có lần bán hết đậu sớm, trên đường về gặp một nữ “đồng nghiệp”, áo quần rách rưới, ngồi thiểu não ở vỉa hè, hỏi mới biết người này không bán được, ế hơn 5kg lạc. Thương cảm, cụ Bình liền mang đống lạc, tiếp tục rong ruổi khắp các ngõ hẻm, bán giúp người phụ nữ kém may mắn.
Chỉ trong vòng hơn một giờ là bán hết, chị ấy đã trả ơn bằng cách mua nước ngọt mời nhưng ông từ chối. Ông Bình nói và cho biết, cả gia đình theo đạo Phật, riêng ông ăn chay trường nên cứ thấy người ta đói rách là thương
Triết lý về tình thương, sự chia sẻ của ông Bình giản dị nhưng sâu sắc – thấy ai khổ thì giúp. Với sự rung cảm chân thành từ những người khó khổ hơn mình, con người sẽ mở lòng, ngay cả khi mình vẫn chưa thật đủ đầy. Đó chính là tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt, thậm chí được mở rộng ra thành “lá rách đùm lá nát”. Ông Bình đã đùm túm những cuộc đời khác bằng nửa số tiền kiếm được mỗi đêm, trong nhiều năm.
Thực ra, trong bất kỳ hoàn cảnh nào con người cũng có thể giúp nhau được. Ví dụ như những ngày cả xã hội đang rất lo lắng với dịch Covid-19 hoành hành, thì sáng kiến giải cứu dưa hấu, thanh long cho người nông dân đã được phát đi, lan tỏa. Những xe dưa được chở về thành phố, mời gọi lòng hảo tâm của nhiều người nhanh chóng trở thành niềm tin về sự tử tế vẫn luôn có mặt.
Những chiếc khẩu trang được phát miễn phí – bên cạnh những hiện tượng cá biệt, chặt chém nhân mùa dịch của một số nhà thuốc – cũng là một hình ảnh đẹp khác trong dòng chảy thông tin.
Và cũng ở đó – giữa mùa dịch, ngoài con số nhiễm mới, tử vong vì Corona, tôi để ý tới những bức ảnh chụp vết hằn trên khuôn mặt của các bác sĩ, nhân viên y tế ở Vũ Hán do nhiều ngày đeo khẩu trang, ở suốt trong bệnh viện. Họ đã tận tâm với công việc cứu người, làm hết chức phận được giao phó. Đó chính là tinh thần chánh mạng trong nhà Phật: làm nghề tốt và tận tâm với nghề. Chính nhờ nỗ lực của các lương y đó mà đã có hơn 10 ngàn bệnh nhân do virus Corona được chữa khỏi.
Trong Phật giáo, thân và tâm là hai yếu tố có sự tác động qua lại. Theo đó, để chữa lành bệnh nơi thân thì liệu pháp tinh thần (nơi tâm) rất quan trọng, và ngược lại, để thân khỏe thì tâm an cũng là điều kiện cần, quyết định. Một trong những cách giúp tâm an chính là biết dừng lại trước những điều tốt đẹp trong đời, nhìn thấy những điểm tốt nơi người để chiêm nghiệm, học hỏi, tùy hỷ và biết ơn. Tôi gọi đó là thực hành “cảm ơn cuộc đời”.
Nếu có lòng thương, đại dịch sẽ làm cho tình thương trở nên lớn hơn!
Theo Giác Ngộ Online