Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm 9 người tử vong ở Hòa Bình tiếp tục diễn ra với những diễn biến đáng chú ý sau 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Sáng nay (21/5), phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người tử vong tiếp tục diễn ra sau 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Những diễn biến đặc biệt
Phiên tòa dù diễn ra trong thời tiết nóng nực nhưng có sự tham gia của rất đông người dân với những diễn biến rất đáng chú ý.
Ở phiên tòa vừa qua, bên cạnh diễn biến kịch tính trong phiên tòa thì TAND TP Hòa Bình cũng có những quyết định khiến những người tham dự đặt câu hỏi.
Đầu tiên là sự vắng mặt của những người được xem là mắt xích trọng trong vụ án. Ở đây là ông Trương Quý Dương, (nguyên giám đốc BVĐK Hoà Bình thời điểm xảy ra vụ việc) và ông Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Thiên Sơn – đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ). Dù ông Dương đã ủy quyền cho đại diện của mình là luật sư Đỗ Quốc Quyền (đoàn luật sư Hà Nội) đến tòa nhưng vị này chỉ có mặt tại tòa trong ngày 16/5.
Hai người này được cho là liên quan trực tiếp đến vụ án chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng Tòa lại cho là không cần thiết phải có mặt.
Cả ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn đều liên quan đến trách nhiệm về hợp đồng, chất lượng máy móc cũng như quá trình bảo dưỡng máy.
Tiếp theo là đại diện Bộ Y Tế chưa có mặt để trình bày về quy trình pháp lý chuẩn cho hoạt động chạy thận tại các bệnh viện. Bởi lẽ, đây được xem là một trong các mấu chốt vấn đề liên quan đến vấn đề buộc tội bác sỹ Hoàng Công Lương.
Bên cạnh đó, vụ án liên quan đến chuyên môn về lọc thận, trang thiết bị, hệ thống lọc nước RO dùng trong lọc thận nhân tạo nhưng các chuyên gia không được mời đến phiên tòa để làm rõ vấn đề liên quan.
Chiều 16/5 luật sư đề đạt chuyên gia về chạy thận là bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh, đến từ bệnh viện Thủ Đức (TP HCM) tham dự phiên tòa để tham vấn ý kiến và được đồng ý. Tuy nhiên, sáng 17/5, sau khi xem xét, Tòa bất ngờ không chấp nhận nữa.
Đặc biệt, trong phiên tòa chiều 16/5, người dân trong hội trường đồng loạt vỗ tay khi bác sỹ Lương xin giữ quyền im lặng.
Bác sỹ Hoàng Công Lương cho rằng, “thông qua báo chí, bị cáo đã nhận được thông tin người đứng đầu Viện kiểm sát quy kết tội cho bị cáo với lý do không ký thì không chết người. Khi Viện kiểm sát hỏi 2 bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo, nên bị cáo không tin tưởng Viện kiểm sát. Bị cáo xin giữ im lặng, bị cáo nhường quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội”.
Đơn nguyên chạy thận nhân tạo có được thành lập đúng luật?
Trong phiên tòa sáng 18/5, trả lời luật sư Trần Hồng Phúc (một trong các luật sư bào chữa cho bác sỹ Lương) về trách nhiệm của bệnh viện, ông Đỗ Đình Vận (phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho rằng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình là cơ quan y tế cấp tỉnh cao nhất ở Hoà Bình. Bệnh viện xin “nhận trách nhiệm” ở sự cố ngoài mong muốn này nhưng đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức.
Luật sư cho rằng ông Trương Quý Dương đã ký quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo sai thẩm quyền.
Sau đó, ông Vận nêu quan điểm, nếu việc thành lập này là trái pháp luật thì các công việc lọc máu cho người bệnh cũng là trái pháp luật.
Liên quan đến thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cũng trong phiên tòa sáng 18/5, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện tỷ lệ ăn chia giữa Bệnh viện Hòa Bình và công ty Thiên Sơn. Theo đó, công ty Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu hàng tháng. Bệnh viện Hòa Bình nhận 10% để chi trả khoản phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật.
Sau đó, ông Vận khẳng định lại rằng bản thân chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, tỷ lệ phần trăm ăn chia ông không biết.
Khi ông Vận vừa dứt lời, luật sư tiếp tục công bố về số tiền Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/1 ca chạy thận nhưng ông Vận khẳng định rằng chưa được nghe phổ biến về việc này bao giờ./.
Trước đó, sáng 15/5, TAND TP Hòa Bình mở phiên sơ thẩm xét xử đối với bác sỹ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Vụ án xảy ra vào 29/5/2017 có 3 bị cáo: Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình), Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị cáo buộc tội Vô ý làm chết người. Sau khi VKS đọc cáo trạng, bác sỹ Hoàng Công Lương nêu ý kiến không đồng tình với cáo buộc quy kết. Trong 4 ngày vừa qua, phiên tòa có những diễn biến đáng chú ý, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự vắng mặt của lãnh đạo bệnh viện ở thời điểm đó là ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình). Dù 1 ngày sau khi mở phiên tòa, người đại diện do ông Dương ủy quyền mới đến Tòa trình diện nhưng người này chỉ có mặt tại tòa vào ngày 16/5 và vắng mặt liên tiếp 2 ngày sau đó. Trong phiên tòa sáng 18/5, sự vắng mặt của những nhân chứng quan trọng trong vụ án cũng khiến người tham dự phiên tòa không hài lòng, luật sư không thể hỏi những người này để làm rõ chi tiết liên quan đến vụ án. Cũng trong phiên tòa sáng 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bảo vệ quyền lợi các nạn nhân tử vong) xin đính chính lại, đồng thời công bố ca tử vong thứ 9 trong vụ chạy thận ở Hòa Bình và được HĐXX chấp nhận. |
Theo VOV