Những danh tướng Việt giỏi thu phục nhân tâm

7:00 | 08/06/2022

Trong kho sách binh pháp cổ Trung Quốc lưu truyền và quen thuộc với người Việt, được cho là của Quỷ Cốc Tử Vương Hủ, có nói “Dùng tâm hệ trọng hơn dùng binh”.  Hình ảnh chàng trai làng Phù Ủng là câu chuyện kể về Phạm Ngũ Lão, một vị hổ tướng đã lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. 


Tranh minh họa.

Dẫn giải về phép này, sách binh pháp có nói: Dùng binh phải lấy việc dùng tâm làm nguyên tắc cao nhất. Chỉ dùng binh mà không dùng tâm thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ dùng binh là để giết địch, nếu ta thất bại, địch cũng sẽ giết ta, nên dùng binh cũng có thể sẽ đem lại hậu quả tự giết mình. Còn ở trong quân, việc dùng binh không chỉ giới hạn ở việc dùng mệnh lệnh hay kỉ luật bắt người ta phục tùng, mà còn phải làm cho người ta “tâm phục”.

Rất nhiều danh tướng Việt đã thể hiện tài năng trong việc thu phục nhân tâm như vậy. Tiêu biểu nhất là Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão. “Đại Việt sử ký toàn thư” ca ngợi ông rằng: “Ông chỉ huy quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, thương yêu nhau như con một nhà nên đánh đâu được đấy. Mỗi khi ông đưa quân đi đánh dẹp, lấy được chiến lợi phẩm gì đều bỏ vào việc chi dùng cho quân lính, coi tiền của như không. Thật là bậc danh tướng!”.

Trong số các tướng thời Trần, có Thiều Thốn là người ở Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa, là bậc nhân tướng được quân sĩ yêu mến, có chuyện chép trong chính sử. Là Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Kim Ngô vệ thời Trần Dụ Tông, đến khi ở biên cương phía Bắc rối loạn vì quân của Trần Hữu Lượng gây hấn, Thiều Thốn được phong làm Phòng ngự sứ đem quân trấn giữ Lạng Giang (Lạng Sơn ngày nay).

Ở trấn, ông đã giúp dân địa phương an cư lạc nghiệp, tạo ra một vùng biên cương bền vững và được dân chúng quý trọng, tin yêu. Tuy nhiên, do người em của Thiều Thốn phạm tội, ông cũng bị liên đới, bị tước hết mọi chức vụ để về triều đình chịu tội. Khi bàn giao chức vụ, ông không kêu ca nửa lời, vẫn chấp hành hình phạt và sẵn sàng chịu tội. Thương ông nên quân sĩ buồn lòng bèn đặt câu ca rằng: “Trời chẳng thấu oan, Thiều công mất quan”. Khi ông lên đường về kinh chịu tội quân sĩ lại ca rằng: “Thiều công ra về, lòng ta tái tê”.

Lời ca vang đến tận triều đình, nhà vua biết được bèn xem xét kỹ và miễn tội, cho ông được phục chức quan cũ. Khi đó, quân sĩ vô cùng vui sướng lại ca rằng: “Trời đã thấu oan, Thiều công lại được làm quan”.

Thiều Thốn tuy được phục chức nhưng chẳng bao lâu sau thì mất vì bệnh. Sau ngày ông qua đời, dân chúng đã lập đền thờ ông và triều đình đã sắc phong ông là Thành hoàng làng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhờ tướng sĩ đồng lòng, cùng chịu gian khổ, mà Bình Định vương Lê Lợi đã lãnh đạo quân dân giành chiến thắng, đuổi quân xâm lược khỏi nước ta. Chính vì vậy, trong bài “Đại cáo bình Ngô” ban bố cho thiên hạ, Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Trong số các danh tướng của Lê Thái Tổ, có những bậc nhân tướng như Lê Khôi, cũng là cháu ruột Lê Thái Tổ. “Đại Nam nhất thống chí” viết về Lê Khôi như sau: “Ông là người độ lượng, nhân hậu, nhã nhặn, ít nói ít cười, từng theo vua Lê Thái Tổ đi đánh dẹp lập được nhiều công lao”. Khi cử vào trấn thủ Hóa Châu (vùng Thừa Thiên – Huế ngày nay), ông dùng nhân tâm thu phục người Chiêm, khiến họ quy thuận.

Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn kể lại, khi quân Chiêm quấy rối, ông lại được sai dẫn quân vượt Ly Giang, đến cửa biển Thi Nại vào đất Chiêm, tướng giặc biết là quân của ông, gọi sang hỏi: “Có phải ông Tư mã đấy chăng?”. Ông liền bỏ mũ trụ ra để cho chúng thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa sụp lạy, mang biếu sản vật, rồi không dám đánh lại ông nữa. Trong lịch sử nước ta, không có viên hổ tướng nào chỉ cần bỏ mũ mà thu phục địch quân như vậy.

Cuối thời Lê, tiến sĩ Nguyễn Bá Lân không chỉ nổi tiếng là danh sĩ trong “Tràng An tứ hổ”, làm quan qua các chức Tả chấp pháp ở bộ Hình, Thiêm đô ngự sử, Bồi tụng, Tế tửu Quốc Tử Giám, mà còn từng được chuyển sang ngạch võ quan, từ chức Lưu thủ trấn Hưng Hóa, đến Đốc trấn Cao Bằng. Năm 1746, khi có giặc Mạc Tam ở Trung Quốc đem quân sang chiếm đánh, cướp phá ở Cao Bằng, triều đình cử Nguyễn Bá Lân là quan lưu thủ Hưng Hóa lên Cao Bằng đánh dẹp. Ông vâng mệnh lĩnh một đội tả tượng gồm 170 quân sĩ và ngựa tốt lên đường, đuổi dẹp được giặc. Khi tiến đánh các đồn luỹ giặc, Nguyễn Bá Lân chỉ huy quân sĩ từ trong đánh ra, ngoài đánh vào. Đặc biệt, ông dùng tình họ hàng đối với những người đã trót theo giặc để vận động họ làm nội ứng.

Sau khi lấy lại toàn bộ đất Cao Bằng, Nguyễn Bá Lân dùng tất cả thóc gạo, trâu, ngựa và vũ khí thu được ở các đồn luỹ chia cho dân. Đồng thời ông tuyển dụng những viên quan cần mẫn để trấn trị từng vùng, từng bản. Với cách thu phục nhân tâm này, miền biên ải phía Bắc của đất nước lại trở nên bình yên.

Một nhân vật nữa trong “Tràng An tứ hổ” là tiến sĩ Vũ Diệm, giữ chức Hàn lâm thị thư, khi các tỉnh Tây Bắc có giặc, cũng được cử làm võ tướng đi đánh dẹp. Cũng giống Nguyễn Bá Lân, Vũ Diệm đã dùng tài năng, đức độ và chiến lược “tâm công” để cảm hóa quân thù. Cách đánh giặc của Vũ Diệm giành thắng lợi mà không phải tốn một mũi tên hòn đạn, không phải đổ máu khiến cho đối phương cũng phải khâm phục.

Thời chúa Nguyễn, danh tướng Nguyễn Văn Trương, một trong “ngũ hổ tướng” của chúa Nguyễn Ánh, cũng được sử nhà Nguyễn ca ngợi về tính nhân hậu, không muốn giết người. Bộ sử “Đại Nam liệt truyện” kể khi Nguyễn Văn Trương còn là tướng nhà Tây Sơn, quân chúa Nguyễn đánh nhau với quân của ông bị thua, khi lội qua sông chạy, quân Tây Sơn xúm lại đâm, Trương ngăn lại bảo rằng: “Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là mạnh”, quân lính mới thôi. Vua Gia Long từng khen ông rằng: “Làm tướng có lòng nhân như Trương là ít lắm”. Sau ông theo hàng vua Gia Long, lập nhiều công lớn, đời khen là Phước tướng.

 

Theo GD&TĐ

Video hay

Cùng chuyên mục

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024