Dõi theo với tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên, từ khi còn là những trang bản thảo, tôi luôn dành cho tập sách này sự trân trọng và niềm quan tâm đặc biệt. Trân trọng lắm khi có một Tuyển thơ đẹp, chất lượng của 108 cây bút từ mọi miền đất nước và một số tác giả ở nước ngoài, tất cả hội tụ về với thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng. Ưu ái lắm, bởi tập sách chỉ mới ra đời trong một thời gian ngắn ngủi, chưa đầy 5 tháng, đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là các nhà phê bình, nhà báo, nhà thơ đã viết bài giới thiệu về tuyển thơ này trên khắp báo đài. Bạn đọc yêu thơ khắp mọi miền đất nước tìm cách mua cho bằng được tập sách dày trên 500 trang, bìa đẹp với bức tranh màu xanh biển của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Những nhận xét công tâm của gần ba mươi bài báo từ Trung ương đến địa phương phủ sóng khắp toàn quốc, phần nào đã minh định sức thu hút không hề nhẹ của tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tháng 5.2020.
Giở lại từng trang báo còn thơm mùi mực, đọc lại từng cảm nhận về tập sách này, tôi nhận ra sự chú tâm của các nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình đều tập trung vào nội dung và hình thức của tập sách, dành cho đội ngũ nhà thơ và đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp thầm lặng của “người giữ vườn”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Theo các tác giả, hợp tuyển này là một sân chơi lạ, hội tụ nhiều tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu của các nhà thơ trong và ngoài nước, nhằm giới thiệu với bạn đọc yêu thơ xa gần những tác phẩm tâm huyết của mỗi nhà thơ đến với sông Hàn. Nhiều gương mặt thơ ca tên tuổi xuất hiện bên cạnh những cây bút không chuyên, nhưng mỗi tác giả một rung ngân cảm xúc, mang dấu ấn sáng tạo riêng biệt. Để tập hợp được hàng trăm phong cách vào trong một tập sách là việc làm công phu, khó nhọc đòi hỏi sự say mê và lòng tâm huyết hết mình với thơ ca, đáng trân trọng…
Xin lượt ghi những cảm nhận của một số tác giả đã viết về tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” trên các báo từ Trung ương đến địa phương trong mấy tháng qua. Chính những bài viết ấy đã góp phần hâm nóng không khí thơ ca đích thực giữa bộn bề đời sống đầy cơm áo hiện nay…
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha: “Mỗi trang thơ là một trang đời, chất chứa những chiêm nghiệm về qui luật của thơ ca và cuộc sống, hướng về khởi nguồn của nghệ thuật là quê hương, về tình yêu, phận người… Nhiều thể loại thơ phong phú, cách tân về hình thức, thi pháp, đa dạng về giọng điệu, không hiếm câu thơ hay, thi ảnh đẹp… Bạn đọc sẽ gặp nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ đầy cảm xúc giữa trùng điệp những câu thơ giàu sức lay động trong tuyển thơ này. ” (Báo Thanh Niên).
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “”Biển bắt đầu từ sóng” là một tập hợp thơ đa dạng giọng điệu, phong cách, thi pháp. Nói thế để bạn thấy hết công phu khó nhọc của Nguyễn Ngọc Hạnh. Để có được thơ tuyển hàng tuần cho báo và tập thành nên tuyển thơ này, anh đã phải rất tốn thời gian sức lực trí não tâm hồn cho việc đọc thơ của nhiều người ở nhiều tập thơ. Ở đây tôi nghĩ anh lại có thể vận dụng cho mình đoạn viết này của Hoài Thanh ở sau cuốn “Thi nhân Việt Nam” (1942): “Vả bạn cũng nên nghĩ rằng, tuy còn bỏ sót nhiều, ít ra tôi cũng đã xem năm mươi quyển thơ như quyển này. Lắm khi xem một trăm bài thơ, chỉ có một bài trích được. Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”. Tôi nói là vận thôi để ý nói công lao khó nhọc đọc thơ và chọn thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh, chứ không phải ý so sánh anh với Hoài Thanh và cuốn “Biển bắt đầu từ sóng” với cuốn Thi nhân Việt Nam. (Báo danviet.vn).
Với nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, ông cho rằng: “Cho dù mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều chung vẻ đẹp chân thành từ cảm xúc của thơ ca. Nhiều giọng điệu riêng là điều đáng quan tâm trong tuyển thơ này. Thơ đương đại có mối quan hệ và kế thừa, làm mới thơ truyền thống đa sắc, đa thanh”. (Báo Văn nghệ CAND).
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Cái xôn xao của biển là muôn đời. Thơ cũng vậy, xôn xao bởi những con sóng thi ca. Cũ và mới, bé hay lớn, hiền lành hoặc dữ dội hình như đều được bảo lưu trong thơ. Thơ không cung cấp nhiều cho ta diện mạo cuộc sống mà cho ta những lắng sâu của đời. Mỗi thi phẩm trong Tuyển thơ này là một rung ngân, chẳng mấy giống nhau nhưng đều chung cái đẹp, khi bình dị, lúc sang trọng. Nhiều giọng điệu là điều tôi cảm nhận rõ từ tuyển thơ này. Ghi nhận công lao, tâm huyết, khả năng thẩm thấu của người biên soạn với tình yêu thơ là sợi chỉ xanh xuyên suốt”. (Báo Người Lao động).
Nhà thơ Văn Công Hùng: “Tôi phát hiện một điều nữa, rất nhiều người thơ hay được chọn vào đây đã đành. Nhiều người nữa lâu nay cứ nghĩ họ là nhà báo, nhà giáo, là này, là kia thôi, làm thơ bất chợt cho vui, ai dè vào tập này, đọc thơ họ thấy hay đến…đoan trang”. Ví dụ như đây là thơ của ông trưởng phòng thời sự VTV8 Hồ Hoàng Thái: “Trong veo ấy hãy lăn đừng tiếc rẻ/ mặt đất tròn đâu dễ được đứng yên/ hãy cứ nghĩ mình như giọt lệ/ vòng nữa thôi sẽ đến môi cười”. Hay đây là thơ ông Phạm Phát, tôi nghe nhiều đến ông ấy là nhà cách mạng năm nay 87 tuổi viết trong đám tang cho một đồng đội: “Một bát mì/ Một nén hương/ Một tôi đau điếng/ Chợt thấy đôi dép đặt cạnh quan tài/ Bưng mặt, nấc không thành tiếng”… (Tạp chí Việt Nam Hội nhâp & Báo Văn nghệ).
Nhà thơ Từ Kế Tường: “Hình tượng Biển bắt đầu từ sóng cũng chính là hình tượng quê hương bắt đầu từ biển. Dù thể hiện bằng tình yêu lứa đôi hay tình yêu quê hương, biển trong Tuyển thơ này vẫn là đường dẫn tới trái tim mang tình tự của dân tộc”… (Báo chatluongvacuocsong.vn).
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Chỉ có thơ mới nói lên tất cả, như sóng đã nói về biển ồn ào và dịu êm, bão giông và lặng lẽ. Thơ sẽ nói hết nỗi lòng của thi nhân với cuộc đời. Chẳng mấy ai so bì cũ mới, chiếu trên, chiếu dưới, dữ dội hoặc dịu êm, chỉ là thơ đúng nghĩa dưới con mắt người tuyển chọn”. (Báo Thể thao Văn hóa)
Nhà thơ Võ Quê: “Tập sách đã có hiệu ứng dây chuyền, thành công mỹ mãn ngay trong những ngày đầu phát hành phần nào đã nói lên được cách làm đầy tâm huyết và lòng đam mê với thơ một cách sâu sắc, trí tuệ của người tuyển thơ Nguyễn Ngọc Hạnh”… (vanchuongviet & tamnhin.net.vn)
Nhà văn Tuệ Mỹ: “Sự ra đời của Biển bắt đầu từ sóng là một dấu hiệu đáng mừng, đã thắp lên niềm tin cho người làm thơ và người yêu thơ về sức sống bền bỉ và sứ mệnh cao đẹp của thơ”. (Báo Công An Đà Nẵng).
Nhà thơ Như Quỳnh Irisde Prelle: “Đến với tập sách, bạn và tôi sẽ nhìn thấy một diện mạo và không khí quen thuộc theo điểm nhìn ở một góc hẹp nào đó; nhưng sẽ bất ngờ bởi cách trình diễn đã thoát khỏi những motip, thoát khỏi những dấu ấn xưa cũ một thời”. (Viết & Đọc).
…
Nhiều con sóng nhỏ góp vào con sóng lớn của biển tình thi ca mênh mông. “Biển bắt đầu từ sóng”, trước hết, là tuyển thơ mang đậm dấu ấn về cuộc hội tụ của cảm xúc. Điều đó, không những được đóng góp bởi các tác giả mà còn chứa đựng tình cảm từ những con người thi ca sống ở thành phố biển. Bằng tình yêu với thơ, họ đã kết nối, lan tỏa thêm giá trị tích cực. Trong giới hạn về dung lượng, có thể tập sách vẫn còn thiếu vắng nhiều tác giả, tác phẩm, nhưng đó cũng là lý do để kích thích, gợi mở thêm nhiều ý tưởng mới cho những tuyển tập khác cùng đua hương sắc, nhất là dấu ấn thi ca từ các địa phương với nét đời sống, văn hóa đậm đà và độc đáo riêng có. (Báo Thời Nay/ND).
Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung: “Sự thành công của tuyển tập theo tôi, những nhà thơ hiện ra hoàn toàn trong tư cách người nghệ sĩ thực hiện trò chơi nghiêm túc đối với chất liệu sáng tạo nghệ thuật”.
Cây bút trẻ Nguyên Thu: Đây là cuộc hội ngộ tình cờ của những cây bút quen thuộc và không quen, nổi tiếng và chưa hề thành danh, từng trải hay còn trẻ tuổi nhưng tác phẩm của họ là thơ, chỉ là thơ mà thôi. Cần ghi nhận sự đóng góp của những cây bút trẻ tiêu biểu – những con sóng nhỏ lấp lánh cùng những tên tuổi lớn bên vùng đất, vùng thơ chưa mưa đà thấm này”. (vanvn.net & Tạp chí Non Nước).
Nhà giáo Thuỷ Nguyễn “Từ Biển bắt đầu từ sóng, mỗi chúng ta có quyền hi vọng, trong tương lai sân vườn thi ca của thành phố biển này sẽ còn rực rỡ hương sắc hơn với sự góp mặt của nhiều loài hoa đẹp từ muôn nơi về khoe sắc với vẻ đẹp của con sông Hàn thơ mộng”. Báo Quảng Nam, Đà Nẵng & Tuổi trẻ).
Nguyễn Thị Thu Thuỷ