Nông thôn Việt Nam không chỉ đẹp vì những cánh đồng lúa ngập tràn màu vàng của mùa gặt hay hình ảnh của biển xanh, nắng vàng đã đi sâu vào tiềm thức mà lờ mờ đâu đó, ở vùng ven biển, người ta còn bị mê hoặc bởi những cánh đồng muối được kết tinh từ giọt ngọc của biển cả.
Cà Ná (Ninh Thuận)
Cá Nà nằm ở huyện Thuận Nam, giáp ranh giữa Ninh Thuận và Bình Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 30km về phía Nam. Nơi đây được xem là kho muối lớn nhất cả nước với diện tích cánh đồng muối lên đến 1.000 ha trải dọc bờ biển. Nó mang lại cảm giác bình yên với hình ảnh những người nông dân chất phác, mộc mạc, ngày ngày hăng say lao động trên những cánh đồng muối.
Do điều kiện thời tiết vô cùng thuận lợi, không những nghề làm muối phát triển mà các ngành du lịch, dịch vụ khác diễn ra cũng rất sôi nổi. Được biết, với hơn một nghìn ha ruộng muối trải dài theo bờ biển, Cà Ná nổi tiếng là “kho muối” lớn nhất nước.
Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km nhiều nắng, gió cho hạt muối mặn đậm đà mà thanh, là nguyên liệu làm ra loại nước mắm Cà Ná thơm ngon. Mùa làm muối bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến hết tháng 8 Âm lịch, trùng với thời điểm mùa khô hàng năm.
Từ khoảng năm 2017, diêm dân làm muối làm muối trên nền ruộng lót bạt thay cho nền đất. Bởi vậy, muối kết tinh dài ngày hơn nên có chất lượng tốt hơn. Sản phẩm cho hạt sạch, trắng đẹp, ít tạp bẩn, và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Dựa vào các gộp đá trên bờ, người ta đắp thành những ô ruộng muối rộng đến hàng chục ha mỗi ô. Muối Cà Ná được giới chuyên môn đánh giá là loại muối tốt nhất ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Cà Ná còn là điểm du lịch lý tưởng với nhiều bãi tắm hoang sơ, trong xanh, phong cảnh hữu tình…
Phương Cựu (Ninh Thuận)
Cánh đồng muối Phương Cựu cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 15km, thuộc xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, được xem là cánh đồng muối lớn nhất miền Trung.
Mùa làm muối bắt đầu khoảng tháng 12 đến tháng 5 của năm sau. Tới đây, du khách sẽ khám phá những trải nghiệm mới, hiểu biết về cuộc sống của các diêm dân; ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời, lung linh, huyền ảo và đẹp mê hồn của những cánh đồng muối dưới ánh nắng bình minh hay hoàng hôn.
Ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày, du khách dường như cảm nhận vẻ đẹp của những cánh đồng muối ở những góc độ khác nhau.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh sống động được kết hợp giữa vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên với vẻ đẹp của sự hăng say lao động.
Lần đầu tiên được chứng kiến các công đoạn làm muối, du khách sẽ phải ngỡ ngàng với độ khó nhọc mà những diêm dân phải trải qua để tạo nên những hạt muối trắng tinh được sử dụng hàng ngày. Một ngày làm muối của người dân diêm điền bắt đầu từ lúc sáng sớm.
Đầu tiên là công đoạn làm đất, ngâm cát cùng nước biển sau đó đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ.
Trời càng nắng, muối càng mau tạo hình, cái nắng bỏng rát da thịt là ưu ái của thượng đế để vụ mùa được bội thu, để những hạt muối thêm trắng trong, tinh khiết.
Trong khung cảnh mênh mông của biển cả, trong tiếng sóng rì rầm, hình ảnh những diêm dân trên cánh đồng muối Phương Cựu nhỏ bé vô cùng, nhưng ở họ, người ta cảm nhận được một sức sống tràn trề, một tinh thần vươn lên mãnh liệt.
Trên những đôi vai gầy ấy là sản vật của đất trời, những hạt muối do họ tạo ra sẽ trở thành một gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong vẻ đẹp khác biệt của ruộng muối là ẩn chứa bao điều xúc động về sự lao động cần mẫn của con người để mang lại những hạt muối giản dị, nhưng lại làm cho đời thêm mặn mà hơn…
Hải Hậu (Nam Định)
Cánh đồng muối Hải Hậu thuộc thôn Văn Lý, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, cách Hà Nội khoảng gần 100km. Nếu xuất phát từ Hà Nội, du khách có thể lựa chọn đi bằng xe máy vào buổi sáng sớm hoặc đi ôtô mất khoảng hơn 2 giờ.
Đến đây, bạn sẽ được cảm nhận sự vất vả, cực nhọc của những người dân “một nắng hai sương” vất vả làm nên hạt muối trắng ngần. Để tạo nên được những hạt muối họ phải trải qua rất nhiều quy trình khác nhau như: Đào rãnh, dẫn nước, phơi, bừa…Hải Hậu là một huyện ven biển thuộc tỉnh Nam Định.
Nơi đây có truyền thống làm muối từ rất lâu đời. Một ngày lao động của người dân làm muối bắt đầu từ rất sớm. Đầu tiên là công đoạn ngâm cát, cát được ngâm cùng với nước biển trên những ruộng đã được làm sẵn, sau đó họ tưới nước biển và rắc muối mồi lên. Phải chờ đợi đến trưa, khi những ánh nắng gay gắt của mặt trời kết tinh từng hạt muối trên những hạt cát, người ta bắt đầu cào thành từng đống nhỏ, trắng xóa.
Cứ liên tiếp hết đống này đến đống kia giữa cái nắng như đổ lửa, bao giọt mồ hôi đã rơi xuống. Đến cuối chiều, những đôi chân trần lại hì hục chở những đống muối về nơi tập trung và kết thúc một ngày làm việc.
Họ cứ mải miết cho công việc ấy cho đến lúc hoàng hôn buông xuống, khi ánh mặt trời le lói qua những ngọn phi lao, nếu đã một lần gặp hình ảnh những người nông dân trên ruộng muối vẫn tất tả làm lụng cuối ngày, bạn sẽ phần nào cảm thấy thật khâm phục họ.
Chợt nghĩ về, giữa cái khung cảnh mênh mông của biển cả bao la, cùng tiếng sóng rì rầm, và bắt gặp hình ảnh những diêm dân trên cánh đồng muối Hải Hậu, đang quyện vào thiên nhiên, bạn sẽ trở nên nhỏ bé vô cùng, nhưng ở họ, ta vẫn cảm nhận được một sức sống tràn trề, và một tinh thần vươn lên mãnh liệt đến vô cùng.
Nếu đã một lần Hải Hậu, nhất là giữa cái nóng oi nồng của tiết trời mùa hạ còn sót lại sau một ngày dài khi ánh hoàng hôn buông dần trên những cánh đồng muối sẽ tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mê hoặc, ở đó phảng phất vị nhọc nhằn mà bình yên.Và tôi tin rằng cái cánh đồng muối ấy khiến bạn chẳng thể nào quên…
Diêm Điền (Thái Bình)
Thái Bình là vùng đất châu thổ sông Hồng phù sa màu mỡ, nơi đây không chỉ biết đến với những vựa lúa lớn nhất cả nước mà người dân còn rất gắn bó với nghề làm muối từ rất lâu đời. Diêm Điền nằm ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Mùa làm muối kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, thời điểm này gió nồm kết hợp với nắng gắt tạo ra những hạt muối to, đậm vị và chắc nhất.
Đến Diêm Điền, ngoài việc chiêm ngưỡng những gồ muối cao khi hoàng hôn buông xuống, du khách còn có thể du lịch rừng ngập mặn Thụy Trường, đình An Cổ và thưởng thức những món ăn đặc sản như mắm cáy, sứa chua… Cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, thị trấn Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng.
Theo nghĩa Hán Việt, diêm là muối, điền là ruộng, nghĩa gốc của từ Diêm Điền có nghĩa là ruộng muối. Tên làng đã nói lên nghề của nhân dân nơi đây, đó là làm muối và đi biển.
Biển Diêm Điền với nồng độ mặn của nước biển đạt chuẩn để làm ra những hạt muối trắng. Làng nghề truyền thống làm muối biển ở đây đã có từ rất lâu đời. Nghề làm muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 trong năm.
Đặc biệt vào tháng 4 và tháng 6 khi có những ngọn gió nồm thổi về, và nắng vàng gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất. Một ngày làm muối của người dân Diêm Điền bắt đầu từ sáng sớm. Đầu tiên là công đoạn làm đất.
Người dân ngâm cát cùng nước biển, sau đó đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ.
Dưới ánh nắng hè gay gắt, trên từng thửa ruộng “trồng” muối, những người dân phơi mình trong cái nắng om da cháy thịt để có được thành quả lao động vất vả. Họ vui mừng vì được lao động trong cái nắng bỏng rát ấy, vì vụ mùa sẽ bội thu, hạt muối sẽ càng trắng trong.
Ngược lại, nếu có cơn mưa bất chợt rơi xuống xem như uổng công vô ích, người nông dân lại phải bắt đầu lại quy trình từ đầu. Khoảng 14h mỗi ngày, muối bắt đầu kết tinh trên đồng, nhà nông hối hả thu hoạch muối. Muối được gom lại thành từng ụ trắng tinh phản chiếu xuống mặt ruộng tạo nên bức tranh độc đáo.
Từng ụ muối được đưa lên bờ cho bốc hết hơi nước và đóng vào bao. Vất vả là vậy nhưng những người dân miền biển vẫn cần mẫn với nghề. Một lần đến và cảm nhận mới thấy trân trọng những hạt muối biển mặn mòi và yêu thêm những người dân lao động trên những cánh đồng muối trắng.
Biển Diêm Điền còn nổi tiếng với mắm cáy ngon tuyệt hảo. Người dân Thái Thụy thường mời khách đến chơi nhà những món ăn đặc sản của vùng như gỏi nhệch, sứa chua, gỏi sứa, canh ron…
Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)
Đồng muối Sà Huỳnh thuộc huyện Đức Thổ, Quảng Ngãi, được đầu tư xây dựng 6 tuyến đê bao trải dài 5 km. Người dân luôn làm việc tất bật từ tháng 3 đến tháng 8, tạo ra một sản lượng muối khá lớn tại khu vực miền Trung.
Mới đây, họ đã thay đổi phương thức làm muối, không làm muối trên nền đất nữa, mà thay vào đó là lót bạt hoặc nền xi măng, chất lượng muối và giá cả không ngừng được cải thiện. Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích hơn 110ha, cách TP.Quảng Ngãi 60km về phía cực nam của tỉnh.
Nghề muối nơi đây, từ lâu đã trở thành kế sinh nhai của khoảng 600 hộ dân và lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất của làng nghề.
Trong những ngày đầu hạ, biển trong xanh, nắng đẹp là lúc đồng muối Sa Huỳnh trắng muốt một màu. Đến đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện nắng mưa, quy trình làm muối, cảm nhận vị mặn của biển, vị mặn mồ hôi của diêm dân đổ xuống đồng…
Theo các nhà sử học, đồng muối Sa Huỳnh có từ thế kỷ XIX. Trải qua gần 100 năm, nhưng cách làm muối của diêm dân Sa Huỳnh vẫn giữ truyền thống như thuở ban sơ. Từ tháng 3 âm lịch khi con sóng biển yên, nước trong xanh trở lại, thủy triều dâng lên hạ xuống theo chu kỳ, cũng là lúc nông dân ra đồng làm muối.
Sau khi làm ruộng bằng phẳng, từ 5 giờ sáng, diêm dân đã có mặt trên đồng để thực hiện các quy trình làm muối. Dựa theo con nước thủy triều lên, diêm dân dẫn nước từ kênh, mương đưa vào bọng chứa nước rồi thả nhẹ cho vào ruộng.
Sau khi nước tráng đều ô ruộng nhỏ, thì đợi nắng lên để nước mặn dần kết tinh thành muối. Muốn hạt muối trắng ngần, to, óng ánh trong nắng chiều, diêm dân phải canh nước cho qua ba nắng và khi ruộng muối khô trắng, rồi mới thu hoạch.
Hòn Khói (Khánh Hòa)
Không những khai thác tiềm năng du lịch biển mà Khánh Hòa còn biết tận dụng tối đa nguồn lợi từ biển mang lại. Các làng nghề làm muối được hình thành và phát triển không ngừng. Cánh đồng muối trắng xóa Hòn Khói nằm về phía bắc của tỉnh Khánh Hòa, đẹp lung linh bên vịnh Vân Phong.
Người làm muối ở đây chủ yếu là phụ nữ. Họ được trang bị đầy đủ như găng tay cao su, ủng để tránh tiếp xúc với nồng độ quá cao của muối. Đến với Khánh Hòa, bạn nên ghé thăm nơi đây để có sự trải nghiệm tuyệt vời hơn cho chuyến hành trình.
Hòn Khói được xem là một địa điểm du lịch hấp dẫn với những cánh đồng muối trắng tinh, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho vùng đất miền biển này.
Bạn có thể ghé thăm những cánh đồng muối nơi đây vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày, bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp của những cánh đồng muối ở những góc độ khác nhau.
Từng ụ muối nổi lên giữa không gian bốn bề trắng là nguồn cảm hứng nhiếp ảnh của những du khách có tâm hồn lãng mạn. Bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì có một bình minh tuyệt đẹp đang vươn mình lên trong ánh nắng mặt trời, phía dưới là những ruộng muối trải dài nhấp nhô, nhìn từ xa trông như những đỉnh núi nhỏ đang được bao phủ bởi lớp tuyết trắng mịn màng.
Về chiều, khi ánh hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì cảnh vật càng trở nên quyến rũ hơn. Vào thời điểm nhất định trong ngày, khi cánh đồng muối ngập tràn nước biển thì đây như một tấm gương tự nhiên khổng lồ, phản chiếu lại hình ảnh hoàng hôn màu trứng gà hay màu tím hồng tự nhiên trên nền đất.
Du khách dường như sẽ không còn phân biệt được đâu là đất và đâu là trời nữa. Những tia nắng nhẹ nhàng cuối ngày lăn tăn trên mặt nước khiến bạn cảm thấy được sự an yên giữa cuộc sống hiện đại náo nhiệt này.
Khi cánh đồng muối đã cạn dần nước và trở thành những “núi” muối tự nhiên thì cảnh hoàng hôn lại mang một sắc thái khác trên đồng muối. Nhìn ở tầm thấp, hình ảnh mặt trời như ẩn hiện giữa những “núi” muối thu nhỏ này, lúc lộ ra mạnh mẽ, lúc lại ẩn khuất sau núi.
Toàn bộ không gian ấy là cảnh đẹp yên bình giúp du khách tận hưởng những giây phút thư giãn, sâu lắng cùng thiên nhiên.
Ba Tri (Bến Tre)
Cách làm muối của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre lại độc đáo hơn các cánh đồng muối ở những nơi khác. Ở đây, ruộng muối nằm sâu bên trong bờ đê, người dân sử dụng đất thịt để làm bề mặt ruộng. Sau khoảng 2-3 ngày phơi khô ngoài trời, muối mới được thu về kho để làm sạch.
Nhìn từ xa, nó chẳng khác gì những cánh đồng lúa mùa đổ ải, đẹp lung linh, in bóng cả nền trời. Dưới nắng vàng rực rỡ, những hạt muối nhỏ xinh trên cánh đồng Ba Tri ánh lên sắc màu lấp lánh, trông xa như những hạt ngọc kết tinh từ vị mặn mòi biển cả.
Xã Bảo Thuận là một trong 4 xã ven biển của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Dù là xã ven biển nhưng tất cả ruộng muối của người dân đều nằm sâu trong bờ đê. Do đó, diêm dân nơi đây phải lấy nước biển thông qua hệ thống kênh rạch nội đồng.
Nghề muối là một trong những nghề truyền thống ở Bảo Thuận được gìn giữ từ rất lâu đời. Cho đến nay, việc sản xuất muối vẫn theo hình thức thủ công là phơi nước biển đến khi kết tinh. Dưới ánh nắng vàng ruộm là vẻ đẹp lấp lánh của cánh đồng muối trắng xóa, loang loáng nước.
Nơi đây đã thu hút những người thích trải nghiệm và nhiều nhiếp ảnh gia tìm về, ghi lại những hình ảnh đẹp về nghề muối.
Vì nồng độ mặn của nước biển thấp nên năng suất muối ở đây thấp hơn những vùng biển khác như: Cà Mau, Nha Trang, Thái Bình…Để có được những hạt muối mặn mòi, người dân đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức, phơi mình dưới cái nắng chói chang của đất trời.
Dưới cái nắng gay gắt hạt muối lấp lánh càng trở nên hấp dẫn, không chỉ là niềm vui của diêm dân khi được mùa… Đến với Bảo Thuận, bạn sẽ có cơ hội được cùng người dân trải nghiệm những công việc của nghề muối để trân trọng hơn những hạt muối trắng tinh và hiểu hơn về sự cần lao của những người dân nơi đây.
Long Điền (Vũng Tàu)
Nếu có dịp đến biển Long Hải, bạn hãy theo tỉnh lộ 44A đến huyện Long Điền để nhìn tận mắt những ruộng muối kéo dài xa tít. Bóng diêm dân nhỏ bé bên ụ muối cao ngất. Những chiếc xe cút kít lặng lẽ nối đuôi nhau chuyển muối đi đến khi chiều dần buông.
Nắng gắt làm mồ hôi thấm ướt đẫm lưng áo mọi người nhưng ai cũng mong trời nắng. Có thế, muối mới mau thành hình, nếu mưa xuống xem như bao công sức bỏ sông bỏ biển. Vậy mới thấy công việc của diêm dân vất vả trăm bề.
Vi vu về cánh đồng muối Chợ Bến thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bạn sẽ được hòa mình trong những làn gió mặn mòi của biển khơi, miên man theo cánh đồng trắng xóa tít tắp tận chân trời và thán phục trước sự rắn rỏi, bền bỉ của những diêm dân.
Từ lâu, thành phố biển Vũng Tàu không chỉ đẹp rực rỡ bởi hình ảnh của biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà thấp thoáng đâu đó người ta còn bị mê hoặc bởi cánh đồng muối được kết tinh từ giọt ngọc của biển cả, bởi những người diêm dân chân chất, lam lũ bao đời với công cuộc mưa sinh.
Nằm giữa những ngọn núi hùng vĩ, những đám mây cuồn cuộn trên bầu trời xanh, những con người lao động hăng say quên mệt mỏi… là bức tranh đầy màu sắc về công việc làm muối của những người diêm dân trên cánh đồng muối Chợ Bến, Long Điền.
Để đến được đây, từ Bà Rịa men theo tỉnh lộ 44A ra biển Long Hải, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn một cánh đồng muối hoang sơ, bao la, trải dài tít tắp đến tận chân trời. Là một người con của biển cả, bên cạnh cái nghiệp ngàn đời lênh đênh trên sóng nước, trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm này đến tháng 5 năm sau, họ còn rộn ràng trong công việc làm muối để tìm kiếm thêm thu nhập.
Bởi chỉ có những ai đã từng một lần đặt chân lên vùng đất ấy mới thấy được cái vẻ đẹp mộc mạc, bình dị mà có sức hút đến nao lòng. Còn gì đẹp hơn khi được ngắm nhìn những cánh đồng muối dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời.
Ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày, người ta dường như cảm nhận vẻ đẹp của những cánh đồng muối ở những góc độ khác nhau đầy trữ tình và lưu luyến.
Đồng Muối Bạch Long
Là một trong những vựa muối lớn nhất của miền Bắc với diện tích làm muối lên đến 230 ha, cánh đồng muối Bạch Long ( xã Bạch Long, Giao Thủy) nổi tiếng với nghề muối phát triển lâu đời và vẻ đẹp của quang cảnh thiên nhiên cũng như con người lao động cần cù chịu khó ở nơi đây.
Đây cũng là điểm đến thú vị mà bạn nên ghé thăm trong chuyến du khảo đồng quê Nam Định của mình. Nếu như ở miền Trung và miền Nam Việt Nam muối được làm bằng phương pháp phơi nước thì muối ở miền Bắc được làm bằng phương pháp phơi cát. Và hãy cùng đến với đồng muối Bạch Long bạn sẽ có cảm giác rất thú vị và tuyệt vời khi được tìm hiểu những làng muối lâu đời với phương pháp này.
Vùng đồng muối này từ xa xưa vốn là vùng đất được bãi biển bồi thêm sau nhiều năm, người dân từ khắp nơi chuyển về sinh sống, lập làng, lập xã từ khi còn thực dân Pháp, đến nay đã trở thành vùng đất khá đông đúc trù phú. Vì là vùng ven biển nên Bạch Long không trồng lúa nước như mọi vùng quê khác ở Việt Nam. Thay vì đó, với nguồn nước mặn dồi dào nên nghề muối đã phát triển ở đây từ hàng trăm năm nay.
Không chỉ đẹp vì truyền thống và con người cùng nghề muối, nơi đây còn đẹp vì quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp, gần gũi, nhiều nắng gió của vùng quê miền biển, thích hợp cho tận hưởng không khí trong lành và những bức hình mùa hè đẹp lung linh.
Hình ảnh những ruộng muối, xe muối, thuyền muối trắng xóa cùng với hình ảnh những người con mặn mòi của biển cần cù hăng say với thành quả lao động của mình luôn gây ấn tượng với mỗi con người chúng ta khi đến đây, khiến chúng ta trân trọng người dân cũng như trân trọng hơn từng hạt muối mà mình ăn hằng ngày.
Ở Nam Định có rất nhiều làng nghề, địa phương với truyền thống độc đáo, cho thu nhập, tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng. Đặc biệt ở Bạch Long nơi đây, muối được coi là biểu tượng của nguồn sống, là thứ không thể thiếu được.
Bên cạnh làng muối; trong chuyến du lịch sinh thái ở nơi đây bạn còn có thể ghé thăm những bãi biển đẹp nơi đây, đến với chợ cá chiều ngay trên bờ biển sau khi ngư dân đánh bắt một ngày dài,.. khung cảnh nhộn nhịp mua bán những loại hải sản còn tươi ngon với giá rất rẻ, ghé thăm nhà những người dân giản dị cởi mở nơi đây để cùng họ trải nghiệm một ngày thư giãn với đồng quê,…
Đồng muối Bạch Long cũng rất nổi tiếng với du khách trong và ngoài tỉnh. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng thường xuyên ghé thăm nơi đây để có thể bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời toát lên vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động. Nơi đây cũng nhiều lần xuất hiện trên truyền hình với những chương trình S Việt Nam, Việt Nam discovery,…
Và điều cuối cùng, trăm nghe không bằng một thấy. Nếu bạn ấn tượng với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây thì còn chần chừ gì nữa, xách balo lên và về Nam Định ngay thôi…
Cánh đồng muối Bạc Liêu
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam. Ở Bạc Liêu có hai huyện gắn bó lâu năm với nghề làm muối, đó là huyện Hòa Bình và Đông Hải. Muối ở Bạc Liêu từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ bởi hương vị đậm đà, độc đáo, rất riêng biệt.
Không những thế, với những ruộng muối mênh mông, phủ một màu trắng tinh khiết đã làm nên một khung cảnh tuyệt đẹp thu hút đông đảo khách du lịch đến đây mỗi năm. Điều ấn tượng đầu tiên khi đến đây đó là khung cảnh thơ mộng, trong lành, cả ruộng muối rộng lớn, bát ngát được phủ kín bởi màu trắng tinh khôi của những hạt muối li ti.
Khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào, ruộng muối trở nên lung linh, lấp lánh đẹp đến ngỡ ngàng. Ruộng muối được chia thành các ô nhỏ vuông vắn, thẳng tắp nhìn rất bắt mắt, xung quanh là những bờ biển xanh thăm thẳm trải dài. Muối khi được thu hoạch sẽ được gộp thành những đống to, nhỏ khác nhau, nhìn từ xa như những viên kim cương nhấp nhô giữa cánh đồng.
Không chỉ có khung cảnh đẹp, cảnh tượng người dân nơi đây chăm chỉ, cần mẫn thu hoạch muối nhìn cũng thật duyên dáng và đẹp đến mê hồn.
Đến đây, du khách có thể thoải mái “sống ảo”, lưu lại những tấm ảnh đẹp cùng với bạn bè người thân mà không mất phí tham quan. Đến tham quan cánh đồng muối Bạc Liêu, du khách nên chọn thời điểm thích hợp, khi thời tiết khô ráo, nắng nhẹ.
Tốt nhất, du khách nên ghé thăm cánh đồng muối Bạc Liêu vào tháng 12 đến tháng 5 bởi đây là khoảng thời gian bắt đầu mùa thu hoạch. Vào mùa này, cánh đồng muối trở nên nhộn nhịp, tươi vui hơn hẳn. Người dân luôn có mặt ở đồng tất bật thu hoạch muối. Đến thăm cánh đồng muối và quan sát những người dân ở đây lao động, du khách sẽ trân trọng và nâng niu hơn những hạt muối trắng.
Những người dân ở đây, ngày ngày với đôi quang gánh vẫn cần mẫn làm ra những hạt muối, những gánh muối mặn mà mang hương vị đặc sắc của biển cả. Những hình ảnh con người gắn bó với nghề muối, đã góp phần làm nên nét đẹp độc đáo cho vùng đất thân thương này.
Du khách nên đến đây vào buổi sáng hoặc buổi tối để bắt được những khung cảnh đẹp nhất của cánh đồng muối. Và đặc biệt quý khách nên tránh đến vào buổi trưa bởi đây là thời điểm nắng gắt, nước đang bốc hơi để hình thành muối nên sẽ rất nóng nực, oi bức.
Vào lúc bình minh và hoàng hôn, cánh đồng muối rất đẹp. Tất cả khung cảnh thiên nhiên hòa quyện vào nhau, màu xanh thăm thẳm của bầu trời, màu trắng tinh khôi của muối, xa xa màu hoang sơ của núi rừng cộng thêm ánh nắng chan hòa đủ làm mọi thứ trở nên huyền ảo, thơ mộng.
Cánh đồng muối là một địa điểm lý tưởng, thích hợp với những du khách thích trải nghiệm sự nắng gió. Đến đây, du khách không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh hữu tình mà còn được biết thêm về quá trình làm ra những hạt muối “tinh hoa của đất trời”, sự vất vả, cần cù của những con người nông dân…
Theo Công luận
https://congluan.vn/nhung-canh-dong-muoi-dep-nhat-viet-nam-post181228.html