Có thể nói những bản nhạc được in rời trở thành một sản phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực âm nhạc trước 1975. Nhạc sĩ sau khi sáng tác ca khúc, muốn phổ biến ra công chúng phải nhờ ca sĩ. Ngoài ra, việc in các bản nhạc rời (không phải tập nhạc) để giới thiệu đến công chúng thì cần phải nhờ hoạ sĩ vẽ bìa, nhiều khi nhạc sĩ phải cầu cạnh hoạ sĩ vẽ bìa cho thật bắt mắt, hấp dẫn hầu bán được nhiều.
Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường đi ra tiệm sách Kim Bảng nằm xéo góc rạp hát Thanh Vân hoặc tiệm tạp hoá văn phòng phẩm Vạn Xuân trên đường Tô Hiến Thành gần chợ Hoà Hưng mua vài ba bản nhạc. Tôi vẫn thích gọi là “bản nhạc” một cách mộc mạc hơn gọi là “bìa nhạc” có chút văn vẻ và trân trọng sự kết hợp giữa nhạc sĩ và hoạ sĩ để phổ biến sáng tác của mình đến công chúng.
Má tôi, một người chỉ biết buôn bán tính toán đồng tiền lời lỗ, vậy mà bà cũng có lòng yêu tân nhạc. Nói là âm nhạc mới đúng. Bởi, hồi xưa lúc tám, chín tuổi gì đó, má tôi mua cây đàn mandolin về cho các con để đàn tưng tưng cho vui nhà vui cửa. Ðứa nào muốn đi học đàn, bà sẵn lòng đóng tiền cho con đến lớp nhạc. Tiếc rằng, con cái không đứa nào có máu âm nhạc, nên cây đàn đành treo trên tường suốt vài ba năm. Chuyện này làm bà không vui. Có lẽ má tôi bị ảnh hưởng thuở hồi niên thiếu. Bà hay kể rằng: Hồi xưa ở quê, cậu Tư đàn mandolin hay lắm và sau này khi nhà có cái truyền hình, mỗi khi có chương trình âm nhạc thiếu nhi là bà chăm chú xem mấy đứa thiếu nhi trình diễn mandolin.
Mãi cho đến khi tôi lên trung học đệ nhất cấp, mới chú ý đến cây đàn và tự học tập tành theo cuốn sách dạy đàn mandolin mà ba tôi tự dưng nổi hứng mua cho khi dẫn tôi ra Sài Gòn đi ngang nhà sách Khai Trí. Thấy xem sách tự học cũng không khó gì, tôi bắt đầu tự mày mò từng nốt nhạc. Ban đầu là bài “Lòng mẹ”, rồi “Tiếng sáo thiên thai” và nhiều bài khác nữa. Ðánh nhạc chơi cho vui, nhưng muốn đánh được nhạc phải ra tiệm sách mua mấy bản nhạc mình thích.
Tiệm sách kẹp vài bản nhạc treo ở góc quầy. Ða phần đó là những bài nhạc mới in để quảng cáo. Muốn mua bài gì thì cứ nói tên, chủ tiệm lôi ra dưới hộc bàn vài ba xấp nhạc để người mua tha hồ mà tìm. Mua xong, về đến nhà là tôi mở ngay bản nhạc mò mẫm theo từng nốt nhạc, tập đi tập lại hai ba lần là thuộc, không cần nhìn nốt nhạc nữa, nhắm mắt rung đàn cũng đúng.
Vài ba năm sau, tôi còn tập đàn guitar vì lúc đó nhạc bolero nghe chân chất dễ đàn. Sau này, người ta gọi đó là nhạc sến chứ hồi trước đâu có ai gọi như vậy đâu. Bolero gần với Rumba, dễ chơi dễ hát. Trong bản nhạc, ngoài 5 dòng ghi nốt nhạc còn có ghi rõ hợp âm, cứ theo đó mà vừa đệm đàn vừa hát. Rất tiếc, đàn mandolin hay guitar với tôi chỉ là thú vui hồi thuở thiếu niên được vài năm rồi tắt. Tôi bước qua học vẽ nhưng mộng hoạ sĩ không thành. Nhưng cũng chính nhờ những kỹ thuật vẽ phối cảnh ban đầu, sau năm 1975, tôi tham gia khoá đào tạo ngành hoạ đồ xây dựng. Còn cây đàn mandolin và guitar thì quên hẵn từ lâu.
Những bản nhạc tôi còn cất giữ được cuối cùng rồi cũng ra đi cùng với những thùng sách báo cũ khi dọn nhà về Bà Quẹo cho nhẹ gánh. Bây giờ, nghĩ lại thấy tiếc làm sao! Nhiều năm sau đó, những bản nhạc này được người ta lùng mua khắp nơi, nhất là tôi biết có vài ba người ở miền Bắc vào Nam, chuyên đi tìm mua những đầu sách xưa và các bản nhạc với giá rất cao. Có thể đó là những người chuyên sưu tầm “đồ cổ” hoặc họ biết đó là những tài liệu cần thiết để khai thác sau này.
Hồi xưa, tôi đâu có chú trọng gì đến hình bìa bản nhạc hoặc xem quảng cáo mặt sau. Mua vài ba bản nhạc chủ yếu là xem nốt nhạc đánh đàn, chạy hợp âm mà thôi. Sau này, khi chuyển qua nghề viết lách, tôi bắt đầu tìm hiểu tận tường. Nhưng khổ nỗi tài liệu xưa vô cùng quý hiếm, còn ngày nay cứ lên Google tra ra là có. Nhưng tra ra chưa chắc là đúng, vẫn còn nhiều điều chưa biết mà những bô lão từng sống vào thời đó mới là nhân chứng sống cho một sự kiện hay một câu chuyện nào đó và để nó hoà vào dòng chảy ký ức.
Trong một bài viết của tác giả Nhất Uyên (con rể hoạ sĩ Duy Liêm) chuyên vẽ hình bìa cho những tờ nhạc, viết rất đầy đủ về cha vợ của mình.
Trước năm 1975, các hình bìa bản nhạc được trang trí bằng các hình vẽ hoặc hình người mẫu, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Ðối với các bìa bản nhạc là hình vẽ thì có hai họa sĩ nổi tiếng nhất chuyên vẽ bìa nhạc là Kha Thùy Châu và Duy Liêm. Khán giả sẽ không bao giờ quên được những hình bìa của các bài hát “Thương Về Miền Trung”, “Chuyến Ðò Không Em”, “Ðêm Tâm Sự”… qua nét vẽ của họa sĩ Duy Liêm. Ngoài ra, ông còn là hoạ sĩ tranh lụa, sơn mài, sơn dầu, khắc kim, kim nhũ.
Xin trích vài đoạn viết của Nhất Uyên để giới thiệu đến độc giả:
“Họa sĩ Duy Liêm, sinh năm 1914 tại Phan Thiết. Vào những năm cuối đời, ông sống ở Việt Nam, hai mắt bị mù, bị suyễn kinh niên. Bình sinh ông ít thích ai viết về ông, mỗi lần có ký giả đến gặp là ông bỏ đi mất, ông vẫn đùa “hữu xạ tự nhiên hương, hà tất phải bôi bù xít”. Nhưng bây giờ thì ông không “thoát” được vì người viết là con rể trong nhà và có lẽ tôi là người có được nhiều nhất các tác phẩm của ông.
Tôi muốn so sánh ông với Katsushika Hokusai, một họa sĩ trứ danh Nhật Bản đã ảnh hưởng đến đời sống mỹ thuật của người Nhật từ thế kỷ 19 đến nay. Với sự nghiệp sáng tác đồ sộ, họa sĩ Duy Liêm xứng đáng với sự so sánh ấy.
Họa phẩm của ông đi vào đời sống người Việt hàng ngày. Ai cũng nhớ đến những màu sắc vui tươi, những đường cong, nét gẫy hình khối, từ tờ giấy bạc thời Việt Minh, đến áo dài bà Ngô Ðình Nhu, bức tranh “Nhạc Sầu” đoạt giải nhất Ðông Nam Á hiện còn trang hoàng nơi phòng khách của Thủ tướng Mã Lai, đến bìa nhạc, bìa sách từ 1954 đến 1990, đến tranh sơn mài Thành Lễ, Lam Sơn, đồ gốm Biên Hòa, tranh thêu Thu Hà, thảm, đồ thủ công, bìa sơn mài, hộp sơn mài… và hàng trăm tấm tranh lụa, sơn dầu đã được bán ra ngoại quốc…
Các nhạc sĩ miền Nam ngày trước, muốn nhạc phẩm mình ăn khách, theo lời khuyên nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, Diên Hồng, Sống Mới… là phải cố nhờ cho được Duy Liêm vẽ bìa, Vì thế mỗi bản nhạc viết xong là các nhạc sĩ thường phải xách đàn dẫn ca sĩ đến hát cho Duy Liêm nghe để vẽ bìa. Nhạc hay, Duy Liêm có hứng sẽ vẽ bìa đẹp, còn nhạc dở thì dù có năn nỉ, đắt tiền gấp đôi, nhạc sĩ vẫn bù trớt. Vì thế, giới nhạc sĩ miền Nam, từ Hoàng Thi Thơ, Phạm Ðình Chương, Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết… đều rất thân thiết với Duy Liêm và qua ông, đã mang lại danh vọng cho người cháu gái là ca sĩ Thanh Thúy.
Những năm tháng cuối của cuộc đời, khi mắt Duy Liêm chưa mờ hẵn mà còn lờ mờ thì các con vẽ theo ý ông và ông sửa chữa, sau đó thì các con của ông đã trở thành các họa sĩ. Duy Sĩ, họa sĩ một hãng phim hoạt họa ở Portland (Mỹ), đã từng được giải thưởng lớn truyền hình Mỹ. Quốc Hoàng, họa sĩ chính của các hãng sơn mài, thay thế ông. Họa sĩ Vẹt (Hồ Ðắc Vũ) con rể (sống ở Canada, sau sang Mỹ định cư).
Ðây là lúc để tổng kết lại một đời sáng tác của một họa sĩ đa tài, đa tình, đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ về lượng cũng như về phẩm, để lại bao nhiêu mối tình và ba mươi người con từ trong nước ra đến ngoài nước. Ðó là điều hiếm có đối với một họa sĩ một nước nghèo, nghệ thuật hội họa chưa được trân trọng như các nước tiên tiến”.
Bên cạnh những hình vẽ cho bìa nhạc, đến thập niên 1970, những bìa nhạc có thêm một sắc thái mới khi ngành nhiếp ảnh thịnh hành khắp nơi ở miền Nam. Hình bìa nhạc được bổ sung thêm ảnh chụp những ca sĩ nổi tiếng để thu hút người mua.
Theo Trang Nguyên/baotreonline