Câu chuyện xâm phạm bản quyền trong văn hóa nghệ thuật không còn là vấn đề riêng của tác giả, mà đã trở thành vấn nạn chung trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam.
Hệ lụy của nó là làm giảm giá trị thị trường nghệ thuật, đánh mất niềm tin từ các nghệ sĩ, nhà sưu tập và công chúng.
Bức tranh sơn dầu “Một ngày như thế” của họa sĩ Bùi Văn Tuất mới đây đã bị sao chép lại và rao bán ngang nhiên ở Hà Nội, trong khi tác phẩm này đã được một nhà sưu tập tranh sở hữu trước đó. Người sao chép đã “hô biến” tranh sơn dầu trên vải của họa sĩ Bùi Văn Tuất thành tranh sơn mài, cố tình tạo ra các vết nứt vỡ trên vóc để chứng tỏ đây là đồ cổ có tuổi thọ lâu đời.
Ê-kíp phim “Cố Du” (ra mắt vào tháng 12-2019) của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân cũng vừa đăng đàn tố bức tranh “Góc khuê phòng” của một họa sĩ trẻ đang tổ chức triển lãm tranh tại TP HCM. Đại diện đoàn phim cho biết bố cục trong tranh và cảnh phim gần như giống nhau hoàn toàn, từ dáng cửa sổ, nguồn sáng, bình hoa, bộ bình phong, chiếc rương gỗ đựng áo…
Họa sĩ trẻ kia sau đó đã lên tiếng thừa nhận việc “có ảnh hưởng” từ tác phẩm “Cố Du” nhưng giải thích rằng không tìm được thông tin của đạo diễn để xin phép. Đoàn phim đã không hài lòng với lời xin lỗi vì thiếu đi sự chân thành và có phần bao biện với hành vi sao chép trên.
Cách đây chưa lâu, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo tạm thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021, hạng mục nghiên cứu lý luận phê bình, được trao cho cuốn sách chuyên khảo “Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tiến sĩ Vũ Thị Trang. Cuốn sách bị tố sao chép hơn 40 đoạn, tương đương 11.700 chữ từ một đề tài cấp bộ của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh, Trưởng Phòng Văn học Việt Nam đương đại – Viện Văn học.
Diễn viên, người mẫu Nam Em từng bị nhiều nhạc sĩ lên án vì sử dụng ca khúc của họ để biểu diễn mà không xin phép. Ngay cả các ca sĩ gạo cội như Đan Trường, Lệ Quyên, Tùng Dương cũng vấp phải những chỉ trích vì biểu diễn ca khúc “Ai chung tình được mãi” (do Đông Thiên Đức sáng tác) khi chưa được sự đồng ý. Nam Em sau đó đã xin lỗi và gỡ các tác phẩm trên các nền tảng nhạc số nhưng nhiều người chỉ im lặng cho qua chuyện.
Theo các nhà chuyên môn, vấn đề cốt lõi nằm ở việc giáo dục về giá trị của cái đẹp, về tầm quan trọng của việc tôn trọng chất xám, sự sáng tạo của người làm nghệ thuật cho giới trẻ chưa được chú trọng. Cần xóa bỏ lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc hiển nhiên. Và trên hết, chế tài xử phạt phải thật nghiêm khắc, đủ tính răn đe.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/nhuc-nhoi-chuyen-xam-pham-ban-quyen-trong-van-hoa-nghe-thuat-20220610205511144.htm