Nhói lòng những phận đời mồ côi dưới chân núi Ngọc Linh

16:07 | 30/03/2022

7 tuổi, 9 tuổi, 10 tuổi hay thậm chí là nhỏ hơn, thế nhưng các em học sinh Trường Tiểu học xã Mường Hoong đã phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, sống một mình trong căn nhà “lạnh lẽo”, vắng tình yêu thương, của người thân, gia đình.


Xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) cách trung tâm TP Kon Tum gần 200km. Con đường dẫn vào trung tâm xã khá ngoằn ngoèo và nguy hiểm bởi bên vực, bên núi. Chúng tôi phải chật vật cả mấy tiếng đồng hồ mới có thể đặt chân đến Trường Tiểu học xã Mường Hoong.

Mồ côi bố mẹ, anh trai 9 tuổi chăm em 7 tuổi

Nói đến những em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn không thể không nhắc tới hoàn cảnh của anh em A Khuất (học sinh lớp 4) và A Khảo (lớp 2). Bố mất khi A Khuất vừa lên 7, một năm sau đó thì mẹ mất, bỏ lại 2 anh em sống nương tựa nhau. Vì còn quá nhỏ nên 2 anh em chẳng biết nấu cơm, hàng ngày phải ăn mì tôm để lấp đầy chiếc bụng đói.

Những nếp nhà chênh vênh bên sườn núi của người dân ở xã Mường Hoong.

Thương trò, giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Hoong đã thay phiên nhau đến tận nhà A Khuất nấu cơm, dạy cho 2 em mọi kỹ năng chăm sóc bản thân. Chỉ một thời gian ngắn, từ đứa trẻ ngây thơ chỉ biết chơi đùa và đến trường, A Khuất đã biết nấu cơm, chăm sóc cho em trai. Thương anh, A Khảo cũng thường xuyên phụ dọn dẹp nhà cửa, làm những việc nhẹ đỡ đần anh trai.

“Thường ngày anh Khuất nấu cơm còn em dọn dẹp nhà cửa và chặt củi. Anh Khuất nấu ăn ngon lắm, hai an hem hay ăn canh rau su su với cá khô… Buổi sáng, chúng em dậy từ 5 giờ 30 sáng để nấu cơm ăn rồi đi học. Hôm nào rảnh, được nghỉ học 2 anh em đi hái măng rừng về ăn hoặc mang đi bán”, A Khảo bộc bạch.

Nương tựa cùng nhau trong căn nhà bố mẹ để lại được 3 tháng thì dân làng dỡ bỏ nhà theo tập tục địa phương. Từ đó, A Khuất và A Khảo về sống cùng ông bà nội cách nhà cũ khoảng 1 km. Đều đặn mỗi ngày, sau giờ cơm chiều, A Khuất và A Khảo xin ông bà qua nhà hàng xóm xem tivi. Đúng 7h tối, 2 đứa trẻ về nhà, cặm cụi ngồi bên bếp lửa học bài. Khi hỏi về ước mơ của mình, A Khuất bỗng cúi mặt về bếp lửa, gương mặt buồn rầu và nín bặt.

Bố mẹ mất, hai anh em A Khuất và A Khải sống nương tựa nhau.

Được biết, hai anh em A Khuất và A Khảo hiện đang ở với ông bà nội đã già yếu và cậu mợ. Tuy nhiên, người cậu của 2 anh em cũng làm nông, kinh tế gia đình cũng khó khăn, thiếu thốn.

Trò chuyện cùng PV, chị Y Đia (SN 1991, dì A Khuất) cho biết: “Khi bố mẹ 2 đứa còn sống kinh tế gia đình phụ thuộc vào khoảng vài sào đất trồng mì và bời lời. Hết vụ mùa, bố mẹ A Khuất lại đi tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, tai ương ập đến gia đình nhỏ của chị gái khi lần lượt chị và anh rể đều bị bệnh và mãi mãi ra đi.

Thời điểm bố mẹ qua đời 2 em còn quá nhỏ. Gia đình ai cũng xót thương cho hoàn cảnh trớ trêu của hai con nên cố gắng dành cho con tất cả sự yêu thương, chở che. May mắn thay, các cháu được thầy cô giáo quan tâm, hỗ trợ nên cũng vơi bớt khó khăn”.

Cô bé mồ côi với ước mơ được làm cô giáo

Cách Trường Tiểu học xã Mường Hoong không xa là ngôi nhà cũ kỹ của em Y Quynh (học sinh lớp 5B) được lợp mái ngói và thưng bằng những tấm ván cũ. Bên trong nhà đồ dùng giá trị nhất có lẽ là chiếc nồi cơm điện mà Y Quynh vừa được thầy cô mua tặng. Năm 2018, bố Quynh mất vì bị viêm gan. Hai năm sau, mẹ cũng qua đời vì bạo bệnh. Bố mẹ mất, Quynh sống với anh trai và chị gái.

Em Y Quynh nước mắt chảy dài khi nói đến mẹ.

Trong nhà anh trai – A Thuốt trở thành trụ cột chính song vì ruộng nương ở nhà không đủ trang trải cuộc sống nên người anh trai đành rời làng quê lên TP Kon Tum làm công nhân. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, anh trai và chị gái đi làm lại đi học ở xa, mọi việc ở nhà đều do cô bé Quynh quán xuyến. Từ việc trông coi, dọn dẹp nhà cửa đến nấu ăn đều do Quynh tự làm.

Tâm sự với chúng tôi, em Quynh bộc bạch: “Từ ngày mẹ mất em nhớ mẹ lắm, nhiều đêm ngủ em còn nằm mơ thấy mẹ. Chị đi học xa, anh cũng đi làm ở tận thành phố nên có khi vài tháng gia đình em mới được sum họp. Một mình trong căn nhà em thấy buồn và cô đơn lắm, nhất là những hôm trời mưa, gió rít từng cơn và nước tạt vào các khe hở nên phải dậy lấy nilong che chắn”.

“Có hôm sấm chớp, em sợ quá đành chui vào góc trốn. Khi đó em chỉ ước trời mau sáng. Những lúc như vậy, em nhớ bố mẹ lắm, ước gì bố mẹ vẫn còn ở bên cạnh em. Xa anh chị nhưng may mắn thay em được các thầy cô giáo luôn bên cạnh chia sẻ, động viên và giúp đỡ. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có thể trở thành một cô giáo, về làng giảng dạy cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh”, Y Quynh nói trong nước mắt.

Cô Võ Thị Toan (Tổng phụ trách đội, Trường Tiểu học xã Mường Hoong) thông tin: “Trước đây, khi bố mẹ các em còn sống gia đình thuộc hộ nghèo và hiện tại 3 em Y Quỳnh, A Khuất và A Khảo đang được hưởng chế độ mồ côi. Hoàn cảnh các em vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hơn thế, các em còn quá nhỏ để có thể tự lập nên giáo viên trong trường thường xuyên qua thăm nom và giúp đỡ. Đều đặn một tuần 2-3 lần thầy cô thường mua nhu yếu phẩm mang lên cho các con để bữa ăn được đủ đầy hơn”.

Cô Toan kỳ vọng: “Để cải thiện bữa ăn lâu dài, nhà trường cũng trích kinh phí mà mạnh thường quân hỗ trợ mua cho Y Quynh một đàn gà. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các mạnh thường quân sẽ thường xuyên quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để các em mồ côi vững bước đến trường. Tôi tin rằng nếu các em chăm chỉ học tập, sau này sẽ tìm được công việc ổn định, thoát cảnh đói nghèo”.

Thầy A Hao – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Hoong cho biết: “Toàn trường có 428 học sinh theo học tại 7 điểm trường, trong đó có đến 12 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các em học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một số em không có người chăm sóc nên những ngày đầu thầy cô phải đến tận nhà mua gạo, giúp các em nấu nướng. Để có đủ điều kiện đến lớp, nhà trường đã quyên góp, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ các em”.

Hiện nay không chỉ riêng Trường Tiểu học xã Mường Hoong có nhiều học sinh mồ côi cha mẹ mà trên địa bàn xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh huyện Đăk Glei cũng có hàng chục trường hợp học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha/mẹ.

Theo Công luận


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu