Nhớ về một Tết Trung thu xưa

20:32 | 18/09/2021

Mùa thu đã về tôi chợt nhớ những tiếng trống lân, tiếng reo hò của lớp trẻ chúng tôi quay quần phá cỗ đêm trăng rằm. Những ký ức tuổi thơ về Tết Trung thu ngày xưa lại ùa về trong tôi.

Tết trung thu, là dịp để tôi cùng bạn bè thời thơ ấu cùng vui chơi, rước đèn đêm trăng rằm.

Tuổi thơ đã trôi qua rất lâu rồi, nhưng tôi vẫn giữ lại những ký ức ngọt ngào về những ngày trung thu đẹp của đời mình. Như vẫn còn tiếng trống múa lân, múa rồng, được ca hát rước trăng khắp đường làng, ngõ xóm, cùng nhau chia những phần bánh dẻo, bánh nướng. Ngày còn nhỏ, tôi cùng lũ bạn vô cùng vui sướng khi mỗi độ Trung thu về, nào là rủ nhau góp tiền mua đầu lân, phụ kiện, quần áo lân được cầm trên tay chiếc đèn ông sao tung tăng, được nhận quà bánh, được phá cỗ dưới trăng. Và có dịp cùng nhau cất vang bài “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao, em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đèn rằm liên hoan…”.

Những ngày tháng 9 sắp trôi qua, khi những vệt nắng cuối hạ phai nhạt dần trên từng kẻ lá, cũng là lúc những cơn gió thoảng đưa mùa thu sang. Với nhiều người, thu đến lúc nào cũng mang niềm nhớ, mùa thu đến như là một quy luật thời gian tiền định của thiên nhiên trời đất buộc con người ta phải xao lòng  về những ký ức, kỷ niệm. Cuộc sống quay cuồng nơi thị thành, thời gian nhẹ nhàng trôi theo những mùa thu thay lá, từ bao giờ tôi không còn thói quen đếm từng tháng năm xa nhà, xa quê hương như những ngày mới bắt đầu với cuộc sống xa nhà, xa gia đình. Nhưng mỗi độ thu về, dù muốn dù không, kỹ niệm chất chứa trong ký ức của tôi cứ chợt hiện về. Nếu nói về kỷ niệm mùa thu ở nơi quê nhà của tôi thì nhiều lắm, mùa thu, mùa tựu trường với màu áo trắng học trò, mùa thu với niềm hân hoan rộn ràng với tiếng trống khai giảng năm học mới và hơn bao giờ hết là những mùa trung thu đoàn viên bên gia đình nơi quê nhà ngày xưa.

Đã xa rồi những ký ức mùa thu xưa. Xa rồi đêm trăng rằm tháng Tám với tiếng trống rình ràng khắp xóm làng của đoàn lân sư rồng, với ánh sáng lung linh từ ngọn  nến trong chiếc đèn ông sao làm bằng giấy kính đỏ, ra rồi mâm cỗ  trung thu với mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo, bình trà bên ông bà, cha mẹ, và cả khoảnh khắc đêm trung thu ngồi trong sân đình làng cùng lũ bạn hang xóm nghe kể chuyện về chị Hằng, chú Cuội. Nhớ nhất vẫn là chuyện kéo nhau đi chặt tre, chặt trúc làm lồng đèn. Ngày ấy, xóm tôi nhà đứa nào cũng đông anh chị em. Vì vậy, để sắm cho mỗi đứa một cái lồng đèn chơi Trung thu thật là một điều khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Vậy là, chúng tôi hì hục tự làm lồng đèn cho nhau. Đứa vót trúc, đứa thì đan khung, đứa cắt giấy thủ công. Ít tiền thì mua giấy màu nhiều tiền thì mua giấy bóng kính với các màu đỏ, vàng, xanh lá cây… Cái chuyện vót trúc đứt tay xảy ra là chuyện bình thường nhưng không đứa nào bỏ cuộc. Cuối cùng, những chiếc lồng đèn sặc sỡ, đầy sắc màu, đủ hình dạng từ cá chép, bươm bướm, xe tăng, tàu thủy, máy bay, ngôi sao 5 cánh… cũng sẵn sàng khoe những ánh sáng lấp lánh dưới đêm trưng.

: Những chiếc đèn ông sao chúng tôi tự tay làm bằng tre, nứa và giấy bóng màu để cùng rước đèn đêm trăng.

Tuổi thơ tôi nghèo lắm, quê hương tôi nhiều khó khăn, đó là khoảng thời gian Đất nước vừa thoát khỏi thời bao cấp đang trên đà đổi mới về mọi mặt, bánh thu thời đó là thứ xa xỉ với nhiều gia đình và không phải ai cũng có được. Cả nhà tôi 7 người, cùng ăn một hộp bánh trung thu bốn cái. Mỗi người chỉ ăn được một miếng nhỏ cho có không khí trung thu, đó cũng là niềm hạnh phúc hơn bao người. Vậy mà tôi nhớ có năm, lần đầu tiên có một tiệm bánh duy nhất trong thành phố bày bán bánh trung thu có hình con heo ngộ nghĩnh với đôi mắt đen nhánh làm bằng hai hạt đậu đen. Biết anh em tôi thích, bố tôi lặn lội đi mượn bác bạn chiến hữu với bố chiếc xe Cup50 đi hơn 30 cây số mua về. Kể từ mùa thu năm đó, anh em tôi chỉ cần một cái lồng đèn bằng giấy tự bố cắt làm và một cái bánh trung thu hình con lợn ( heo) như vậy là quá tuyệt vời.

Trung thu ngày xưa vẫn thường được gọi là Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, đó dường như là một ngày hội lớn trong năm của đám trẻ con chúng tôi. Cái ngày mà chúng tôi chưa được biết đến trò chơi điện tử, chưa được cầm cái điện thoại thông minh, hay đồ chơi công nghệ như lũ trẻ con bây giờ thì niềm háo hức ngồi tỷ mỷ làm chiếc đèn lồng cho riêng mình để chờ đến đêm rằm để đi khắp xóm làng rước đèn cùng chúng bạn, ca hát líu lo vui đùa, bên trong sân đình vẫn mãi là những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đi theo miền ký ức của những đứa trẻ lớn lên trong cảnh cơ cực, thiếu thốn ở quê nhà ngày nào. Những đó là những ký ức đẹp, không thể lãng quên.

Còn Trung thu bây giờ, lồng đèn điện được bày bán khắm mọi nơi, bọn trẻ con chẳng còn háo hức thắp nến rước đèn đêm rằm như ngày ngày nào. Các loại đèn giấy ngày xưa không còn nhiều, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, đa phần chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui nhộn. Hình bóng chiếc đèn cầy truyền thống coi như đã đi vào hoài niệm.

Ngày nay, những chiếc bánh trung thu được bày bán khắp mọi nơi, chẵng còn mang ý nghĩa thiêng liêng trên mâm cỗ trung thu theo truyền thống của mỗi gia đình như ngày xưa, mà thay vao đó, bánh trung thu như một món quà, một tặng phẩm để thể hiện các mối quan hệ trong xã hội, hay chiếc bánh trung thu là phương tiện của nhiều mục đích của mỗi người. Người mua để mang tặng nhau thì nhiều, mà người thật sự muốn ăn bánh trung thu thì chẵng có bao nhiêu vì ăn vào sợ không vệ sinh sợ bị bệnh tật. Dần dần với nhiều người, mỗi năm dịp Trung thu hay không cũng không còn là điều quan trọng, không còn háo hức như xưa nữa.

Ngày tháng dần qua, tuổi thơ cũng xa dần phía sau nhưng nó không mờ đi, không phai nhạt mà càng hiện hữu mỗi khi nhớ lại những ký ức tươi đẹp, đáng nhớ. Sau nhiều năm xa cách, xóm nghèo, bạn cũ,giờ đã thay đổi rất nhiều. Lũ trẻ con bây giờ ít có đứa nào được tận hưởng đúng không khí trung thu ngày xưa. Trung thu của bọn trẻ bây giờ chắc sẽ không bao giờ biết được những cái hay, cái đẹp, cái thú vị của Trung thu của những năm tháng cũ mà thế hệ chúng tôi đã đi qua. Thời đó, vật chất, tiền bạc thiếu thốn nhưng chúng tôi đã hưởng trọn vẹn niềm hân hoan, vui sướng bên mâm cỗ đêm trăng rằm, cùng ngăm trăng quay quần cùng gia đình. Gia đình nào hồi đó dù khó khăn mấy cũng cố mua cho bằng được hộp bánh trung thu để ăn. Và nhớ cả niềm hạnh phúc được ngồi cùng bố loay hay cả ngày làm chiếc đèn lồng để đêm trăng rằm đi rước đèn khắp xóm làng cùng chúng bạn, rồi cùng nhau ngồi giữa sân đình làng chia nhau miếng bánh, vài ba cây kẹo để đón ngày Trung thu đúng ý nghĩa của nó.

Thời gian vẫn cứ trôi qua, mọi thứ đều thay đổi, nhưng những ký ức, hoài niệm của tôi không bao giờ phai mờ. Giờ đây cuộc sống nơi xứ người quay cuồng với mưu sinh, cơm áo gạo tiền, tôi cũng chẵng còn cảm giác mong chờ Trung thu như ngày con ấu thơ nữa . Đúng như người ta nói, có những cái mất đi thì lấy lại được, nhưng thời gian, ký ức, của tuổi thơ mãi mãi là hoài niệm trong tâm trí của mỗi người. Tôi vẫn mong được một lần sống lại trong giấc mơ xưa cũ ấy. Có lẽ, chẵng bao giờ tôi có thể đi qua hết được nỗi nhớ của mình để đo được chiều dài của ký ức tuổi thơ cùng ánh trăng rằm đêm Trung thu. Nơi ấy tôi có gia đình, có ông bà, cha mẹ, có anh em, có những người bạn thân thiết cùng sinh ra lớn lên từ những ngày thơ ấu, khó khăn cơ cực nhưng đầy tình yêu thương.

 

Lưu Vinh

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả