Nhiều tỉnh phía Nam thiếu oxy y tế, Bộ Y tế đề nghị khẩn ưu tiên cho bệnh nhân COVID-19

9:17 | 17/12/2021

Sở Y tế các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang… và các nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực đồng loạt phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy y tế. Bộ Y tế Việt Nam đang đề nghị khẩn các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất, cung ứng, phân phối oxy để cứu chữa người bệnh COVID-19.


Một bệnh nhân COVID-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, năm 2021. (Ảnh minh họa: soytequangninh.gov.vn).

Thông tin được Bộ Y tế nêu tại Công văn số 10667/BYT-TB-CT ngày 16/12, gửi các Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối oxy y tế tại Việt Nam đề nghị tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế để cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19.

Bộ này cho hay tình hình dịch bệnh trên cả nước và một số tỉnh, thành, đặc biệt khu vực miền Tây, đang có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh. Theo tin từ Sở Y tế các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang… và các nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực (Sovigaz, Oxy Đồng Nai…), đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy y tế. Lý do là các nhà sản xuất đã tập trung trở lại cung ứng cho các ngành công nghiệp, sản xuất khác.

Vì vậy, Bộ Y tế đặc biệt đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối oxy y tế tại Việt Nam cam kết, tập trung ưu tiên nguồn sản xuất, cung ứng oxy y tế để phục vụ cho việc phòng ngừa, cứu chữa người bệnh COVID-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng hiện nay.

“Các đơn vị khẩn trương tổ chức phối hợp, rà soát thực hiện, không để chậm trễ trong công tác sản xuất, cung ứng, phân phối oxy y tế cứu chữa người bệnh”, Bộ Y tế nêu tại Công văn 19667.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị thông báo về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế), số ĐT: 024.62732272, email: dmec@moh.gov.vn, để được phối hợp giải quyết – Bộ Y tế nêu.

Tại một hội nghị tổ chức ngày 23/11, Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Trần Văn Thuấn cho biết các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng trên 60% các ca nhiễm COVID-19 diễn biến nặng đã phải sử dụng liệu pháp oxy để hỗ trợ hô hấp trong quá trình điều trị. Thực tế qua các đợt dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua, các nước đã ghi nhận nhiều thảm họa y tế do thiếu nguồn cung oxy và các thiết bị liên quan như thiếu hụt bình oxy, hay các thiết bị hỗ trợ hô hấp.

Tại thời điểm này, đại diện Bộ Y tế cho biết tổng năng lực sản xuất oxy lỏng của các nhà máy tại Việt Nam là khoảng trên 1.200m3 lỏng/ngày (1400 tấn). Con số này hiện tương đương hoặc cao hơn các nước đang phát triển như Ấn Độ hay Indonesia, song thấp hơn Mỹ, châu Âu.

Các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước tạm thời cung ứng đủ oxy y tế. “Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát mạnh thì sẽ thiếu. Vì thế, các địa phương cần có các kế hoạch ứng phó cần thiết, đặc biệt chuẩn bị trước khả năng để chuyển từ sản xuất oxy công nghiệp sang oxy y tế”, ông Thuấn nói.

Số ca mắc COVID-19 và số tử vong đang có xu hướng tăng mạnh tại Việt Nam trong vài tuần qua. Theo bản tin cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, trong 24 giờ từ 16h ngày 15/12 đến 16h ngày 16/12, Việt Nam ghi nhận thêm 15.270 ca mắc mới tại 60/63 tỉnh thành, trong đó, có tới 9.888 ca trong cộng đồng. Tính cả con số 18.792 ca do Tây Ninh thông báo bổ sung, tổng số ca nhiễm công bố trong ngày lên tới 34.059 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.269 ca/ngày.

Trong 7.852 bệnh nhân nặng đang được điều trị, có 5.402 ca thở oxy qua mặt nạ, 1.271  ca thở oxy dòng cao HFNC, 193 ca thở máy không xâm lấn, 967 ca thở máy xâm lấn và 19 ca ECMO. Như vậy số ca nặng đang tiếp tục tăng cao.

Số bệnh nhân tử vong vẫn rất cao, từ 17h30 ngày 15/12 đến 17h30 ngày 16/12 ghi nhận 241 ca tử vong. Tổng cộng 28.857 người đã tử vong, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Cà Mau tiếp tục tăng thêm hơn 1.000 ca một ngày, trong ngày 16/12 lập mốc mới với 1.339 ca, vượt 165 ca so với TP.HCM (1.175 ca). Trước khi số ca nhiễm cập nhật được công bố, trong ngày 16/12, tỉnh này đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp khi các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 đã quá tải các ca bệnh nặng trong khi số ca nhiễm mới liên tục tăng cao mỗi ngày. Các đề nghị hỗ trợ bao gồm về nhân lực, thuốc kháng virus, vắc-xin (để tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại), cho phép khẳng định khỏi bệnh COVID-19 bằng test nhanh…

Đáng lưu ý, theo số liệu từ Bộ Y tế, hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam là 96,8% dân số tiêm 1 mũi; tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 80,3%. Với nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi, tổng cộng đã tiêm hơn 7,6 triệu liều vắc-xin, trong đó tiêm 1 liều là 65,8% và đủ 2 liều là 17,8%.

Tốc độ tiêm vắc-xin của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Tổng hợp

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình