Ngày 20 và 21/11, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) do Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế làm Trưởng đoàn đã làm việc với NHCSXH Đắk Lắk về công tác kiểm tra, giám sát tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Đại diện NHCSXH Việt Nam làm việc tỉnh Đắk Lắk.
Báo cáo với Đoàn công tác, Giám đốc NHCSXH Đắk Lắk Đào Thái Hòa cho biết, đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.117,3 tỷ đồng, tăng 786,9 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 12,43%, với trên 167.000 hộ vay còn dư nợ.
Về triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tổ chức chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện khẩn trương và nghiêm túc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với UBND xã/phường/thị trấn, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp tổng hợp danh sách khách hàng có nhu cầu, thiết lập hoàn thiện hồ sơ vay vốn, tập trung nhân lực giải ngân kịp thời tới khách hàng.
NHCSXH Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị có liên quan thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn, tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 5/5 Chương trình cho vay theo Nghị quyết 11, giải ngân được 8.088 món vay, với số tiền gần 428 tỷ đồng.
Cụ thể, cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được 6.139 lao động, 271,3 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được 195 hộ, hơn 66,6 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập 82 học sinh, sinh viên, số tiền 902 triệu đồng; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 48 cơ sở, với số tiền 2,6 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với 1.624 khách hàng để chuyển đổi nghề và sửa chữa nhà được, số vốn 86,4 tỷ đồng.
Nguồn vốn còn lại 198 tỷ đồng sẽ giải ngân hết từ đến tháng 12/2023. Bên cạnh đó, NHCSXH Đắk Lắk giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 3.230 tỷ đồng với trên 83.000 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ lãi là 66,5 tỷ đồng.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH Đắk Lắk cho biết, điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước. Chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh cũng kiến nghị NHCSX Việt Nam và các bộ/ngành/ Trung ương quan tâm tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi. Đặc biệt, là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm.
Bên cạnh đó, việc triển khai cho vay theo Nghị định 28/NĐ – CP của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm tiến độ, một số văn bản hướng dẫn triển khai của các bộ, ngành thiếu tính đồng bộ. Do đó, đề nghị Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể và tăng mức cho vay chương trình này, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Đắk Lắk cho hay.
Đoàn công tác NHCSX kiểm tra hộ gia đình sử dụng vốn tín dụng chính sách tại tỉnh.
Qua 02 ngày làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Hoàng Minh Tế ghi nhận sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh và huyện đã chỉ đạo kịp thời và hiệu quả triển khai tín dụng chính sách.
Đặc biệt, tăng cường tham mưu triển khai sâu rộng Chỉ thị 40 của Ban bí thư; việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ tới với doanh nghiệp và người dân một cách kịp thời; hiệu quả khi đang khó khăn sau đại dịch Covic – 19 vừa qua. Đắc biệt, chất lượng tín dụng luôn luôn kiểm soát tốt; công tác kiểm tra, giám sát luôn được chú trọng. Đồng thời, quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn qua NHCSXH để cho người dân vay đến nay 434 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn công tác cũng đề nghi địa phương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới cần quan tâm một số nhiệm vụ đó là: Tăng cường tham mưu và chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh; cần quan tâm bổ sung nguồn vốn từ Ngân sách địa phương qua để cùng nguồn vốn Trung ương tạo điều kiện người dân vay.
Hiện nay, tại Đắk Lắk, nguồn vốn địa phương ủy thác qua còn rất thấp so mặt bằng chung toàn quốc và khu vực Tây nguyên. Hiện tại chiếm mới chỉ 6%; trong khi toàn quốc chiếm 11.5%; Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tăng cường chỉ đạo để triển khai giải ngân hết nguồn vốn đã phân bổ, giúp người dân phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bình xét đối tượng vay vốn đúng quy định; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách để doanh nghiệp và người dân nắm bắt và thụ hưởng.
Thế Hiếu