Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk R’Lấp (PGD NHCSXH) đã triển khai Chương trình cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT) trở về địa phương. Từ nguồn vốn này đã giúp người từng lầm lỡ trở về có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tín dụng đối với NCHXAPT, là một trong những chương trình tín dụng mang tính nhân văn rất sâu sắc, giúp những NCHXAPT có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, học nghề và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Xác định tầm quan trọng của chương trình tín dụng này, PGD NHCSXH huyện Đăk R’Lấp đã chủ động báo cáo và tham mưu cho UBND huyện, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, Công an các xã rà soát các khách hàng đủ điều kiện vay vốn Chương trình cho vay NCHXAPT. Qua đó, góp phần giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Để chương trình đạt hiệu quả, PGD NHCSXH huyện Đăk R’lấp đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định. Trong đó, đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với UBND các xã, thị trấn các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tiếp tục rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định; tích cực đồng hành với những người từng lầm lỡ để họ có trách nhiệm và ý thức phấn đấu làm ăn, tiết kiệm để hoàn vốn sau khi vay.
Cuối năm 2023, anh Phạm Ngọc Kha, sinh năm 1963, tổ dân phố 4, thị trấn Kiến Đức đã chấp hành xong án phạt tù. Trở về địa phương, anh mong muốn tìm được cho mình công việc chân chính, song ban đầu anh gặp nhiều trở ngại do không có vốn.
Để giúp anh Kha tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống nhà để tìm hiểu nhu cầu làm ăn, bảo lãnh, tín chấp giúp anh vay vốn từ Chương trình cho vay NCHXAPT. Chị Lê Thị Tuyết Mai là vợ anh Kha đứng ra vay vốn cho anh với số tiền được vay 100 triệu đồng. Số tiền vay được, anh chị đã đầu tư cải tạo và chăm sóc vườn cà phê.
NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù
Anh Kha chia sẻ: Tôi không có vốn, tìm việc làm tự do cũng không đơn giản vì mình mới ra tù còn nhiều mặc cảm. Nhiều lúc tôi cũng thấy rất buồn nhưng nhờ chính quyền địa phương, NHCSXH huyện tin tưởng, tạo điều kiện cho gia đình tôi có vốn để đầu tư vào sản xuất mà giờ đã có việc làm cho bản thân. Tuy thu nhập hằng ngày không nhiều, song tiết kiệm thì cũng đủ chi tiêu hàng ngày và dành dụm trả dần vốn vay.
Hiện nay, PGD NHCSXH huyện đã triển khai cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn theo quy định của Chính phủ. Đây là chủ trương, chương trình cho vay rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.
Đến nay, PGD NHCSXH huyện đã giải ngân cho 19 khách hàng, số tiền 1.790 triệu đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch dư nợ được giao. Từ nguồn vốn chính sách đã mang lại những thay đổi tích cực đối với cuộc sống người dân, kịp thời làm chỗ dựa cho người mới ra tù có cơ hội làm lại cuộc đời.
Trong thời gian tới, PGD NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, sẵn sàng bình xét giải ngân cho vay kịp thời cho các đối tượng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg khi được phân giao nguồn vốn mới bổ sung.
Trên thực tế, còn nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội, thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Do đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý,… thì việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là cách góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.