Nhân 90 năm phong trào Thơ mới: Trần Huyền Trân – nghiêm túc qua từng lời thơ

9:16 | 12/09/2022

Trong phong trào Thơ mới, Trần Huyền Trân từng làm quản lý báo Bắc Hà, có thơ in trên báo Phụ nữ thời đàm, Ngọ báo, Ích Hữu, Tao đàn…


Thi sĩ Trần Huyền Trân (phải) và nhạc sĩ Văn Cao.

Thi sĩ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Trần Huyền Trân, tên thật là Trần Đình Kim (13/9/1913 – 22/4/1989), còn có các bút danh Trần Kim, Bình Minh, Lê Dân, Trần Thế, Cô Vân Anh; sinh tại Hà Nội, quê gốc ở huyện Ân Thi (Hưng Yên).

Một thời Trần Huyền Trân cùng Thâm Tâm, Nguyễn Bính kết thành nhóm Tam Anh ở gần Cống Trắng, trong căn nhà lều vó được gọi cho sang thành gác Sơn Nam và nhóm thơ Cống Trắng.

Trong phong trào Thơ mới, ông từng làm quản lý báo Bắc Hà, có thơ in trên các báo Phụ nữ thời đàm, Ngọ báo, Tiểu thuyết thứ Bảy, Ích Hữu, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san…

Mặc dù chưa in thành tập nhưng tiếng thơ Trần Huyền Trân thực sự có sắc thái riêng, nhận được sự quan tâm của nhiều văn nhân đương thời như Lê Tràng Kiều, Trương Tửu, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Lương Đức Thiệp, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh), Vũ Bội Liêu, Lê Huy Vân, Vũ Ngọc Phan, Trần Trọng Biên và được Hoài Thanh – Hoài Chân ghi nhận như một biệt lệ trong Thi nhân Việt Nam (1932-1941)…

Dung dị qua những vần thơ

Trong công trình Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941), có ý nghĩa tổng kết một giai đoạn văn học, nhà phê bình Mộc Khuê Kiều Thanh Quế (1913-1947) xác định: “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được […].

Ngoài ra, văn học quốc ngữ còn đếm được nhiều thi sĩ tuy chưa có tác phẩm ra đời, nhưng tài năng đã phát huy rõ rệt trên các báo chí: Thái Can, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân với những vần cổ kính; Phan Khắc Khoan với những “vần Huy Thông” rất trầm hùng”…

Trong bộ sách đại thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942), hai nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân đã biệt đãi và trân trọng vinh danh tiếng thơ Trần Huyền Trân: “Sinh ngày 13 septembre 1913 ở Hà Nội. Tự học ở Hà Nội. Hiện viết giúp: Tiểu thuyết thứ Bảy, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san…

Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dầu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân. Trần Huyền Trân, con người có tên lạ ấy, không phải là một thiên tài. Nhưng tôi ưa những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương. Cũng có lần thi nhân tả tình tương tư:

Xa nhau gió ít lạnh nhiều,

Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều

đổ nhanh.

Nhưng thường thì Huyền Trân tìm thi hứng, hoặc trong những cảnh đời buồn bã như cảnh đời cùng của thi sĩ Tản Đà:

Có đàn con trẻ nheo nheo,

Có dăm món nợ eo sèo bên tai.

Chừng lâu rượu chẳng về chai,

Nhện giăng giá bút một vài đường tơ.

Nghiên son lớp lớp bụi mờ,

Mọt ôn tờ lại từng từ cổ thi.

hoặc trong cảnh đồng quê:

Mặt trời say rượu tắm ven đông

Nước thẹn bâng khuâng ửng má hồng.

Bầy sẻ đâu về cười khúc khích

Rủ nhau lúa chín trộm vài bông.

Đồng quê của Huyền Trân đã mất hết vẻ quê mùa. Nó làm duyên làm dáng như một cô gái thành thị. Huyền Trân ưa nhất là nói tình mẹ con. Người gợi cái hình ảnh Phạm Ngũ Lão sau khi dẹp giặc Nguyên. Đêm ấy tiệc khao quân vừa tan. Ai nấy đều yên ngủ. Cho đến chiến mã cũng:

Đuôi mừng phủi sạch bụi binh đao.

Giữa lúc ấy Phạm Ngũ Lão một mình ngồi trong trướng, lòng băn khoăn

nhớ mẹ:

Binh thư ngừng giở, bào quên cởi,

Đèn nhớ mong ai bấc lụi dần.

Thế rồi tướng quân quất ngựa tìm

về chốn:

Nằm ôm gốc gạo lều dăm mái

Cánh liếp che sương hé đợi chờ.

Than ôi! Tướng quân về tới nơi thì mẹ già không còn nữa.

Thơ Huyền Trân không xuất sắc lắm. Nhưng sau khi đọc hoài những câu rặt anh anh em em tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió”.

Từ trái qua: Nhà thơ Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm trong nhóm Tam Anh.

Đa dạng trong sáng tác

Trên phương diện sáng tác, Trần Trọng Biên có bài Khúc hát quá quan (Bài thơ thứ nhất trả lời Độc hành ca của Trần Huyền Trân) dài 50 câu, trong đó có bốn câu mở đầu: “Cố nhân! Ới hỡi người xưa,/Dọn đi Tâm sự đẩy mưa về rừng”./Đến đây chim hót vang lừng,/Vi vu tiếng gió, vô chừng nước mây”, và đến câu kết: Gió lên phơi phới mây trời,/Con chim Minh Nguyệt hót ngoài không trung,/ Lửa chài hiu hắt ven sông,/Bâng khuâng tưởng tiếng chuông đồng ngàn xưa (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 454, ra ngày 27/3/1943, tr.8).

Rồi qua năm sau, trong bài điểm sách Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, nhà phê bình xuất sắc phương Nam Kiều Thanh Quế đã nhìn nhận hình thức nghệ thuật câu thơ Trần Huyền Trân trong tương quan thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử và đi sâu phân tích và so sánh ngôn từ nghệ thuật thơ Trần Huyền Trân với thơ Pháp:

“Đến Bích Khuê mà Hàn Mặc Tử hết lời khen tặng trong bài tựa tập Tinh huyết, tôi rất lấy làm lạ sao tác giả Thi nhân Việt Nam, đã viết được những trang thật giá trị (Xem “Một thời đại trong thi ca” trong Thi nhân Việt Nam, tr.9-55), lại cũng thiếu sáng suốt như Hàn Mặc Tử mà bảo rằng: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết (của Bích Khê) những câu hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam.

Ô! hay buồn vương cây ngô đồng,

Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

Hai câu ấy có hay vào bậc nhất không, khỏi nói tất ai cũng biết nó may ra chỉ đọc nghe được mà thôi.

Đã hết đâu! Đối với bài Duy tân tác giả Thi nhân Việt Nam, còn dám bảo: “Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy tân. Tôi thấy trong đó những câu thật đẹp”. Xin tìm một vài câu thật đẹp ấy:

… Vì hình dung những sắc mát non tơ,

Như mặt trời lọc qua khóm liễu, một

Hoàng hôn…

Trong ba câu thơ ấy, tôi thấy Bích Khê làm một cái liên cước (enjambement) sai luật thơ Pháp. Theo luật thơ Pháp, phàm muốn làm liên cước, người ta chỉ được phép nối liền câu thơ trên với câu dưới bằng một động từ (verbe) với một túc từ (conplément), hay bằng một chủ từ (sujet) với một động từ, như trong hai câu thơ này của Trần Huyền Trân:

Tôi nghe xa lắm làn mây trắng,

Rời bóng kinh thành lững thững đi.

(Giao thừa)

Cái liên cước của Bích Khê lại nối liền một quán từ (article) với một danh từ (nom): Chữ một trong câu thứ hai là quán từ nối liền với hoàng hôn trong câu kế là danh từ. Rõ ràng Bích Khê không hiểu luật thơ!

Thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử đầy tưởng tượng. Nhưng các hình tượng, do óc tưởng tượng của hai ông tạo ra, rời rạc, vấp váp và rơi như lá vàng buổi chiều thu!” (Tri tân, số 134, tháng 3/1944)…

Đến đây xin nói thêm, đương thời phong trào Thơ mới (1932-1945), Trần Huyền Trân còn viết tới bốn tiểu thuyết nữa. Diệu Anh Đinh Gia Trinh trong bài Những hoạt động văn chương Việt Nam trong năm qua đã điểm danh: “Làm sống lại tâm hồn những thời xưa và phân tích những cảm xúc và trạng thái tâm lý khéo léo thì có mấy nhà văn thuộc về một văn đoàn khác: Ông Lưu Trọng Lư, ông Trần Huyền Trân và ông Nguyễn Xuân Huy. Hai ông Lư và Huy trong năm nay không sản xuất mấy. Tác phẩm xuất bản gần đây của ông Trần Huyền Trân là quyển Tâm sự người kỹ nữ đã được nhiều độc giả chú ý” (Thanh nghị, số 10, tháng 3/1942)…

Trở lên là việc giới thiệu một vài nhận xét của người đương thời phong trào Thơ mới về thơ Trần Huyền Trân. Chúng tôi chủ ý chỉ tìm hiểu ý kiến của những người sống đồng thời với thời Thơ mới bàn về thơ Trần Huyền Trân bởi thấy rằng đó là nhận xét của người trong cuộc, trong khí quyển một thời, khi mà những đánh giá của họ còn trực diện, trực giác, tươi mới, chưa bị pha phách bởi những quan niệm thiên kiến ngoài văn chương hoặc do sự gián cách bởi thời gian như không ít trang bình luận, đánh giá ở giai đoạn sau này.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cũng như nhiều tác gia Thơ mới khác, thơ Trần Huyền Trân cũng chuyển giọng nhập cuộc đời sống xã hội theo một lối khác và giới nghiên cứu, phê bình cũng xét đoán thơ ông theo những cung cách, tiêu chí và thước đo khác trước.

 

Theo GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/nhan-90-nam-phong-trao-tho-moi-tran-huyen-tran-nghiem-tuc-qua-tung-loi-tho-post606671.html

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương