NHẠC SĨ VĂN CẬN VÀ “GIỮ TRỌN TÌNH QUÊ”

18:39 | 13/11/2023

Chiều nay, mở tìm nhạc trên mạng để nghe thử bộ tai nghe bluetooth xịn được bạn cho, tình cờ được nghe lại bài “Giữ trọn tình quê” của nhạc sĩ Văn Cận do các ca sĩ Thanh Trì, Tân Nhân và Thu Hiền hát. Nghe mà quặn lòng nhớ ông.

Nhạc sĩ Văn Cận từng sống chung một căn phòng với ba con tôi ở khu tập thể cho văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ở 87B, Lý Thượng Kiệt, Hà Nội. Bài hát này từng là bài hát nằm lòng của tôi và nhưng học sinh miền Nam tập kết những năm 1955-1960. Chợt nhớ năm nay là năm kỷ niệm 95 năm sinh và 55 năm mất của ông (1928-1968). Không biết có đâu biết để tưởng niệm người nhạc sĩ tài năng gốc Đà Nẵng đã hy sinh vì nước này không?

Nhạc sĩ Văn Cận tên thật là Võ Văn Hòa, sinh ra ở quê mẹ TP Đà Nẵng năm 1928 và hy sinh đúng 40 năm sau đó, năm 1968 ở quê cha vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vùng đất nằm giữa con sông Thu Bồn và sông Bà Rén, nổi tiếng với những biền dâu xanh ngát, nơi có những điệu dân ca mà ông say mê từ nhỏ.

Với vốn âm nhạc tự học, ông tham gia sinh hoạt thanh thiếu niên cứu quốc ở quê cha Gò Nổi, Điện Bàn. Năm 22 tuổi, năm 1950 ông đã tham gia Đoàn Văn công Quảng Nam, vừa đánh đàn, vừa làm thơ, vừa sáng tác ca khúc phục vụ cuộc kháng chiến chồng thực dân Pháp. Trong các ca khúc ông viết khi đó có hai bài rất phổ biển ở Liên khu 5 thời chống Pháp là “Hò dân công” và “Đánh giặc tăng gia”.

Bài “Đánh giặc tăng gia”, ngay từ khi ra đời được lan truyền rộng rãi trong bộ đội, nhân dân với lời ca mộc mạc, giai điệu gần gũi, nội dung thiết thực:

Ai lo tăng gia mà không ra sức, mà không ra sức đánh giặc giữ làng/Hò ơ…Ai lo tăng gia mà không ra sức, mà không ra sức đánh giặc giữ làng/Nếu tăng gia mà không đánh giặc, thì thằng giặc nó cướp của ta/Nếu đánh giặc mà không tăng gia, lấy gì dân nuôi quân đánh giặc/Hò ơ…

Ta lo tăng gia và ta ra sức, và ta ra sức đánh giặc giữ làng/Hò ơ…Ta lo tăng gia và ta ra sức, và ta ra sức đánh giặc giữ làng/Nếu tăng gia mà lo đánh giặc, thì thằng giặc nó chết với ta/Nếu đánh giặc mà lo tăng gia, lúa nhiều thêm nuôi quân đánh giặc/Hò ơ…”

Bài hát này từng được chọn làm nhạc hiệu “Chương trình phát thanh Nông thôn” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều thính giả ở Hà Nội và miền Bắc còn nhớ bài hát này được dạy trong chương trình dạy hát hồi 13 giờ trên đài Tiếng nói VN những năm 1960 và thuộc lòng ngay từ khi ấy.

Năm 1955, Văn Cận tập kết ra Bắc trong đội hình Đoàn Văn công Liên khu 5, để lại ở quê nhà Đà Nẵng người vợ trẻ và đứa con thơ. Với chính sách phục hồi vốn âm nhạc truyền thống, nhờ ở bên các nghệ sĩ bậc thầy về tuồng như Nguyễn Lai, Nguyễn Nho Túy, Phạm Chương, Ngô Thị Liễu…và về dân ca khu 5 như Lệ Thị, Đình Thái Sơn, Văn Cận đã chịu khó học hỏi, và tích lũy được nhiều vốn âm nhạc truyền thống quê hương. Khi được giao sáng tác nhạc cho vở Thoại Khanh – Châu Tuấn, vở diễn khai sinh sân khấu ca kịch bài chòi độc đáo, Văn Cận đã sáng tác được bài “Tình duyên cung oán” dùng cho đoạn Thoại Khanh mắt mù dắt mẹ chồng đàn xin ăn trên dặm trường tìm chồng trong vô vọng. Điệu hát bắt đầu bằng câu “Là tàng tích tang là tang tích tình/Đàn kêu nỗi mẹ mong con/Đàn kêu nỗi vợ cô đơn nhớ chồng/ Đàn kêu phụ bạc má hồng/Mấy năm chẳng thấy mặt chồng ở đâu/ Là tang tít tàng…”. gây xúc động lớn và sau này trở thành một làn điệu dân ca khu 5 mới cùng các bài “Vọng Kim lang” của nhạc sĩ Hoàng Lê và nhiều bài khác của NSND Lê Thi, các nghệ sĩ Võ Bài, Cung Nghinh, Trần Chức..đóng góp cùng 4 điệu bài chòi hợp với các làn điệu dân ca khu 5 hình thành bộ làn điệu gốc của Sân khấu ca kịch Bài chòi.

Sau đấy, trong một chuyến công tác cùng Đoàn Văn công LK 5 ở Phú Thọ. Bên dòng sông Thao, nhớ quê hương, nhớ vợ con xa cách, Văn Cận đã viết ca khúc hay nhất đời mình với dòng ca từ chân chất, mặn nồng. Bắt đầu bằng đoạn mở đầu của hò khoan xứ Quảng, bài hát tràn đầy nhớ thương, kỷ niệm và lời hẹn ước giữ trọn tình quê:

“Xin gửi về Nam tấm lòng vàng đá/Thủy chung này là Thủy chung này nguyền giữ trọn tình quê, nguyền giữ trọn tình quê/Nhớ ờ khi kết tóc chung thề/Có ta khi có bạn là tình quê cho vẹn tròn là tình quê cho vẹn toàn.

Nắm đất còn ghi, mối tình vàng đá/Dấu tay người là dấu tay người còn in trọn tình quê, còn in trọn tình quê.

Nhớ ờ khi trăng sáng vai kề/Có ta đi có bạn là tình quê cho vẹn tròn, là tình quê cho vẹn tròn.

Bến nước dòng sông, con đò còn đó/Vắng câu hò dù vắng câu hò đò vẫn đợi người xưa, đò vẫn đợi người xưa/Nhớ ờ khi núp bóng cây dừa/Nhớ câu ta ước hẹn là vì nhau ta đợi chờ là vì nhau ta đợi chờ”.

Ca khúc một đoạn đơn ba phần lời nhỏ xinh mà sâu nặng tình nghĩa ấy nhanh chóng gia nhập đội ngũ những ca khúc hay nhất được ưa thích nhất về đề tài đấu tranh thống nhất đất nước cùng với “Tình ca” của Hoàng Việt, “Tình trong lá thiếp” của Phan Huỳnh Điểu, “Trăng sáng đôi miền” của An Chung, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiêp, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, “Bài ca hy vọng” của Văn Ký…

Năm 1961, Văn Cận được Bộ Văn hóa cho đi học âm nhạc ở nước ngoài. Ông xin được ở lại để về Nam nhưng lãnh đạo không đồng ý. Sau 4 năm học ở Học viện Âm nhạc Bắc Kinh, năm 1965, ông về nước, do căn phong ông ở trước khi đi Trung Quốc đã được phân cho người khác ở, ba tôi mời ông đến ở cùng ba con tôi trong căn phòng rộng hơn 20m2ở 87 B, Lý Thường Kiệt Hà Nội, nơi nhạc sĩ Hoàng Việt cùng vừa tốt nghiệp 6 năm nhạc viện Bungari về ở căn hộ của nhà thơ Bảo Định Giang. Văn Cận không quan tâm gì đến việc xin Bộ phân lại chỗ ở mới cho mình. Cũng y như Hoàng Việt khi ở nhờ nhà của nhà thơ Bảo Định Giang, Văn Cận cũng chỉ xin Bộ cho được về Nam công tác càng sớm càng tốt, để “Có ta khi có bạn là tình quê ta vẹn tròn“.

Trong thời gian này, với bút danh mới Tân Nam để chuẩn bị về quê hương, Văn Cận đã viết ca khúc “Mẹ ơi!! Con sẽ trở về” nghe đầy nghẹn ngào giục giã. Từ ngôi nhà 87B Lý Thường Kiệt Hà Nội, Hoàng Việt và Văn Cận lên đường vượt Trương Sơn đầu năm 1966 về quê hương. Hoàng Việt may mắn được đoàn tụ với vợ con ở R còn Văn Cận thì không vì vợ con ở Sài Gòn vừa về Đà Nẵng được thì đã nghe tin ông hy sinh. Ngày 31/12/1967, Hoàng Việt hy sinh ở quê mẹ Mỹ Tho bên sông Cửu Long Giang và chưa đầy một tháng sau, 28/1/1968, Văn Cận hy sinh khi đi công tác cùng Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam ở quê cha Gò Nổi bên sông Thu Bồn. Cả hai nhạc sĩ tài năng cùng chết mất xác dưới hai dòng sông lớn của đất nước vì bom pháo địch.

Khi ấy, Hoàng Việt vừa hoàn thành ca cảnh “Bông sen”, đang bắt đầu viết bản giao hưởng “Cửu Long Giang” còn Văn Cận đã viết xong một số ca khúc cho văn công khu 5 dựng diễn và gửi ra miền Bắc, trong đó có hành khúc nổi tiếng “Giành chính quyền về tay nhân dân” và ca cảnh “Em bé Chơ Run”.

Sau khi Vặn Cận hy sinh, đồng đội của ông có tìm được bức thư chưa kịp gửi ông viết cho nhà thơ Bảo Định Giang, Phó Chủ tịch chuyên trách công tác miền Nam của Liên hiệp các hội VHNTVN, trước khi đi vào chiến dịch Tổng Tấn công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Toàn văn bức thư như sau:

“Anh Giang thân mến!

Cận đang công tác xây dựng chương trình biểu diễn cho Đoàn Văn công Quân giải phóng Liên khu 5. Để chuẩn bị nhập thị. Báo cáo anh biết sau Đại hội Văn nghệ Miền, mọi công tác xây dựng lại các Đoàn Văn công, công tác biểu diễn xây dựng tiết mục và sáng tác đều phải triển khai gấp rút. Nhưng sợ vẫn chạy không kịp đó anh ạ. Tình hình chung phát triển nhanh quá mà công tác Văn nghệ thì gặp nhiều khó khăn. Phấn khởi nhiều nhưng lo lắng cũng không ít.

Sau đợt công tác này Cận sẽ đi thực tế Quảng Đà để sáng tác phục vụ cho đợt Tổng động viên chính trị và tích lũy thêm tài liệu cho tác phẩm lâu dài. Hôm nay, nhân Văn Chừng nhạc sĩ trẻ của Liên khu 5 (người có bài trong tập nhạc được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) ra Bắc để chữa bệnh, Cận tranh thủ biên thư thăm anh chị và cháu. Nhờ anh chuyển lời thăm chị Bội Lan, Hồ Thắm. Cận chúc tất cả mạnh khỏe và hy vọng gặp nhau một ngày không xa.

Nhân tiện đây, Cận xin trao đổi với anh hai việc:

+ Cận gửi theo một số bài hát vừa viết trong đợt này và có vài bài vừa qua theo nhu cầu của tình hình chính trị đã chỉnh lý lại. Tất cả đang được phổ biến để phục vụ đợt Tổng tấn công, Tổng động viên chính trị chuẩn bị cho tình hình sắp đến, để ngoài ấy nghiên cứu sử dụng và mọi mặt khác đối với các tên mới của Cận (Tân Nam) cũng cần được giới thiệu để sau này khi nhập thị dễ ăn dễ nói và thuận lợi cho việc học tập âm nhạc rộng rãi.

+ Cận đã xây dựng xong đề cương vở Opera nội dung phản ánh cuộc đấu tranh của Liên khu 5. Theo chỉ tiêu phấn đấu thì Cận cố gắng hoàn thành trước 1970. Nhưng như anh biết điều kiện và phương tiện để xây dựng một vở Opera đối với hoàn cảnh chiến trường rất khó khăn. Vì vậy Cận muốn các anh giúp thêm ý kiến cụ thể.

Khi ra đi Cận cũng có nhiều suy nghĩ sau những buổi trao đổi với anh, đi vào chiến trường gian khổ và hiểm nguy Cận không lo ngại nhưng điều cần lo là làm thế nào trong đời hoạt động âm nhạc như mình sẽ đóng góp gì cho xứng đáng đối với quê hương và miền Nam.

Cho nên ngoài những bài ca khúc và các vở ca kịch nhỏ mà Cận đã bắt đầu sáng tác, Cận quyết tâm xây dựng tác phẩm xứng đáng hơn. Các bạn bên văn học thì đang lo phấn đấu xây dựng tiểu thuyết, trường ca. Còn âm nhạc chẳng lẽ chỉ có ca khúc mà không dựng lên được tác phẩm lớn như Đại hợp xướng, bản giao hưởng hoặc những vở Opera hay sao?

Để đáp lại sự bồi dưỡng của Đảng qua bao nhiêu năm ăn học và cái vĩ đại anh hùng của miền Nam thôi thúc, Cận ngày đêm suy nghĩ đến điều đó. Từ ngày Cận vào đến nay đã bỏ thời gian khá nhiều cho việc xây dựng hai Đoàn Văn công miền núi và Đoàn Quân giải phóng so với thời gian sáng tác. Nhưng Cận hứa với anh sẽ phấn đấu và đến lúc nào đó sẽ đề đạt dứt khoát với lãnh đạo để cho Cận có thời gian tập trung vào sáng tác.

Vừa rồi, Khu ủy và Quân khu ủy đã điện xin một số cán bộ diễn viên để bổ sung cho Liên khu 5. Chắc các anh đã nhận được tin đó. Qua Đại hội văn nghệ một điểm đáng mừng là các đồng chí lãnh đạo quan tâm và chăm sóc động viên Văn nghệ rất đúng mực. Anh em văn nghệ sĩ rất phấn khởi và hào hứng đi vào tuyến lửa. Hoài bão thì nhiều và to lớn. Nhưng không biết có đạt được sự mong muốn không.

Cuối thư một lần nữa chúc anh và các đồng chí mạnh khỏe. Và mong anh giúp đỡ mọi điều kiện cho anh em Văn nghệ Khu 5 hoạt động.

Thân kính

VĂN CẬN”….

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú