Nhạc lễ triều Nguyễn như thế nào?

8:46 | 23/08/2022

Chúng ta đều đã đọc rằng “Quốc ca” của nước ta thời chế độ phong kiến nhà Nguyễn là bài “Đăng đàn cung”. Vậy dàn nhạc nghi lễ có những nhạc cụ gì, nghi lễ tấu quốc nhạc của nhà Nguyễn thế nào?


Múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.

Sử sách triều Nguyễn để lại cho biết, năm Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mạng thứ 13 (1832): “Mùa xuân, tháng 2, định lại nghi chương về triều hạ”.

Theo đó, với các đại lễ của triều đình tổ chức tại điện Thái Hòa, thì về nhạc cụ, sẽ đặt một bộ nhã nhạc, một chiếc chuông to, một chiếc khánh lớn, một bộ chuông nhỏ 12 cái, một bộ khánh nhỏ 12 chiếc, hai chiếc trống có trụ, và một chiếc chúc. Chúc là loại trống hình giống thùng sơn vuông, ở giữa có cái dùi liền đến đáy, khi cầm rung lên thì cái dùi ấy đập sang hai bên thành tiếng, dùng đánh vào lúc mới tấu nhạc.

Bộ nhã nhạc còn có một cái “ngữ”, tức nhạc cụ hình giống con hổ nằm phục, trên lưng có 27 cái răng cưa, khi chơi lấy miếng gỗ cọ vào thì thành tiếng. Đây là nhạc cụ dùng đánh khi tấu nhạc sắp xong. Ngoài ra còn có 2 cái trống bồng, 4 chiếc đàn cầm, 4 chiếc đàn sắt, 2 cái tiêu bằng tre có 16 ống, 2 cái tiêu có 23 ống, ống sênh 2 cái, ống huyên 2 cái, ống trì 2 cái, phách 2 cái.

Còn bộ đại nhạc, tức những nhạc cụ có âm lượng lớn sẽ có 20 chiếc trống, 8 cái kèn, 4 chiếc tù và, 4 chiếc “sa la” (nhạc cụ bằng đồng, hình giống cái chậu), 2 cái vỏ ốc biển (dùng để thổi như tù và bằng sừng trâu). Khi thiết các lễ thường triều ở điện Cần Chánh thì triều Nguyễn chỉ bày các đồ nhạc cụ nhỏ.

Cũng năm Minh Mạng thứ 13, triều Nguyễn quy định các bản nhạc cho từng loại nghi lễ. Các bản nhạc lễ này đều có chữ “bình”. Theo đó, ba lễ lớn nhất gồm tiết Đại khánh (kỷ niệm sinh nhật vua chẵn chục năm), ngày ban lịch, ngày truyền lô (tức lễ xướng danh những người đỗ đại khoa), cùng các lễ triều ngày sóc, vọng (mùng Một, Rằm hàng tháng), hay khi có nước ngoài (ngoại phiên) dâng lễ xin quy thuận, ngày rước vua ra ngự lên ngai, thì đều tấu bản nhạc “Lý bình”.

Các dịp lễ tiết, khi trăm quan theo thứ tự xếp hàng làm lễ thì tâu bản nhạc “Túc bình”. Hằng năm ba tiết lớn và tiết Đại khánh, khi các quan làm lễ mừng thì tấu bản nhạc “Khánh bình”. Các dịp Tết Nguyên đán, tiết Đại khánh, đọc ân chiếu xong các quan làm lễ tạ ơn, thì tấu bản nhạc “Di bình”.

Trong lễ ban lịch, khi Khâm Thiên giám làm lễ, thì tấu bản nhạc “Nguyên bình”. Khi các quan vào tạ ơn vua ban lịch thì tấu bản nhạc “Hàm bình”. Còn sau kỳ thi Đình, khi truyền lô (báo kết quả), khi quan khâm mệnh vào tâu lại thì tấu bản nhạc “Doãn bình”. Khi các tiến sĩ mới vào làm lễ thì tâu bản nhạc “Xiển bình”.

Vào tiết Đại khánh, các ngoại phiên vào làm lễ, và nước ngoài mới quy thuận làm lễ triều bái thì tâu bản nhạc “Long bình”. Khi các ngoại phiên mới quy thuận tạ ơn thì tâu bản nhạc “Bình hòa”. Các lễ triều hội, khi làm xong, rước vua về cung thì tâu bản nhạc “Hòa bình”.

Về vị trí sắp xếp ban nhạc trong mỗi dịp lễ cũng được quy định rõ. Như trong kỳ tiết Vạn thọ, tức sinh nhật vua, thì dàn nhã nhạc được bố trí đứng hai bên Đông và Tây sân rồng, phía ngoài các biển ghi phẩm trật của các quan. Dàn đại nhạc đặt ở phía Nam sân rồng, Đông Tây đều hướng vào nhau. Ngoài ra còn có 16 người hát chia ra đứng ở hai bên sân rồng, về phía Bắc chỗ treo nhạc, các người ở ban nhã nhạc, ban đại nhạc đều theo thứ tự đứng xếp hàng.

Khi vua ra khỏi điện Càn Nguyên thì khua chuông đánh trống. Đến thềm phía Bắc điện Thái Hòa, rước vua xuống xe, ban đại nhạc ở cửa cảnh môn bắt đầu tấu lên, chuông trống ở điện Càn Nguyên dừng lại, bắn 9 tiếng ống lệnh. Khi rước vua lên ngai, thì tấu bản nhạc “Lý bình”. Trước điểm 3 tiếng chuông to rồi đánh 3 tiếng chúc, nhã nhạc hợp tấu, người hát ca hát khúc nhạc xong, thì nhạc thôi, đánh ba tiếng ngữ, rồi lại đánh 3 tiếng khánh to.

Sau khi trăm quan đứng xếp hàng theo thứ tự chỉnh tề rồi thì dàn nhạc tấu bản nhạc “Túc bình”; khi làm lễ mừng thì tấu bản nhạc “Khánh bình”. Sau khi lễ xong tấu bản nhạc “Hòa bình”. Đại nhạc nổi lên, rước vua vào điện Cần Chính lên ngự bảo tọa.

Hằng năm, Tết Nguyên đán, Tết Đoan dương, nếu vua có tuyên chỉ cho ăn yến và ban thưởng, thì làm thêm lễ tạ ơn, tấu bản nhạc “Di bình”. Còn nếu tiết Đại khánh lại có truyền chiếu ban ơn thì cũng làm thêm lễ tạ ơn, tấu bản nhạc “Di bình”. Tuyên đọc biểu mừng của trăm quan xong, lại cho riêng các ngoại phiên dâng biểu làm lễ tạ ơn, thì tấu bản nhạc “Long bình”.

Tuyên đọc xong bài biểu tiến cống, làm lễ tạ ơn, tấu bản nhạc “Thuận bình”, còn nghi tiết khác cũng giống với lễ sóc, vọng.

Đối với cung Từ Thọ (nơi ở của thái hậu), khi gặp ba tiết lớn, có các quan tờ dâng mừng thì không phải đọc, làm lễ thì dùng đàn sáo và các nhạc cụ hạng nhỏ; riêng tiết Đại khánh thì tuyên đọc tờ chúc mừng, nhạc thì dùng múa Bát dật.

 

Theo GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/nhac-le-trieu-nguyen-nhu-the-nao-post605210.html

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái