Đã là nhà văn, phải có kiến văn rộng. Đành rằng phải am hiểu văn hoá, lịch sử của dân tộc mình, nhưng cũng phải rành về văn hoá, lịch sử và văn minh của các dân tộc khác, đặc biệt là lịch sử của các cựu thù với dân tộc mình. Thiên chức của nhà nghệ sĩ là sáng tạo, vì vậy nhà văn phải luôn đem đến cho công chúng những điều mới mẻ, hoàn toàn không được lặp lại người khác, càng không được lặp lại chính mình. Đặc biệt trong các tác phẩm của mình, không được phớt lờ thân phận người dân, và cả những vấn đề gay cấn của xã hội, nhà văn cần can dự với thái độ công dân nghiêm túc, chứ không được phép lẩn tránh vì cầu an.
Viết về những vấn đề đương đại đã khó, viết về đề tài lịch sử khó hơn nhiều. Nếu không đọc được lịch sử một cách chính xác, mà chỉ viết theo phỏng đoán, hoặc viết theo cách nhận dạng lịch sử qua kiến văn của người khác, dễ mắc sai lầm, dễ trở thành kẻ tội đồ lịch sử.
Ví dụ khoảng thập niên 70 – 80 của Thế kỷ 20, nhà văn Hoàng Yến viết tiểu thuyết lịch sử “Câu thơ yên ngựa”. Để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến cái chết của Thượng Dương hoàng hậu và 72 cung nữ, ông đã cho phe của hoàng hậu Thương Dương có âm mưu phản loạn, vì câu kết với nhà Tống.
Vẫn theo cách giải quyết này, vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, trong tác phẩm chèo “ Bộ ba Bài ca giữ nước” của kịch tác gia Tào Mạt cũng cho Lê Văn Thịnh câu kết với nhà Tống, mưu tạo phản. Chắc vết xe đổ này, còn kéo thêm nhiều người viết về đề tài lịch sử, với cách tháo gỡ mối rối lịch sử một cách tuỳ tiện.
Tôi sẽ khảo sát về nhân thân của Lê Văn Thịnh, và hoàn cảnh lịch sử nhà Lý lúc đó xem có đủ căn cứ để buộc tội ông làm tay sai cho nhà Tống, và âm mưu tạo phản không.
Ât mão ( 1075 ), nhà Lý lần đâu tiên mở thi Đại khoa, gọi là Minh kinh bác sĩ và nho học tam trường. Lê Văn Thịnh đỗ đầu. Sử thường gọi ông là Trạng nguyên khai khoa. Liền đó, ông được gọi vào cung hầu giảng cho vua Lý Nhân tông học. Năm đó Nhân tông mới 9 tuổi.
Năm sau ( 1076 ), Lê Văn Thịnh được Lý Thường Kiệt bổ vào chức Thị lang Bộ binh. Chức thị lang, tương đương với chánh văn phòng Bộ, còn như Hữu thị lang lại tương đương hàm thứ trưởng ngày nay. Điều đó, chứng tỏ Lê Văn Thịnh là bậc chân tài. Trong cuộc đánh quân xâm lược nhà Tống năm 1076, Lê Văn Thịnh được sát cánh cùng Lý Thường Kiệt nơi quân doanh, chắc có hiến bầy cơ mưu được Thường Kiệt hài lòng, nên mới có chuyện cất nhắc.
Gíap dần (1084 ) Lê Văn Thịnh đàm phán với Thành Trạc nhà Tống để đòi châu Quảng Nguyên. Bởi đất ấy đã bị các đầu mục người Man do nhà Tông lung lạc rồi mua chuộc, nên đem dâng cho họ từ trước khi quân Tống vào đất ta. Nhà Tống vin cớ không phải đất chiếm khi giao tranh, nên nhất định không chịu trả lại ta.
Phía nhà Tống, Thành Trạc khăng khăng cãi, đó là đất Tống có từ trước chiến tranh, chứ không phải đất do binh Tống chiếm khi giao tranh. Nay không thể tự tiện đem đất ấy mà trao cho An Nam được.
-Lê Văn Thịnh cãi, cả châu Quảng Nguyên của chúng tôi, nay các ông đặt là Thuận châu, chứng tỏ đất ấy mới phụ vào nhà Tông.
– Đúng vậy, Thành Trạc đáp. Chính đám đầu mục của các ông đem đất ấy qui thuận thiên triều.
-Điều mà ngài Thành Trạc vừa nói, chứng tỏ đất ấy nguyên là của Đại Việt. Bọn Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An là các đầu mục được triều đinh Đại Việt cho ăn lộc nhiều đời, lại sai cai quản đất ấy của nhà nước Đại Việt, thế mà bọn chúng dám đem đất của triều đình dâng cho ngoại bang. Tội của chúng là phản chủ, là ăn cắp của chủ đem bán dâm bán dúi. Trung Quốc là một nước lớn, chẳng nhẽ lại đi mua vật lấy cắp, lại chứa chấp cả kẻ gian. Chúng tôi mong ngài tâu việc này lên thiên tử nhà đại Tống, để nhà vua trao trả châu Quảng Nguyên lại cho Đại Việt chúng tôi, kể cả mấy kẻ phản chủ ấy cho chúng tôi trị tội. Được như vậy, chúng tôi mới phục Trung Quốc là nước lớn, hành xử theo đạo lý thánh hiền. Rằng vật gì không phải của mình, chớ có nhận. Nếu không, sẽ bị vạ hoặc bị đoạ. Lê Văn Thịnh phản bác mạnh mẽ, khiến Thành Trạc im bặt. Mãi lâu sau ông ta mới nhẹ nhàng cất tiếng:
– Việc nghị bàn tạm ngưng ở đây, rồi sẽ bàn tiếp. Qủa nhiên ông đem việc đó tâu gấp về Lâm An. Vua Tống Thần tông sai trả châu Quảng Nguyên cho Đại Việt, lại ban riêng cho Lê Văn Thịnh 100 tấm gấm Hàng Châu.
Việc bang giao đại thắng lợi, tiếng tăm về hùng tài của Lê Văn Thịnh nổi như cồn. Tới năm Ât sửu (1285 ) triều đình vinh thăng Lê Văn Thịnh chức Thái sư. Bởi chức này đang khuyết, vì Thái sư Lý Đạo Thành mới mất cách đó vài năm.
Trong 10 năm ( 1075 – 1085 ), Lê Văn Thịnh từ một anh học trò chân trắng nhở đỗ đạt cao, và nhờ tài năng của chính mình đã trở thành một người quyền lực chỉ đứng sau vua. Âý vậy lại chỉ 10 năm sau ( 1085 – 1096 ), ông mang án giết vua.
Cho tới lúc này tình hình trong và ngoài nước vẫn yên ổn, không có gì đáng lo ngại. Lý Thường Kiệt vẫn nắm việc binh. Triều đình không có dấu hiệu bè phái chi cả. Trước khi bị đẩy vào cảnh ngộ trên hồ Dâm Đàm, không hề có dấu hiệu Lê Văn Thịnh bị bạc đãi. Cũng không có một thông tin lịch sử nào cho ta biết, ông nuôi chí tạo phản.
Với nhân thân Lê Văn Thịnh như vậy, nếu ghép ông vào tội tạo phản là cực kỳ vô lí. Phải nói, cả triều đình chưa một ai được ưu trọng như ông. Vậy không có lí do khiến ông bất mãn để mưu sự giết vua. Vả lại, Lý Thường Kiệt còn sờ sờ ra đấy, kẻ nào dám manh tâm tạo phản.
Lại ngó sang nhà Tống, lúc này Tống Thần tông đã chết, Vương An Thạch đã chết, mầm mống canh cải đất nước với chủ trương “Tân pháp” cũng đã theo họ xuống mồ. Tư Mã Quang cũng chết gần như đồng thời với Vương An Thạch, triều Tống không còn gương mặt nào sáng giá. Tống Chân tông là một cậu bé 10 tuổi, quyền bính thu về người bà nội là Cao Thái hậu. Nhà Bắc Tống đã diệt vong từ lâu, triều đình đã chạy khỏi Khai Phong, lui về đóng đô tại Lâm An tức Hàng Châu. Đúng thời điểm này tại phía bắc, nước Liêu đòi Nam Tống phải dâng đất, đòi xét lại đường biên giới. Phía tây, Tống cũng vừa thương thảo nộp vàng bạc, vải lụa và triều cống nhà Tây Hạ hằng năm, để mua sự yên ổn.
Một nhà Tống nhu nhược và hèn yếu như vậy, liệu có dám chọc giận triều đình Đại Việt ? Vả lại Tống hẳn chưa quên với trận 1075, bị Lý Thường Kiệt đem binh diệt tận sào huyệt hai châu Khâm, Liêm, và trận thua nhục nhã trên chiến trường Như Nguyệt năm 1076, khi Tống đem quân qua Đại Việt báo thù.
Trận đánh Tống trên sông Như Nguyệt, Lê Văn Thịnh là Tả Thị lang Bộ binh, sát cánh cùng Lý Thường Kiệt đánh giặc, ông không lạ gì tiềm lực của nhà Tống. Khí phách Đại Việt lừng lẫy qua hai cuộc chiến. Và ông thương thảo đòi đất với Thành Trạc cũng ở thế thượng phong. Hơn nữa, Lê Văn Thịnh đã tỏ lộ một tài năng bạt quần, Đại Việt vẫn đang là một quốc gia hùng mạnh, hà cớ gì ông lại rúc đầu vào làm tay sai cho một nhà Tống đang ngắc ngoải ?
Những ai nghĩ về và viết về Lê Văn Thịnh như vậy, chắc chắn không hiểu về tình Đại Việt và sự tương quan giữa Đại Việt và Tống triều vào nửa cuối thế kỷ 11, và nữa cũng không đọc hiểu cả sử Ta và sử Tầu trong giai đoạn lịch sử đó. Một sự nhầm lẫn thật đáng tiếc và cả đáng trách, vì nó để di hoạ cho cả đương thời và hậu thế.
Vậy tại sao, lịch sử lại khoác cho Lê Văn Thịnh một bản án kì cục như vậy? Cần phải làm rõ những mắc mớ do lịch sử để lại. Đó là công việc của người viết tiểu thuyết lịch sử. Gặp những nút thắt của lịch sử như vậy, nhà văn phải giải mã nó. Trường hợp này đòi hỏi giải mã chứ không phải giải thiêng. Nếu không làm được việc đó, nhà văn chỉ là một cành tầm gửi bám hờ trên thân cây chủ.
Xóm vắng Pháo Đài Láng ngày 27/ 10 / 2022
H Q H
Hoàng Quốc Hải (VHVN)