Nhà triết học của sân khấu Việt Nam

10:33 | 01/02/2022

Hôm nay, vì một công việc đã hẹn trước không thể hoãn lại được, tôi đành bỏ lỡ một công việc có thể nói là rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Đó là ngày mừng thọ 95 tuổi của một người bạn mà bao năm tôi rất kính trọng và yêu quý.

Người ấy là một nhà khoa học uyên bác, một người thầy trong ngành sân khấu Việt Nam.

Người ấy đã cho ra đời hàng chục tác phẩm có giá trị vừa nghiên cứu khoa học vừa sáng tác nghệ thuật, vừa nêu lên những kinh nghiệm quý báu của mình từ bao năm gắn bó với sân khấu.

Người ấy đã đem lại cho tôi những kiến thức tối thiểu về sân khấu truyền thống Việt Nam và đưa tôi tới một lĩnh vực có thể nói là phong phú nhất, sâu sắc nhất và tinh vi nhất trong truyền thống sân khấu Việt Nam. Đó là nghệ thuật tuồng.

Người ấy chính là anh Mịch Quang, bạn thân thiết của tôi suốt bao nhiêu năm gần gũi.

Nhà nghiên cứu – Soạn giả Mịch Quang.

Một tình cờ lịch sử đã đem lại sự gặp gỡ giữa anh Mịch Quang và tôi. Tôi vốn là nhà nghiên cứu giảng dạy triết học và mỹ học. Nhưng trong thời gian những năm 1960 của thế kỷ 20, do bận nhiều công việc xây dựng và tổ chức ngành khoa học xã hội và nhân văn, tôi không nhận đi dạy triết học và mỹ học ở bất cứ nơi nào. Nhưng đến khi Bộ Văn hóa có công văn chính thức mời tôi giảng dạy cho tất cả các đoàn văn công: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối…trong đó có các đoàn của các tỉnh miền Bắc và các đoàn tập kết từ miền Nam ra. Tôi đã vui vẻ nhận lời mời của Bộ Văn hóa vì sân khấu là lĩnh vực tôi rất say mê ngay từ thời thơ ấu. Thế là mấy năm ở Lạc Đạo, tôi đã được tiếp xúc với hầu hết các nhà nghiên cứu, sáng tác, đạo diễn và diễn viên nổi tiếng.

Về tuồng: có các bác Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Sáu Lai, Mười Chương…Về chèo có ông Năm Ngũ, bà Dịu Hương, các cô Diễm Lộc, Thúy Ngần…Về bài chòi có bà Lệ Thi, ông Khánh Cao, ông Tường Nhẫn…Về kịch nói có các ông Ngọc Bạch, Huỳnh Nga, bà Bạch Lan…Tất cả những người ấy đã trở thành bạn thân thiết nhiều năm của tôi và đã để lại trong tôi những cảm xúc sâu sắc về các bộ môn nghệ thuật sân khấu của đất nước. Nhưng vì đâu mà những bộ môn sân khấu ấy đã tác động mạnh mẽ tới tôi thì các bạn nêu trên không giải thích được. Lúc đó nhiều người lãnh đạo xuất sắc như anh Hoàng Châu Ký về tuồng, anh Trần Bảng về chèo, anh Chi Lăng về cải lương đã giúp tôi phần nào hiểu biết về một số đặc trưng của những thể loại sân khấu ấy. Nhưng người đem lại cho tôi những hiểu biết cặn kẽ về nguồn gốc, vè đặc trưng, về những nét tinh vi của từng bộ môn lại chính là anh Mịch Quang.

Sau đấy, nếu tôi được hiểu biết sâu sắc hơn, tinh vi hơn những nét đặc trưng của sân khấu truyền thống lại là những sách nghiên cứu lý luận và những kịch bản sân khấu của anh Mịch Quang. Đặc biệt, tôi rất mê hai cuốn sách mà anh gửi tặng tôi là là Âm nhạc và sân khấu dân tộc và Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống.

Nhà nghiên cứu Mịch Quang với GS Anh hùng Vũ Khiêu.

Tôi đánh giá cao cuốn Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống của anh. Trong cuốn sách này, anh đã vận dụng triết học để nghiên cứu sân khấu. Việc anh làm cũng là điều vốn tâm đắc của tôi khi tôi và anh Nguyễn Hông Phong giảng dạy tại các lớp tập huấn của văn công ở Lạc Đạo, chúng tôi đã gắn chặt sân khấu với hai môn triết học và mỹ học. Mịch Quang nêu trong tác phẩm của mình câu nói của Ăngghen: “Các nhà bác học muốn làm gì thì họ vẫn bị triết học thống trị”. Từ câu nói đó của Ăngghen, Mịch Quang đã vận dụng triết học trong nghiên cứu của mình. Trên cơ sở tiếp thu những triết học cả Đông và Tây, Mịch Quang đã chọn triết học phương Đông mà đỉnh cao là Kinh dịch để làm cơ sở nghiên cứu.

Kinh dịch đã từng được vận dụng sâu sắc ở Nguyễn Trãi, nổi lên ở Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhuần nhuyễn ở Hồ Chí Minh. Tất cả đều mang dấu ấn sáng tạo của Việt Nam. Từ xưa đến nay, dân tộc ta đã tiếp thu nhiều trào lưu văn hóa từ ngoài vào những sự tiếp thu đó không phải là sao chép từng câu từng chữ mà là vận dụng sáng tạo nghĩa là Việt Nam hóa, để những trào lư ấy trở thành những nhân tố hữu cơ trong triết học Việt Nam. Khi nhà Minh sang xâm lược nước ta đã nêu lên khẩu hiệu “điếu phạt” với nhà Hồ và “nhân nghĩa” với nước ta thì Nguyễn Trãi đã bác bỏ điểu giả dối đó và nói lại rằng: Việt Nam hiểu “điếu phạt” và “nhân nghĩa” hoàn toàn khác nhà Minh:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Trong lịch sử dân tộc ta, Nho –Phật – Lão là một bộ phận trong thượng tầng kiến trúc của Việt Nam nhưng không phải là nguyên bản mà là Nho – Phật – Lãi đã biến đổi để trở thành triết triết lý Việt Nam. Chỉ có nắm vững điều đó, Mịch Quang mới có thể hiểu sâu sắc Kinh dịch để chọn lọc và vận dụng thành một phương pháp luận tìm hiểu và giải quyết các vấn đề cụ thể của nghệ thuật truyền thống từ những đặc trưng phương thức diễn đạt cho đến mọi lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, hội họa, kiến trúc…

Qua cuộc đời lao động không mệt mỏi từ nghiên cứu sáng tác đến hoạt động thực tiễn, Mịch Quang đã nối liền những điểm sâu sắc nhất của triết học với những điểm cụ thể của đời sống nghệ thuật. Ở anh, lý luận và thực tiễn là một sự giao thoa rất hài hòa, sâu sắc khiến anh trở thành một nhà nghiên cứu uyên bác không chỉ của riêng ngành sân khấu mà còn là nhà triết học của nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung. Anh rất xứng đáng được mọi người tôn vinh tôn vinh cũng như được nhận những phần thưởng cao quý nhất của Đảng và nhà nước ta.

Mặc dù hôm nay anh đã 95 tuổi, tôi vẫn xin chúc anh tiếp tục suy tư và biên soạn, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển không chỉ của nghệ thuật sân khấu mà còn của nền văn hóa chung của dân tộc.

Hà Nội, 26 tháng 5 năm 2011.

 

GS. Anh Hùng Vũ Khiêu

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội