Nhà thơ Phan Hoàng: Đối thoại là một ứng xử văn hoá

22:13 | 14/04/2018

‘Những ngộ nhận, hiểu lầm của một số người do chưa đọc kỹ về sự chia sẻ của tôi trên facebook cũng là chuyện thường tình’.

Từ một status của nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ vui với bạn bè về công việc sáng tác thơ khó khăn của mình đã gây nên những hiểu lầm, ngộ nhận khi có người chưa đọc hoặc đọc không kỹ những điều anh tâm sự.

Một số người khác còn lợi dụng chuyện này để công kích, vu khống anh những điều ngoài văn chương. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Phan Hoàng.

Thời gian qua trên facebook “nổi sóng” vì có người cho rằng anh nói thơ trên facebook là thơ rác…

– Tôi không bao giờ nói thơ trên facebook (fb) là rác. Bởi trên fb có nhiều bài thơ, chùm thơ hay đáng đọc của các nhà thơ chuyên nghiệp lẫn không chuyên, trong đó có những bạn thơ thân thiết và quý trọng của tôi.

Đó là sự hiểu lầm, ngộ nhận về một status của tôi, hoặc có người thiếu thiện chí cố tình gán ghép và họ còn lấy ảnh của tôi gắn vào lời lẽ mà tôi không hề nói.

Nhà thơ Phan Hoàng.

Vậy sự thật thế nào về “thơ rác”, thưa anh?

– Tôi ít có được thời gian dành cho facebook, thi thoảng mới lên thấy có những bạn thơ quý mình đề nghị đăng thơ đọc chơi. Vì vậy tôi mới viết một status chia sẻ với họ. Tôi nói rằng mình làm thơ rất khó khăn, đôi khi viết một mạch vài chục câu nhưng rồi sửa chữa, xoá dần chỉ giữ lại được vài ba câu, mà sau đó đọc lại nữa thấy dở nên có khi xoá hết.

Thơ viết trên máy vi tính khi thấy dở xoá đi thì nó trở thành rác điện tử chứ gì. Tự mình đã thấy thơ dở, rác điện tử mà còn vô tình đăng lên fb sẽ gây “ô nhiễm môi trường”, thậm chí gây “ngộ độc” tinh thần người khác. Có những bài thơ lúc đầu tôi tâm đắc, đăng lên fb, nhưng sau đó đọc lại tự thấy dở quá nên tôi lặng lẽ rút xuống.

Thực ra những điều tôi chia sẻ chỉ nhằm tự răn mình, cảnh báo mình về sự nghiêm túc, khắt khe, cẩn trọng trong công việc sáng tác lẫn trình làng tác phẩm, cho dù đó là fb. Đây cũng là quan niệm xuyên suốt quá trình cầm bút của tôi, nhất là khi tôi tự biết mình viết chưa hay, chưa để lại dấu ấn gì đáng kể nên còn phải cố gắng.

Có phải vì sự khắt khe với chính mình nên thấy anh ít đăng thơ, in thơ?

– Đúng vậy. Thơ với tôi là một không gian riêng biệt, một thế giới thiêng liêng của cái đẹp và sự hướng thiện. Ngoài những vần vè cho vui lúc trà dư tửu hậu, còn thơ đích thực thì không thể dễ dãi.

Tôi rất nghiêm túc, thận trọng trong công việc sáng tác. Có lúc 7 đến 10 năm tôi mới in một tập thơ, nhưng rồi đọc lại tự thấy không vừa lòng, thậm chí đôi lúc rất xấu hổ về những bài thơ mình đã viết đã in.

Người sáng tác biết xấu hổ, khắt khe với chính mình là người cầu tiến. Anh nghĩ gì về những ý kiến không hay nhắm vào anh trên fb vừa qua?

– Những ngộ nhận, hiểu lầm của một số người do chưa đọc kỹ về sự chia sẻ của tôi trên fb cũng là chuyện thường tình. Tôi chỉ tự trách mình đã gây ra sự ngộ nhận đó chứ không trách ai.

Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung là một không gian mở mang tính văn hoá. Người biết dùng fb chuyển tải những thông điệp đúng đắn của mình là người ứng xử có văn hoá.

Tôi là người biết lắng nghe, học hỏi những điều hay, lẽ phải. Tôi cũng cự tuyệt những lời lẽ thô tục, vu khống, quy chụp ác ý nhằm những mục đích ngoài văn chương.

Nhà thơ lớn Lê Đạt từng nói rằng chúng ta nên tập thói quen “đối thoại” chứ không nên “đối thụi”. Đối thoại là một ứng xử có văn hoá. Lịch sử văn chương đã từng có những bài học đau thương vì thiếu đối thoại mà lại lao vào “đối thụi” đầy áp đặt.

Có nhiều người khi đề cập về anh hay nhắc tới chức danh Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Xin hỏi thẳng anh, anh được lương bổng gì nhiều từ chức trách này?

– Với tôi đây chỉ là câu chuyện hội hè cho vui, dù cũng mất khá nhiều thời gian. Tôi không hề nhận bất cứ đồng lương nào từ chức danh Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, thậm chí có những việc còn bỏ tiền túi hoặc ứng tiền trước.

Một khi hội viên tín nhiệm bầu mình lên, giao trách nhiệm thì mình cố gắng hoàn thành trong khả năng để không phụ lòng. Nhiệm kỳ này mình làm, nhiệm kỳ sau người khác làm, vì công việc chung xây dựng và phát triển hội nghề nghiệp, vậy là vui rồi.

Không nhận lương ở Hội Nhà văn TPHCM thì thu nhập từ đâu anh sống?

– À, tôi là Trưởng đại diện miền Nam báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, rồi còn cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo và nhà xuất bản. Rất nhiều việc phải làm. Đó mới đích thực là “nồi cơm” của mình, cuộc sống của mình, chứ không phải là công việc hội hè để rồi có những lúc gánh chịu áp lực không đáng vì những chuyện linh tinh ngoài văn chương.

Vừa qua chương trình ra mắt tập tản văn “Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra” của anh được bình chọn là một trong mười sự kiện nổi bật nhất Hội Sách TPHCM lần thứ X. Hình như gần đây anh đi nhiều, viết nhiều nhưng chủ yếu viết báo, viết văn chứ ít làm thơ…

– Tôi vẫn luôn làm thơ và luôn tự xoá. Tôi không thể sống thiếu thơ. Tuy nhiên về mặt xuất bản gần đây thì tôi lại tập trung về ký sự nhân vật và tản văn. Ngoài tập “Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra” thì năm vừa qua NXB Văn hoá văn nghệ còn in tập “Sài Gòn đất thiêng khí tụ” và cả hai đang có kế hoạch tái bản.

Bên cạnh đó tập 2 bộ ký sự nhân vật “Sài Gòn đất lành chim đậu” do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành cũng đã ra mắt. Tôi đang lao vào viết một cuốn sách mới. Ngẫm lại thấy mình làm việc nhiều, mà rong chơi cũng dữ.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh và cũng mong qua cuộc trao đổi này bạn đọc sẽ thông cảm hơn những “sóng gió” trên fb vừa qua.

 

Theo Tuyết Mai/Baodatviet

Cùng chuyên mục

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)