Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa khám phá có thể có tới hai chủng loại COVID-19 khác nhau hiện đang gây ra dịch bệnh trên toàn cầu.
Các nhà khoa học tại phân khoa Khoa Học Đời Sống thuộc Đại Học Bắc Kinh và Viện Pasteur Thượng Hải tìm thấy loại virus COVID-19 mới hung hăng hơn chiếm khoảng 70% các chủng được phân tích, trong khi 30% còn lại là loại ít hung hăng hơn.
Loại hung hăng hơn chiếm nhiều ở các người bệnh trong giai đoạn đầu bùng phát dịch tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Nhưng tần số của chủng này đã giảm kể từ đầu tháng 1/2020.
Các nhà nghiên cứu nhận xét kết quả trên cho thấy một sự phát triển của các biến thể mới gia tăng đột biến trên loại virus COVID-19 có thể đến từ sự đột biến gien và chọn lọc tự nhiên bên cạnh sự tái hợp.
“Những phát hiện này củng cố mạnh mẽ một nhu cầu cấp thiết đối với các nghiên cứu toàn diện, ngay lập tức, kết hợp dữ liệu gen, dữ liệu dịch tễ học, và hồ sơ biểu đồ về các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus corona (COVID-19), các nhà khoa học Trung Quốc viết trong một nghiên cứu công bố hôm 3/3 trên Tạp chí Đánh giá Khoa học Quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, nghiên cứu của họ mới chỉ nhìn vào một lượng dữ liệu giới hạn, và rằng cần thiết có những nghiên cứu tiếp theo về các bộ dữ liệu lớn hơn để hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của virus.
Các chuyên gia không trực tiếp tham gia nghiên cứu cho biết, những phát hiện đó rất thú vị, nhưng cần thận trọng trước việc rút ra kết luận chắc chắn từ nghiên cứu sơ bộ như vậy.
“Thật khó để xác nhận những nghiên cứu như thế này nếu không có một sự so sánh trực tiếp giữa khả năng gây bệnh và lây lan, lý tưởng là trên một mô hình động vật, hoặc ít nhất là một nghiên cứu dịch tễ học mở rộng rất lớn”, Stephen Griffin, một giáo sư và chuyên gia về nhiễm trùng và miễn dịch tại Đại học Leeds của Anh cho biết.
Theo Reuters