Thực tế hiện nay lương giáo viên chưa đủ để các thầy cô có cuộc sống no đủ nhưng đa số thầy cô vẫn còn niềm tin mãnh liệt về một tương lai tươi sáng hơn, bớt khổ hơn.
Nỗi lo cơm áo
Hiện nay, nước ta có hơn 1 triệu giáo viên chiếm hơn 70% biên chế cả nước. Đảng và Nhà nước rất coi trọng sự nghiệp giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, vì thế nghề giáo rất được coi trọng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam. Với truyền thống đó, người thầy được coi là biểu tượng cao quý cả về đạo đức, nhân cách để học trò noi theo.
Những thầy giáo gắn bó với giáo dục vùng cao. Ảnh: infonet.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn trong nhiều năm qua là việc đã có nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc. Thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục thì năm học 2021 – 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục, trong đó số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người. Phân theo cấp học thì có 6.391 giáo viên mầm non; 4.493 giáo viên tiểu học; 3.425 giáo viên trung học cơ sở; 1.956 giáo viên trung học phổ thông.
Bàn về nguyên nhân giáo viên nghỉ việc, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. “Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống như ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe… khá cao”.
Theo nhiều chuyên gia thì con số hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc mới chỉ phản ánh phần nào bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay đối với nghề giáo. Thực tế, số lượng giáo viên đang phải làm trái nghề, trái ngành để tăng cao thu nhập nhằm trang trải cuộc sống như bán hàng online, bán bảo hiểm, dạy thêm trái quy định đang phổ biến nhiều nơi.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về thực trạng giáo viên làm đủ nghề để kiếm sống, cô Phan Tuyết ở Bình Thuận cho rằng, không chỉ giáo viên trẻ phải bán hàng online, bán bảo hiểm để nâng cao thu nhập mà cả những giáo viên lớn tuổi cũng phải kiếm việc làm thêm vì thu nhập quá thấp. Giáo viên mới ra trường lương chưa tới 4 triệu còn phải trừ biết bao nhiêu khoản trong tháng nên thực nhận chỉ còn hơn 3 triệu đồng.
“Không bán thêm hàng lấy gì để sống? Giáo viên lớn tuổi 20 năm công tác lương chỉ có 6 đến 7 triệu lại phải nuôi con đang tuổi ăn tuổi học. Những giáo viên không phải bán hàng online, bán bảo hiểm sẽ phải đi dạy thêm… Thương cho giáo viên vì muốn duy trì được nghề giáo phải kiếm việc làm thêm. Tuy nhiên, do mải mê kiếm tiền cũng không còn nhiều thời gian dành cho công việc chuyên môn của mình”– cô Tuyết chia sẻ.
Hy vọng vào tương lai
Với đồng lương ít ỏi, việc giáo viên chán việc, bỏ việc đã ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với đa phần giáo viên họ vẫn đang cố gắng để giữ được cho mình ngọn lửa nghề và niềm tin về một tương lai nghề giáo tươi sáng.
Cô Nguyễn Thị Lệ Dung – giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Định) chia sẻ, cả cuộc đời nhà giáo, hơn 36 năm, cô chỉ có một động lực để đứng vững trên bục giảng đến hôm nay đó là yêu nghề. “Bản thân dạy tiểu học nhưng khi học sinh học xong tiểu học, tôi còn theo dõi các em lên cấp II, cấp III học như thế nào. Và khi trưởng thành ra sao, các em thành công thì mình cảm thấy vui” – cô Dung bộc bạch.
Công tác tại xã Chế Tạo – một trong những xã kinh tế khó khăn, xa nhất của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, thầy giáo Sùng A Trừ cho biết, công tác dạy học ở miền núi rất vất vả. Nhiều khi dù mất tới 6 đến 7 giờ đi bộ đường núi, đường rừng nhưng thầy và các đồng nghiệp vẫn đến nhà từng em để tuyên truyền, động viên phụ huynh cho con em tới trường để học cái chữ, để được vui chơi với bạn bè.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao quà lưu niệm cho các giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Ảnh: internet.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: “Nhà giáo chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong bất kỳ thách thức nào cũng cố gắng vượt qua để tiếp tục theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp, thực hiện cho được sứ mệnh của nghề nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn thể lực lượng trong ngành Giáo dục luôn mong muốn được xã hội quan tâm nhiều hơn, quan tâm một cách thiết thực hơn, có sự chia sẻ cụ thể hơn đối với nhà giáo trong công việc. Nhưng trước hết, để có được sự chia sẻ, tôn vinh từ phía xã hội, chính chúng ta phải làm thật tốt các công việc của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp, sự tốt đẹp bền vững của nghề giáo”.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay giáo dục đang có sự chuyển mình. Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa, cùng sự quan tâm của xã hội, đòi hỏi đối với giáo viên về công tác dạy học yêu cầu cao hơn. Nghề giáo chịu áp lực lớn trong khi lương chưa có sự cải cách, chưa đáp ứng được mặt bằng chung đối với giáo viên để họ yên tâm công tác.
Tuy nhiên, theo thầy Cường, giáo viên cần trau dồi chuyên môn để có lộ trình phấn đấu phát triển nghề nghiệp. Thay vì việc mưu sinh bằng cách bán hàng online, bán bảo hiểm thì các giáo viên cũng nên dành nhiều thời gian để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. “Những bước đi ban đầu ngành nghề nào cũng khó khăn. Khi vững vàng trong nghề kèm theo sự đãi ngộ của Nhà nước thì tương lai đời sống của giáo viên sẽ tốt hơn” – thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Theo thầy Cường, khi giáo viên dành thời gian làm thêm bằng các công việc như bán hàng online, bán bảo hiểm thì chắc chắn sẽ phân tán thời gian và kéo theo chất lượng giáo dục sẽ ảnh hưởng. “Ở Hà Nội, giáo dục ngày càng được quan tâm hơn. Hiện nay phụ huynh trẻ đa phần là thế hệ 8X, 9X rất nhiều. Đây là thế hệ được tiếp cận với văn minh mới nên đồng cảm với giáo viên và có cách tiếp cận đa chiều… Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động giáo dục” – thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Qua trao đổi với giáo viên có thể hiểu áp lực của nghề giáo hiện nay rất lớn. Bên cạnh nỗi lo cơm áo thì giáo dục cũng có nhiều thuận lợi để phát triển. Nếu giải quyết được bài toán thu nhập, giáo viên sẽ yêu nghề hơn và chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn.
Theo cô giáo Phan Tuyết, điều trăn trở của cô hiện nay là ngành giáo dục vẫn còn nặng căn bệnh thành tích. Đơn cử, vẫn còn nhiều hội thi của giáo viên và cả học sinh, còn nhiều sân chơi dành cho học sinh mà thực chất cũng mang nặng tính thi thố, thành tích. Điều này, đã chiếm khá nhiều thời gian dạy và học của giáo viên, học sinh. Hằng năm, giáo viên vẫn đang bị giao chỉ tiêu cao ngất ngưởng, không còn quyền cho học sinh yếu lưu ban. Cần thay đổi đầu tiên là thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Dù chương trình và sách giáo khoa mới, nhưng tư duy người lãnh đạo vẫn cũ xem như vẫn khó thay đổi.
Trinh Phúc
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/nha-giao-song-duoc-bang-luong-bao-gio-thanh-hien-thuc-post222659.html