Nhà cổ Đông Hòa Hiệp lưu giữ nhiều kiến trúc độc đáo

9:47 | 13/10/2022

Thuở sơ khai, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những trung tâm hành chính – kinh tế – chính trị của Nam bộ với tên gọi “Cái Bè Dinh”. Ngày nay, huyện Cái Bè là một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước với điểm nhấn là làng cổ Đông Hòa Hiệp, được tỉnh Tiền Giang chọn làm nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Nam bộ.


Nhà cổ của ông Lê Văn Xoát. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Kiến trúc truyền thống của nhà cổ Đông Hòa Hiệp có niên đại hơn trăm năm nằm rải rác trong phạm vi rộng lớn. Các ngôi nhà ở đây dù đã trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt. Một số ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây vừa cổ kính, vừa mang chút hiện đại.

Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia theo tại Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017.

Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút du khách khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum suê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Ước tính mỗi năm, làng đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.

Làng cổ nằm ở xã Đông Hòa Hiệp gồm 7 nhà cổ được xây dựng theo cấu trúc nhà truyền thống Nam bộ có 5 gian, 3 chái hình chữ Đinh cùng các hoa văn chạm khắc, trang trí công phu. Làng cổ Đông Hòa Hiệp của huyện Cái Bè đã được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những di sản văn hóa quý giá và là cơ sở để tiềm năng du lịch sinh thái phát triển.

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 19.000m2, được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) mang kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp. Nhà được xây dựng vào năm 1850, trong nhà có lưu giữ các cổ vật quý hiếm như: 4 cây cột bằng gỗ căm xe; 3 bộ tủ, bộ liễn khảm xà cừ; chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860; 9 bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa khung cảnh làng quê bình dị bên dòng sông.

Nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m2, gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh; trên các vì kèo, ô cửa… bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn như tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết đặc trưng văn hóa Nam bộ. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm. Ngôi nhà đã được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “Cửu đại mỹ gia” (9 ngôi nhà đẹp nhất) ở Việt Nam; được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường Đại học Kiến trúc Nữ chiêu hoàng (Nhật Bản) đầu tư kỹ thuật và tài chính để trùng tu vào năm 2002.

Nhà cổ của gia đình ông Lê Quang Xoát (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, có diện tích hơn 700m2. Đây là ngôi nhà có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam bộ. Ngôi nhà có 3 gian 2 chái đôi toàn bằng gỗ quý, mái ngói âm dương trên diện tích khuôn viên vườn cây ăn trái 9.215 m2. Trải qua 6 đời, tuy có một số lần sửa chữa, tu bổ, nhìn bên ngoài như mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, nhưng bên trong ngôi nhà vẫn giữ được nét đặc trưng ban đầu theo lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam bộ.
Đặc biệt, tại gian ngoài của ngôi nhà còn đặt 1 bộ ván ngựa đôi (2 miếng ghép lại) bằng đá cẩm thạch rất đặc biệt. Theo chủ nhà, bộ ván cẩm thạch này có tính năng đặc biệt là mát về mùa hè nhưng lại ấm về mùa đông. Nhiều người chơi đồ cổ đã tìm đến và nài nỉ mua với giá rất cao nhưng gia đình không bán.

Với bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật trang trí độc đáo cũng như một số ngôi nhà khác ở xã Đông Hòa Hiệp, nhà cổ của gia đình ông Lê Văn Xoát đã được tổ chức JICA và ngành văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

Ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đánh giá, giá trị nghệ thuật kiến trúc nhà độc đáo ở của cư dân và văn hóa làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp gắn liền với vườn cây ăn trái, sông nước được du khách trong và ngoài nước biết đến. Tỉnh Tiền Giang có dự án quy hoạch và đầu tư xã Đông Hòa Hiệp trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, thực sự là hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước gắn với các nhà cổ của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Ý cho biết, Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 7-9/11/2022 tại xã Đông Hòa Hiệp. Trong 3 ngày lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và du lịch như hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả”; tổ chức farmtrip; triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ, trang trí tiểu cảnh; biểu diễn đờn ca tài tử; hội thi “Ẩm thực du lịch”; hội thi “Đua xuồng, thả đèn hoa đăng”…

Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/nha-co-dong-hoa-hiep-luu-giu-nhieu-kien-truc-doc-dao-20221013073201254.htm

Cùng chuyên mục

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TPHCM: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm

TPHCM: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm

Với Hải Phòng, văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển

Với Hải Phòng, văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển