Nhà báo trước thách thức thời đại

9:15 | 21/06/2022

Báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sôi động và có nhiều đổi mới. Thực tiễn của đời sống báo chí hiện đại mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức cho đội ngũ những người làm báo.


(ĐCSVN) – Báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sôi động và có nhiều đổi mới. Thực tiễn của đời sống báo chí hiện đại mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức cho đội ngũ những người làm báo.

Bức tranh sôi động của báo chí thời công nghệ số

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Ban Chấp hành khóa X Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.

Báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Về phát triển đội ngũ người làm báo, so với năm 1986 – thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng gần 5 lần. Báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí. Trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo cơ bản.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đặt ra vấn đề cần phải xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí,… là những vấn đề cần được tăng cường trong thời gian tới.

Rõ ràng, thực tế của đời sống báo chí trong thời đại công nghệ số đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho người làm báo. Ở đó, những sản phẩm báo chí được độc giả biết đến với nhiều mới mẻ, sáng tạo về hình thức thể hiện, phong phú, đa dạng về nội dung. Khác với những bài báo mang tính truyền thống chỉ bao gồm chữ viết và ảnh đơn thuần, các sản phẩm báo chí đa phương tiện là những món ăn tinh thần hấp dẫn đối với độc giả hiện nay. Tuy không phải tác phẩm báo chí nào cũng có thể áp dụng hình thức đa phương tiện, nhưng rõ ràng các sản phẩm báo chí gồm nhiều yếu tố (văn bản, hình ảnh, video, đồ họa,….) – trong đó hình thức thể hiện bắt mắt, nội dung được đầu tư công phu chính là một điểm nhấn ấn tượng của báo chí hiện đại.

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của internet cùng với các thiết bị điện tử thông minh đã mở ra một xu hướng phát triển mới của báo chí mà những cơ quan báo chí nào muốn bắt nhịp với thời cuộc không thể bỏ qua: Xu hướng báo chí di động. Độc giả có thể đọc báo ở mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, trước yêu cầu “khán giả ở đâu, báo chí ở đó”, mục tiêu chuyển đổi số đang được các cơ quan báo chí đặc biệt lưu ý để bắt kịp với thời đại.

Bên cạnh đó, sự “lên ngôi” của mạng xã hội, ở một phương diện nào đó, đây chính là “cánh tay nối dài” giúp báo chí nhanh chóng tiếp cận với công chúng, lắng nghe và thấu hiểu công chúng hơn. Các tờ báo, đặc biệt là báo mạng điện tử đã tận dụng khả năng này của mạng xã hội để chia sẻ các tin, bài. Số lượng độc giả cho các bài viết cũng từ đó mà tăng rất nhanh. Đồng thời, cũng qua việc đăng tải trên các kênh của mạng xã hội, nhà báo, cơ quan báo chí nắm bắt được phản ứng của công chúng đối với sản phẩm báo chí của mình.

Thách thức về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo 

Không chỉ riêng trong thời đại công nghệ số, mà trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người làm báo cũng cần giữ vững được bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin – báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền, thì mạng xã hội có thể được coi là một “kho thông tin”, nhưng nhiều thông tin trong đó không được kiểm chứng, sai lệch, hoặc giả mạo. Rất nhiều người đưa thông tin lên mạng xã hội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Trong những trường hợp như vậy, báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các nhà báo cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Và lúc này, báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho báo chí hiện nay khá đa dạng, có nhiều người không qua các trường lớp đào tạo bài bản, đã cẩu thả, tùy tiện trong viết lách; có cả những “con sâu làm rầu nồi canh” đánh mất đạo đức nghề nghiệp, trục lợi cá nhân; có những người mượn danh xưng “nhà báo” để uy hiếp người dân, cơ quan, doanh nghiệp,… những điều đó ít nhiều đã làm xấu đi hình ảnh của báo chí, nhiều người đánh đồng báo chí với mạng xã hội, khiến niềm tin với báo chí bị giảm sút.

Không chỉ vậy, các thế lực thù địch luôn triệt để lợi dụng không gian mạng để tung các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái hoặc những luồng thông tin có chiều hướng tiêu cực một cách tinh vi. Đây được coi là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bởi vậy, nếu những người làm báo không giữ vững bản lĩnh chính trị, không sáng suốt và tỉnh táo để nhận diện, đấu tranh với những thông tin, luận điệu sai trái thì rất dễ bị qua mắt, thậm chí bị lôi kéo, “vào hùa” theo những người có tư tưởng đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp chính là kim chỉ nam của mỗi người làm báo trong bất kì hoàn cảnh nào!

Thách thức “phải thay đổi” để phù hợp với xu thế thời đại

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng internet đang tạo áp lực cho người làm báo về tốc độ đưa tin. Chính vì vậy, báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin để khẳng định mình. Nhà báo không chỉ sử dụng ngòi bút mà còn sử dụng nhiều phương tiện khác để tham gia vào quá trình truyền thông.

Hiện nay, mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện đang là mục tiêu hướng tới của các cơ quan báo chí. Đó là mô hình tòa soạn hiện đại, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực đa phương tiện và nền tảng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí khác nhau. Trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí truyền thông đa phương tiện đang là một xu thế mới của báo chí hiện đại. Ở Việt Nam hiện nay, gần như các cơ quan báo chí đều phát triển theo hướng báo chí đa phương tiện. Đó là sự kết hợp của các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan báo chí, thậm chí trong cùng một sản phẩm báo chí.

Để phù hợp với môi trường báo chí trong thời đại số, đội ngũ những người làm báo cần phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp. Trong đó, báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn và điều nhà báo cần học chính là công nghệ. Người làm báo không chỉ đơn thuần là người viết, người chụp ảnh, người quay phim, hay người làm họa sĩ thiết kế…. Khi làm việc trong môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên, nhà báo sẽ phải làm việc “đa năng” hơn và phải học hỏi nhiều kĩ năng hơn. Đây chính là thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí, bởi thực tế cho thấy khả năng làm chủ công nghệ của một bộ phận không nhỏ đội ngũ người làm báo còn hạn chế. Do đó, cơ quan báo chí cần phải xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có trình độ, ngoài năng lực tốt về chuyên môn thì cần có thế mạnh về công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho công việc.

Thực tế cho thấy, trình độ của công chúng báo chí không ngừng được nâng cao. Vì vậy, nhà báo cần phải liên tục trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa – xã hội để trở thành người có tầm hiểu biết rộng lớn. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thể hiện ở chỗ nhà báo phải là chuyên gia trong lĩnh vực mà mình theo dõi và phản ánh. Để có được điều này, đội ngũ những người làm báo cần thường xuyên trau dồi kiến thức về mọi mặt, đặt biệt là kiến thức, kĩ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực ngoại ngữ cũng là một kĩ năng cần được trang bị để đội ngũ phóng viên, nhà báo tự tin trong tác nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Và sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính đội ngũ những người làm báo hôm nay./.

 

Theo ĐCSVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng