Nguyễn Ngọc Hạnh, ‘khúc ru’ cuộc đời

13:45 | 23/03/2022

Lâu nay tôi vẫn dõi theo nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, cả về đời sống thường nhật cũng như sự miệt mài lao động văn học nghệ thuật của anh. Mặc đời “lao xao”, đâu đó bao người chạy theo cơm áo gạo tiền, hơn thiệt trong đời sống văn chương, ông vẫn lặng lẽ “lụy thơ”. Mến phục và trân trọng anh.


Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Nguyễn Ngọc Hạnh đến với văn chương thật sớm, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi đất nước thống nhất, đi lại còn khó khan nhưng anh đã một mình lặn lội từ quê ra Hà Nội, tìm gặp những nhà thơ một thời anh yêu mến khi còn là cậu học trò xứ Quảng, đó là nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm trong nhóm Nhân văn giai phẩm xa xưa.

Nguyễn Ngọc Hạnh tìm đến họ vì lòng ngưỡng mộ, vì tình yêu thơ ca khó nói nên lời. Sau này trong buổi ra mắt tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” tại Hà Nội, ngồi nghe nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về anh, giật mình tôi mới biết, chính Nguyễn Ngọc Hạnh là người đầu tiên tổ chức đêm thơ “Tạ Làng” của Phùng Quán ở phía Nam và sau đó cuộc đời ông bị bao hệ luỵ…Nói thế để thấy rằng, hình như thơ đã lặng thầm chọn Nguyễn Ngọc Hạnh để giao phó một “sứ mệnh” nào đó, từ xa xưa cho đến bậy giờ.

Nguyễn Ngọc Hạnh làm thơ từ trước năm 1975, thơ anh đăng rải rác trên báo chí miền Nam. Năm 1984 ông mới xuất hiện trong tập thơ in chung với bạn bè. Từ đó đến nay, anh đã có 8 tác phẩm cho ra mắt bạn đọc, trong đó có nhiều tập được giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Đà Nẵng trao tặng. Nếu nói đời thơ của đời người thì gia tài thơ như vậy là chưa nhiều. Nói về thành tựu cũng chưa phải có gì lớn lao. Nhưng phần lớn bạn đọc lại tiếp cận với giá trị tác phẩm của Nguyễn Ngọc Hạnh lại quán chiếu theo ở một góc độ khác.

Thường người làm thơ nói chung, nhà thơ nói riêng dễ “mắc bệnh” chỉ có thơ mình là nhất. Nguyễn Ngọc Hạnh thì khác, anh biết lắng nghe, nâng niu thi ca, trân trọng sáng tạo của người khác. Đặc biệt anh luôn chú ý, phát hiện, nâng niu tài năng trẻ, theo cái cách riêng của mình. Cũng là một “sứ mệnh” của thơ, Nguyễn Ngọc Hạnh được một tờ báo mời giữ trang thơ cuối tuần (không lương). Anh cặm cụi đọc, biên tập và giới thiệu các tác giả thơ trong và ngoài nước trên “sân thơ sông Hàn” đều đặn suốt cả chục năm trời. Đọc các safo giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà thơ mà anh đã chọn đăng trên trang thơ “Đà Nẵng cuối tuần”, nhận ra chất giọng ông không lẫn vào ai, nhiều người cảm phục.

Từ tâm huyết ấy với thơ của anh sau bao nhiêu năm làm người “giữ vườn”, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tỷ mẩn một mình ngồi biên tập chọn lọc để cho ra đời Tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” với 108 tác giả trong và ngoài nước, sách dày trên 500 trang, bìa Lê Thiết Cương, tranh bìa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đẹp, sang trọng. Thơ trên số báo cuối tuần bắt đầu từ những ngọn sóng để hội tụ thành một góc biển thi ca bên sông Hàn xinh đẹp. Giữa thời buổi, thơ có “hội chứng” đám đông, người người làm thơ, phê bình văn học không làm được cái việc thẩm thơ, dẫn dụ người đọc biết lựa chọn tác phẩm tốt; xã hội có tâm lý “ngoảnh lưng”, “dè bỉu” thơ, thì việc Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên tập sách này, quả thật, quả cảm. Không chỉ có vậy mà anh còn bỏ tiền túi của mình ra để in ấn tác phẩm gần cả trăm triệu đồng. Và, thơ đã bán hết sạch. Qua việc xuất bản “Biển bắt đầu từ sóng”, tôi nhận ra một “chân dung” khác của Nguyễn Ngọc Hạnh. Anh không chỉ có trách nhiệm, nâng niu “con chữ” của mình mà anh nâng niu sáng tạo của người khác. Nhiều người quý mến cách làm của anh, cả việc anh ngồi đóng gói từng cuốn sách, ghi địa chỉ và chuyển phát nhanh đến các tác giả có thơ in, bạn đọc mua tác phẩm này, hoàn toàn đây không phải là công việc nhẹ nhàng. Anh miệt mài như thế, với tất cả sự tỉ mẩn nhất của mình, khác với những người làm tuyển thơ kinh doanh đang phổ biến hiện nay, không chỉ chất lượng thơ đã kém mà họ còn yêu cầu tác giả bỏ tiền ra đóng góp, mua sách.

Tôi còn nhớ, hôm ấy tôi bất chợt gặp Nguyễn Ngọc Hạnh khi anh vác trên vai mấy thùng thơ “Phơi cơn mưa lên chiều”, (Nxb Hội Nhà văn năm 2018) từ khách sạn gần đó đến địa điểm trên đường Lý Quốc Sư, Hà Nội trong dịp ra mắt độc giả Thủ đô tập thơ này của anh. Nhìn một người làm thơ từ quê ra phố bằng tất cả say đắm, nâng niu với thơ, luỵ với thơ như vậy giữa thời này quá hiếm. Thơ ca là loại hình văn học thể hiện tâm hồn tác giả một cách rõ rệt nhất. Văn là người (Le style est l’homme même) – câu nói từ xa xưa của Bá tước xứ Buffon được Phạm Quỳnh dịch, tuyệt đối đúng.

Nguyễn Ngọc Hạnh không phải là cá biệt, đó là phẩm chất của những người yêu thơ đến cháy lòng. Có phải vì thế mà thơ anh có xu hướng trở về với bản chất nguyên thủy cội nguồn, luôn phơi cảm xúc của chủ thể trữ tình về những nỗi niềm muôn thuở của phận người. Đó là tình cảm quê hương, tình mẫu tử, phụ tử, tình yêu, tình bạn…đầy chân thực và cảm động. Nó là những đề tài muôn thuở của thi ca, tuy không mới nhưng tài thơ của từng người sẽ tạo ra những thi phẩm khác biệt. Chúng ta có thể thấy điều này qua những bài thơ đầy nỗi niềm của anh như “Chợ quê”, “Chỗ mẹ nằm”, “Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi”, “Chạm đáy sông đầy”, “Cơn mưa phía bèo trôi”, “Phố núi là quê”, “Về quê”, “Lục bát qua sông”… Nguyễn Ngọc Hạnh dường như đã mang tất cả quê hương theo bên mình: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”. Hay “Qua sông ngồi nhớ con đò/ Nhớ hoàng hôn lẫn câu thơ ban chiều” (Về quê); luôn mang đầy trắc ẩn của nỗi buồn vào giữa hồn thơ: “Nón che không hết mùa đông/ Phố che không hết nỗi buồn trần gian”, (Lục bát qua sông) hay “Chiếc đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay”…

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều tôi nhận ra, thơ anh luôn vượt ra khỏi nghệ thuật, đến với tâm hồn người đọc bằng sự “rung động người”. Điều này, khác hẳn với một “xu thế” hiện nay là tìm sự rối rắm của ngôn ngữ để “trình diễn” cảm xúc. Thậm chí có nhà thơ đã diễn cả với chính mình. Có phải vì vậy mà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là những khúc ru của tâm hồn, được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc trong và ngoài nước phổ thành ca khúc.

Còn nhớ năm 2012, Nguyễn Ngọc Hạnh đã xuất bản Album “Giấc mơ” gồm 16 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh với nhiều nhạc sĩ tên tuổi và anh tổ chức thành công một đêm thơ – ca “Ký ức dòng sông” trên một sân khấu gần cả nghìn người xem. Và, mới đây, trước Tết Nhâm Dần, anh cho ra đời ấn phẩm “Khúc ru trầm” tuyển chọn 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của gần 50 nhạc sĩ. Trước đây tôi đã biết, các nhà thơ như Tạ Hữu Yên, Lê Cảnh Nhạc… có nhiều thơ được phổ nhạc; nay biết thêm Nguyễn Ngọc Hạnh bên sông Hàn Đà Nẵng. Một số nhà phê bình cho rằng “Khúc ru trầm” là một kỷ lục thơ phổ nhạc in thành sách và phổ biến sâu rộng trong công chúng từ trước đến nay.

Ấn phẩm “Khúc ru trầm” tuyển chọn 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của gần 50 nhạc sĩ.

Điều khác biệt nữa trong “Khúc ru trầm” của Nguyễn Ngọc Hạnh là có trường hợp một bài thơ, ngẫu nhiên có đến ba nhạc sỹ phổ nhạc như bài “Làng”; “Đêm Hà Nội”, “Ngõ hẹp”; không chỉ các nhạc sỹ lớn tuổi mà cả các tác giả âm nhạc trẻ; không chỉ nhạc sỹ trong nước mà cả các nhạc sỹ ngoài nước như Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Đăng Khương (Mỹ); Phan Huỳnh Điểu, Hoài An, Thế Bảo, Võ Hoài Phúc, Quỳnh Hợp, Quỳnh Lệ, Trung Kim, Minh Trí, Trịnh Thuỳ Mỹ (Sài Gòn); Trọng Đài, Nguyễn Cường, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Vình Tiến, Trọng Lưu, Nguyễn Trần Đức Anh (Hà Nội). Lê Anh (Huế), Dương Văn Lợt (Kon Tum). Và nhiều hơn là các nhạc sĩ ở Quảng Nam – Đà nẵng như Nguyễn Đình Thậm, Trần Tuấn Khanh,Trương Công Ảnh, Hoàng Bích, Nguyễn Đức, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Đinh Gia Hoà, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Duy Khoái, Quang Khánh, Nguyễn Xuân Minh, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Thái Phú, Phan Trường Sơn, Huỳnh Văn Tấn, Thu Nguyễn… Đặc biệt, nhạc sỹ Trọng Đài đã có đến 10 tác phẩm âm nhạc phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như  “Phố núi là quê”, “Biển lặng”, “Đà Nẵng trên cao”, “Giấc mơ cỏ xanh”, “Chợ quê”, “Nhớ Hội An”, “Lục bát qua sông”, “Lời yêu”, “Tìm lại tuổi thơ”… Và các nhạc sỹ Nguyễn Đình Thậm, Nguyễn Trần Đức Anh, Quỳnh Hợp, Trung Kim, Trọng Lưu, Huỳnh Văn Tấn đều phổ nhạc từ 4 đến 5 ca khúc từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Khác biệt và đặc biệt nữa là sau khi “Khúc ru trầm” xuất bản, trong chương trình âm nhạc đón Xuân Nhâm Dần, các Đài Truyền hình Đà Nẵng, Quảng Nam, VTV1 đều phát sóng nhiều ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ngoài ra trên các trang mạng xã hội, youtube hầu như rất nhiều tác phẩm phổ từ thơ anh được công chúng đón nhận với lượt xem không hề nhỏ.

Âm nhạc đã làm cho thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bay lên, đến với công chúng, mang đến những cảm xúc mỹ học, nhân học trong thơ anh là điều dễ hiểu. Nhiều người cho rằng, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh giàu tính nhạc, những giai điệu đậm chất trữ tình. Đó là lợi thế để thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được nhiều nhạc sĩ phổ thơ anh thành những ca khúc hay được nhiều công chúng yêu thích. Vẫn chưa đủ, có thể nói rằng, điều cốt lõi trong thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh là “làng quê, tình yêu và nỗi nhớ” luôn có sức lan tỏa, chạm tới tận trong thẳm sâu trái tim của người đọc bởi cấu tứ mới mẻ, chân thực, giàu cảm xúc từ những chuyện đời thường. Từ đó, dễ tạo cho các nhạc sĩ tìm thấy tâm trạng chính mình, gặp lại bóng dáng quê hương, bản quán mình từ trong nguồn cội… Với riêng tôi, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vừa tinh tế vừa giàu suy tư trong cảm xúc, đa nghĩa đa tầng, đặc biệt sự giao thoa chặt chẽ giữa ý và nhạc điệu, vì thế mà các nhạc sĩ luôn đồng điệu với “hồn thơ dâng sóng nhạc” như trong lời tựa mở đầu cho tập 77 ca khúc phổ thơ này của nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha.

Cách chơi, cách cảm của Nguyễn Ngọc Hạnh cũng mang phong cách riêng của mình. Nếu như trong thơ, nhà thơ trung thành với cảm xúc nhân bản, trở về với bản thể, thì trong cuộc đời ông nhân ái, vị tha, thủy chung với bạn bè. Không phải đơn giản, các văn nhân nổi tiếng từ hải ngoại lúc sinh thời như nhà thơ Du Tử Lê (Mỹ), Đặng Tiến (Pháp) hay các văn nghệ sĩ trong nước như nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha, Phạm Xuân Nguyên, Lê Thiết Cương, Nguyễn Hữu Quý, Vương Cường, Nguyễn Cường, Trọng Đài (phía Bắc), Phan Huỳnh Điểu, Quỳnh Hợp, Võ Hoài Phúc, Phạm Đăng Khương (phía Nam) mỗi lần ngang qua Đà Nẵng đều được anh giao thiệp chân tình, trân trọng và quý mến. Tôi cứ nhớ hoài, lần ra mắt tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” của Nguyễn Ngọc Hạnh tại Hà Nội, không chỉ các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ nổi danh ở Hà Nội như Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Thế Oanh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Hữu Quý, Đoàn Xuân Hòa, Nguyễn Cường, Phạm Xuân Nguyên, Thùy Dương, Phùng Văn Khai, Đoàn Văn Mật… đến dự mà còn có sự hiện diện của nhiều nhà thơ, nhà giáo như Nguyễn Thị Hạnh Loan và Đậu Thị Thương từ Nghệ An, Hà Tĩnh đón xe ra chung vui cùng nhà thơ đất Quảng.

Giữa đông người, nhìn các quan hệ của mỗi người, dễ nhận ra một phần phẩm cách cá nhân. “Khúc ru trầm” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ trong tác phẩm thơ, âm nhạc, mà còn rộng ra ở chính cuộc đời này. Có thế nói, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạo nguồn cảm hứng, sự đồng cảm, đồng vọng sẻ chia, sức hấp dẫn của ngôn từ đối với giới sáng tác âm nhạc, nên không lạ gì khi thơ ông được nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước phổ nhạc. Năng lượng sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn không ngừng mạnh mẽ tuôn trào, sẽ còn tiếp tục dâng cho đời, cho các nhạc sĩ những sáng tác mới trong mối lương duyên tuyệt vời giữa thi ca và âm nhạc.

Hà Nội, ngày 20/3/2022

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế