Nguyễn Du – người Việt Nam đầu tiên đã tìm cách ‘thoát Trung’

9:54 | 15/04/2022

Nói một cách đầy đủ là: Nguyễn Du – người Việt Nam đầu tiên đã tìm mọi cách giúp Dân tộc mình “thoát Trung” – một khái niệm hiện đại mang ý nghĩa Địa-Chính trị, Địa-Lịch sử trọn vẹn, có tính thời sự sâu sắc.


Chúng tôi đã nảy ra ý nghĩ này từ khi bắt đầu tìm hiểu cuộc đời Nguyễn Du nhằm xây dựng một bộ phim truyện Điện ảnh xứng đáng về chân dung Đại thi hào. Rồi khi một C.ty đứng ra tổ chức thực hiện bộ phim tài liệu lớn: “Đại thi hào Nguyễn Du”, đem phổ biến rộng rãi, thì trong những nỗi thất vọng của đông đảo khán giả, có nỗi thất vọng của riêng chúng tôi: cái điều hệ trọng kia đã bị bỏ qua một cách thực đáng tiếc, và đáng giận…

Có lần đang ngẩng cổ ngắm nhìn những tường thành sừng sững, những lầu ngang dãy dọc hoành tráng, những nóc cung điện đồ sộ ở đất Trung Hoa, bất chợt những lời của một người thầy đáng kính dạy môn Hán văn cổ thời học đại học cứ hiện ra trong tâm trí chúng tôi như kiểu chữ triện khắc đậm nét: “Văn hóa Hán là văn hóa của sự cực đoan đến tận cùng… Đó là nền văn hóa phục vụ cho vua chúa, cho giới vương tôn công tử nên không thèm biết đến mức độ, lúc nào cũng như muốn đè bẹp, muốn trấn áp, hòng khiến người ta hoảng sợ quỳ mọp cúi đầu và tê liệt mọi ý thức về cá nhân mình lẫn mọi sự phản kháng…”.

Thế nhưng, loại văn hóa cùng với những gì thuộc về công lý, lẽ phải, lòng nhân đạo dành cho đại đa số quần chúng lao khổ mà các bậc Thi thánh Thi tiên như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch… hằng vun đắp, tôn vinh thì đã, đang và sẽ bị tham vọng dữ dằn của chủ nghĩa bá quyền thiên hạ lăm le xé nát rồi ăn tươi nuốt sống – nó được đại diện bởi những kẻ “không để lộ nanh vuốt nọc độc nhưng ăn thịt người ngọt xớt như đường” như Nguyễn Du từng lên án (Phản chiêu hồn). Với những cảm nhận dữ dội và thức ngộ đau đớn như thế, Đại thi hào Việt Nam hơn hai trăm năm trước đã làm công việc “giải thiêng”, “giải ảo” Trung Hoa và bóc trần “căn tính sói” của các tầng lớp thống trị nối tiếp trên đất nước này; và tới hôm nay, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy, trực tiếp cảm nhận được những được điều đó, trên vạn dặm Trung Quốc thực đáng kính nể và cũng vô cùng đáng sợ!…

Các khái niệm “giải thiêng”, “giải ảo” Trung Hoa, “giải Hán hóa” mà chúng tôi sử dụng lấy từ hai bản tham luận trong Hội thảo quốc tế về Di sản Nguyễn Du tại Hà Nội, có mấy nhận định khá tiêu biểu: “Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, những tác phẩm của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục đã cho chúng ta biết được một cách khá chi tiết và phong phú về một Trung Hoa khác, một Trung Hoa thời mạt kỳ phong kiến như ở Việt Nam… một mô hình xã hội vốn được coi là lý tưởng và duy nhất đương thời”[1] – “Bấy giờ trong Nguyễn Du, hào quang Trung Hoa – trung tâm văn minh, nhân ái của đất trời – đã mờ. Trung Hoa là vực tối, một xã hội xảo trá, “ăn thịt người”, một xã hội phi nhân, không có nơi trú ngụ cho những con người chân chính và những điều tốt đẹp!”[2].

Nguyễn Du, người xuất thân “cửa Khổng sân Trình”, ham mê đọc sách, từng vùi đầu trong tản văn lịch sử, tản văn triết học chư tử, sáng tác văn chương của Khuất Nguyên, trong khi “mài bút” để trở thành một trong “An Nam ngũ tuyệt”, chắc chắn đồng thời cũng đã nhận ra cái căn nguyên hủy hoại gốc rễ đời sống cùng cái “phương thức” mong cải tạo con người từ mấy ngàn năm trước ở Trung Hoa – nơi người trung nghĩa như Tỷ Can bị vua Trụ mổ bụng xem tim (Sử ký), xã hội mà sử gia Tư Mã Thiên đã vạch ra: khi kẻ tiểu nhân biến thành kẻ dã man và biến văn hóa thành giả ngụy khiến xã hội và nhà nước suy đồi, bại vong, càng cần tìm đến cái trung (sự thành thực), tức là bản tính trong sáng, thuần khiết, cái Tâm của con người mà cốt lõi là chữ Nhân, là tình thương yêu đối với con người; như khái quát của Tăng Tử về Đạo của Khổng Tử: thành thực và từ tâm (trung và thứ)[3]. Với những trải nghiệm cay đắng từ gia đình thế tộc và xã hội loạn ly trong nước, Nguyễn Du đã thấm hiểu thực chất tấn bi kịch của nhà nho – người cầm bút vĩ đại thời Chiến quốc gây nên bởi tập đoàn thống trị hủ bại. “Thành thực và từ tâm” hóa ra là giải pháp ảo tưởng, khi mà đất nước ấy bị thống trị bởi những bậc “thế thiên hành đạo” u mê như vua Sở: “Hoài vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong thì bị Trịnh Tụ làm mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rốt cục ruồng bỏ Khuất Nguyên mà tin đại phu Thượng Quan, lệnh doãn Tử Lan… Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy!” (Sử ký). Xã hội đó đã tạo ra “trạng thái không an toàn của cuộc đời, sự không ổn định trong số phận của những phần tử của nó xét với tư cách cá nhân” mà trong đó, “chịu chi phối của chính quyền độc tài tuyệt đối và chuyên chế, những quan chức cao cấp nhất cũng có thể biến mất đi từng ngày một, ngày hôm nay còn là thượng thư, nhưng ngày mai đã chết trong xó ngục” (Êchiên Balat)[4].


Sách vở trước nay đều viết rằng: khi vua quan Lê Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị mong cầu viện Thanh triều, Nguyễn Du đã định đi theo song không kịp; và Nguyễn Du chỉ có một lần “Bắc hành” khi làm quan nhà Nguyễn nhận trọng trách Chánh sứ… Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu thêm để đi tới khẳng định: trong thời kỳ “thập tải phong trần”, Nguyễn Du không chỉ “Bắc hành” khắp vùng Giang Bắc Giang Nam mà còn quyết tâm một mình đi tới tận Yên Kinh (Bắc Kinh nay) để tận mắt tận tai nhận thấy sự ê chề nhục nhã của đám mạt Lê trước “đại quốc” cùng tâm sự tuyệt vọng của họ: “Thế nước đã thế này làm sao khôi phục được. Nhưng đạo bầy tôi là phải giúp vua, thôi cũng đành làm hết sức được đến đâu thì đến” [5]. Sau khi rời Yên Kinh, trở về Trung Châu, nơi hò hẹn sẽ gặp gỡ với Cai Gia, Nguyễn Du đã tới thăm đền thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu, và ông đã có tới năm bài vịnh sử bất hủ – một bài về Nhạc Phi và bốn bài về vợ chồng Tần Cối [6]. Năm bài thơ này, Nguyễn Du làm ở tuổi ngoài đôi mươi, càng giúp ta nhận rõ cái nhìn sâu sắc và đầy rung cảm của nhà thơ về thói đời “bạc ác tinh ma”, bản chất tàn ác, tham lam, đạo đức giả của bọn quan lại – quý tộc đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhân dân; thể hiện thái độ ghê sợ cái bản tính độc ác tìm mọi cách hãm hại người trung lương mà cho tới lúc xuống mồ trái tim chết vẫn chứa đầy nọc độc (Nhất thể tử tâm hoài đại độc. Tần Cối tượng) của những kẻ “nửa người nửa quỷ” trong hàng ngũ thống trị của đất nước Trung Hoa từ cổ xưa cho tới lúc đó, gây ra bao cảnh dân lành chết lăn nơi ngòi rãnh, máu thịt nuôi béo lũ sói lang (Nhãn hạ ủy câu hác, Huyết nhục tự sài lang. Sở kiến hành)!

Mấy chục năm sau, trên mảnh đất xứ Lạng, trong khi chuẩn bị thực thi công việc của một sứ thần, Nguyễn Du đã hào hứng viết Lạng thành đạo trung giúp hôm nay hiểu thêm được tinh thần “thoát Trung” của ông: ông sắp được làm người đặc biệt, không chỉ là Chánh sứ, mà còn là người “thám hiểm” vào lòng một xã hội kỳ bí, chứa đầy bất trắc, hiểm nguy, mong tự mình tìm thêm lời giải đáp cho số phận Dân tộc mình, Đất nước mình; đó cũng là công việc của ngòi bút, vì thế, Thân bằng cố hữu ở núi Hồng Lĩnh càng ngày càng xa cách/ Quái lạ, nỗi nhớ nhung lại dễ cắt đứt/ Khi tráp có ngọn bút thay đao.

Với tinh thần “thoát Trung” tựa một “thức cảm” kỳ lạ, một khát vọng thầm kín và mạnh mẽ, Nguyễn Du đã vượt thoát nhiều lần tâm trạng của người “trệ khách” (khách ở lỳ), “cô lữ” (lữ hành cô độc), thắng được nỗi “úy nhân” (sợ người) trót mang theo từ thuở thiếu niên; tới khi đường đường là một vị quan sứ đã “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, ông bắt đầu thực hiện được mơ ước, cái sứ mệnh của riêng ông… Bao nỗi tủi thẹn, chán chường, mệt mỏi khi buộc phải sống ở một môi trường sống làm tha hóa con người (Không bệnh mà lưng lom khom), đã chợt bay biến hết trước một thế giới mênh mông của Thiên nhiên – Lịch sử – Số phận người mà ông cần khám phá, lý giải. Những điều “tai nghe mắt thấy” và ghi chép ở Hoa Hạ của bậc “quan quang thượng quốc” Nguyễn Du không thể giúp ích được nhiều cho công cuộc trị nước của triều đình – như các quan sứ trước đó; nhưng lại giúp cho chính ông với tư cách là nhà văn-nghệ sĩ, sử gia-nghệ sĩ bóc trần ra những sự thật bị bao phủ bởi hào quang của một Chính thể rập khuôn “Thiên triều” qua nhiều thế kỷ! Từ chỗ đinh ninh rằng: con đường đi sứ chắc phẳng bằng như Vương đạo (con đường, đường lối cai trị) ở Trung Quốc, chẳng cần phải thăm hỏi làm gì, cứ đi thẳng ắt đến được Kinh đô (Vương đạo đãng bình hưu vấn tấn, Minh Giang bắc thướng thị Trường An. Nam Quan đạo trung), Nguyễn Du đã dần thấm hiểu: Thì ra con đường Trung Hoa là thế này: quanh co khúc khuỷu giống như lòng người (Ninh Minh giang chu hành). Khác với nhiều sứ thần Việt Nam ngợi ca Trung Hoa như một vùng đất thiêng sản sinh nhiều nhân kiệt, Nguyễn Du không bàn đến “linh khí” hay “tú khí” của những vùng đất ông qua, mà chỉ nói về núi non sông nước hung dữ tựa sài lang hổ báo dọa người: Quân mưa khóc lóc, Phùng Di (hà bá, sóng nước) như nổi giận, trước núi Ngũ Chỉ (năm ngón tay) thác nước trút mạnh. Suốt ngày sóng trắng đuổi chạy như rồng rắn, hai bờ núi xanh đều như sói cọp (Bất tiến hành).

Thiên nhiên thì hung hiểm như lòng người, còn xã hội thì nhiễu nhương, loạn lạc, binh đao, máu chảy thành sông, xương người chất đống… Rất nhiều cảnh loạn lạc đã làm cản trở hành trình của đoàn đi sứ; và những khi đó, bao cảnh ngộ bi thương khốn khổ đến cùng cực của người dân nghèo nước bạn kịp in đậm trong tâm hồn ông: Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao/ Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông/ Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chặn đường/ Không biết đường trước mặt bao giờ yên/… / Trai lớn gái nhỏ vẻ ốm đói/ Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh/ Tận mắt thấy người đói chết trên đường/ Hột táo trong bọc lăn bên mình/… / Mấy trăm nhà đều trôi giạt vì đói (Trở binh hành).

Giữa “thiên đường” Trung Hoa, “những điều trông thấy” (sở kiến) của nhà thơ đã biến thành những giọt nước mắt nóng bỏng cho sự cùng khổ của người dân lành, biến thành nỗi uất hận như tiếng thét kìm nén trước sự độc ác, thờ ơ, vô cảm của người đời, trước sự bất công hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật: Có người đàn bà dắt ba đứa con/ Cùng nhau ngồi bên đường/ Đứa nhỏ trong bụng mẹ/ Đứa lớn cầm giỏ tre/ Trong giỏ đựng gì lắm thế?/ Rau lê, hoắc lẫn cám/ Qua trưa rồi chưa được ăn/ Áo quần sao rách rưới quá/ Thấy người không ngẩng nhìn/ Nước mắt chảy ròng ròng trên áo/…/ Máu thịt nuôi lang sói/ Mẹ chết không thương tiếc/ Vỗ về con càng thêm đứt ruột/ Trong lòng đau xót lạ thường/…/ Đêm qua ở trạm Tây Hà/ Tiệc tùng cung phụng khoa trương quá mức/ Gân hươu cùng vây cá/ Đầy bàn thịt heo, thịt dê/ Quan lớn không thèm đụng đũa/ Đám theo hầu chỉ nếm qua/ Vứt bỏ không luyến tiếc/ Chó hàng xóm cũng ngán món ăn ngon/ Không biết trên đường cái/ Có mẹ con đói khổ nhà này (Sở kiến hành).

Và cả tập Bắc hành tạp lục hầu hết là lời tâm sự, niềm đồng cảm sâu xa, nỗi “thương người tiếc tài” thống thiết của Nguyễn Du đối với những nhân vật lịch sử nổi tiếng Trung Hoa, những văn nhân tài tử cùng bi kịch đau đớn của họ – những bậc tài hoa, nhân nghĩa, trung hậu phải chịu cảnh đày đọa, vu khống, bạc mệnh bởi cái xã hội “ăn thịt người”… Nhận định sau đây của một nhà nghiên cứu có sức khái quát hơn cả: “Mô hình lý tưởng của xã hội Trung Hoa phong kiến hiện ra trong mắt Nguyễn Du dường như mất hết sức sống, mất hết hấp dẫn… Nó không còn là ảo ảnh vàng son lộng lẫy hay rực rỡ chói lọi, mà chỉ là những hình ảnh đầy u ám, tối tăm không còn làm ông choáng ngợp, mà thậm chí còn khiến ông vừa ghê sợ, vừa lãnh đạm… Trung Hoa dường như chỉ là cái minh chứng cuối cùng cho sự giải ảo, giải thiêng chế độ phong kiến mạt kỳ đã mất hết sức sống đối với ông [7].

Chính người Trung Quốc từ xưa tới nay cũng đã chật vật đau đớn tìm cách “thoát Trung”, thoát khỏi ách áp bức bất công của bọn cầm quyền thối nát độc ác. Trong những nỗi thống khổ thời hiện đại của người dân Trung Quốc mà chúng tôi được biết qua báo chí, văn học, phim ảnh và tận mắt chứng kiến ít nhiều qua vài lần tham quan và khảo sát trường quay ở Trung Quốc, hiển hiện bóng dáng biết bao nạn nhân của những hôn quân bạo chúa, của những cuộc xâu xé chém giết man rợ vì quyền lợi nội bộ, của những cuộc chiến tranh xâm lược nhơ bẩn suốt hàng ngàn năm qua – những nạn nhân từng được Đại thi hào Nguyễn Du tả lại trong những vần thơ rớm máu: nàng Văn Cơ bị Hung Nô bắt giữ, nàng Tiểu Thanh yểu mệnh ở Tây Hồ, người hát rong tiều tụy ở Thái Bình, mấy mẹ con đói khát xin ăn dọc đường… Và trên mấy chặng đường của vạn lý Trung Hoa, chúng tôi đã gặp và lưu lại nhiều ấn tượng dễ chịu về những người thợ thủ công, người bán hàng rong ở Hàng Châu, Tô Châu, những anh thanh niên hóa trang thành Quan Công, Trương Phi ở Tam Quốc Thành, những diễn diễn viên xiếc thiếu niên tài hoa ở Bắc Kinh… Họ là những con người hiền lành, chân thật, hiếu khách, và bộc lộ cả khiếu hài hước khi đã có chút giao lưu thân mật. Nghe một người phụ nữ chèo đò trên kênh Hàng hát bài dân ca cổ xưa buồn và bi tráng, chúng tôi đã chợt lặng người đi… Những người dân bình thường đó là nguyên mẫu, là cội nguồn cảm hứng sâu xa nhất cho bao áng văn chương bất hủ – từ Kinh thi, Sở từ, Đường thi, Tống thi, tiểu thuyết Minh – Thanh đến những tác phẩm của Lỗ Tấn, Tào Ngu, Lão Xá, Cao Hành Kiện… Cũng giống như người dân lao động Việt Nam, người dân lao động Trung Quốc bao đời nay khao khát tự do, hòa bình, tình yêu thương, sự yên ổn để làm ăn. Mặc dù những người lao động bình thường không bao giờ dám bén mảng tới những con đường dành cho giới quý tộc tư sản ngày một áp đảo xã hội, như Vương Phủ Tỉnh với những cửa hàng cực kỳ xa hoa lộng lẫy, nhưng họ vẫn có những nơi chốn riêng phục vụ cho nhu cầu hạnh phúc bình dị của mình. Có điều, vượt lên thói so bì ganh tỵ, nhiều người trong số bình dân ấy, vốn được trang bị tri thức, đã suy ngẫm về sự bất công trong xã hội, về nguồn gốc tội ác của những khối tài sản khổng lồ – chúng là một trong những động cơ chính của bộ máy “bành trướng Đại Hán” đang vận hành. Và họ đã cất lên tiếng nói của tâm hồn lương thiện, sự tỉnh ngộ về bản chất Đại Hán nguy hiểm đó, để không sợ hãi phê phán cái chính quyền vô Đạo đã chà đạp lên Danh dự của Dân tộc mình bằng cách hành động điên khùng, bất chấp đạo lý và lương tri thông thường, “giống như cướp biển”, xúc phạm đến chủ quyền thiêng liêng của Đất nước anh em.

Giữa lúc những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải “vừa ăn cướp vừa la làng”, vu cáo trắng trợn Việt Nam, xuyên tạc việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì dạo ấy trên không ít báo chí, diễn đàn mạng như Sohu, Sina, weibo, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Tân Hoa xã, v.v của Trung Quốc, nhiều người dân bình thường và trí thức của đất nước này đã lên tiếng vạch rõ: “Đường lưỡi bò” là không thể chấp nhận, đã nghiêm khắc chỉ trích hành vi đối đầu ngạo mạn với các nước láng giềng ở Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời đề nghị những người lãnh đạo Trung Quốc cần tôn trọng sự thật lịch sử cùng luật pháp quốc tế. Mặc dù người dân Trung Quốc đã/ đang bị chính quyền Trung Nam Hải tìm mọi cách bưng bít, lừa phỉnh và kích động nhằm mục đích tuyên truyền “Giấc mơ Trung Hoa”, “Phục hưng Trung Hoa” thực hiện mộng bá chủ thiên hạ, nhưng sống dưới thể chế độc tài hà khắc kéo dài, kể từ thời Mao đến nay, đại bộ phận người dân căm phẫn vì những chính sách tạo ra sự bất công, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, tình trạng tha hóa tham nhũng ngày càng quy mô và bộc lộ trắng trợn của không ít kẻ trong tầng lớp lãnh đạo cao cấp; và hành động điên cuồng của bọn chóp bu Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến nhiều người dân Trung Quốc ngỡ ngàng, bất bình.

Vâng, những người dân Trung Quốc đáng yêu, đáng kính đó mới thực sự là người Anh – Em của chúng ta! Và Anh linh Đại thi hào Nguyễn Du có thể chứng giám cho niềm tin chắc chắn rằng: Nhân dân Trung Quốc đã/ sẽ không bao giờ đồng lõa với những kẻ khát máu bá quyền Đại Hán – những kẻ mà ông đã tố cáo một cách mãnh liệt đầy rung cảm trong khi tìm cách “thoát Trung“ cho bản thân và cho cả Dân tộc mình từ hai trăm năm trước!

Mai An – Nguyễn Anh Tuấn/Tạp chí Văn Hiến bản in


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình