Người với người gặp nhau ở kiếp này là nhờ vào duyên phận

10:44 | 24/01/2022

Người với người ở kiếp này có thể quen nhau, gặp nhau là nhờ vào duyên phận. Chữ “duyên” này kỳ thực cũng không ly khai khỏi luật “nhân quả” hay “luân hồi chuyển thế” mà Phật gia giảng. Những câu chuyện về duyên phận trong văn hóa truyền thống có rất nhiều, nhưng truyền thuyết về Tam Sinh Thạch (Đá Ba Đời) có thể nói là nổi tiếng hơn cả.


Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain.

Trong cuốn “Cam trạch dao” thời Đường, phần “Viên Quan truyện” có ghi lại câu chuyện chuyển kiếp của một vị hòa thượng được một người bạn cũ chứng kiến. Điều nó truyền đạt chính là bạn bè hết lòng tuân thủ ước định, làm cảm động tâm can, cũng nhắc nhở người đời cần đối xử tốt với những người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày, dù đó chỉ là những người khách qua đường mà thôi. Bởi vì gặp gỡ nhau chính là duyên phận.

Những năm tháng thời nhà Đường, tại chùa Huệ Lâm ở Lạc Dương có hòa thượng tên Viên Quan, biết trồng trọt, có nhiều lương thực và của cải. Ngoài việc am hiểu Phật học ra, ông còn rất tinh thông âm luật. Người đương thời gọi ông là Phú hòa thượng, nhưng không ai biết lai lịch của ông.

Cùng thời ấy, có một người vốn thuộc dòng dõi quan to trong triều tên là Lý Nguyên. Trong năm Thiên Bảo (Đường Huyền Tông), hàng ngày ông ăn uống vui chơi, say sưa trong ca múa và rượu, mặc sức hưởng lạc. Cha của Lý Nguyên là Lý Khải canh giữ ở biên cương, về sau bị giết hại trong chiến loạn.

Sau khi cha mất, Lý Nguyên từ bỏ cuộc sống ăn chơi trước đây, ẩn cư ở chùa Huệ Lâm, đồng thời đem toàn bộ gia sản quyên tặng cho chùa Huệ Lâm, phát thệ nguyện không cầu công danh, bổng lộc, không kết hôn, không thuê mướn nô bộc.

Bởi vậy, Lý Nguyên và Viên Quan trở thành đôi bạn tốt, không có gì giấu nhau. Hai người ngày ngày ngồi nói chuyện cùng nhau, từ sáng sớm đến khi hoàng hôn, không ai biết rõ họ nói những gì. Cứ như vậy, họ chung sống và kết giao bạn bè 30 năm.

Một hôm họ hẹn nhau đi chơi Thục Châu, đến núi Nga Mi ở Thanh Thành giao lưu tìm Đạo. Viên Quan muốn đi qua Trường An nên chọn tuyến đường từ Tà Cốc đi ra. Lý Nguyên muốn đi qua Kinh Châu, nên chọn tuyến đường từ Tam Hiệp, đi bằng đường thủy. Họ liên tục tranh luận cùng nhau, đến nửa năm trời mà vẫn không thống nhất ý kiến. Lý Nguyên khăng khăng giữ ý kiến của mình nên Viên Quan đành phải nói: “Đi đường nào thực sự không thể theo ý muốn, vậy hãy đi đường thủy từ Tam Hiệp đi”.

Vùng Tam Hiệp. (Ảnh: Mark Stephens Photography, Shutterstock).

Hôm ấy đến Nam Phổ, thuyền dừng lại ở bên bờ. Họ gặp một người phụ nữ mang thai đang múc nước ở sông. Lúc ấy, Viên Quan rơi lệ nói với Lý Nguyên: “Tôi không muốn đi con đường này chính là vì sợ gặp người phụ nữ này. Người phụ nữ này họ Vương, kiếp sau tôi phải chuyển sinh thành con của người phụ nữ này. Cô ấy mang thai đã 3 năm mà vẫn chưa sinh nở, chính là vì chờ tôi đầu thai. Hôm nay đã gặp người phụ nữ này, tức là mệnh của tôi đã đến lúc tận, đã đến lúc luân hồi chuyển kiếp.”

Viên Quan lại nói: “Mong ông giúp tôi tụng mấy câu để tôi mau được đầu thai. Ông cho thuyền dừng lại vài ngày rồi chôn tôi dưới chân núi. Sau 3 ngày đứa trẻ ra đời thì ông đến nhà họ Vương hỏi thăm, nếu như đứa trẻ vừa gặp ông đã cười tức là nó có quen biết ông. Đêm đó đứa trẻ ấy cũng sẽ chết đi. 12 năm sau, vào đêm trung thu, ở chùa Thiên Trúc tại Hàng Châu, chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Lý Nguyên lúc này vô cùng hối hận vì đã khăng khăng giữ chủ kiến. Trong lòng ông cảm thấy cực kỳ bi thương. Thế rồi Lý Nguyên dặn dò người phụ nữ kia chuẩn bị chu đáo cho ngày sinh nở. Còn Viên Quan thì đi tắm gội sạch sẽ rồi thay đồ mới.

Đêm hôm đó vừa lúc Viên Quan tọa hóa thì người phụ nữ kia cũng hạ sinh một bé trai. 3 ngày sau, Lý Nguyên liền tới thăm hài nhi mới sinh, quả nhiên đứa trẻ vừa nhìn thấy ông đã nở nụ cười. Đêm hôm đó, đứa trẻ cũng qua đời. Lý Nguyên bèn đem câu chuyện kể lại với người phụ nữ họ Vương và chôn cất đứa trẻ.

12 năm sau, vào ngày trung thu, Lý Nguyên tới chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu như Viên Quan đã hẹn năm xưa. Đang không biết tìm bóng dáng Viên Quan ở đâu, Lý Nguyên nhìn thấy trên bãi cát bên bờ sông có một chú bé cưỡi trâu ngâm khúc “Trúc tri từ”, vừa cưỡi vừa gõ vào sừng trâu.

Khi đứa bé đến trước chùa Thiên Trúc thì tâm Lý Nguyên máy động, nhận ra chính là Viên Quan, liền chào nói: “Quan Công, ông có khỏe không?”

Mục đồng trả lời: “Ông đúng là người biết giữ chữ tín ước hẹn. Bây giờ chúng ta đi con đường khác nhau, không nên gần nhau nữa. Duyên kiếp của ông vẫn chưa tận, nên hy vọng rằng ông sẽ cố gắng tu hành, nếu có thể cố gắng tận lực tu hành, chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau thôi.”

Lý Nguyên vì không thể tiếp tục làm bạn với Viên Quan như những tháng ngày trước đây được nữa, nên đành bất lực nhìn theo Viên Quan mà lã chã rơi lệ.

Bức “Hạ Thiên Trúc tự đồ”, mô tả cảnh chùa Thiên Trúc, nơi hai người hội ngộ. (Tranh: Wikipedia, Public Domain).

Viên Quan vừa cưỡi trâu đi vừa ngâm nga, hình bóng mỗi lúc một xa dần. Dù cho núi non trùng điệp, sông nước mênh mông nhưng vẫn có thể nghe được giai điệu ngân nga. Khi Viên Quan đến trước chùa thì nghe ca là:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luận.
Tàm quý tình nhân viễn tương phóng,
Thử thân tuy dị tính trường tồn.

Tạm dịch:

Tôi chính là linh hồn thực sự của Đá Ba Đời,
Tôi không còn muốn nói chuyện ngắm trăng, ngâm thơ, đàm luận gì nữa.
Thật vui khi người bạn thân thương từ xa đến thăm viếng,
Thân xác thịt của tôi tuy đã đổi khác nhưng tôi vẫn là tôi.

Khi Viên Quan rời chùa thì lại nghe thấy lời ca là:

Thân tiền thân hậu sự mang mang,
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn tràng.
Ngô Việt khê sơn tầm kỷ biến,
Khước tầm yên trạo thượng Cù Đường.

Tạm dịch:

Chuyện kiếp trước và kiếp sau thật là mờ mịt,
Muốn nói hết nhân duyên nhưng sợ đau buồn đứt ruột đứt gan.
Tôi đã tìm khắp non sông Ngô và Việt,
Nhưng cuối cùng lại khua chèo trở lại Cù Đường (một ngọn đèo ở vùng Tam Hiệp).

Trong câu “Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn” mà đứa trẻ mục đồng ca, dựa theo nhân duyên giữa Lý Nguyên và Viên Quan bao gồm Viên Quan, đứa trẻ sơ sinh, đứa trẻ mục đồng, thì vừa đúng là ba đời. Vì thế, người đời sau gọi tảng đá lớn chỗ hai người hội ngộ sau 3 kiếp khi xưa là Tam Sinh Thạch (Đá Ba Đời), điều này cũng ứng vào câu “Tôi chính là linh hồn thực sự của Đá Ba Đời”. Và từ đó, Tam Sinh Thạch cũng được dùng để ẩn dụ về nhân duyên tiền định, về duyên phận gặp gỡ nhau trong kiếp người.

Tam Sinh Thạch nằm ở ngã tư của núi Nam Liên Hoa và núi Phong Đông và là một trong 16 di tích ở Tây Hồ. Tảng đá này cao khoảng 10 m, rất dốc và bên trên tảng đá có khắc ba chữ Triện “Tam Sinh Thạch”. Trên tảng đá có bia văn “Tam sinh thì tích” của hòa thượng Viên Trạch thời nhà Đường. Trên tảng đá cũng có nhiều lời đề từ thời Tống, Đường, nhưng phần lớn đã không thể phân biệt được rõ, chỉ có lời đề từ của thái sử Dương Vũ và Trương Thục, viết vào năm trị vì đầu tiên vào triều Nguyên là còn rõ ràng.

Văn học gia triều nhà Tống, Tô Đông Pha trong cuốn “Tăng Viên Trạch truyện” cũng viết về việc Lý Nguyên và Viên Quan hết lòng giữ chữ tín, tuân thủ ước định, nhưng vị tăng nhân trong truyện của Tô Đông Pha tên là Viên Trạch mà không phải là Viên Quan.

 

Theo Vision Times

Video hay


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN