Từ xa xưa, cây bồ đề đã luôn được coi là loại cây linh thiêng. Sau khi Phật Giáo xuất hiện, con người ta lại càng có đức tin vào loài cây này. Nó biểu trưng cho sự giác ngộ và tỉnh thức. Lá bồ đề có hình trái tim, tượng trưng cho lòng từ bi hỉ xả, sự bao dung và che chở mà Đức Phật dành cho con người. Từ những chiếc lá đề bình thường, qua bàn tay tài năng của nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng đã nâng lên một tầm cao mới, biến thành một sản phẩm trường tồn với thời gian.
Đến thăm phòng trưng bày sản phẩm cũng chính là nhà riêng của nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng tại Long Biên, Hà Nội chúng tôi mới thấy được sự phi thường về bàn tay và trí tuệ của một con người. Không phô trương, hào nhoáng mà hết sức gần gũi, quen thuộc. Không sặc sỡ, dị biệt mà hết sức đời thường, dân dã. Bước vào căn phòng trưng bày sản phẩm cũng chính là bước vào không gian nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng.
Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng, nghệ thuật là sự giản đơn và sự nhận thức. Mỗi một tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, một chút tâm linh vừa đủ để tác phẩm có hồn, có câu chuyện của riêng mình. Tại phòng trưng bày, quanh quẩn đều là nghệ thuật, đều là giá trị văn hóa…
Cơ duyên đặc biệt với nghề mạ vàng
Từ một người làm các sản phẩm trang trí nội thất có tiếng tại Hà Nội, Nguyễn Đức Bằng không nghĩ rằng có một ngày anh sẽ chuyển sang làm nghề mạ vàng. Nguyễn Đức Bằng và nghề mạ vàng như có một sợi dây vô hình gắn kết với nhau và nghề này đã chọn anh làm người kế thừa xứng đáng.
Sau một trận ốm thập tử nhất sinh vào năm 2012, Nguyễn Đức Bằng phải tạm hoãn tất cả công việc đang làm bao gồm cả nghề thiết kế. Ốm lay lắt suốt nhiều tháng trời mà không tìm ra bệnh, nhiều lúc tưởng chừng như anh phải bỏ nghề mãi mãi.
Trong những giây phút sinh tử, Nguyễn Đức Bằng đã tự giác ngộ ra nhiều triết lý, trong đó anh có một cảm quan rất mạnh với văn hoá tâm linh, đặc biệt là nghề mạ vàng. Anh chia sẻ rằng, thời điểm đó bản thân anh cũng không biết vì sao lại có những suy nghĩ như vậy, có lẽ những điều này là duyên từ kiếp trước?! Nghĩ là làm, anh nén những cơn đau, quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu và làm nghệ thuật, đưa các giá trị văn hóa, tâm linh vào trong các sản phẩm của mình. Anh bắt đầu làm tinh các sản phẩm, từ các bức tượng thô nháp, anh tìm cách sơn, mạ, dát vàng để trở thành sản phẩm có giá trị. Các sản phẩm xoay quanh các chủ đề về tôn giáo và văn hoá dân gian Việt Nam như: Tượng phật, tượng danh nhân, tranh gỗ, tượng tứ linh, quốc bảo Việt Nam…
Với nền tảng về thiết kế và mỹ thuật, Nguyễn Đức Bằng rất nhanh chóng bắt nhịp với nghề, nhiều sản phẩm ra đời ồ ạt. Thế nhưng kinh nghiệm chưa có, các sản phẩm của Nguyễn Đức Bằng, mặc dù có đẹp nhưng chưa đặc biệt, có tinh nhưng chưa có hồn. Anh cứ loay hoay tìm mắt xích vấn đề nhưng không thể tìm ra. Có khi mất cả tháng trời cứ xây lại đập tác phẩm của mình hàng trăm lần. Sau mỗi lần thất bại, Nguyễn Đức Bằng không nản lòng mà càng cố gắng quyết tâm hơn, điều này giúp anh tiếp cận gần hơn với thành công.
Ông trời không phụ người có tâm, trong thời điểm tưởng chừng như anh muốn buông bỏ thì gặp một cơ duyên đặc biệt. Anh đã gặp được một cao nhân trong nghề mạ vàng chỉ dạy. Người thầy này đã tận tình chỉ cho anh những lỗi sai và cho anh công thức đúng. Từ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu đó, Nguyễn Đức Bằng đã tự đúc rút ra những công thức cho riêng mình. Các sản phẩm từ đó cũng trở lên có hồn hơn, bảo quản tốt hơn và được nhiều người đánh giá cao.
Hăng say lao vào công việc dường như bệnh tình của Nguyễn Đức Bằng càng thuyên giảm đi, dần dần anh cũng không còn gặp phải những cơn đau bất thường nữa. Biết mình đã tìm được nghề phù hợp, anh quyết tâm giữ lửa nghề và có chiến lược cụ thể đưa các sản phẩm của mình đến với công chúng.
Khoảng năm 2017, Nguyễn Đức Bằng dâng ba pho tượng mạ vàng cho chùa Hương. Gồm tượng Phật A Di Đà, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, mỗi pho tượng cao 1,1 mét và được mạ vàng 24K. Thời điểm đó, chùa Hương là nơi hội tụ rất nhiều các tác phẩm của phật giáo từ mạ vàng, dát vàng đến điêu khắc. Nếu vượt qua được cửa ải này thì chắc chắn tác phẩm của Nguyễn Đức Bằng sẽ được nhiều người đón nhận hơn nữa.
Bén duyên với nghề, ngay từ lần đầu tiên dâng tượng, các tác phẩm của Nguyễn Đức Bằng được các sư thầy và phật tử tại chùa Hương khen ngợi nức tiếng. Từ đó, anh mạnh dạn sản xuất nhiều mặt hàng về tâm linh hơn nữa.
Ngắm các tác phẩm của Nguyễn Đức Bằng, không khó nhận ra được nét chủ đạo của anh. Đa phần những tác phẩm này đều mang màu sắc văn hoá tâm linh, từ những quy luật về số và hình tượng của nhà Phật, đến những thông điệp trong mỗi tác phẩm đều rất tinh tế.
Chỉ vào một tác phẩm, nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng cho biết: “Tác phẩm này thể hiện vị Bồ Đề Đạt Ma đang ngồi trên miếng gỗ. Nếu nhìn bình thường thì sẽ chỉ thấy một tác phẩm bình thường, nhưng khi chiếu đèn vào một góc thích hợp sẽ tạo ra một chiếc bóng chạy dài. Điều này cảm giác giống như ngài Đạt Ma đang ngồi trên một đám mây, bay giữa không trung”.
Chỉ vào một tác phẩm khác anh cho biết: “Đây là cây tùng kim hơn 100 năm tuổi đã bị chết khô. Nếu để nguyên thì cũng chỉ là một khúc củi mục, nhưng tôi đã đưa về, mạ vàng 24K lên toàn bộ cây và gắn lá bồ đề mạ vàng vào, tạo dáng như cây bồ đề đang còn sống. Với sự kết hợp này, cái cây không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn mang nhiều giá trị văn hoá tâm linh đặc biệt…”.
Chiêu một ngụm trà nóng, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng Nguyễn Đức Bằng thực sự là một người hiểu nghệ thuật, một “tay chơi” nghệ thuật chính hiệu.
Mạ vàng lá đề
Đang trong những giây phút ngẩn ngơ chìm vào trong không gian văn hoá nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng, anh khoe chúng tôi một tác phẩm hết sức đặc biệt. Một chiếc lá đề mạ vàng. Sản phẩm này tinh xảo đến từng nanomet.
Cầm chiếc lá trên tay chúng tôi không khỏi bất ngờ khi anh cho biết đây là một chiếc lá đề thực thụ được mạ vàng lên. Điều đặc biệt là tất cả những đường vân của xương lá vẫn giữ được nguyên bản, mỏng manh như những sợi tơ có thể nhìn xuyên qua. Nét tinh tế, tỉ mỉ đến đáng sợ.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng chia sẻ: “Lá bồ đề có hình dạng giống trái tim ấm áp, mãnh liệt và dạt dào tình cảm nên tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của Đức Phật luôn dành cho con người. Trên mỗi lá có những đường vân khác nhau mà không lá nào giống lá nào, nó cũng giống như dấu vân tay của con người vậy. Những đường vân này rất phức tạp và cổ quái nên nhiều người tin rằng đây là một đạo phù văn mà tạo hóa ban cho loài người, hướng con người đi về phía đại đạo.
Nhiều lúc nhìn vào những chiếc lá đề tôi bị cuốn hút một cách kỳ lạ, như lạc vào một mê cung cổ xưa. Càng ngắm càng thấy nhân sinh hiện nên rõ ràng”.
Lúc nào người nghệ nhân trẻ cũng đau đáu nghĩ về lá bồ đề, cứ thơ thẩn, ngắm nó mãi. Lá bồ đề đẹp nhưng cũng rất ngắn ngủi, bảo quản tốt cũng chỉ chơi được vài tuần. Nhìn chiếc lá héo úa đi mà anh cứ mãi luyến tiếc một điều gì đó chưa hoàn thành được.
Sau đó, anh có một ý tưởng độc đáo khi muốn kết hợp giữa vàng và lá bồ đề. Hai vật liệu, một tượng trưng cho sự phú quý, trường tồn, một tượng trưng cho tâm linh, khai trí sẽ hoà quyện làm một. Nhưng mạ vàng lên lá tươi thì gần như không thể được vì chất gỗ của lá không bắt được vàng. Trải qua rất nhiều công sức, nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng mới tìm ra cách để đưa vàng mạ lên lá, làm tăng lên giá trị của chiếc lá.
Để mạ vàng một lá đề đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cực kỳ cao cùng với những máy móc chuyên nghiệp và hiện đại. Nhưng cơ bản sẽ phải trải qua một số công đoạn như sau:
Đầu tiên là tẩy diệp lục cho lá. Người nghệ nhân đem những chiếc lá đề đã được tuyển chọn kỹ càng, đa phần là các lá nhập từ nước ngoài, ngâm trong sút từ 4-8 ngày. Sau đó từng mảng lá sẽ nát ra, chỉ còn lại những cọng xương cực mảnh. Sau đó dùng bàn chải, chà nhẹ nhàng để đánh bật những mảng lá còn bám lại. Bộ khung xương vẫn được giữ nguyên từng đường nét. Sau đó tiếp tục là phẳng và sấy khô lá.
Bước tiếp theo, đưa những chiếc xương lá vào một bể riêng, tẩm ướp một loại kim loại hiếm trong 4 tiếng liên tục để lá có thể dẫn điện được. Sau đó cho vào bể đồng để mạ đồng lớp lót. Thời gian mạ đồng cũng khoảng 4 tiếng.
Tiếp theo, đem những chiếc lá đồng đi mạ crom và lại tiếp tục sấy khô.
Sau khi hoàn thành đem sản phẩm ra kiểm tra chất lượng. Từng chiếc lá sẽ được kiểm tra kỹ càng bởi các bàn tay nghệ nhân lành nghề. Loại bỏ những lá thủng, rách, bệt, và gẫy.
Sau khi có được những chiếc lá hoàn hảo, đưa đến một dây chuyền quan trọng nhất, đó là mạ điện phân bằng vàng 24K. Từng phân tử vàng cực nhỏ sẽ bám vào lá đề, bao phủ lá đề một lớp vàng mỏng, mịn. Những đường xương mảnh mai vẫn sẽ được giữ nguyên như lúc ban đầu.
Sau khi hoàn thành, lá đề mạ vàng tiếp tục được đưa vào giai đoạn điện di. Công đoạn này giúp tạo một lớp trong suốt bao phủ bên ngoài vàng để bảo vệ vàng, làm cho vàng có màu thật nhất và chống được nhiều điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như ô-xi hoá, nước mưa…
Chứng kiến những công đoạn kỳ công để tạo ra một chiếc lá đề mạ vàng, chúng tôi mới thực sự khâm phục tài năng và sự sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng.
Sau khi có sản phẩm lá đề mạ vàng, nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng còn gắn thêm nhiều hình tượng, nâng cao giá trị nghệ thuật. Hình tượng anh thường xuyên sử dụng nhất đó là hình tượng hoa sen – quốc hoa của Việt Nam. Bên cạnh đó là các hình tượng quen thuộc như những con vật tượng trưng cho 12 con giáp, các vị phật, hoặc các hình tượng mà khách hàng muốn đặt riêng. Các sản phẩm này đa dạng, phù hợp sở thích của từng người đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm lá đề đơn thuần.
Từ thành công trong việc mạ vàng lá đề, nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng đã ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm. Như các tác phẩm lấy hình tượng văn hóa: Rùa Văn Miếu, rùa Hồ Gươm, các bảo vật quốc gia, trống đồng, linh vật Hoàng Thành, đầu rồng thời Lý, tượng Trần Quốc Tuấn, tượng Bác Hồ, đến các đồ gia dụng như các bộ ấm chén mạ vàng, hộp đựng chè, thuốc…
Các sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng không chỉ có giá trị nghệ thuật cao, mà còn đem lại nhiều giá trị về văn hoá. Nhiều di sản của Việt Nam được tái hiện trên các tác phẩm của anh. Nhiều hình tượng văn hoá một lần nữa tiếp tục toả sáng trên chất liệu vàng quý hiếm và tiếp tục trường tồn cùng thời gian với ý nghĩa vốn có của nó…
Đình Tuyến – Huy Hoàng/VHVN