Người làm mặt nạ kể chuyện thời gian!

11:07 | 21/01/2022

“Trong những khổ đau, đều có hoa nở. Thay vì đau khổ, hãy làm những sản phẩm tốt hơn. Khi dịch qua đi, ta sẽ quay lại rực rỡ.” Náu mình trong nếp nhà cổ rêu phong, những triết lý sống vượt thời gian được người làm mặt nạ xướng lên qua những chuyện kể đầy khiêm cung và giản dị.


Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hội An, nghệ nhân Bùi Quý Phong chưa từng được đào tạo qua trường lớp bài bản. Sau giải phóng miền Nam, ông làm văn nghệ phong trào, dựng kịch, đào tạo diễn viên. Vài chục năm thoáng chốc qua đi, nay ông đã là một trong những cánh chim đầu đàn của văn nghệ phong trào Hội An, và cũng là nghệ nhân nổi tiếng với nghề làm mặt nạ.

Những cống hiến từng ngày không mệt mỏi của nghệ nhân Bùi Quý Phong đã được Hội An ghi nhận. Đó là giá trị riêng, là không gian tạo tác của người làm Mặt Nạ Thời Gian – Một không gian mà ông đã dành sự trọn đầy tâm huyết để kiến tạo và trao gửi nó đến cộng đồng.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong.

“Luôn luôn sáng tạo và cống hiến!”

PV: Thưa chú Phong, chú có thể chia sẻ những gợi nhớ của mình về khoảng thời gian trước khi đến với nghề làm mặt nạ?

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Đó là quãng thời gian đẹp nhất của chú, vì vừa làm, vừa sáng tạo. Chú có vài chục huy chương trong quá trình làm nghề, kèm với đó là những lời khen tặng, chúc mừng, nhưng kinh tế thì chẳng có là bao.

Đến khi lập gia đình, chú thấy kinh tế lây bây hoài không được. Chú dừng công việc biểu diễn năm 1988, đi làm đầu lân cho các đội, làm trọng tài bóng đá, mở cửa hàng giày dép, gom các em có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ, cho chúng một công việc.

Dù làm nhiều việc để ra kinh tế nuôi sống gia đình và giúp đỡ mấy cháu nhỏ, song chú vẫn nhớ nghề sân khấu. Chú làm tiếp tới năm 60 tuổi rồi dừng lại, nghỉ hưu đúng quy định nhà nước.

Anh em bạn bè la quá, nhưng mình nghĩ: đạo diễn sân khấu có nhiều nhưng nghệ nhân mặt nạ thì không có bao nhiêu. Bao vốn sống, bao kinh nghiệm, chú chắt chiu vào đây cả!

Nghệ nhân Bùi Quý Phong dành hết vốn sống, kinh nghiệm mình chắt chiu vào từng chiếc mặt nạ.

PV: Điều gì đã đưa chú đến với những chiếc “mặt nạ thời gian”?

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Trăn trở lắm. Lúc trước, mặt nạ chỉ là đồ chơi trẻ con, chơi chán rồi bỏ đi. Chú muốn biến thứ đồ chơi của con trẻ trở thành món đồ chơi nghệ thuật của người lớn, cho những người hiểu biết.

Năm 2014 là bước ngoặt. Lúc đó, thật sự là quãng thời gian trăn trở với Hội An. Thành phố nhỏ xíu, bé như cái bàn tay, chỉ có ba con đường ngang là Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học. Ngoài rìa ba lộ đó là hết phạm vi phố Hội. Có nhà giàu cực giàu, nhưng phân cực, vẫn còn có nhiều nhà thật nghèo.

Chú làm mặt nạ, mục đích đầu tiên là giải quyết vấn đề công ăn việc làm, kiếm cái nghề cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kế nữa, với kinh nghiệm một nghệ sĩ sân khấu, làm đầu lân thiên cẩu bao năm, hai việc này cực kỳ liên quan tới nhau. Chú dùng kinh nghiệm đó để sáng tạo ra mặt nạ, song không phải loại đục mắt mũi ra đeo làm trò chơi. Mặt nạ này gọi là Mặt Nạ Thời Gian.

Chữ “Thời Gian” ở đây là tiếp nhận những văn hoá do tiền nhân để lại, ghi lại dấu ấn của cuộc sống để rồi truyền đời cho con cho cháu. Tiền nhân là cụ Phan Châu Trinh và cụ Nguyễn Duy Hiển… Vùng đất này được hình thành bởi văn hoá của rất nhiều quốc gia, có dấu chân người Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Quốc…

Dấu chân để lại nhiều điều tốt và cả ngược lại. Nhưng cái tốt nhiều hơn!

Lòng tự trọng của người Hội An rất cao, họ đàng hoàng và rõ ràng, không vụ lợi, không bao giờ lấy cái gì không thuộc về mình. Trong dòng chảy của lịch sử, người Hội An tự hào: mình luôn và sẽ là người tử tế.

Chiếc mặt nạ thời gian do nghệ nhân Bùi Quý Phong sáng tác.

“Chiếc mặt nạ thời gian – mang hình ảnh những tấm lòng!”

Có thể thấy mặt nạ của chú Phong không liên quan tới hý kịch của Trung Quốc, không phải kịch Nô của Nhật Bản, mà chỉ mang hơi thở dân gian của Việt Nam. Nó thể hiện như một bức tranh, có thể dùng để trang trí cho không gian sống, song trên nhất là tôn vinh văn hoá Việt Nam. Rất mong chú có thể kể thêm về Tấm Lòng và Thời Gian trên từng chiếc mặt nạ!

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Nhìn mặt nạ quanh không gian trưng bày này, mọi người đều có thể thấy chủ đề không nhiều nhưng biến đổi liên tục. Tất cả đều dựa vào chữ “Tấm Lòng”.

Anh sống tử tế hay không tốt, yêu thương hay căm ghét cuộc đời, thuỷ chung hay bất nhất, là người tốt hay người xấu, …. chỉ thế mà ra được bao nhiều khuôn mặt, hình dạng khác nhau.

Đến giờ, chú đã vẽ được vài chục ngàn chiếc, nhưng vẫn thích nhất “Tấm Lòng” họa về sự cưu mang của người mẹ, sự lung linh trong tình yêu… Tóm lại là về điều thiện.

PV: Những công đoạn để làm ra một chiếc mặt nạ này ra sao thưa chú?

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Để làm ra chiếc mặt nạ, bất kể kích cỡ nào, đều cần thực hiện đầy đủ từng công đoạn.

Đầu tiên ta cần một cái cốt đổ khuôn bằng xi măng hay thạch cao, bồi lên lớp cốt này hai lớp giấy bồi, rồi vô viền bằng mây để làm khung chắc chắn. Giữ khung xong lại bồi thạch cao cho cứng cáp. Khô rồi, phải dùng giấy nhám mài cho láng và bền bỉ với thời gian.

Sau đó, phải kỳ cạch phơi mặt nạ thô này thật khô, rồi mới khoét gọt tạo hình đủ kiểu: người hung, kẻ vui, cô gái và chàng trai…

Xong tất cả những bước này, người nghệ nhân bắt đầu vẽ. Phải thật cẩn trọng, vì nhìn mặt nạ là có thể ra được tinh thần của mình lúc đó. Vẽ ưng rồi, ta tráng lên một lớp sơn phủ bóng.

Nếu làm đúng, chuẩn, một sản phẩm sẽ có độ bền 30 năm trong điều kiện bình thường.

Nhiều công đoạn rất cần cảm hứng sáng tác và sức khỏe. Vì vậy có ngày chú vẽ được 10 cái, nhưng có ngày chỉ 1 đến 2 cái.

PV: Khách hàng thường phản hồi thế nào thưa chú?

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Người nước ngoài quý sản phẩm này lắm, khi trên đường phố phố toàn đồ mỹ ký Trung Quốc, thì đây là sản phẩm hoàn toàn thủ công mỹ nghệ, do bàn tay người Việt làm nên.

Một chiếc mặt nạ có giá 300.000. Lúc đầu chú nghĩ là cao, có thể rất kén đối với khách Việt. Nhưng không phải, khách Việt rất thích, thậm chí còn thích thú hơn khi được nghe câu chuyện về tâm linh, đời sống hiện đại, các câu chuyện về văn hoá.

Chú đặt ra tôn chỉ: Mặt nạ có bổn phận tôn vinh giá trị truyền thống và chuyển tải thông điệp thiện lành tới người thưởng ngoạn.

Qua sự sáng tạo của nghệ nhân Bùi Quý Phong, từng chiếc mặt nạ có bổn phận tôn vinh giá trị truyền thống và chuyển tải thông điệp thiện lành tới người thưởng ngoạn.

“Khi người ta hiểu được ý nghĩa của từng câu chuyện, coi từng chiếc mặt nạ thời gian là tác phẩm, đó chính là phần thưởng về tinh thần lớn lao nhất.”

PV: Những nghề truyền thống có được sự tôn trọng lớn từ khách hàng, những người yêu cái đẹp. Nhưng bù lại nghề này thường khó làm giàu, chỉ đủ sống. Hai năm qua, Hội An đã trải qua thử thách không nhỏ. Điều này đã ảnh hưởng đến nghề làm mặt nạ của chú ra sao?

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Hai năm qua là thử thách rất lớn, đặc biệt là với những nơi phụ thuộc vào du lịch như phố Hội. Mặt Nạ Thời Gian cũng không ngoại lệ.

Tuy Covid lấy đi nhiều thứ nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích. Hai năm trước sản phẩm không hẳn đều đẹp từng chiếc, nhưng hai năm nay các mặt nạ đều rất đẹp. Tác phẩm nào cũng đều “khôn”. Chính người sáng tác mỗi sáng cũng thấy vui lạ với những đứa con tinh thần của mình.

Mỗi lần bớt dịch, Mặt Nạ Thời Gian là nơi đầu tiên mở cửa dù không có khách. Nhưng dù khó khăn, phải giảm bớt nhân sự, song mấy thầy trò vẫn luôn kiên trì để duy trì “hơi thở nhịp điệu.”

Trong những khổ đau, đều có hoa nở. Thay vì đau khổ, hãy làm những sản phẩm tốt hơn. Khi dịch qua đi, ta sẽ quay lại rực rỡ.

PV: Sau nhiều khó khăn, điều chú cảm nhận hiện tại là gì?

Nghệ nhân Bùi Quý Phong: Chú luôn cảm thấy may mắn vì chọn đúng con đường. Mặc dù không có lợi nhiều về kinh tế nhưng nghề đã giúp chú và du khách tới phố Hội hiểu hơn về văn hoá và cái đẹp nước Việt. Sau này các học trò sẽ tiếp tục con đường của chú, dẫu chỉ là lối nhỏ để tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam.

Xin cảm ơn chú!

Nguyễn Hoàng Phương

Chuyên gia trưởng Tổ chức giáo dục – đào tạo PTI

Cố vấn trưởng của một số các DN


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái