Dù bận rộn việc nương rẫy, nhưng mỗi ngày, các nghệ nhân và cả những người trẻ vẫn dành thời gian cho việc đan lát với mong muốn gìn giữ nghề và bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu không bị mai một…
Sản phẩm làm nên từ sự tỉ mỉ, khéo léo
Tại Việt Nam, người dân tộc Cơ Tu sống tập trung tại 3 huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam và các huyện A Lưới, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế… Người Cơ Tu giỏi nghề điêu khắc gỗ, trang trí nhà Gươl, dệt thổ cẩm, đan lát…
Trong đó, nghề đan lát có truyền thống lâu đời, thể hiện sự cần mẫn, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người Cơ Tu. Tháng 10/2020, “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu” đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, những sản phẩm đan lát của đồng bào Cơ Tu đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan.
Nghề đan lát gắn liền với cuộc sống của người Cơ Tu. Ảnh: PLVN
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông B’hLinh Bloó ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hàng ngày vẫn cặm cụi đan lát. Ông cho biết, ông duy trì nghề đan lát cũng là để bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Những ngày cuối tuần hay lúc rảnh rỗi, ông thường dạy cho con cháu và những đứa trẻ trong thôn, xóm về nghề đan lát, nhắc nhở chúng và dân làng cùng biết yêu nghề, giữ nghề truyền thống mà ông cha người Cơ Tu để lại.
Theo ông B’hLinh Bloó, khi nói đến sản phẩm đan lát của người Cơ Tu, phải nói đến xà lếch – chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông, là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát. Ngoài ra còn có p’reng – một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn rất độc đáo mà trẻ em Cơ Tu theo mẹ mỗi khi đi lễ hội, hay P’rom- một loại gùi dành riêng cho phụ nữ để mang quà đi biếu mẹ cha…
Bên cạnh gùi, nghề đan lát của người Cơ Tu còn tạo ra nhiều loại vật dụng sinh hoạt một cách tỉ mỉ, khéo léo và chứa đựng những ý nghĩa văn hóa sâu sắc như rổ đựng, giỏ tuốt lúa, giỏ tỉa hạt, đơm bắt cá, dây buộc trâu…
Còn theo ông ALăng Phương (thôn Ra Ê, xã A Ting, huyện Đông Giang), kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu không khó, nhưng đòi hỏi tính kiên trì. Để tạo ra được một sản phẩm đan lát đẹp và tinh xảo thì phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đan, từ khâu tìm kiếm vật liệu đến sơ chế, kỹ thuật đan.
Nguyên liệu làm các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống là mây, tre, lồ ô, dứa, sợi guột… được lấy trong rừng và qua sơ chế. Với nhiều công đoạn: Chẻ tre, vót nứa, ngâm nước, đan… nên có sản phẩm chỉ mất 3 – 5 ngày, nhưng có sản phẩm phải trau chuốt mất nửa tháng mới hoàn thàn – ông ALăng Phương cho hay.
Giữ nghề – giữ gìn bản sắc văn hoá
Dù sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời, với sản phẩm đa dạng và tinh tế, nhưng trước xu thế xã hội ngày càng phát triển, nghề truyền thống này của đồng bào Cơ Tu có nguy cơ mai một. Nhiều sản phẩm truyền thống chỉ còn lại trong tiềm thức; thậm chí, còn rất ít người ở các buôn làng có thể đan được các sản phẩm truyền thống.
Ông ALăng Phương hoàn thiện một sản phẩm đan lát. Ảnh: toquoc.vn
Trước tình hình đó, các địa phương đã có giải pháp quan tâm động viên các nghệ nhân, bà con nhân dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc mình.
Tại huyện Đông Giang – nơi có hơn 75% dân số là đồng bào Cơ Tu, UBND huyện đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án như dự án Trường Sơn Xanh, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft)… để hỗ trợ, khôi phục nghề truyền thống.
Trong năm 2022, với việc khởi động lại hoạt động du lịch, huyện Đông Giang đang triển khai tổ hợp tác đan lát để giữ nghề, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường cho sản phẩm… tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Đặc biệt, huyện xác định việc gìn giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi quan trọng trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghề đan lát mây tre.
Từ năm 2020, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ hợp tác với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hỗ trợ trên 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây và đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con.
Thực hiện dự án, 150 ha nguyên liệu mây đã được trồng mới dưới những tán rừng và 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình cũng được đào tạo nghề để tạo nên những sản phẩm mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống.
Học viên nữ Cơ Lâu Thị Bình tham gia lớp học nghề đan lát và những sản phẩm tự tay chị làm ra. Ảnh: toquoc.vn
Để bảo tồn nghề truyền thống, ông ALăng Phương và một số nghệ nhân đã được UBND huyện Đông Giang mời truyền dạy tại lớp học nghề đan lát cho gần 50 học viên trẻ Cơ Tu.
Sau khoảng một tuần tham gia lớp học, các học viên đã nắm được những kỹ thuật đan lát cơ bản và có thể tự mình tạo ra sản phẩm mới. Đặc biệt, có cả một số học viên nữ theo học, điều này đã xóa đi quan niệm đan lát là nghề của đàn ông.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí khôi phục lại nghề đan lát tại các xã của huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… Con em đồng bào Cơ Tu tại các làng được học nghề và giới thiệu mẫu đan lát, mây tre của các tỉnh bạn và sản phẩm làm ra đã bán được cho du khách. Nghề đan lát bây giờ đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam.
Một số hình ảnh về nghề đan lát độc đáo của đồng bào Cơ Tu. (Nguồn ảnh: Báo Tin tức)
Thế Vũ
Nguồn báo điện tử Công Luận
https://www.congluan.vn/nguoi-co-tu-gin-giu-nghe-truyen-thong-dan-lat-post204946.html