Người anh hùng không có huân chương

11:36 | 21/02/2022
Jean Sainteny là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp người Pháp có số phận gắn liền với một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Trong cuốn sách mang tính hồi ức “Đối diện với Hồ Chí Minh” (Face à Ho Chi Minh) ông đã viết rằng khi bắt đầu bước vào đời với công việc của một nhân viên an ninh ông lại hành nghề tại thành phố Tours, đúng vào thời điểm và địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc- sau này là Hồ Chí Minh đã bước vào con đường hoạt động chính trị khi tham dự Đại hội 18 của Đảng Xã hội Pháp (12-1920).
Một phần tư thế kỷ sau, với cương vị là một quan chức tình báo trong Thế chiến II (5èm Mision), rồi hoạt động ngoại giao, J.Saiteny là người có mối quan hệ đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng thay mặt chính phủ của mình tháp tùng vị Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Pháp (1946) và ông cũng thuộc nhóm những chính khách thiện chí muốn tìm những giải pháp hoà bình cho quan hệ Pháp-Việt nhưng không thành…
3-1946 Sainteny mặc vest trắng trong buổi CTHCM tiếp Leclerc tại HN
Để rồi cuối năm 1954, sau Hiệp định Genève khi quân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội và miền Bắc nước ta, thì ông lại đi ngược dòng các đoàn quân viễn chinh để vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại toà nhà của Phủ Toàn quyền cũ giữa lòng Hà Nội để nhận cương vị Tổng đại diện của Chính phủ Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và J.Sainteny không quên kể lại cái cảm tưởng khi thấy vị Chủ tịch đón sẵn ở cửa với bàn tay giang rộng và lời chào cởi mở :”Nào, bây giờ thì chúng ta lại hợp tác với nhau!”.
Và 15 năm sau đó, giữa lúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chưa kết thúc, tháng 9-1969, một lần nữa J.Sainteny lại có mặt ở Hà Nội. Ông là người đứng đầu một phái đoàn duy nhất của một nhà nước Phương Tây đến dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sách của mình, ông đã thuật lại cảm xúc khi đứng trước linh cữu người đã khuất, con người đã “đẩy nước Pháp trở về với hình lục lăng bé nhỏ ban đầu của nó” sau khi hệ thống thuộc địa đã tan vỡ kể từ cuộc Cách mạng 8-1945 và Điện Biên Phủ (1954). Cảm xúc ấy đã mang đến cho J.Sainteny một nhận xét tinh tế khi đứng trước hình hài người đã khuất : trong bộ quần áo kaki quen thuộc xuất hiện từ ngày tuyên bố nước Việt Nam độc lập, dưới chân là một đôi dép lốp cắt ra từ môt chiến lợi phẩm trong chiến tranh và trên ngực không một tấm huân chương nào, Hồ Chí Minh nằm đó, tựa như một ông già đang ngủ…
Paris 2-7-1946 Saiteny đứng phía sau CTHCM trong buổi Thủ tướng Pháp Bidault tiếp
Thực ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận một tấm huân chương (có thể là duy nhất chăng ?). Đó là tấm “Huân chương Du kích” được Tổng thống nước Cộng hoà Indonesia Sukarno trao tặng ngày 7-3-1959 nhân chuyến đi thăm “Đất nước của những hòn đảo dừa”. Trong đáp từ, nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích nổi tiếng trong lịch sử hiện đại Việt Nam nói : “Tôi rất sung sướng nhận Huân chương và sẽ trao lại vinh dự này cho toàn thể nhân dân Việt Nam, một dân tộc đã từng và đang tiếp tục cầm súng đánh du kích chống chủ nghĩa thực dân như nhân dân Inđônêxia đã từng”.
Hơn 3 tháng sau, ngày ngày 27-6-1959, tại Hà Nội, nhân chuyến đi thăm nước ta của Tổng thống Sukarno, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trân trọng trao tặng cho người đứng đầu nước bạn tấm Huân chương Kháng chiến Hạng nhất và nói rằng : “Tổng thống là vị lãnh tụ đầu tiên của một nước bạn mang Huân chương cao quý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Đó là những tấm huân chương biểu thị tình hữu nghị giữa hai quốc gia vốn gần gũi nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
1959 , tại Jakarta, Tổng thông Sukarno gắn Huân chương Du Kích cho CtHCM
Và có một lần, ngày 8-5-1963 , tại diễn đàn khai mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu : “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng, đó là tin Quốc hội có ý định tặng tôi Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta, Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy, vì sao ? Vì huân chương là để tặng thưởng người có công huân nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này : Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình, Bắc Nam xum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi tấm huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
Rồi chỉ vài năm sau, ngày 6-11-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi một bức điện tới các nhà lãnh đạo Liên Xô vào thời điểm trước ngày kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Bức điện cho biết mình đã biết tin được tặng thưởng Huân chương Lê Nin. Nhưng giữa lúc đang phải tập trung sức lực đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà “riêng tôi được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lê Nin thì lòng tôi không yên chút nào”, Vì lẽ đó, “xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao phần thưởng cực kỳ cao quý ấy” để đến ngày chiến thắng, đất nước chúng tôi hoàn toàn giải phóng thì “tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi trân trọng và vui mững lãnh lấy Huân chương mang tên Lê Nin vĩ đại”.
40 năm sau đó, năm 2003, tôi tham gia Quốc hội mới được 1 năm, nhớ lại sự việc ấy, tôi viết thư tới Quốc hội nhắc lại câu chuyện cũ như một “món nợ” lịch sử. Khi đó, Liên Xô đã sụp đổ thì không nói đến tấm Huân chương Lênin làm gì (mới đây TBT Nguyễn Phú Trọng vừa được Đảng cộng sản Nga tặng Giải thưởng Lênin ), nhưng đất nước Việt Nam đã thống nhất được 28 năm, vậy mà Quốc hội quên thực hiện điều Bác mong ước đã bày tỏ thành lời trước Quốc hội: ” Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình, Bắc Nam xum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi tấm huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”…
1959 tại Hà Nội CtHCM gắn Huân chương Kháng chién cho Tổng thống Sukarno
Biết chuyện này có người trách tôi hay “bới chuyện cũ”, có người khen việc tôi làm là cần thiết. Riêng tôi chỉ nghĩ “nhắc vở” là cái nghiệp của nghề làm sử…Ít hôm sau, bên Quốc hội trao đổi với tôi rằng bây giờ mà tổ chức truy tặng thì cũng “thế nào ấy” (tức là nhận rằng mình đã quên). Nhưng cuối cùng đã đưa ra một giải pháp tình thế, cho thế là thỏa đáng.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XI, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 113, ngày 19-5-2003, sau phút mặc niệm, Chủ tịch Quốc hội khóa XI đã trịnh trọng nhắc lại sự kiện 40 năm trước đó (1963) và nói rằng sẽ không có tấm huân chương nào xứng đáng với những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chính toàn bộ sự nghiệp mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng như mong ước của người đã khuất…
Đúng là làm chính trị biến báo giỏi thật. Nhắc lại câu chuyện cũ vào thời điểm này hẳn cũng ít nhiều mang tính thời sự quanh những tấm huân chương kẻ ban người nhận, dù biết rằng, như người đời vẫn nhắc “tấm huân chương nào chẳng có hai mặt”. QXN
Dương Trung Quốc

Cùng chuyên mục

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

Hướng sang nguồn sáng phương Đông

Hướng sang nguồn sáng phương Đông

Sáng tạo cho những tác phẩm sân khấu hay cho thiếu niên nhi đồng

Sáng tạo cho những tác phẩm sân khấu hay cho thiếu niên nhi đồng

Văn hóa người làm báo phải được liên tục tích lũy, bồi đắp, nâng cao

Văn hóa người làm báo phải được liên tục tích lũy, bồi đắp, nâng cao

Sư Minh Tuệ – một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

Sư Minh Tuệ – một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ