Sau gần một tháng khai mạc Không gian Nghệ thuật sáng tạo Ego người với 240 bức tranh vật liệu tổng hợp và hơn 140 bức tượng chiếm toàn bộ 3000m2 ở tầng 2 Bảo tàng Hà Nội với 17 không gian liên thông gây choáng cho giới mỹ thuật VN và quốc tế, tối 22/12/2022, GSVS, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính lại tiếp tục cho khai trương Không gian Nghệ thuật sáng tạo Thông linh với 50 bức tượng lớn được trưng bày rất công phu theo nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Hai Không gian này kết hợp thành một Không gian Nghệ thuật sáng tạo Ego – Thông linh đầy mê hoặc chiếm lĩnh phần lớn không gian rộng lớn của Bảo tàng Hà Nội. Nhiều người coi đây là hiện tượng mỹ thuật ấn tượng nhất trong năm 2022 là niềm tự hào của nghệ thuật VN trên đường hòa nhập với thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
GSVS, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính đã tâm sự về những khát vọng thầm kín mình muốn đạt tới qua hai cuộc triển lãm đầy tâm huyết và rất tốn kém này:
“Nếu như Ego – Người là nơi con người tìm thấy bản ngã của chính mình thì Thông linh sẽ là câu chuyện về đô thị, là nơi con người thông linh với đất trời, nơi những giá trị nguyên sơ nếu không gìn giữ sẽ bị mai một, mất dần theo năm tháng. Con người cần tìm về với nguồn gốc, bản ngã, nơi chứa đựng những điều đơn sơ, nguồn cội để lao động, sáng tạo và cống hiến vì cộng đồng, tương lai vươn tới. Đây sẽ là câu chuyện về đô thị trong kỷ nguyên mới, là nơi con người giao cảm với đất trời, nơi những giá trị nguyên sơ nếu không gìn giữ sẽ bị mai một, mất dần theo năm tháng. Con người cần tìm về với nguồn gốc, bản ngã, nơi chứa đựng những điều đơn sơ, nguồn cội để lao động, sáng tạo và cống hiến vì cộng đồng và tương lai. Ego-Thông Linh đang mở ra không gian mới, không gian của sự hòa quyện bản ngã con người và tương lai của xã hội để tạo ra những giá trị tốt đẹp trong chính cuộc sống cộng đồng và cho chính mỗi người. Đó là sự hòa mình của con người với đất trời để bản ngã được giải phóng và phát huy giữa cái chung cộng đồng hướng đến không gian đô thị hiện đại”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, đánh giá cao những đóng góp của Ngô Xuân Bính qua hai cuộc triển lãm lớn nhất của một nhà hoạt động mỹ thuật VN:
“Chỉ trong vài năm, họa sỹ Ngô Xuân Bính đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm để làm nên hai triển lãm quy mô đồ sộ, có thông điệp nghệ thuật mạnh mẽ. Triết lý nhân sinh trong tác phẩm đã nói lên số phận của con người trong vũ trụ. Công trình nghệ thuật của họa sĩ Ngô Xuân Bính mang đến một ngữ điệu lạ, cách nhìn lạ trong một không gian lạ, tạo nên không gian sáng tạo của nghệ thuật đương đại. Bởi vậy, triết lý nhân sinh len lỏi trong những tác phẩm của họa sĩ đã nói lên tất cả về con người họa sĩ, về kiếp phận người đời. Sự tinh túy, cô đọng mà cách họa sĩ tạo nên ngôn ngữ của điêu khắc đương đại cũng đang bám chặt lấy những câu chuyện, những tâm tình mà họa sĩ Ngô Xuân Bính đang muốn gửi đến công chúng. Họa sỹ Ngô Xuân Bính là người tiên phong mở ra xu hướng nghệ thuật đô thị trong thời đại mới, vừa hiện đại, vừa đậm nét truyền thống. Do đó, việc trưng bày các tác phẩm của ông tại Bảo tàng Hà Nội mang đến cho công chúng cách nhìn mới mẻ về điêu khắc đương đại Việt Nam”.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, nhà điêu khắc hàng đầu của mỹ thuật VN cũng vô cùng phấn khích trước những tác phẩm nghệ thuật của Ngô Xuân Bính, đã phải thốt lên: “Bất ngờ kinh ngạc đến lạc lối trước nghệ thuật của Ngô Xuân Bính. Gần bốn tháng trôi qua, thụ cảm ám ảnh cứ bùng nổ khi ban đầu chỉ là tình cờ cùng bạn đến thăm xưởng vẽ của Bính. La liệt tranh sơn mài cỡ lớn chồng xếp, la liệt phác thảo và tác phẩm điêu khắc, không còn đủ chỗ tiến lùi, không còn khoảng trống xê dịch… mà hưởng phiêu diêu, siêu thoát, phun trào không thể cưỡng nổi, hiểu nổi, thật khó giải thích, thật khó diễn tả bằng ngôn từ. Tôi chỉ biết bất ngờ kinh ngạc, kinh ngạc bất ngờ bởi cảm xúc tinh khôi mới lạ, hồn hậu, sinh thực, viên mãn vô thường ập đến. Bính phóng khoáng, hào sảng. Bính tự do, trí tuệ. Bính hồn hậu, phồn sinh. Bính thiên cảm, nhân ái. Trí tưởng tượng dị thường áp ngột cảm xúc thiên phú trời ban. Tư tưởng, cảm xúc và ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm không giống ai, bởi Bính vẽ , Bính nặn và Bính tạc không từ cái nhìn thấy mà bằng nội lực trong óc- trong tủy. Hành pháp sống còn lao động như điên, như dại miền vô thức thiêu đốt hoang vu thiên lạc đẹp khó hiểu mê hồn. Tôi ngỡ ngàng kinh dị trước cơ man tác phẩm của ông: nhà họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà bác học”.
Họa sĩ Lê Văn Thìn, bạn học của Ngô Xuân Bính từ thời Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, người đã từng triển lãm chung với Ngô Xuân Bính trong hai cuộc triển lãm năm 2017 và 2019 thì càng “hãi hùng” với những gì mà bạn mình đã làm được.:
“Sau hai siêu triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội1 (Triển lãm Du và Dội, triển lãm “Niệm”) của họa sĩ Ngô Xuân Bính mà cố họa sĩ giáo sư Đỗ Hữu Huề (người từng giảng dạy tại Đại học mỹ thuật Yết Kiêu, 1990 định cư tại Vương quốc Anh, luôn quan quan tâm theo dõi sự phát triển nghệ thuật tại Âu Mỹ) đánh giá ngang tầm các triển lãm cá nhân lớn của thế giới. Họa sĩ Mai Long và cố họa sĩ Trần Lưu Hậu khi tới xem triển lãm Du và Dội; Niệm đã nói: “Họa sĩ Ngô Xuân Bính là người khổng lồ thời Phục hưng còn sót lại”.
Những tưởng thành công của hai siêu triển lãm đã lập nên những kỉ lục mới, đỉnh cao mới khó ai có thể vượt qua. Nhưng thật hãi hùng khi triển lãm EGO-Người và triển lãm Thông linh lại mang thêm hàng trăm bức tranh sơn dầu sơn mài tổng hợp khuôn khổ lớn, đẹp hơn, độc đáo hơn xuất hiện cùng cánh rừng điêu khắc với hơn 140 bức tượng cỡ vừa và cỡ lớn đã biến họa sỹ Ngô Xuân Bính- Người phi thường luôn thách thức và phá vỡ mọi giới hạn như nhận xét của họa sĩ Trần Luân Tín.
Còn họa sĩ Hồng Việt Dũng thành viên của nhóm Gang Of Five, nhóm nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi Mới (gồm Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Phạm Quang Vinh), người luôn xuất ngoại và luôn cập nhật đời sống mỹ thuật thế giới, thì cho rằng Ego người và Thông linh chắc chắn không chỉ làm bàng hoàng giới mỹ thuật VN mà còn cả thế giới. Bởi theo anh, chưa từng có một triển lãm mỹ thuật cá nhân nào trên thế giới lại lớn như Ego người – Thông linh của Ngô Xuân Bính.
Ego người và Thông Linh còn phục vụ người hâm mộ mỹ thuật trong và ngoài nước tại Bảo tàng Hà Nội đến hết tháng 3/2023
Hoàng Anh (VHVN)