Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì là Di sản văn hóa quốc gia

10:22 | 03/06/2023

Với sự tài hoa trong nghệ thuật thêu, can, ghép vải, dân tộc Hà Nhì đã tạo ra nét độc đáo riêng, rất đặc sắc cho bộ trang phục truyền thống.


Tại Quyết định số 1404/QÐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, tri thức dân gian Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dân tộc Hà Nhì tại tỉnh Điện Biên có khoảng 4.500 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Nhé, tập trung ở các xã Mường Nhé, Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn và Chung Chải, trong đó xã Sen Thượng và xã Sín Thầu là vùng đất cư ngụ lâu đời, đồng thời cũng là vùng đất lõi để người Hà Nhì tỏa đi sinh sống ở các địa bàn khác.

Ngay từ nhỏ các bé gái dân tộc Hà Nhì đã được mẹ, chị và bà dạy cách khâu vá, thêu thùa. Ảnh: Sở VHTTDL Điện Biên

Hiện nay, người Hà Nhì còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: Tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống…

Trong đó có trang phục truyền thống của người phụ nữ Hà Nhì thể hiện trình độ nghệ thuật, kỹ thuật điêu luyện, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… phản ánh sâu sắc nhân sinh quan, thế giới quan về vũ trụ, vạn vật, cảnh quan thiên nhiên cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của cộng đồng, tình cảm, ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp.

Người Hà Nhì cư trú nhiều ở vùng núi cao, tương đối cách trở cho nên từ xưa, người Hà Nhì đã rất phát triển nghề trồng bông, dệt vải. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì vẫn luôn tồn tại, gìn giữ và có sức sống lâu bền. Với sự tài hoa trong nghệ thuật thêu, can, ghép vải trên trang phục, dân tộc Hà Nhì đã tạo ra nét độc đáo riêng cho trang phục truyền thống.

Ngay từ nhỏ các bé gái dân tộc Hà Nhì đã được mẹ, chị và bà dạy cách khâu vá, thêu thùa để khi lớn các thiếu nữ phải tự mình làm ra bộ trang phục đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, lễ, tết và tạo ra những sản phẩm, trang phục truyền thống cho gia đình.

Bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì được làm khá công phu, nhất là bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ đều được làm thủ công. Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu cho đến cắt, khâu, thêu, chắp nối các mảnh vải lại với nhau để tạo thành từng bộ phận, chi tiết như: Thêu viền cổ, viền nách, tà áo, vạt áo; đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc ghép, nối các mảnh vải màu trên ống tay áo và gắn, đính các hạt kim loại phía trước ngực áo… sau đó mới chắp ghép may thành chiếc áo hoàn chỉnh.

Thêu thùa là một trong những việc quan trọng của mỗi cô gái Hà Nhì, qua các đường nét hoa văn người ta có thể đánh giá được sự khéo léo, tính kiên trì và khả năng sáng tạo của người phụ nữ.

Tùy vào sở thích, trí tượng tượng của mỗi người và phù hợp với từng đối tượng sử dụng mà mỗi bộ trang phục của Hà Nhì có những đường nét, hoa văn trang trí khác nhau, nhưng nhìn chung hoa văn trên trang phục của người Hà Nhì được thêu tỉ mỉ, từ đơn giản đến phức tạp, mô típ hoa văn phong phú, độc đáo, thông thường là các hoa văn hình móc xích, hình dấu nhân, hình quả chám, mặt trăng, mặt trời, hình núi, hình sao, hình hoa lá; hình ảnh các con vật…

Người Hà Nhì có kỹ thuật chắp, ghép, can vải tinh tế, bố cục chặt chẽ, màu sắc sử dụng phổ biến là đỏ, vàng, trắng, xanh nổi bật trên nền vải đen, có lẽ do vậy mà mỗi bộ trang phục của dân tộc Hà Nhì nơi đây giống như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, kỹ thuật thêu, chắp ghép vải…

Cùng với việc tạo ra trang phục cho mình, phụ nữ Hà Nhì còn có trách nhiệm tạo ra trang phục cho các thành viên khác cho gia đình.

Nghệ thuật làm trang phục của dân tộc Hà Nhì được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Sở VHTTDL Điện Biên

Thêu thùa là một trong những việc quan trọng của mỗi cô gái Hà Nhì. Ảnh: Sở VHTTDL Điện Biên

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì với đôi bàn tay khéo léo, tài năng, sự cần mẫn, sáng tạo và tính thẩm mỹ cao đã tạo ra những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình

Hiện nay, dân tộc Hà Nhì còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc

Nếu hoa văn trang trí trên bộ trang phục của người phụ nữ Hà Nhì đa dạng và sinh động, thể hiện sự độc đáo, tinh xảo, tài hoa thì trang phục nam giới được cắt, khâu đơn giản thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, giản dị với màu sắc trầm, chủ yếu là màu đen, màu chàm.

Đến nay, người Hà Nhì vẫn luôn xem bộ trang phục dân tộc là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình, được truyền lại cho lớp lớp con cháu.

Việc ghi danh Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tri thức dân gian đặc biệt này và gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… đặc sắc của dân tộc Hà Nhì.

T.Toàn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nghe-thuat-lam-trang-phuc-cua-nguoi-ha-nhi-la-di-san-van-hoa-quoc-gia-post250126.html#p-3

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”