Nghệ sĩ hài kể chuyện vui “bói Kiều” ngày Tết

17:22 | 28/01/2023

Các soạn giả cải lương thường chọn ngày tốt để khai bút đầu năm. Đây cũng là dịp một số soạn giả lớn tuổi “bói Kiều” đầu năm cho nghệ sĩ.


Năm nào cũng vậy, vào những ngày đầu năm mới, thường khoảng từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, các đoàn nghệ thuật đều tổ chức cúng Tổ tại sân khấu.

Các soạn giả cải lương thường chọn ngày tốt để khai bút đầu năm. Đây cũng là dịp một số soạn giả lớn tuổi mở “Truyện Kiều” để “xem bói” đầu năm cho nghệ sĩ.

Danh hài Bảo Quốc và NSƯT Trịnh Kim Chi

Nghệ sĩ Hồng Nga cho biết nghệ sĩ các đoàn hát thường muốn xem vận hạn cả năm thế nào. Soạn giả Hoa Phượng từng “bói Kiều” để đoán vận hạn cho bà.

Theo nghệ sĩ Hồng Nga, “Truyện Kiều” được các soạn giả dùng “xem bói” được thiết kế khác với sách thông thường. Trang bên phải và bên trái liền kề nhau có chung nội dung, mỗi trang chỉ có 4 câu thơ viết bằng chữ thư pháp.

Nghệ sĩ Hồng Nga nhớ lại: “Với vẻ mặt nghiêm trang, soạn giả Hoa Phượng nghĩ ngợi khoảng vài phút rồi phán: “Nga, số của cô sẽ đóng vai bà ngoại đến trọn đời”! Tôi đề nghị ông “bói” lại chứ đi hát mà không được làm đào, làm mụ thì buồn lắm. Ông cười: “Cô yên tâm, vai ngoại nhưng hay”. Tôi nài nỉ: “Vai bà ngoại cũng được nhưng các “cháu ngoại” của tôi phải nổi tiếng nhé”. Soạn giả Hoa Phượng cười ngất: “Cháu của cô toàn là ngôi sao, cỡ Thanh Sang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương…, chịu chưa?”!

Nghệ sĩ Hồng Nga

Nghệ sĩ hài Tấn Beo không thể nào quên chuyện “bói Kiều” của cha mình – “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài. Đầu năm mới, tất cả thành viên trong gia đình, đoàn hát – trừ trẻ con – đều được mở “Truyện Kiều” 1 lần để nghệ sĩ Tấn Tài xem và đoán. Mở “Truyện Kiều” cũng phải theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” – nam dùng tay trái, nữ tay phải.

“Vốn là thầy giáo nên ba tôi rất rành thơ “Kiều”. Ba tôi giải thích “Truyện Kiều” nói về thân phận con người, về những nghịch cảnh, gửi gắm thông điệp về sự phấn đấu không ngừng, vượt qua những gian khó để thành công” – Tấn Beo cho biết.

Danh hài Tấn Beo và cha – cố nghệ sĩ Tấn Tài

Theo nghệ sĩ Tấn Beo, nghệ sĩ Bé Hoàng Vân – người chuyên đóng vai hài – không biết chữ nhưng “Truyện Kiều” thì nhớ như in. Khi nghệ sĩ Tấn Tài “bói Kiều”, bà Bé Hoàng Vân khấn rất vui: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy Kim Trọng, Thúc Sinh…”.

“Khấn xong, bà nhắm mắt lại và mở “Kiều”, trúng 4 câu “Một lời đã trót tâm giao/ Dưới dày có đất trên cao có trời. Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh”. Bà reo lên vui mừng, cho rằng “lời tử sinh” chính là trọn kiếp theo nghề hát. Quả thật, bà Bé Hoàng Vân theo nghề hát đến tuổi 76 mới rời xa sàn diễn do bị thấp khớp, đi lại khó khăn. Bà qua đời vào tháng 5-2022, để lại nhiều thương tiếc cho giới nghệ sĩ” – nghệ sĩ Tấn Beo kể.

NSND Ngọc Giàu và NSƯT Lê Thiện đọc thơ “Kiều”

Theo NSƯT Bảo Quốc, từ khi “Truyện Kiều” ra đời, rất nhiều tác giả sân khấu, soạn giả cải lương đã sáng tác những tác phẩm mang nét văn hóa độc đáo. Trên sân khấu cải lương, soạn giả Quý Sắc đã sáng tác 3 kịch bản về “Kiều”: “Trăng thề vườn Thúy”, “Má hồng phận bạc”, “Từ Kiều ly hận”. Sau này, “Kiều” còn được chuyển thể phim ảnh, kịch nói, múa rối, chèo, hát bội…

“Nét độc đáo ngày xuân chính là “bói Kiều”. Giới nghệ sĩ sân khấu rất quý trọng tác phẩm văn học của đại thi hào Nguyễn Du. Kiều là vai diễn không phải nữ nghệ sĩ nào cũng có thể diễn thành công” – NSƯT Bảo Quốc nhìn nhận.

NSND Đinh Bằng Phi và NSƯT Thành Lộc

NSND Ngọc Giàu cho rằng cả giới bình dân lẫn trí thức đều có thể “bói Kiều”. Khi sang Pháp biểu diễn dịp Tết Nguyên Đán 2012, bà đã gặp một số trí thức Việt kiều tại Paris và họ vẫn giữ thói quen “bói Kiều” đầu năm.

Trong khi đó, NSND Đinh Bằng Phi – nhà nghiên cứu sân khấu kỳ cựu – cho biết trong cuốn “Việt Nam phong tục”, học giả Phan Kế Bính (1875 – 1921) đã viết về tục “bói Kiều”: “Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi nhưng cũng nhiều khi nhiều người cho là nghiệm”.

NSƯT Tú Sương vai Kiều trong vở “Má hồng phận bạc”, cùng diễn với NSƯT Vũ Linh vai Thúc Sinh

“Bói Kiều ngày nay đã mai một nhiều khi những người “giữ hồn” cho “Truyện Kiều” ở các đoàn hát, những soạn giả giàu kiến thức văn chương theo thời gian đã không còn nữa. Song, thực tế vẫn còn nhiều người yêu “Kiều”, thuộc “Kiều” và nhiều nghệ sĩ trẻ háo hức được thể hiện các nhân vật trong “Truyện Kiều”. Những dòng chảy này sẽ nối tiếp không ngừng và công chúng sẽ được thưởng thức cách kể chuyện “Kiều” mới mẻ, tươi tắn hơn” – NSND Đinh Bằng Phi lạc quan.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn Báo Người Lao Động

https://nld.com.vn/van-nghe/nghe-si-hai-ke-chuyen-vui-boi-kieu-ngay-tet-20230124082330243.htm

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử