Đền Đa Hòa (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), là nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân. Đền Đa Hòa là nơi lưu giữ nhiều cổ vật giá trị, trong đó có đôi lọ bách thọ từ thời Lý rất quý giá. Trải qua thời gian, đôi lọ đã không còn được toàn vẹn. Nhận thấy giá trị lịch sử và giá trị tinh thần rất lớn, Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ đã tái tạo lại đôi lọ bách thọ huyền thoại ngày nào. Thông qua Công ty Natrumax, đôi lọ bách thọ của nghệ nhân Trần Độ vừa qua đã được dâng tại đền Đa Hòa, đưa tuyệt tác trở về với chính nơi nó xuất hiện.
Linh thiêng đền Đa Hòa
Từ xa xưa, tại bến Đa Hòa nơi nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên bên kia sông Hồng, dân chài lưới lập một hành đài thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Các nhà buôn mỗi lần đi qua đây để lên Kẻ Chợ hoặc xuống Phố Hiến cất hàng, bán hàng đều dừng thuyền lên đền thờ vọng này thắp hương khấn cầu Chử Đồng Tử – Tiên Dung phù hộ. Và các quan, có năm không vào được đền Hóa, tổ chức lễ dâng hương ngay tại hành đài này. Ngôi đền nhỏ, cheo leo trên bờ sông dốc đứng nhưng ngày đêm rực rỡ hương đăng, tấp nập khách thập phương lễ bái.
Chính trên cơ sở ngôi đền này, năm 1894, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở đã xuất thần nảy ra ý tưởng xây dựng hành đài trở thành một ngôi đền lớn, đền chính. Chu Mạnh Trinh khiêm tốn khắc vào bia đá rằng đây chỉ là một sự tiếp nối, trùng tu, thực ra, ông đã thiết kế chỉ huy xây dựng một ngôi đền hoàn toàn mới, lớn và đẹp hơn hẳn đền cũ, với ý đồ táo bạo nhằm biến nơi này thành một thắng cảnh, di tích lịch sử đồng thời là một nơi mở hội rước, thỏa mãn nhu cầu văn hóa dân gian.
Đền Chính Đa Hòa xây theo hướng chính Tây, trên một bãi đất bằng phẳng hình chữ nhật, rộng 18.720 mét vuông. Các công trình kiến chúc chia làm ba khu vực: khu ngoài, khu giữa và khu trong.
Toàn bộ cung điện thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung bao gồm 18 nóc đền tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Các nóc đều hình con thuyền, mũi cong, chia từng khoang đều đặn. Từ dưới sông nhìn lên, từ trên đê nhìn xuống đều thấy các mái đền nối tiếp nhau như một đoàn thuyền đang nhấp nhô ẩn hiện. Đoàn thuyền của nàng Tiên Dung 18 tuổi trôi về đây hay đã dừng chèo cắm sào nơi này vì công chúa vừa lên bờ đang từng bước đi trên cát tự nhiên.
Qua sân Đại là nhà Đại tế, tiếp đến sân Chầu, tòa Thiên Hương bấy giờ mới tới cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam và Hậu Cung. Nối liền các nóc là thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo… đối diện nhau qua sân Đại, sân Chầu. Đây là kiến trúc kiểu cung đình thời nhà Nguyễn, thế kỷ 19, lại biểu hiện rất rõ sự dung hợp hài hào giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, đậm đà màu sắc dân tộc Việt Nam.
Nét độc đáo của khu đền là tòa Thiên Hương (hương trời). Một lần nữa tác giả công trình nhấn đậm tiết lý Dịch học với tám mái cong, hai tầng, tám cột gỗ vuông đỡ ở bốn góc. Các đấu kê xà ngang, xà dài được đẽo gọt hình “con vác” mặt rồng, mình sư tử. Còn các búp sen đều nghiêng xuống như Trời đang ban hương xuống cho chúng sinh.
Trong hậu cung là tượng thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa công chúa. các pho tượng có độ cao, ngang bằng nhau, ngồi trên ngai sơn son thiếp vàng, trạm bong kênh rất tinh sảo. Ngồi giữa là Chử Đồng Tử, đầu đội mũ có chữ ‘vương’ nét mặt thông minh, thuần phác. Hai bên là nhị vị phu nhân, đầu đội mũ nữ hoàng, khuôn mặt nhân hậu hiền thục.
Điều đáng nói là ở đền Đa Hòa có những 6 pho tượng, đều là tượng đức thánh Chử và Nhị vị phu nhân. Ba pho tượng bên trong bằng đồng, ba pho tượng bên ngoài bằng gỗ. Đây là điều đặc biệt mà ít đình, đền nào có. Lý giải về việc này, ông Phạm Ngọc Thanh, ban quản lý đền Đa Hòa cho biết:
“Theo các cụ ngày xưa kể lại, bộ tượng trong hậu cung bằng đồng đen, trong những năm chiến tranh máu lửa đã bị Pháp mang đi. Nghe nói Pháp định cắt ra, nhưng thấy tượng đổ mồ hôi, mà tượng cứng quá, cưa, kéo lại không cắt được. Bọn chúng sợ quá phải đem trả lại, trong thời gian bị mất tượng, dân địa phương đã làm 1 bộ tượng bằng gỗ thay thế bộ tượng đã mất, sau khi Pháp trả thì để nguyên cả 2 bộ như hiện nay.”.
Ngôi đền trải qua thời gian càng được tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, rêu phong với sông nước bao la, cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Cây cối nơi đây cũng được chọn lọc để tập trung vào chủ điểm khẳng định sự bất tử của đức thánh Chử Đồng Tử cũng như mối tình tuyệt mỹ của ngài và công chúa Tiên Dung.
Tái tạo lại cổ vật quý giá
Hiện nay đền Đa Hòa còn được bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm như: Các ngai thờ, công trình điêu khắc gỗ thế kỷ 17, 18; Văn bia, bút tích, cây đàn thập lục sinh của ông Chu Mạnh Trinh từng gảy; Các kiệu bát cống, thất cống, khám, ngai, ỷ thờ… hạc đồng, đỉnh đồng… Chiếc vạc đồng rất lớn đặt trước tòa Thiên Hương, có hai rồng cuốn hai bên…
Đặc sắc nhất phải kể đến đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc có từ thời nhà Lý. Tuy nhiên, đến năm 1987, kẻ gian dỡ mái ngói hậu cung đột nhập vào lấy trộm mất một chiếc. Bị truy lùng gắt gao, chúng phải đem trả nhưng nhận lại chỉ còn là những mảnh vỡ trong chiếc bao đay. Một người dân đã phải chẻ tre đan thành khung hình chiếc lọ và dính từng miếng một như cũ. Nhưng không lâu sau, chính chiếc lọ này lại bị trộm mất.
Nhận thấy giá trị lịch sử cũng như giá trị tinh thần vô giá của đôi lọ bách thọ, nghệ nhân Trần Độ (là nghệ nhân hàng đầu tại làng gốm Bát Tràng) đã quyết tâm tái tạo lại đôi lọ. Nghệ nhân Trần Độ cho biết:
“Đôi lọ bách thọ tôi biết đến gần 40 năm trước, khi đó tôi mới ngoài 20 tuổi. Tình cờ có cơ duyên đến với đền Chử Đồng Tử, lúc đó tôi biết được ở đền này có một đôi lọ vô giá của đất nước, nhưng bị kẻ gian đã nhiều lần lấy, và cũng bị vỡ mất mấy chục mảnh rồi. Thời gian đó, tôi đang đi sâu vào nghiên cứu tìm tòi và tạo tác lại các sản phẩm liên quan văn hóa lịch sử của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, trong đó không thể bỏ qua việc tái tạo lại đôi lọ bách thọ của đền Chử Đồng Tử. Trải qua nhiều khó khăn từ việc tìm tài liệu đến kỳ công chế tác thì nay tôi đã hoàn thành được đôi lọ bách thọ, hoàn thành được tâm nguyện của mình.
Đôi lọ bách thọ này sử dụng đất ở những núi thiêng, như đất ở núi Hùng – nơi đất tổ Vua Hùng; đất tại Kiếp Bạc nơi có chân khí của cụ Nguyễn Trãi; và đất tại vùng núi Đông Triều – Quảng Ninh là khu vực Thái miếu nhà Trần. Sau đó những loại đất này được hội tụ tại làng gốm Bát Tràng, được tạo tác và nung ở nhiệt độ 1250 độ C trên nền men xanh ngọc rạn. Chữ trên thân bình được dát vàng, những chi tiết hoa văn được giữ nguyên như phiên bản gốc. Đây là tác phẩm tâm huyết của tôi hướng đến giá trị văn hóa, giá trị cội nguồn của dân tộc.”.
Để đưa đôi lọ bách thọ về đúng nơi gốc tích là đền Chử Đồng Tử, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sữa và Dinh dưỡng Quốc tế Natrumax là doanh nghiệp đã đứng ra đấu giá thành công tác phẩm này và dâng về đền trong niềm hân hoan của người dân cũng như lãnh đạo địa phương. Đôi lọ bách thọ mang trong mình diện mạo mới nhưng giá trị về tâm linh, giá trị về tinh thần của đôi lọ này vẫn vẹn nguyên như thuở nào.
Bà Nguyễn Mai, Tổng Giám đốc Natrumax Việt Nam cho biết: “Natrumax là một doanh nghiệp rất quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đôi lọ bách thọ này chính là tác phẩm mang yếu tố thuộc về vật chất và tinh thần, đại diện cho cộng đồng, xã hội tồn tại qua hàng trăm năm nay. Nó là kết tinh của những điều tốt đẹp nhất mang trong mình tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, phong tục, tập quán…Việc đưa tác phẩm đôi lọ bách thọ của nghệ nhân Trần Độ về chính nơi gốc tích tại đền Đa Hòa cũng chính là tâm nguyện ấp ủ lâu nay của tôi và toàn thể ban lãnh đạo Natrumax. Hy vọng rằng với những việc làm nhỏ của Natrumax sẽ góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc”.
Đ.T/VHVN