Là những nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi, ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan suốt 40 năm qua luôn nỗ lực thắp lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong ký ức trẻ thơ.
Vẽ ước mơ từ những miền ký ức truyền thống
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ dẫn vào khu tập thể cũ thuộc phố Hàng Than, ngôi nhà nhỏ với ban công ngập tràn màu sắc của vợ chồng bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) nổi bật giữa con ngõ hoài cổ của Hà Nội xưa. Cặm cụi tô vẽ cho từng đứa con tinh thần của mình, ông bà Hòa – Lan xếp đầy ắp căn gác mái chưa đầy 30m2 những chiếc mặt nạ đặc biệt.
Mặt nạ giấy bồi được thổi hồn bằng những nét vẽ màu sắc của vợ chồng nghệ nhân Hòa – Lan – Ảnh: Phùng Linh
Không gian giản dị như chứa cả linh hồn của tết trung thu Hà Nội. Giữa nào màu, nào khuôn, nào bột hồ đang tôi,… Mặt nạ giấy bồi do vợ chồng bà Lan làm chiếc đã hoàn thiện, chiếc đang dở những lần sơn giữa nắng vàng của trời thu tháng 8.
Chia sẻ với phóng viên, bà Lan cho biết nghề làm mặt nạ giấy vốn là công việc gia truyền từ nhiều đời nay của gia đình bà. Được truyền dạy từ cách làm giấy, đúc khuôn đến cách phối màu, cả tuổi thơ của bà gắn liền với nghề làm mặt nạ. Trưởng thành và có công việc viên chức ổn định thế nhưng niềm đam mê làm mặt nạ giấy vẫn nhen nhóm trong tâm tưởng của bà. Vừa đi làm để trang trải cuộc sống, bà vừa tranh thủ cùng ông gây dựng danh tiếng với mặt nạ giấy bồi. Suốt 40 năm cố gắng gìn giữ nét đẹp truyền thống của gia đình là biết bao mồ hôi và khó khăn thường trực.
Duyên nghiệp với nghề là một chuyện, giữ được nghề lại là một chuyện khác. Kỳ công phải hàng tuần mới ra được một lô vài chục chiếc, mỗi chiếc mặt nạ được bán cũng chỉ trong khoảng 50.000 đồng. “Nhà tôi làm cả năm đến mùa trung thu mới có thể tiêu thụ ra thị trường, nhiều khi cháy hàng cũng không đủ mặt nạ để bán. Muốn kinh doanh làm kinh tế cũng rất khó khăn”, bà Lan tâm sự.
Ông bà Lan chau chuốt từng nét vẽ cho sản phẩm thủ công truyền thống – Ảnh: Phùng Linh
Thổi hồn vào những nét vẽ trau chuốt, tỉ mỉ… tuy nhiều đổi thay là thế nhưng ông bà vẫn kiên trì mong muốn bán hàng “vì cái tâm của mình chứ không phải chạy theo số lượng” như lời bà Lan nói. Không người con nào nối nghiệp của cha mẹ, không thuê thêm nhân công, vợ chồng bà cũng có rất ít truyền nhân, học nghề vì ông bà mong muốn truyền cho những người thực sự yêu thích và cố gắng nối nghiệp làm nghề mặt nạ giấy. Thế nên, ông bà Lan cứ túc tắc như vậy qua mỗi năm.
Số 81 Hàng Lược là địa điểm duy nhất phân phối sản phẩm mặt nạ truyền thống của gia đình bà. Trước đây từng có nhiều nhà buôn ở Hàng Mã đến mua hàng, nhưng thấy sản phẩm tâm huyết của mình bị trộn lẫn với nhiều hàng nhái, bà đã quyết định ngừng cung cấp vì muốn giữ gìn được giá trị thực sự của các sản phẩm truyền thống.
Không chỉ sản xuất và phân phối, theo xu thế của thời đại, căn áp mái đầu phố Hàng Than của nhà ông bà thi thoảng cũng được đón những vị khách đặc biệt. Đó là những đoàn khách nước ngoài đến du lịch đến thăm quan, rồi các bạn nhỏ yêu thích văn hóa truyền thống, ông bà Lan vui vẻ chia sẻ về công việc.
“Nhiều đoàn khách nước ngoài đến học thử cách làm mặt nạ, ăn thử bột sắn được hồ khi làm khuôn mà vui lắm. Các trường tiểu học cũng thường liên hệ để cho các cháu trải nghiệm và hiểu thêm về một nghề truyền thống tốt đẹp. Được tiếp đón càng nhiều đoàn khách, điều đó càng giúp cho nghề làm mặt nạ giấy không bị lãng quên”, bà Lan nói.
Những chiếc mặt nạ có hồn dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân cầm bút – Ảnh: Phùng Linh
Thổi hồn vào “rác”
Nghề làm giấy bồi đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mẩn với nhiều công đoạn khác nhau. Từ từng cân giấy cũ đã sử dụng, ông bà Lan đã cho giấy được tái sinh với một cuộc đời khác, màu sắc và ý nghĩa hơn.
Chia sẻ về quy trình làm giấy, một chiếc mặt nạ phải trải qua lần lượt 4 quy trình mới ra thành phẩm hoàn chỉnh bán ra thị trường. Từ những khuôn gia truyền do chính ông Hòa đổ nặn, mẫu mã mặt nạ từ đấy cũng “biến hóa” theo nhu cầu của các bạn nhỏ.
Ông Hòa chăm chút và tỉ mỉ với từng đứa con tinh thần của mình – Ảnh: Phùng Linh
Những khuôn bệ được đúc bằng tay do ông Hòa thực hiện luôn được thêm mới theo xu thế hàng năm – Ảnh: Phùng Linh
Mặt nạ làm từ giấy cũ với nguyên liệu tự nhiên không gây ô nhiễm môi trường – Ảnh: Phùng Linh
Mỗi chiếc mặt nạ là một cuộc đời mới của giấy, tâm huyết và khát vọng lưu giữ giá trị cổ truyền của bà Lan – Ảnh: Phùng Linh
Làm nên được hồn cốt và thần thái của mặt nạ là chuyện không hề dễ dàng. Người nghệ nhân cần tỉ mỉ ngay từ giai đoạn xé giấy, bồi keo, chỉ cần một chút sai sót thì mặt nạ sẽ không được láng mịn. Từ phần giấy đã sử dụng được con cháu trong nhà học hành để lại, hay thu mua từ người quen, 4 đến 5 lớp giấy được bồi liên tục để tạo nên từng lớp hồ mỏng nhẹ và tinh xảo nhất. Dưới ánh nắng tự nhiên, ông bà dùng kinh nghiệm lâu năm căn chỉnh, từng lớp mặt mạ cốt trắng được ra đời, trở thành những sản phẩm thủ công có tính thẩm mỹ, văn hóa cao lại thân thiện với môi trường.
Bà Lan cho biết, pha và đi màu trên từng sản phẩm đòi hỏi rất nhiều cảm nhận của người nghệ nhân. Làm sao để ra được màu sắc tươi tắn và hài hòa nhất, làm sao để thổi được cái thần thái, hồn cốt riêng vào từng nét vẽ đòi hỏi rất nhiều tâm huyết của vợ chồng bà. Quá trình tô màu được chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng và được đè nét lại nhiều lần. Từng chi tiết đi đến bước hoàn chỉnh phải vẽ rồi trải qua hàng chục lần phơi khô.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề mặt nạ giấy bồi, vợ chồng ông bà Hòa – Lan có một hành trình dài nuôi dưỡng và níu giữ những giá trị truyền thống. Trong quá khứ, mặt nạ giấy bồi từng là món đồ yêu thích của trẻ em Hà thành mỗi dịp trung thu, nhưng theo thời gian, mặt nạ bằng giấy thủ công dần không còn được ưa chuộng. Dẫu đối mặt với nhiều thăng trầm, song vợ chồng nghệ nhân vẫn luôn khát vọng bảo tồn giá trị nghề cổ truyền của gia đình và trăn trở với nghề làm mặt nạ bằng giấy thủ công đang mai một.
Phùng Linh
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/nghe-nhan-giay-boi-manh-hon-trung-thu-truyen-thong-cuoi-cung-giua-long-ha-noi-post210423.html#p-0