Những cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi được người dân xem như là “báu vật sống” của bản làng.
Trong câu chuyện với phóng viên, ông Lô Xuân Thái – già làng uy tín của bản Nật Trên, xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, ngày còn nhỏ, ông đã thấy 3 cây thị lớn nằm ở trung tâm bản được chia làm 3 góc hình tam giác. Còn theo bà con nơi đây, từ ngày những người đầu tiên đến lập bản thì đã thấy 3 cây thị này rồi.
“Năm nay đã ta đã 62 tuổi, khi mới lên 7 tuổi, đã nghe một cụ bà trong bản lúc đó 120 tuổi bảo, từ nhỏ đã thấy những cây thị này phát triển tươi tốt. Trong đó, cây thị lớn ở khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng bản, một cây ở phía đối diện và cây còn lại nằm trong vườn nhà dân. Người dân bản ta gọi cây thị trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng là “Có Pụ” với hàm nghĩa chỉ cây thiêng. Cây thị cổ thụ cũng được cho là nơi trú ngụ của vị thần cai quản linh hồn của người dân bản Nật Trên ta đó“, ông Lô Xuân Thái chia sẻ.
Cây thị cổ thụ trong khuôn viên nhà văn hóa bản Nật Trên.
Tuy nhiên, hơn chục năm trước, một cây đã bị chặt hạ và tại vị trí gốc cây bị chặt đã đâm chồi. Hiện nay, 2 cây đang sống được người dân tôn thờ, xem đó là “báu vật sống” của bản.
Ghi nhận của phóng viên, gốc cây thị trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng bản Nật Trên cao khoảng 25 m, tán lá xòe rộng hàng chục mét, gốc cây phải cần tới hơn 10 người ôm mới xuể. Bên gốc cây người dân xây một miếu thờ nhỏ để thắp hương cầu bình an cho cả dân bản.
Theo ông Lô Xuân Thái, những cây thị cổ thụ này trải qua hàng trăm năm luôn mang cuộc sống yên bình cho người dân nơi đây. Chính vì thế, hàng năm bản làng làm lễ cúng diễn ra vào ngày 20/2 và 15/3 âm lịch. Những ngày này, cả bản nghỉ việc nương rẫy, đồng áng.
Đến ngày lễ, mỗi gia đình làm một mâm cúng mang ra miếu thờ của bản cạnh cây thị và dâng lễ lên “tổ tiên” của mình. Mâm lễ vật được làm bằng moọc, chế biến từ cá, gạo giã nhuyễn và một số gia vị. Đặc biệt, trên mâm lễ vật không thể thiếu một chai rượu.
“Khi làm lễ, người đứng đầu bản cầu khấn với tổ tiên cho một năm được mưa thuận gió hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tươi tốt, mọi người được sức khỏe, cho các cháu học sinh chăm ngoan, học giỏi…“, ông Lô Văn Nguyên, Trưởng bản Nật Trên chia sẻ.
Sau khi làm lễ, bà con tập trung về nhà người đứng đầu bản mở hội rượu cần. Những năm gần đây, người dân trong bản chọn nhà văn hóa cộng đồng làm nơi hội hè. Phần hội trong ngày lễ của người dân bản Nật Trên thường diễn ra dưới tán cây thị cổ thụ.
Dân bản Nật Trên tin rằng, những người đầu tiên về đây lập bản đã trồng nên cây thị từ cách đây mấy trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm.
Theo ông Lô Xuân Thái, cây thị do Tạo Quảng Nật – người đứng đầu của bản – trồng. Trước đây, bản Nật Trên có tên gọi là bản Láng Lúm vì nằm dưới thung lũng. Khi ấy cả vùng chỉ có 3 bản là Láng Lúm, bản Cam (ngày nay đổi thành Na Ba) và bản Mờ.
Kể từ khi có ông Tạo Quảng Nật xuống khai quang lập mường, cai quản bản làng, người dân dần gọi là bản Nật. Sau này bản Nật tách thành Nật Trên và Nật Dưới.
Một số hình ảnh cây thị cổ thụ được cho là đã vài trăm năm tuổi ở miền Tây xứ Nghệ:
Những cây thị nằm ở bản Nật Trên, xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu được cho là độc đáo nhất miền Tây xứ Nghệ hiện nay.
Trên thân cây thị lại có một cây đa đâm chồi nảy lộc. Hiện nay riêng thân cây đa đã to khoảng 2 người ôm.
Tán cây thị xòe rộng khoảng 20m.
Dưới cây thị, hằng ngày các em học sinh vẫn ra chơi. Chính nơi đây, các giáo viên luôn căn dặn các học sinh của bản nhớ về cội nguồn.
Hằng năm, bản làng làm lễ cúng diễn ra vào ngày 20/2 và 15/3 âm lịch. Những ngày này, cả bản nghỉ việc nương rẫy, đồng áng.
Cây thị này cao hơn 25m, gốc có đường kính khoảng 12 người lớn ôm.
Trên cây thị được gắn một chiếc loa phóng thanh để thông báo các sự việc chung của bản làng.
Ông Lô Xuân Thái – già làng uy tín của bản Nật Trên, xã Châu Hoàn làm lễ khấn xin tổ tiên khi có khách ghé thăm. Ông Thái bảo, cứ hễ có khách đến thăm, thay mặt bà con ông mang rượu, hương ra thắp ngay miếu thờ dưới cây thị để báo cáo.
(theo Dantri)