Sang Israel học cách làm nông nghiệp công nghệ cao, chàng trai 9X Nguyễn Văn Sơn trở về quê Nghệ An, vay vốn rồi thuê đất để khởi nghiệp tạo nên một cánh đồng xanh trên sa mạc, với khát vọng làm đổi thay cách thức canh tác truyền thống.
Nuôi khát vọng về trang trại công nghệ cao
Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Hưng Khánh, H.Hưng Nguyên, Nghệ An) không theo đuổi sự nghiệp bàn giấy mà chuyển hướng khi quyết định quay về quê để làm nông nghiệp.
Sơn kể động cơ để Sơn thay đổi hướng đi cho đời mình là nhờ khóa học 1 năm ở Israel. Chứng kiến cách làm nông ở đất nước có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới này, Sơn bắt đầu thấy đam mê nghề nông và theo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp công nghệ cao.
Lãnh đạo H.Hưng Nguyên thăm mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của huyện do thanh niên Nguyễn Văn Sơn (giữa) khởi nghiệp. NVCC
“Ở bên đó, họ biến sa mạc thành những trang trại đẻ ra tiền. Nhìn những cánh đồng xanh ngát trên bãi cát trắng, mình rất nể phục họ và cứ khao khát một ngày nào đó, mình cũng sẽ làm được như họ”, Sơn nói.
Kỹ thuật tạo giống cây đã giúp cây trồng ở Israel thích nghi rất tốt với khí hậu khắc nghiệt. “Mùa hè nóng nực, nhưng bắp cải, một loại cây chỉ ưa lạnh, vẫn phát triển tốt. Công nghệ tưới, phân bón của họ cũng rất khác chúng ta. Điều tôi học được ở Israel là ý chí, nghị lực của họ đã tạo ra được một công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp”, chàng trai sinh năm 1991 nói.
Sinh ra ở vùng quê bãi bồi ven sông Lam, bố mẹ làm ruộng, Sơn quá hiểu công việc làm nông theo cách truyền thống của người dân vất vả nhưng thu nhập rất thấp. Sau 1 năm học tập ở Israel, Sơn nuôi khát vọng về nhà sẽ biến những cánh đồng ngô, khoai lang ít có giá trị kinh tế thành trang trại công nghệ cao. Để có kinh nghiệm, Sơn xin vào làm việc tại một công ty sản xuất rau, củ, quả của Tập đoàn TH. Công nghệ mới áp dụng để trồng rau, củ, quả ở vùng đất có điều kiện khá tương đồng với quê của Sơn đã giúp chàng trai này học thêm được nhiều kinh nghiệm quý.
Và sau gần 1 năm làm việc tại đây, chàng trai cử nhân ngành sinh học này xin nghỉ việc, quay về quê để thực hiện giấc mơ thay đổi cuộc sống ở vùng đất bãi bồi. Biết ý định này, bố mẹ Sơn tỏ ra thất vọng khi con trai được học hành chu đáo nhưng vẫn quay về bám đuôi trâu, không chịu thoát ly nông nghiệp. Chàng trai này đã phác thảo ra dự án nông nghiệp khác hẳn với suy nghĩ của bố mẹ để thuyết phục họ, khiến họ xiêu lòng.
Nguyễn Văn Sơn và cánh đồng rau ở trang trại thứ 2 thuộc TX.Cửa Lò. K.HOAN
Biến ruộng ngô thành trang trại “đẻ” ra tiền
Năm 2019, Nguyễn Văn Sơn thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ Phú Thịnh. Sơn thuê đất bãi bồi trồng ngô, khoai của người dân ở xã Hưng Khánh (H.Hưng Nguyên) để lập trang trại. Không có vốn, Sơn vận động bố mẹ cầm cố đất đai, nhà cửa để vay ngân hàng và vay những người thân quen. Với hơn 1 tỉ đồng vốn vay ban đầu, Sơn trả tiền thuê đất, đầu tư xây dựng 1.000 m2 nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động để trồng các loại: dâu tây, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, khoai lang Nhật, bí trắng Mỹ… Những loại cây trồng ngoại nhập này về với vùng đất nắng gió cũng tỏ ra thích nghi rất tốt. Tuy nhiên, để nó “đẻ” ra tiền cũng không phải là chuyện dễ dàng.
“Mình vừa phải học cách để trồng, chăm sóc cây, vừa phải đi tìm đầu ra cho sản phẩm, nói chung, thời điểm ban đầu cũng rất vất vả”, Sơn kể.
Nhờ đam mê và đã có chút kinh nghiệm nên “vạn sự khởi đầu nan” cũng qua. Kỹ thuật trồng và chăm sóc tốt, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định qua các đầu mối tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch và cửa hàng do Sơn tự mở, trang trại của Sơn từ năm đầu tiên đã “đẻ” ra tiền.
Cánh đồng dâu tây của Nguyễn Văn Sơn. NVCC
3 năm qua, trừ chi phí, mỗi năm Sơn thu về hơn 300 triệu đồng từ trang trại này. Năm 2021, Sơn xuống TX.Cửa Lò thuê 3,5 ha đất nông nghiệp bỏ hoang của người dân với thời hạn 15 năm để mở trang trại thứ 2.
Ngoài các loại giống cây trồng đã thành công ở trang trại đầu tiên, chàng trai 9X đang xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để trồng thêm vườn nho, vườn hoa hồng, đầm sen… để làm du lịch. Trang trại này nằm khá gần bãi biển Cửa Lò nên Sơn kỳ vọng ngoài việc sản xuất rau, củ, quả sạch còn tạo điểm đến thú vị cho du khách trải nghiệm hình thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các giống cây ngoại nhập.
Khởi nghiệp bằng nông nghiệp không chỉ để kiếm tiền, mục tiêu của chàng trai 9X là muốn góp phần làm thay đổi dần hình thức canh tác truyền thống manh mún, tạo ra sản phẩm an toàn, được kiểm soát chặt chẽ từ chất lượng đất, giống cây, phân bón và quy trình chăm sóc cây.
“Thực ra, làm nông nghiệp rất vất vả, nếu không đam mê, kiên trì thì rất khó theo đuổi, chưa kể rất nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường. Đất sản xuất nông nghiệp nhiều, nhưng chia nhỏ, manh mún nên để tích tụ cũng không dễ. Tuy nhiên, việc gì khó mà mình vượt qua được để thành công mới là điều đáng quý”, Sơn nói.
(theo Thanhnien)