“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.”( trích “Tuyên ngôn Độc lập”-Ngày 2/9/1945)
2/9/1945-đó là Ngày Thay đổi. Thay đổi thân phận một dân tộc. Thay đổi số phận mỗi con người. Ý nghĩa ấy của ngày Quốc khánh là chung cho tất cả các dân tộc có ngày ấy, chứ không riêng gì cho dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể tự hào, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta đã có ngày Quốc khánh-Ngày thay đổi số phận-của riêng mình. Và ngày ấy cũng xảy ra không quá muộn, từ 73 năm trước. Dù sau đó, hơn một cuộc chiến tranh đã ập xuống đất nước Việt Nam, ập xuống mỗi ngôi nhà người Việt, và chuỗi chiến tranh ấy vẫn chưa kết thúc ngay khi Việt Nam đã có một ngày Thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)
Nhưng xuyên qua chiến tranh, tàn phá, đổ nát, mất mát, nước Việt Nam mới khai sinh từ ngày 2/9/1945 đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi) làm ấm lòng bao bè bạn trên khắp năm châu. Từ chỗ là một nước thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế của mình như một quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền. Và qua từng bước đi khó nhọc, Việt Nam đã tiến tới làm bạn với cả thế giới, sau khi được những bạn bè yêu mến mình chìa bàn tay sẻ chia, giúp đỡ.
Chiến tranh dù kéo dài bao lâu, thì hòa bình vẫn dài hơn chiến tranh. Đã có những thế hệ người Việt sinh ra không biết đến chiến tranh. Với những ai từng sống trong chiến tranh, thì được sinh ra và sống trong hoà bình đã là niềm hạnh phúc. Dù là một niềm hạnh phúc chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn. Khi Bác Hồ nói: “ “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, thì ta phải hiểu niềm ham muốn ấy đặt trên cả hai vế của một câu đầy đủ ngữ nghĩa: “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”. Vị thế của nước Việt Nam mới chỉ có thể được xác lập, khẳng định và củng cố một khi “nước ta được hoàn toàn độc lập” và “dân ta được hoàn toàn tự do”. Phải nhiều triệu người Việt hy sinh, nước ta mới được hoàn toàn độc lập. Nhưng để gìn giữ nền độc lập, để bảo vệ toàn vẹn và vững chắc chủ quyền quốc gia, thì cuộc đấu tranh cho những mục tiêu ấy chưa bao giờ ngưng nghỉ. Thế giới ngày nay đã phức tạp hơn rất nhiều, dù gọi nó là “thế giới phẳng” thì thế giới cũng chỉ “phẳng” theo những kênh nhất định, và “gập ghềnh” trong rất nhiều kênh khác, trong đó có “kênh” độc lập và chủ quyền quốc gia. Nhất là với những nước đang phát triển như Việt Nam. Ngày trước, biển Đông chưa bao giờ thành vấn đề nóng, còn bây giờ, biển Đông đã không còn yên tĩnh. Khi Bác Hồ gắn liền Độc lập với Tự do là Bác đã tiên đoán cho chúng ta một chân lý: chỉ có thực sự Tự do mới giữ gìn bảo vệ được Độc lập thực sự. Khi người công dân thực sự tự do là khi họ có ý thức về mình và về cộng đồng, ý thức về cá nhân và Tổ quốc. Nhưng để “dân ta được hoàn toàn tự do” thì đây không phải là chuyện chiến tranh hay đổ máu, mà là chuyện của dân sinh, dân khí, dân trí và dân chủ. Chuyện của khát khao Đổi Mới, khát khao đưa đất nước vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mục tiêu mà Bác Hồ đã đặt ra và toàn dân Việt Nam đang phấn đấu.
Những gì chúng ta đã làm để đưa nền kinh tế Việt Nam vào quĩ đạo phát triển của kinh tế thị trường hội nhập là rất lớn. Nhưng chưa đủ. Kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát triển bền vững, chưa huy động được sức mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng. Việc hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân phá sản, cơn “ cuồng mê bất động sản” dẫn tới nợ xấu ngân hàng và “đóng băng” vốn tín dụng đã khiến nền kinh tế có lúc rơi vào trạng thái chao đảo. Với hàng loạt các biện pháp nhằm tháo gỡ và khắc phục, chính phủ đã tạo được những yếu tố cân bằng cần thiết cho sự lành mạnh hóa nền kinh tế, và đó có thể coi là một thắng lợi sau những thời điểm nguy hiểm. Nhưng để kinh tế có thể phát triển một cách bình ổn, nhằm góp phần giữ vững sự ổn định và tránh phụ thuộc về chính trị là cả một con đường dài đầy gian khổ phía trước. Trong đó, vấn đề miếng cơm manh áo, vấn đề đời sống người dân phải được đặc biệt quan tâm.
Ở đây, ta còn phải hiểu sâu thêm câu nói của Bác Hồ: “Làm sao…đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” Bây giờ, nghe câu ấy, chắc có người sẽ nói: “Thì đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc rồi cả thôi. Ai thiếu đói đã có nhà nước cứu trợ, đã có cộng đồng giúp đỡ. Còn tất cả những ai trong độ tuổi đi học đều có cơ hội tới trường đó thôi.” Mới nghe câu giải thích gọn ghẽ ấy, cứ tưởng mọi điều đã êm xuôi, không còn gì phải bàn cãi nữa. Nhưng nếu chúng ta cập nhật “ham muốn tột bậc” của Bác Hồ vào thời đương đại này, ta sẽ thấy câu nói ấy hàm nghĩa xa sâu hơn rất nhiều. Khi Bác Hồ ham muốn: “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc” thì ham muốn ấy không đặt định những giới hạn cụ thể nào. Khi ta đói, được ăn một bát cơm ghế khoai ghế sắn đã là no, là tốt rồi. Chúng ta đã từng bao lần ao ước những bữa cơm no giản dị như thế trong chiến tranh. Nhưng để mọi người dân Việt được ăn thường xuyên những bữa cơm đầy đủ chất, có thịt có cá ở thời hội nhập kinh tế toàn cầu này, thì đó vẫn nằm trong “ham muốn tột bậc” của Bác Hồ. Và khi mỗi người Việt đều được no ấm như thế, chính là lúc vị thế của nước Việt Nam được nâng cao trên thế giới. Và để cố gắng đạt tới điều ấy, thì ai cũng thấy, nó chẳng hề đơn giản. Chúng ta vẫn còn hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng, hàng triệu người già không được chăm sóc đầy đủ, và nhiều triệu người lao động hưởng những bữa ăn thiếu chất, thậm chí mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và năng suất lao động. Chỉ riêng vấn đề bữa ăn thôi, nếu không giải quyết được cho người dân, thì cũng chưa thể nói tới “dân ta được hoàn toàn tự do” đâu! Dù tự do không chỉ nằm trong vấn đề cái ăn hay cái mặc. Chỉ số tăng trưởng(GDP) là hết sức quan trọng đối với một quốc gia đang phát triển. Nhưng chỉ số hạnh phúc(chỉ số Better Life-Cuộc sống tốt hơn) lại là thước đo cuộc sống thường ngày của mỗi người dân, mỗi gia đình, và của cả một dân tộc. Có những quốc gia chưa phải đã giàu, nhưng người dân ở đó cảm thấy hạnh phúc, một niềm hạnh phúc bình dị, dễ sẻ chia, dễ thông cảm, hoà hợp với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Cuộc Cách mạng tháng Tám đã đặt ra và giải quyết từng bước một vấn đề lớn của nông thôn và nông dân Việt Nam là “Người cày có ruộng”. Nhưng bây giờ, trước sự chuyển đổi của nền kinh tế và tiến trình đô thị hóa nhiều khi khắc nghiệt, rất nhiều nông dân lại phải bỏ ruộng, ly hương ra thành phố kiếm việc làm. Và cũng rất nhiều nông dân bị mất đất do sự bùng phát của “địa ốc đứng lên”. Thủ Thiêm là một ví dụ sinh động và rất đau lòng về chuyện “địa ốc đứng lên, quê hương tan rã” này.
Còn về chuyện học hành của con em chúng ta, thì không chỉ “được đi học” là đủ, mà còn là “được học thế nào” thì mới có thể xoa tay mà nói là chúng ta đã thực hiện được “ham muốn tột bậc” của Bác Hồ. Hàng triệu trẻ em Việt Nam vẫn đi học trong điều kiện rất thiếu thốn, từ thiếu vật chất trường ốc tới thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức. Chất lượng giáo dục của chúng ta vẫn ở hàng rất thấp so với những nước phát triển, dù hàng năm chúng ta thường có những học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi Olympic quốc tế. Vừa rồi, khi khảo sát về chất lượng giáo dục và lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông, đoàn đại biểu Quốc hội phụ trách chuyên ngành giáo dục đã nhận định “Chương trình-sách giáo khoa ở các bậc học phổ thông Việt Nam là quá nặng nề, vừa thừa vừa thiếu, nặng về lý thuyết ít thực tế và khả dụng, nhẹ về thực hành và rèn luyện kỹ năng.” Với một chương trình học như thế, với sách giáo khoa như thế, học sinh sẽ thiếu những nền tảng cơ bản về kiến thức và kỹ năng, đồng thời thiếu sáng tạo. Học như thế sau này sẽ đưa học sinh vào tình trạng “dở thầy dở thợ” với kiến thức chắp vá và lóng ngóng về mọi kỹ năng trực tiếp, những kỹ năng họ bắt buộc phải sử dụng hàng ngày trong công việc và cả trong cuộc sống. Điều đó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các em khi đi vào đời và kiếm việc làm. Vậy thì, ham muốn tột bậc của Bác Hồ: “ai cũng được hành” vẫn còn là một ước mơ xa tầm của nền giáo dục Việt Nam.
Càng nghĩ, càng thấy độ sâu thẳm những câu nói giản dị của Bác Hồ. Độc lập, tự do, cơm ăn áo mặc, học hành-đó là tất cả những điều kiện cần cho một nước Việt Nam phát triển, cho nhân dân Việt Nam tiến tới một đời sống hạnh phúc. Nhưng để biến những điều kiện cần ấy thành những điều kiện đủ, thì lại rất cần những tư duy mới, những con người biết vì dân vì nước, rất cần những quyết sách đúng đắn và kịp thời, hợp thời, và đưa những quyết sách hợp lòng dân ấy vào cuộc sống.
Nếu ngày Quốc khánh 2/9/1945 là “Ngày Thay đổi” thì đó vừa là sự thay đổi tức khắc vừa là sự thay đổi rất lâu dài, vừa cách mạng vừa tiệm tiến, cho tới bao giờ chúng ta đạt được mục tiêu của sự thay đổi. Đó là ngày mà con người Việt Nam có thể nhận chân tất cả giá trị làm người của mình, ngày của ý thức và sự bừng ngộ của tinh thần công dân.
Chính sự thức tỉnh tinh thần công dân Việt Nam là điểm đặc sắc nhất mà ngày Quốc khánh 2/9 mang lại cho dân tộc Việt, khiến nó trở thành “Ngày Thay đổi” với mỗi người dân Việt. Không có sự thức tỉnh của tinh thần công dân ấy, thì sẽ không có đêm 19/12/1946 bùng nổ toàn quốc kháng chiến, không có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ suốt 9 năm, không có cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm sau đó, và không có ngày 30/4/1975 Thống Nhất đất nước. Cũng không có hai cuộc chiến đấu khốc liệt bảo vệ biên giới Tổ quốc những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, không có một dải non sông đất nước mà hôm nay chúng ta đang làm chủ. Dù bị mất Hoàng Sa, nhưng những chiến sĩ Việt Nam với tinh thần công dân yêu nước đã chiến đấu tới giọt máu cuối cùng để bảo vệ nó. Với Trường Sa, nếu không có tinh thần công dân xả thân vì Tổ quốc như các chiến sĩ ở Gạc Ma đã thể hiện, thì làm sao chúng ta giữ được Trường Sa như hôm nay chúng ta đang gìn giữ ?
Ngày Quốc khánh 2/9 phải là ngày thức tỉnh, nâng dậy tinh thần công dân yêu nước ở mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu, và phải là ngày người Việt Nam tự thấy mình có trách nhiệm với đất nước, một trách nhiệm cụ thể, máu thịt, chứ không phải những lời nói suông. Một khi tinh thần công dân được nâng dậy, ý thức công dân được phát huy, thì vị thế nước Việt Nam cũng được nâng cao lên.
Và chỉ như thế, thì ngày Độc Lập mới thực sự là một Ngày Thay Đổi.
Thanh Thảo