Ngày mưa dầm đầu xuân, tôi như bay trên dòng sông mịt mờ sương khói, dòng sông ấy qua cửa THÔNG LINH rồi EGO-NGƯỜI dần dần hiện ra những đảo nhỏ, những hòn núi lớn và trên đó là những bức chạm khắc phù điêu lung linh như trong đình làng Việt Nam cổ.
Tôi thấy những mặt cười, những mặt khóc, móp méo biến dạng đầy biểu cảm.
Ở đây vô số những khuôn mặt người hỷ – nộ – ái – ố được chạm khắc bằng những nhát đục biến ảo mềm mại uyển chuyển , tựa như được vuốt ve bằng những run rẩy của tiềm thức.
Những khuôn mặt người rất sinh động mang đầy những tâm trạng những cơ thể tạo hình có chất siêu thực mang những hình hài của các bộ phận sinh sản nhưng không hề dung tục mà nó như đang hội ngộ vào cuộc dấn thân hết mình mang tính hiến dâng cho một nỗi đau vật vã trong sinh sôi.
Ta như đứng trước cuộc sống tâm thức mang hơi hướng tâm linh đông đúc và chật chội cổ xưa tràn về trong lặng lẽ tạo lập một nỗi mênh mang cô đơn trong tâm thức cá nhân người chiêm ngưỡng.
Điều lạ là ở đây ,trên những bước chạm khắc Ta thấy sư run rẩy của gỗ, của đá được truyền bằng cảm xúc triền miên như những con sóng vô hình lan tận vô bờ của mặt nước mênh mông , của nguồn nước không bao giờ cạn.
Hiện lên một đời sống tâm tưởng như được hiển thị từ cõi vô cùng được kết nối , tạo dựng bằng những tạo hình gợi cảm .
Những tác phẩm tượng mang giấc mơ có hình hài siêu thực đó chính là điều hấp dẫn ta đó chính là sự dẫn dắt ta đến với một niềm tâm linh một sự khắc khoải của sự trăn trở mà người làm tượng đã gieo vào tác phẩm của mình.
Sức cuốn hút từ các tác phẩm như có một từ trường thật mềm mại nhưng khó cưỡng với những con tim biết thổn thức , biết đồng cảm trước mỗi số phận con ngừoi của kiếp ngừoi, của những ước vọng hòa mình trong nhân thế.
Như nước , thật mềm mại mà mạnh mẽ và thực sự ngọt lành với những khát khao của những tâm hồn ngừoi đi trong sa mạc.
Sự mềm mại như những lớp sóng dồn lên, bật lên những thét gào bản thể nhân sinh.
Tôi đến, chúng ta đến với thế giới tựong , thế giới nhân sinh đang vật mình tìm hạnh phúc, bỏ qua hết những hư danh tước hiệu , những học hàm học vị mà đời ban tặng cho nhau.
Bởi với tôi, nhiều người trong cuộc đời này đeo dán trên mặt nhiều thứ học hàm, học vị giáo sư , tiến sỹ như lớp son phấn làm hàng mà trái tim thì đã chết lâm sàng trứoc nỗi đau, trứoc hòan cảnh, trứoc thế thái nhân tình.
Ở đây chúng ta thấy một con người với sự truyền tải cảm xúc của ông hấp dẫn người khác bằng sự kết nối trái tim thẳng đến với trái tim chứ không bằng những thứ đã bị lạm dụng thành sự dối trá của cuộc đời.
Lớn hơn cả là trái tim của ngừoi nghệ sỹ đã ngân lên những rung cảm dẫn dắt , thu hút những trái tim của con người, của đồng lọai đến với Thế giới nội tâm khát khao vươn tới điều tốt đẹp hơn thể hiện qua dòng tranh tượng ở triển lãm này của Ngô Xuân Bính.
Tràn đầy nội lực và những điều muốn nói, muốn tâm sự với cuộc đời.
Tôi nhớ ở triển lãm trước của ông , tôi đã lang thang trong sự quằn quại , sự run rẩy đến từng mạch máu của các nhân vật trong tranh và đồng cảm với nỗi khát khao cổ đại như từ ngàn năm hang động trỗi dậy trở về thời hiện tại.
mối quan tâm, mối giao tình của cảm xúc trong ông thật rộng, thật sâu theo chiều sâu chiều rộng của lịch sử lòai ngừoi.
Hòan tòan không phải cách nói, cách khai thác của một sử gia mà ở đây là thông điệp là hòai vọng về tâm thế đau thưong của con ngừoi từ cổ chí kim bằng ngôn ngữ tạo hình đầy biến chuyển.
Cách trao gửi tình cảm ,suy nghĩ , vốn sống ,vốn kiến thức của ông là mạch năng lựong như sóng tràn bờ không ngưng nghỉ với số và lượng tác phẩm tranh tượng đáng nể.
Gạt qua một bên những xăm soi về học thuật, những đánh giá tìm tòi về nguồn gốc suy tư để gọi tên , để đặt tên cho trường phái thể hiện các tác phẩm, người ta bằng trái tim sẽ gặp gỡ được với một trái tim khỏe mạnh giàu có tràn đầy năng lượng sống và suy nghĩ thấm đẫm nhân văn của Nghệ sỹ, Võ sư Ngô Xuân Bính.
Chúc ông có nhiều sức khỏe và nhiều năng lượng sống hơn nữa đễ tiếp tục những triển lãm thông tuệ và thông linh cho cuộc đời.
Nguyễn Thịnh (VHVN)